Cụ thể, Cơ quan Giám sát chống độc quyền của Liên minh châu Âu đã điều tra trong hai năm (bắt đầu từ tháng 7/2015) và phát hiện ra quãng thời gian trên,
Qualcomm đã trả hàng tỷ USD cho Apple để trở thành nhà cung cấp chip xử lý độc quyền trên iPhone, iPad. Theo các tài liệu thu thập được, Apple đã có ý định chuyển sang sử dụng chip của hãng khác nhưng cuối cùng vẫn dùng chip Qualcomm.
Nếu không phản kháng, Qualcomm phải đối mặt với mức phạt tương đương 10% doanh thu hàng năm, tức khoảng 2 tỷ USD. Đây sẽ là "đòn đau" giáng lên công ty có trụ sở tại San Diego (California, Mỹ), bởi 2 tỷ không phải là số tiền nhỏ. Thậm chí, các chuyên gia cho rằng hãng có thể phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng.
Theo 9to5mac, mặc dù vụ việc có liên quan đến Apple vì đã "thông đồng" với Qualcomm, nhưng nó lại thúc đẩy các vụ kiện chống độc quyền của cả hai ở nhiều thị trường trên thế giới.
Từ Mỹ cho tới Trung Quốc, Apple đã luôn cáo buộc công ty chip có những chiến lược "khó hiểu", ép hãng chấp nhận mức phí "trên trời" và đòi hàng tỷ USD tiền đền bù.
Qualcomm cũng không chịu nhượng bộ khi đổ lỗi cho Apple khơi mào các cuộc tấn công pháp lý và yêu cầu cấm bán tất cả iPhone đang dùng chip Qualcomm.
Sau năm 2016, Apple đã không còn phụ thuộc hoàn toàn khi một phần iPhone 7 và iPhone 7 Plus chuyển sang sử dụng chip của Intel. Tuy nhiên, chip mới được cho là có tốc độ mạng thấp hơn so với của Qualcomm. Mới đây, một số tin đồn còn cho biết Apple sẽ áp dụng hoàn toàn chip của Intel và MediaTek cho các sản phẩm của hãng trong tương lai.
Trước kết quả điều tra của Cơ quan Giám sát chống độc quyền, Qualcomm cho biết "rất không đồng tình" và khẳng định sẽ kháng án lên Tòa án Tối cao của Liên minh châu Âu. Trong khi đó, Apple chưa đưa ra bình luận nào.