Lỗ ròng 2.110 tỷ đồng năm 2013
Cuối tuần qua (14/2), báo cáo của Tổng CTCP Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC, mã PVX) đã được công bố, với doanh thu thuần hợp nhất 5.906 tỷ đồng, lỗ hợp nhất trước thuế 2.620 tỷ đồng, lỗ cổ đông công ty mẹ 2.110 tỷ đồng.
Con số này, chẳng liên quan gì đến con số lỗ hợp nhất 3.202 tỷ đồng đã công khai tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2013 và triển khai kế hoạch năm 2014 của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) ngày 15/1/2014.
Điều này có nghĩa là, nếu kết quả kinh doanh không có nhiều thay đổi trong báo cáo tài chính (BCTC) kiểm toán năm, thì cổ phiếu PVX của Tổng công ty cầm chắc khả năng thoát án hủy niêm yết, do chỉ lỗ 2 năm (năm 2011 đã được điều chỉnh hồi tố từ lỗ về lãi), và tổng mức lỗ lũy kế vẫn nhỏ hơn vốn điều lệ, vốn chủ sở hữu dương.
Kinh doanh đang dịch chuyển
Về kinh doanh, PVX cũng đang có những chuyển động, đáng chú ý là vào đầu tháng 12/2013, PVcomBank đã tư vấn thu xếp vốn thành công gần 800 triệu USD cho dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 cho Tập đoàn Dầu khí – Dự án PVC đang làm tổng thầu EPC, và bị chậm tiến độ năm 2012 do vướng trong công tác thu xếp vốn, thời gian đàm phán mở L/C kéo dài.
Như vậy, đến thời điểm này, lời hứa của lãnh đạo PVN – công ty mẹ của PVC về việc “bằng mọi cách vực dậy PVC, không thể để PVC chết được” tại cuộc họp ĐHCĐ thường niên năm 2013, diễn ra ngày 19/5/2013 có vẻ... đang trở thành sự thật, dù từ hứa đến thực hiện là một quãng đường không ngắn, và thực hiện có mang lại hiệu quả hay không thì cổ đông tiếp tục phải chờ!
Một khoản vốn tới 800 triệu USD đã được ngân hàng có "họ" dầu khí vừa ra mắt này thu xếp cho PVC
Mục tiêu này cũng được PVC triển khai với kết quả cụ thể. Trong báo cáo tổng kết năm 2013, PVC cho biết đã hoàn thành thi công và bàn giao nhiều dự án như: Dự án san lấp mặt bằng (giai đoạn 1&2) – Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn, Dự án tòa nhà trụ sở Agribank (Hà Nội), Topside và chân đế Dự án 5X Sư tử vàng Đông Bắc, Topside BK 17, Công trình chân đế Thăng Long, Cung cấp vật tư, chế tạo trong bờ, lắp đặt ngoài biển cho công trình Cửu Long JOC-02 (Vũng Tàu), Trung tâm cao đẳng nghề Bà Rịa - Vũng Tàu...
Và dở dang tái cấu trúc
Có 1 vấn đề liên quan đến PVC được quan tâm thời điểm họp ĐHCĐ thường niên năm 2013 và trong suốt năm vừa qua, đó là thực trạng khó khăn về tài chính của PVC.
Để giải quyết tình trạng này, tái cấu trúc toàn diện Tổng công ty, đặc biệt là giải quyết triệt để quan hệ tín dụng, bảo lãnh tín dụng của Tổng công ty mẹ với các đơn vị thành viên là điều được quan tâm.
Nhưng, đến hết năm 2013, các vấn đề này dường như vẫn còn đang trong lộ trình.
Cụ thể, theo đề án tái cấu trúc PVC đã được PVN phê duyệt tại Quyết định số 2034a/QĐ-DKVN ngày 20/9/2013 giai đoạn 2012-2015, thì PVC sẽ tiếp tục nắm giữ tối thiểu 51% vốn điều lệ các DN như: CTCP Xây lắp Dầu khí Miền Bắc (hình thành trên cơ sở hợp nhất/sáp nhập, tổ chức lại các công ty xây lắp khu vực miền Bắc), CTCP Xây lắp Dầu khí Miền Trung (trên cơ sở sáp nhập/hợp nhất/tổ chức lại các công ty xây lắp khu vực miền Trung), CTCP Xây lắp Dầu khí miền Nam (hình thành trên cơ sở hợp nhất/sáp nhập/tổ chức lại các công ty xây lắp khu vực miền Nam), CTCP Xây lắp Đường ống Bể chứa Dầu khí (PVC-PT), CTCP Kết cấu Kim loại và Lắp Dầu khí (PVC-MS) và CTCP Xi măng Dầu khí Nghệ An.
