QE3 khơi nỗi lo chiến tranh tiền tệ

(ĐTCK) Các nhà giao dịch tiền tệ đang nhanh chóng chuyển tài sản tới các nước được coi là có ít khả năng làm yếu đồng tiền của họ hơn. Những động thái này diễn ra trong bối cảnh có những lo ngại rằng, gói nới lỏng định lượng mới nhất của Mỹ (QE3) có thể khơi mào cho những “cuộc chiến tiền tệ”.
QE3 khơi nỗi lo chiến tranh tiền tệ

Các nhà quản lỹ quỹ đang xem xét lại các danh mục đầu tư của họ với suy nghĩ rằng, gói QE3 của Fed – Quỹ Dự trữ liên bang Mỹ sẽ làm yếu đồng đô la Mỹ và kích thích các thị trường mới nổi làm điều tương tự. Điều đó làm đau đầu các ngân hàng trung ương với nỗi lo về những tác động của việc đồng bản địa tăng giá đến nền kinh tế của họ, dẫn họ đến khả năng sẽ tiến hành can thiệp trên thực tế.

Một số nhà đầu tư đang phân luồng lại dòng tiền của mình theo hướng tập trung vào các nước có đồng tiền vốn đã giảm nhiều, như Ấn Độ hay Nga, hoặc các nước có ngân hàng trung ương “ôn hoà”, như Mexico - những nước không có lịch sử can thiệp thường xuyên vào thị trường ngoại hối.

Những đồng tiền mà ngân hàng trung ương của chúng đã can thiệp, hoặc đe doạ can thiệp khi gói QE3 bắt đầu làm yếu đồng đô la thì các nhà đầu tư tránh xa. Đồng koruna của Séc đang giảm giá mạnh nhất so với đồng đô la kể từ khi gói QE3 được tung ra, theo một danh mục mở rộng các đồng tiền chính của Bloomberg. Thống đốc Ngân hàng Trung ương Séc đã tăng triển vọng can thiệp thị trường ngoại hối như một công cụ để kích thích nền kinh tế nước này.

Đồng real của Brazil cũng yếu hơn trong hai tuần qua sau khi Bộ trưởng tài chính Guido Mantega khẳng định, Chính phủ sẽ bảo vệ đồng real khỏi bất cứ cuộc chiến tiền tệ mới nào nảy sinh từ động thái của Fed.

Ngay cả đồng yên của Nhật cũng yếu hơn so với đồng đô la sau động thái của Fed, dù đã tăng trở lại sau khi Ngân hàng trung ương Nhật (BoJ) bổ sung chương trình mua trái phiếu cuối tuần trước.

Ban tiền tệ của Baring Asset Management và Amundi đang thoái bớt đồng real của Brazil, đồng tiền mà ngân hàng trung ương nước này muốn giữ nó ở mức 1 ăn 0,5 đô la, thế vào đó là đồng peso của Mexico, nơi ngân hàng trung ương cho biết họ hài lòng với việc đồng tiền của mình cao giá hơn.

James Kwok, trưởng bộ phận quản lý tiền tệ của Amundi nói: “ Mexico là một đồng tiền của thị trường mới nổi mà nhiều nhà quản lý tiền ưa thích, bởi họ tin rằng, ngân hàng trung ương nước này sẽ không can thiệp. Đồng đô la Singapore và đồng rouble của Nga cũng là những ứng cử viên sáng giá”.

Ông Kwok cũng bày tỏ lo ngại về một sự can thiệp quy mô lớn từ Tokyo có thể xảy ra sau khi BoJ thất bại trong việc làm yếu đồng yên trong tháng này. Kwok đang lảng tránh đồng yên.

Can thiệp tiền tệ khiến các nhà đầu tư ngoại hối ngày càng lo lắng, nhiều người đang “soi” lại lịch sử can thiệp tiền tệ của các ngân hàng trung ương trước khi quyết định có đầu tư hay không.

“Chúng tôi chắc chắn sẽ đưa rủi ro can thiệp vào các hạch toán khi đầu tư vào một đồng tiền nào đó”, Dagmar Dvorak, giám đốc khối thu nhập cố định và tiền tệ của Barings nói. “Ở châu Á, rủi ro can thiệp tiền tệ khá cao. Chúng tôi tiếp tục đầu tư vào đồng đô la Singapore , nhưng vẫn cảnh giác với các đồng tiền còn lại của khu vực này”.

Các nhà đầu tư khác đang lựa chọn những đồng tiền đã yếu đi một cách cơ bản trong năm nay. Clive Dennis, trưởng bộ phận kinh doanh tiền tệ của Schroders, chia sẻ: “Nga và Ấn Độ có những đồng tiền vốn đã thấp giá hơn so với năm ngoái, nên rủi ro can thiệp ít hơn. Tôi thích nắm giữ những đồng tiền như vậy trong một môi trường có gói QE3”.

Một vài đồng tiền đang mạnh lên do sự kết hợp giữa hành động của Fed và các nhân tố trong nước. Chẳng hạn, trong khi Ngân hàng trung ương Ấn Độ không cho thấy khả năng sẽ can thiệp để ngăn chặn bất kỳ sự leo giá nào của đồng rupee, đồng tiền này cũng được giao dịch nhiều trong tháng này do có một gói cải cách của chính phủ Ấn Độ nhằm kích thích kinh tế.

Tuy nhiên, một số nhà đầu tư tin rằng, ảnh hưởng của gói QE3 có thể thấp hơn trong giai đoạn hiện nay. Những nhà đầu tư này cho rằng, các ngân hàng trung ương tại các thị trường mới nổi đang đối diện với một quyết định khó khăn: nên làm yếu đồng tiền để trợ giúp xuất khẩu và kích thích tăng trưởng, hay để cho chúng mạnh lên nhằm bù đắp cho những tác động của việc tăng giá thực phẩm.


Quang Huy (báo chí nước ngoài)

Tin cùng chuyên mục