"Chúng tôi có các quỹ đầu tư quốc gia với tổng tài sản tương đương 250% GDP. Chúng tôi còn có dự trữ tại Ngân hàng Trung ương Qatar và các khoản khác nữa", Bộ trưởng Tài chính Qatar - Ali Sharif al-Emadi cho biết trên The Times.
Ông so sánh nước mình với Saudi Arabia, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Bahrain và Ai Cập - các quốc gia đã đóng cửa biên giới với Qatar, cho rằng nền tảng kinh tế của nước mình còn tốt hơn họ. Dù các hãng xếp hạng tín nhiệm hạ triển vọng tài chính của Qatar, Doha vẫn còn tốt hơn đối thủ.
"Trái phiếu Bahrain và Ai Cập vẫn còn ở mức rác (dưới mức có thể đầu tư).
Còn Saudi Arabia, họ vẫn đang gặp rắc rối tài chính. Chúng tôi là quốc gia phát triển nhanh nhất trong khu vực, nhanh hơn 40% so với UAE - nước gần nhất trong Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh", ông nói.
Căng thẳng ngoại giao của Qatar và các nước láng giềng đang ngày càng leo thang. Tuần này, Qatar đã từ chối đáp ứng 13 yêu cầu từ các nước này để gỡ bỏ các lệnh phong tỏa, như đóng cửa kênh truyền hình Al Jazeera và chấm dứt quan hệ với Iran cũng như các nhóm hồi giáo.
Dù vậy, ông Emadi dường như không mấy quan tâm đến việc này. Ông cho biết Qatar đã đa dạng hóa nền kinh tế sang dịch vụ. Và lĩnh vực này rất khó phong tỏa.
Quỹ đầu tư quốc gia của nước này - Qatar Investment Authority - hiện sở hữu rất nhiều bất động sản ở London, như Shard, Canary Wharf, Harrods và Olympic Village.
Ông cho biết tổng tài sản của quỹ này và các nguồn dự trữ khác hiện gấp 3 GDP cả nước. Bên cạnh đó, nếu phải chọn giữa UAE và Qatar, rất nhiều công ty sẽ chọn Qatar vì họ đã chứng minh cho thế giới thấy sẽ không để chính trị can thiệp vào việc kinh doanh.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia tài chính thì kém lạc quan hơn. Họ cho rằng Qatar vẫn sẽ phải đối mặt với nhiều vấn đề. Tuần trước, thế giới đột ngột thiếu tiền Qatar - đồng riyal. Nguyên nhân là Travelex - hãng dịch vụ ngoại hối của UAE ngừng bán tiền này trong thời gian ngắn.
Hãng đánh giá tín nhiệm Moody’s cũng hạ triển vọng Qatar vì lo ngại các lệnh phong tỏa của Vùng Vịnh sẽ khiến nhà đầu tư và du khách ít đến Qatar.
Tuy vậy, xếp hạng tín nhiệm của nước này vẫn được giữ nguyên, do "lượng tài sản ròng đáng kể mà chính phủ và người dân nắm giữ". Bên cạnh đó, nguy cơ bất ổn xã hội tại đây cũng khó xảy ra như phần lớn các nước Trung Đông khác, do thu nhập đầu người quá cao.
Cuộc chiến ngoại giao tại Vùng Vịnh vẫn chưa ngã ngũ. Giới quan sát đánh giá các lệnh trừng phạt có thể khiến cuộc sống của người Qatar đắt đỏ hơn, nhưng khó tác động đáng kể đến khối tài sản khổng lồ của họ.
4 nước trên đã đe dọa có thêm lệnh trừng phạt. Giới chức UAE cũng tuyên bố các đối tác thương mại sẽ phải chọn giữa Qatar và các nước còn lại trong khu vực.
Việc này sẽ khiến nhiều quốc gia khó xử, ví dụ như Anh - do phụ thuộc vào khí đốt và các khoản đầu tư từ Qatar.