Đồng thời PVC cũng chủ trương không duy trì: PVC Land, PVC-Petroland, PVC-Phú Đạt, PVC-ME, PVC-HN, PVC Duyên Hải và các khoản đầu tư và công ty liên kết, đầu tư tài chính dài hạn khác.
Thế nhưng, trên thực tế là, tại thời điểm lập BCTC quý IV/2013, danh sách các công ty con, công ty thành viên, các khoản đầu tư dài hạn của PVC vẫn kéo dài... hàng trang giấy, bao gồm 15 công ty con, 8 công ty liên doanh, liên kết, 16 khoản đầu tư dài hạn vào các công ty khác nhau.
Câu chuyện tái cấu trúc hệ thống công ty thành viên không chỉ dừng lại ở việc rà soát danh mục đầu tư cho hiệu quả (vì không ít khoản đầu tư của PVC đến cuối năm 2013 đã phải trích lập dự phòng 100% giá trị đầu tư - tức mất hết vốn như: PVC Hà Nội, PVC Thanh Hóa, PVC-ME, PVC Land, PVC miền Trung, Xi măng Hạ Long...), mà còn liên quan đến nghĩa vụ tài chính tiềm tàng của PVC trong việc bảo lãnh các khoản vay của các công ty này.
Không có thuyết minh chi tiết thực trạng các khoản bảo lãnh thời điểm 31/12/2013, nhưng thời điểm 30/6/2013, PVC vẫn đang bảo lãnh 15 hợp đồng tín dụng của các đơn vị thành viên, với tổng số tiền hơn 725 tỷ đồng, trong đó hơn 545 tỷ đồng nợ vay đã quá hạn.
Điều đáng lưu ý hơn cả là, nhiều khoản vay của các doanh nghiệp mà PVC bảo lãnh lại là những doanh nghiệp đang được PVC hạch toán là mất hết vốn, tức vốn chủ sở hữu tối đa là về 0, nếu không đã bị âm, như PVC Sài Gòn gần 128 tỷ đồng, PVC-ME 66 tỷ đồng, PVC Hà Nội 182 tỷ đồng...
Và ẩn số Oceanbank
Không rõ, trong tổng số nghĩa vụ tài chính mà PVC đang có nguy cơ phải trả nợ thay các công ty thành viên, đến hết năm 2013, Tổng công ty đã thực hiện đến đâu, hạch toán như thế nào. Nhưng, những con số thống kê cũng cho thấy, nếu không đẩy nhanh tái cấu trúc hệ thống, con tàu PVC sẽ ngày một nặng nề hơn.
Nhưng, như thông tin đã được công bố tại PVC, đến thời điểm này, Tổng công ty vẫn trong giai đoạn "đã và đang đàm phán với OceanBank để hoán đổi cổ phiếu tại các đơn vị PVC-ME, PVC-HN, PVC-SG, PVC-TH, PVC-SSG... theo nguyên tắc rút gọn đầu mối, thu hồi vốn hoặc giảm trừ công nợ, công khai minh bạch; Xây dựng lộ trình, phương án thoái vốn, giải thể, sáp nhập các đơn vị PVC tham gia góp vốn đầu tư không nằm trong lĩnh vực ngành nghề hoạt động chính và hoạt động không có hiệu quả theo định hướng của Tập đoàn".
Điều này có nghĩa là, một trong những nút thắt quan trọng cho đề án này chính là Oceanbank.
Ngân hàng đặt chi nhánh tại trụ sở PVN sẽ tham gia sâu vào quá trình tái cấu trúc tài chính PVC?
Lần này, bước tái cấu trúc tiếp theo, một trong những nút thắt lại là Ocean Bank. Chưa rõ điều gì sẽ xảy ra, nhưng nếu không giải quyết sớm, triệt để, thì dù PVC có nỗ lực rất nhiều, hiệu quả kinh doanh cũng khó lòng bứt phá sớm được.