Qatar: Thị trường khí đốt tự nhiên sẽ không ổn định những năm tới

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Theo Bộ trưởng Năng lượng Qatar, thị trường khí đốt tự nhiên có thể biến động giằng co theo chiều hướng tăng trong vài năm tới, vì vẫn còn quá ít nguồn cung để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng.
Qatar: Thị trường khí đốt tự nhiên sẽ không ổn định những năm tới

Saad al-Kaabi, Bộ trưởng Năng lượng Qatar cho biết tại một hội nghị của Hội đồng Đại Tây Dương ở Abu Dhabi: “Tình hình sẽ có nhiều biến động trong thời gian tới. Chúng tôi đang cung cấp rất nhiều khí đốt cho thị trường, nhưng vẫn chưa đủ”.

Ông cho biết, mùa Đông tới có thể khó khăn đối với những người tiêu dùng khí đốt ở Bắc bán cầu, vì họ có thể sẽ phải vật lộn để bổ sung các kho dự trữ của mình trước thời điểm đó do không có dòng chảy khí đốt từ Nga.

Giá khí đốt đã tăng vọt sau khi xung đột giữa Nga và Ukraine leo thang vào tháng 2 năm ngoái và Nga cắt nguồn cung khí đốt qua đường ống cho châu Âu. Giá khí đốt sau đó đã giảm đáng kể từ giữa năm 2022 khi các nền kinh tế tăng trưởng chậm lại và châu Âu tăng cường nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng, bao gồm cả từ Qatar. Một mùa Đông ấm hơn bình thường ở châu Âu cũng đã góp phần hạ nhiệt giá khí đốt.

Tuy nhiên, giá khí đốt vẫn cao hơn nhiều so với mức trung bình trong lịch sử và có thể tăng trở lại nếu nền kinh tế Trung Quốc mở cửa trở lại khiến nước này tăng mua khí đốt. Châu Âu cũng có thể phải lấp đầy kho dự trữ của mình trong mùa hè với hầu như không có bất kỳ dòng chảy nào từ Nga.

Ông Saad al-Kaabi cho biết, giá cao đang gây thiệt hại cho người tiêu dùng.

“Thách thức lớn nhất mà chúng tôi phải đối mặt với tư cách là nhà sản xuất là sự phá hủy nhu cầu và có sự phá hủy nhu cầu đối với cả khí đốt và dầu mỏ”, ông cho biết.

Qatar - quốc gia đang cạnh tranh với Mỹ để trở thành nhà xuất khẩu LNG hàng đầu thế giới - đang đầu tư khoảng 45 tỷ USD để tăng sản lượng lên gần 60%. Nhưng dự án đó sẽ chưa hoàn thiện cho đến năm 2027.

Ông Saad al-Kaabi cho biết, Qatar sẽ ký thêm nhiều thỏa thuận trong năm nay với người tiêu dùng về khí đốt mới. Vào tháng 11/2022, Qatar đã thực hiện các thỏa thuận để cung cấp một phần cho Đức và Trung Quốc trong nhiều năm.

Ngoài ra, Qatar cũng sẽ ký kết thỏa thuận bao tiêu đối với LNG ở Mỹ vào năm 2023. Qatar hiện đang sở hữu 70% cổ phần của cảng xuất khẩu Golden Pass ở Sabine Pass, Texas.

Hạc Hiên
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục