Quá lớn để không thể vỡ nợ

Cụm từ này có lẽ đã khá quen thuộc nhờ cuộc khủng hoảng tài chính Mỹ khi Chính phủ Mỹ giang tay cứu giúp những đại gia trong ngành tài chính như AIG, Citibank… khỏi cơn ác mộng mang tên vỡ nợ. Bất chấp không ít sự phản đối của chính người dân nước này, chính sách trên đã trở thành một phần của Cơ quan Bảo hiểm tiền gửi Liên bang Mỹ (FDIC) khi giải quyết rất nhiều vụ sụp đổ ngân hàng.
Nhiều tập đoàn lớn đã sa đa vào việc đầu tư tràn lan sang nhiều lĩnh vực khác, đặc biệt là tài chính. Nhiều tập đoàn lớn đã sa đa vào việc đầu tư tràn lan sang nhiều lĩnh vực khác, đặc biệt là tài chính.

Vụ vỡ nợ của một ngân hàng lớn luôn đặt những nhà điều hành vào một tình huống khó xử. Bởi nếu nó xuất hiện sẽ dẫn tới sự đổ vỡ tài chính nghiêm trọng, gây tổn thất cho những người gửi tiền và một loạt tổ chức khác trên thị trường tài chính. Chính vì lẽ đó,  FDIC luôn nỗ lực tối đa để cứu vớt những đại gia này bằng phương pháp "mua và nắm quyền kiểm soát" sau khi đã cấp những số vốn cực lớn mà bản thân các ngân hàng này không xứng đáng được hưởng.

Nhưng chính điều đó đã làm gia tăng vấn đề rủi ro đạo đức, mà cụ thể là các ngân hàng lớn biết rằng, dù có gặp rất nhiều rủi ro cũng luôn có một bàn tay nâng đỡ, nên tiếp tục đầu tư bừa bãi, lơ là quản lý…, gây những tổn thất âm ỉ nhưng khổng lồ cho nền kinh tế.

Điều mà người dân Mỹ phản ứng mạnh nhất có lẽ về mặt biểu hiện của chính sách này - đó là sự thiếu công bằng. Kẻ mạnh luôn được nâng đỡ, còn những kẻ yếu phải phấn đấu không ngừng để tồn tại phát triển, vì nếu có "chết" cũng "chẳng ai thương".

Khi nói đến "too big" trong nền kinh tế nước ta, chắc chắn mọi người đều nghĩ ngay đến các tập đoàn nhà nước. Tại phiên họp thứ 18 của Uỷ ban Thường vụ quốc hội, các đại biểu đã bàn đến việc: Khi kích cầu tiêu dùng, giải pháp luôn luôn đi kèm là phải đảm bảo quản lý thị trường và giá cả, đồng thời phải đảm bảo hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp chủ chốt. Thực ra, hai vế "phải đảm bảo quản lý thị trường và giá cả" và "đảm bảo hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp chủ chốt" trong rất nhiều trường hợp dẫn đến những lựa chọn mâu thuẫn nhau trong điều hành chính sách. Chẳng hạn, việc Chính phủ tăng giá điện sẽ hỗ trợ cho Tập đoàn Điện lực, nhưng điều này lại mâu thuẫn với việc đảm bảo một mặt bằng giá hợp lý trong điều kiện khủng hoảng, thắt chặt chi tiêu.

Nhiều ý kiến cho rằng, biện pháp bảo đảm sự khoẻ mạnh của các tập đoàn này cũng là một dạng của "too big to fail". Cũng giống như lý do của FDIC, rõ ràng ở Việt Nam các tập đoàn lớn của nhà nước được coi là xương sống của nền kinh tế, công cụ quan trọng để điều tiết vĩ mô, nó cần phải được bảo vệ. Nhưng cũng vì lẽ đó, chúng ta cũng gặp phải vấn đề y hệt với nước Mỹ, đó là việc các tập đoàn này đầu tư tràn lan sang nhiều lĩnh vực khác, đặc biệt là tài chính, mà hầu hết là kém hiệu quả, gây thất thoát tài sản nhà nước. Hiện tại, do phải nếm bài học thất bại hoặc do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế nên tạm thời vấn đề này lắng xuống, nhưng không có gì đảm bảo rằng, các tập đoàn không tiếp tục gây ra những rủi ro đạo đức trong tương lai nếu vẫn còn được "bảo hộ" quá lớn.

Hoàng Oanh
Hoàng Oanh