Riêng quý IV/2022, PVTrans ghi nhận doanh thu thuần đạt 2.438,7 tỷ đồng, tăng 17,2% so với cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu tăng doanh thu dịch vụ vận tải do giá cước tăng theo giá nhiên liệu, các tàu khai thác đủ chuyến và do được bổ sung từ các tàu đầu tư trong năm 2022. Giá vốn cũng tăng 14,4%, lên 2.000 tỷ đồng, nên lợi nhuận gộp doanh nghiệp đạt 438,3 tỷ đồng, tăng 33,5%.
Kỳ này, doanh thu tài chính của PVT tăng 37%, lên 88,34 tỷ đồng. Trong khi đó, các chi phí trong quý Công ty ghi nhận đều tăng, cụ thể: chi phí tài chính tăng 76%, lên 82 tỷ đồng; chi phí bán hàng tăng 131%, lên 5,1 tỷ đồng và chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 62%, lên 147,8 tỷ đồng.
Kết quả, Công ty lãi sau thuế hơn 276,4 tỷ đồng, tăng trưởng 16% so với quý IV/2021. Nguyên nhân giúp lợi nhuận tăng được Công ty cho rằng do tăng lợi nhuận từ hiệu quả khai thác các tàu đầu tư mới.
Tính chung cả năm 2022, PVTrans công bố doanh thu thuần đạt 9.047,5 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 1.160 tỷ đồng, lần lượt tăng trưởng 21,1% và 39% so với thực hiện năm 2021.
Năm 2022, Công ty đặt kế hoạch kinh doanh với doanh thu đạt 6.500 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 480 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc năm tài chính, PVTrans đã vượt 39% mục tiêu doanh thu và 141,7% mục tiêu lợi nhuận năm.
Tại thời điểm ngày 31/12/2022, tổng tài sản PVT đạt hơn 14.247 tỷ đồng, tăng 14% so với hồi đầu năm. PVT đang nắm giữ hơn 334,1 tỷ đồng tiền mặt và 1.587,9 tỷ đồng các khoản tương đương tiền. Đầu tư tài chính ngắn hạn tăng 44,3%, lên 2.583,6 tỷ đồng. Trong khi đó, các khoản phải thu ngắn hạn giảm 12,6%, xuống 1.290,6 tỷ đồng. Đặc biệt, chi phí xây dựng cơ bản tăng mạnh từ hơn 1,53 tỷ đồng, lên 138,19 tỷ đồng.
Nợ phải trả cũng tăng 12,6%, lên 6.228,5 tỷ đồng; riêng nợ vay ngắn hạn và dài hạn còn lần lượt 886,5 tỷ đồng và 2.798 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đạt 1.593 tỷ đồng. EPS đạt 2.661 đồng.
Tạm đóng cửa phiên giao dịch sáng ngày 31/01, cổ phiếu PVT đứng tại giá tham chiếu 20.900 đồng/CP.