Quá sớm để nói về tương lai của bảo hiểm bảo lãnh

(ĐTCK) Là sản phẩm rất phổ biến ở châu Á như Hàn Quốc, Singapore, tuy nhiên, tại Việt Nam, sản phẩm bảo hiểm bảo lãnh vẫn còn quá mới mẻ. Một phần do khách hàng mới chỉ quen với hình thức bảo lãnh ngân hàng, mặt khác do thiếu quy định pháp lý cho nghiệp vụ bảo hiểm này.
Bảo hiểm bảo lãnh sẽ là sản phẩm chủ lực của BIC

Việc Nghị định 68/2014/NĐ-CP có hiệu lực từ 25/8/2014 bổ sung nghiệp vụ bảo hiểm bảo lãnh trong danh mục nghiệp vụ bảo hiểm phi nhân thọ có thể xem là một tín hiệu tốt, tạo cơ sở pháp lý rõ ràng để các doanh nghiệp triển khai nghiệp vụ này; đồng thời sẽ là tiền đề để thực hiện mục tiêu đa dạng hóa sản phẩm bảo hiểm trong Chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm giai đoạn 2011 - 2020 của Bộ Tài chính.

Tương tự như hình thức bảo lãnh tín dụng của ngân hàng, bảo hiểm bảo lãnh là nghiệp vụ mà công ty bảo hiểm (bên bảo lãnh) dùng năng lực tài chính, uy tín của mình cam kết bằng văn bản với bên có quyền (bên nhận bảo lãnh) về việc bạn hàng của họ (bên được bảo lãnh) sẽ thực hiện đúng các nghĩa vụ theo hợp đồng, nếu không, công ty bảo hiểm sẽ thực hiện nghĩa vụ tài chính thay cho khách hàng.

Trong trường hợp công ty bảo hiểm thực hiện nghĩa vụ thay cho khách hàng thì khách hàng phải nhận nợ và hoàn trả cho công ty bảo hiểm số tiền đã trả thay. Bảo hiểm bảo lãnh phát triển, khách hàng cũng có thêm một lựa chọn về sản phẩm với chi phi phí hợp lý, mức ký quỹ và tài sản bảo đảm thấp…

Có thể nói, sản phẩm bảo hiểm bảo lãnh vẫn còn quá mới mẻ tại Việt Nam. Thị trường cũng mới ghi nhận một vài công ty bảo hiểm đầu tiên thực hiện một số dịch vụ bảo lãnh và đều là bảo lãnh cho nhà thầu nước ngoài. Các doanh nghiệp bảo hiểm này cũng dựa vào sự hỗ trợ từ phía công ty tái bảo hiểm là chủ yếu, chứ chưa có đội ngũ cán bộ chuyên sâu về nghiệp vụ này.

Hiện chưa có thống kê cụ thể về doanh thu của bảo hiểm bảo lãnh, nhưng nhìn chung, bảo hiểm bảo lãnh mới chỉ chiếm vị trí vô cùng khiêm tốn.

Theo Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, doanh thu quý I/2014 của cả mảng bảo hiểm rủi ro tín dụng và tài sản chỉ chiếm 0,29% doanh thu toàn ngành, trong đó, bảo hiểm bảo lãnh chỉ là một phần của mảng bảo hiểm này.

Năm 2013, doanh thu của cả mảng bảo hiểm rủi ro tín dụng và tài chính cũng chỉ chiếm 0,21% doanh thu của ngành. Thị trường bảo hiểm Việt Nam hiện đang có khoảng 9 - 10 công ty bảo hiểm triển khai bảo hiểm rủi ro tín dụng và tài chính, trong số những công ty bảo hiểm trên cũng chưa đến phân nửa đã triển khai bảo hiểm bảo lãnh.

Các chuyên gia trong ngành cho rằng, nguyên nhân khách quan dẫn đến tình trạng này là hiện nay các  chủ dự án hiện tại ở Việt Nam vẫn chỉ quen với bảo lãnh ngân hàng, chưa có thói quen chấp thuận bảo hiểm bảo lãnh, do sự tin tưởng vào tiềm lực tài chính của ngân hàng, sự hiểu biết và quan hệ chặt chẽ giữa nhà băng - nhà thầu và trước đó lĩnh vực này chưa được luật hóa cụ thể. Nhưng cũng có một nguyên nhân quan trọng khác thuộc về chủ quan doanh nghiệp bảo hiểm, đó là bảo hiểm bảo lãnh là một nghiệp vụ đặc biệt, cần có chuyên gia trong lĩnh vực này mới có thể cung cấp sản phẩm, trong khi đó hiện nay không nhiều doanh nghiệp bảo hiểm có chuyên gia giỏi về lĩnh vực này.

Các doanh nghiệp bảo hiểm cũng hy vọng, cùng với việc bổ sung quy định bảo hiểm bảo lãnh là một nghiệp vụ bảo hiểm phi nhân thọ sẽ là động lực mới cho các doanh nghiệp dấn thân triển khai mạnh hơn sản phẩm này.

Theo tìm hiểu của ĐTCK, ngoài một vài doanh nghiệp lớn đã triển khai sản phẩm này, tới đây, cũng sẽ có thêm một số doanh nghiệp tham gia. Đại diện Bảo hiểm BIC cho biết, thời gian tới, cùng với việc đẩy mạnh các dòng sản phẩm bảo hiểm rủi ro tài chính và tín dụng khác, bảo hiểm bảo lãnh cũng sẽ là sản phẩm chủ lực, tạo nên sự khác biệt của thương hiệu BIC.

Tuy nhiên, như đã nói, vì đây là một nghiệp vụ khó nên dù cơ sở pháp lý đã rõ ràng thì sản phẩm này cũng khó triển khai đại trà, mà chỉ những doanh nghiệp có đủ năng lực tài chính cũng như mối quan hệ với các nhà tái lớn mới có thể triển khai sản phẩm này.    

Ngọc Lan

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục