90% đội tàu của PVTrans đã chinh phục thị trường quốc tế
Thành lập từ những năm 2002 với tầm nhìn trở thành mảnh ghép tiếp theo trong chuỗi ngành dầu khí của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam để vận chuyển dầu thô, dầu sản phẩm/hoá chất, khí hoá lỏng, vận chuyển hàng rời…để tạo thành chuỗi khép kín phục vụ hệ sinh thái ngành dầu khí tại Việt Nam.
Tuy nhiên, trải qua hơn 22 năm phát triển, PVTrans, mã PVT không những đảm bảo phục vụ việc vận chuyển hàng hoá/sản phẩm ngành dầu khí của Việt Nam, mà còn vươn mình ra thị trường quốc tế với 90% đội tàu đã và đang hoạt động hiệu quả tại các thị trường khó tính như Bắc Mỹ, châu Âu.
Ông Phạm Việt Anh, Chủ tịch HĐQT PVTrans đã chia sẻ về việc vươn mình ra thị trường khó tính như Bắc Mỹ, châu Âu: “Công ty xác định thị trường nội địa là nền tảng nhưng thị trường quốc tế là mục tiêu, vì vậy tất cả công tác về đầu tư đội tàu, xây dựng hệ thống quản trị, quản lý đều theo chuẩn quốc tế và tiếp cận ngay với tâm thế thị trường quốc tế từ khi thành thành lập. Do đó, sau hơn 22 năm hoạt động trên thị trường, PVTrans đã tích luỹ nhiều kinh nghiệm, bài học, nên đã có đủ tự tin để cạnh tranh sòng phẳng với các hãng tàu lớn trên thế giới tại các thị trường khó tính như Bắc Mỹ, châu Âu nhờ đã áp dụng chuẩn mực cao nhất trong quản trị, vận hành đội tàu, đáp ứng mọi yêu cầu khắt khe nhất của thị trường hàng hải ngày nay”.
Được biết, PVTrans là một trong số ít đơn vị trong Tập đoàn Dầu khí Việt Nam liên tục duy trì kết quả kinh doanh tăng trưởng nhiều năm, lợi nhuận năm sau tăng cao hơn năm trước và là một trong số ít doanh nghiệp dẫn đầu về hiệu quả sinh lời trên vốn đầu tư của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.
|
Thực tế, để duy trì kết quả kinh doanh lợi nhuận liên tục tăng trưởng kể từ năm 2012 tới nay, trong nhiều năm qua, Ban lãnh đạo PVTrans đã tận dụng mọi nguồn lực để đầu tư và trẻ hoá đội tàu khi giá mua tàu đang còn hợp lý, đồng thời kết hợp phương pháp khấu hao nhanh khi thị trường thuận lợi, vì vậy PVTrans đã sở hữu đội tàu với giá sổ sách thấp hơn nhiều giá thị trường và là bước đệm vững chắc cho Công ty tiếp tục đầu tư tàu mới, cũng như giai đoạn thị trường vận tải khó khăn.
Riêng trong tháng 10/2024, PVTrans tiếp tục nhận thêm tàu chở dầu sản phẩm MR - PVT Valencia với trọng tải lên tới 47.399 DWT (đóng năm 2008 tại Nhật Bản), nâng đội tàu lên 58 chiếc với tổng trọng tải đạt khoảng 1,7 triệu DWT và giữ vững danh hiệu đơn vị vận tải hàng lỏng số 1 tại Việt Nam (PVTrans đã đầu tư 6 tàu mới đa dạng về chủng loại và trọng tải, đáp ứng linh hoạt các yêu cầu vận tải khác nhau từ dầu sản phẩm, tàu hóa chất, tàu chở khí hóa lỏng (LPG) đến tàu hàng rời trong hơn 10 tháng đầu năm 2024).
Đến ngày 12/12/2024, PVTrans đã đón nhận thêm một tàu hàng rời, có trọng tải 57.300DWT, mang tên PVT Peridot (đóng năm 2013 tại Nhật Bản).
PVTrans đón đầu xu hướng phát triển cảng xanh tại Việt Nam
Không chỉ chinh phục thành công thị trường vận tải quốc tế, Ban lãnh đạo PVTrans còn thể hiện tầm nhìn chiến lược trong phát triển đội tàu với xu hướng chuyển đổi xanh, yêu cầu của thị trường ngày một khắt khe hơn và đặc biệt thị trường ưa thích các tàu có trọng tải ngày một lớn.
Cụ thể, theo thống kê của Cục Hàng hải Việt Nam, tổng trọng tải của các hãng tàu Việt Nam hiện nay khoảng hơn 11 triệu tấn DWT, đứng thứ tư trong khu vực Đông Nam Á, sau Singapore (tổng trọng tải 134 triệu tấn DWT), Indonesia và Malaysia.
|
Tàu PVT Peridot có trọng tải 57.300 DWT, tiếp nhận vào 12/12/2024 |
Tuy nhiên, cũng theo đánh giá của ông Phạm Việt Anh, tổng trọng tải của các hãng tàu Việt Nam không phải nhỏ so với các nước trong khu vực. Thay vào đó, chất lượng đội tàu là vấn đề khi hầu hết các tàu biển Việt Nam chủ yếu là tàu nhỏ, đã đầu tư quá lâu với công nghệ và máy móc lạc hậu nên không đáp ứng yêu cầu vận chuyển xanh, thân thiện môi trường ngày nay. Trong 600 doanh nghiệp vận tải biển thì chỉ có 33 doanh nghiệp sở hữu đội tàu có trọng tải trên 10.000 tấn DWT, vì vậy các hãng tàu Việt Nam đang gặp khó khi cạnh tranh với các hãng tàu trên thế giới và khu vực.
Thực tế, bên cạnh yêu cầu tàu với thân to, sức chở lớn, với yêu cầu phát triển xanh, phát triển bền vững, thị trường trong những năm qua đã và đang phát triển mô hình cảng xanh, điều này cũng đòi hỏi các hãng tàu khi tới các cảng xanh phải dùng các nguồn nguyên liệu sạch, sử dụng điện trên bờ thay vì máy phát.
Thêm nữa, mô hình cảng xanh cũng sẽ cung cấp các dịch vụ bốc xếp hàng hoá tự động, giảm thời gian chờ và có mô hình quản lý thông minh, khoa học hơn.
Được biết, xu hướng phát triển cảng xanh không chỉ trên thế giới mà đang còn được khuyến khích và đẩy mạnh tại Việt Nam, đặc biệt khu cảng Cái Mép - Thị Vải, vì vậy cũng mở ra cơ hội cho các hãng tàu tại Việt Nam.
“Phát triển cảng xanh không chỉ là xu hướng mà sẽ là bắt buộc ở Việt Nam trong tương lai”, ông Phạm Việt Anh nhận định.
Có thể thấy, so với các hãng tàu khác trong cả nước, PVTrans đã là hãng tàu đi đầu mở rộng thị trường sang các thị trường khắt khe nhất là Bắc Mỹ, châu Âu, vì vậy hãng tàu đã và tiếp tục đáp ứng mọi tiêu chuẩn khắt khe nhất trong lĩnh vực hàng hải và khi mà Việt Nam đẩy mạnh phát triển cảng xanh, đây tiếp tục là cơ hội cho PVTrans có thể đón đầu cơ hội này.