PVPower thoái hết vốn tại PVMachino: Kỳ vọng và nỗi lo

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sau khi Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam - CPCP (PVPower) công bố kế hoạch thoái toàn bộ 19,9 triệu cổ phiếu, tương ứng 51,58% vốn điều lệ tại Công ty cổ phần Máy - Thiết bị Dầu khí (PVMachino), cổ phiếu của hai công ty lập tức hút dòng tiền từ các nhà đầu tư.
PVPower cần khoảng 23.310 tỷ đồng để tài trợ cho kế hoạch xây dựng nhà máy mới. Ảnh: Dũng Minh PVPower cần khoảng 23.310 tỷ đồng để tài trợ cho kế hoạch xây dựng nhà máy mới. Ảnh: Dũng Minh

Kỳ vọng Bảo Việt Life và SHS sẽ tham gia đợt thoái vốn

Cổ phiếu PVM của PVMachino đã có 3 phiên tăng trần liên tiếp tính đến ngày 8/3/2021, với tổng mức tăng 35,9%, đạt 29.500 đồng/cổ phiếu. Trong cùng khoảng thời gian, cổ phiếu POW của PVPower có mức tăng 10,1%, lên 14.150 đồng/cổ phiếu. Giá 2 cổ phiếu này sau đó có một số phiên điều chỉnh, nhưng diễn biến tăng mạnh ngay sau thông tin PVPower sẽ thoái hết vốn tại PVMachino cho thấy, nhà đầu tư kỳ vọng đây sẽ là yếu tố tích cực đối với cả hai doanh nghiệp.

Được biết, PVMachino có 3 cổ đông lớn gồm PVPower sở hữu 51,58%, Tổng công ty Bảo Việt Nhân thọ (Bảo Việt Life) sở hữu 17,08%, Công ty Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS) sở hữu 10,61% vốn điều lệ.

Hội đồng quản trị PVMachino hiện có 5 người: ông Phạm Văn Hiệp (Chủ tịch HĐQT) và ông Nguyễn Minh Tuấn (thành viên HĐQT) là đại diện của PVPower; ông Nguyễn Tiến Hải (thành viên HĐQT) là đại diện của Bảo Việt Life); ông Vũ Đức Tiến (thành viên HĐQT) là đại diện của SHS; ông Lê Ngọc Sơn (thành viên HĐQT kiêm Giám đốc).

Nhiều nhà đầu tư kỳ vọng, nhóm cổ đông liên quan tới Bảo Việt Life và SHS có thể sẽ tham gia mua cổ phần PVMachino mà PVPower sẽ thoái vốn.

“Xung đột quan điểm giữa các nhóm cổ đông lớn tại Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) sau khi Nhà nước thoái vốn đã dẫn tới một giai đoạn dài doanh nghiệp gặp khó khăn trong triển khai các hoạt động kinh doanh, mãi tới khi một trong hai cổ đông lớn ra đi, doanh nghiệp mới có thể đẩy mạnh thực hiện các kế hoạch và dự án lớn. Bài học thoái vốn tại Vinaconex sẽ thôi thúc nhóm cổ đông lớn tại PVMachino mua thêm cổ phiếu, với trọng tâm là đạt tỷ lệ sở hữu chi phối để có quyền điều hành và quyết định các hoạt động của Công ty trong thời gian tới”, một nhà đầu tư nói.

Tính tới 31/12/2020, PVMachino có vốn điều lệ 386,4 tỷ đồng, sở hữu một số khu đất tại Đà Nẵng, Hải Phòng, Hà Nội.

Trong đó, khu đất tại 51 Phan Đăng Lưu, quận Hải Châu, Đà Nẵng có diện tích 1.806,8 m2, sử dụng làm mặt bằng kinh doanh; khu đất tại 53 Trần Phú, quận Hải Châu, Đà Nẵng có diện tích 281,8 m2, sử dụng làm văn phòng Công ty; khu đất tại số 44-2, cụm 4, phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội có diện tích 137,4 m2; khu đất tại số 12, phường Vĩnh Diệm, quận Lê Chân, Hải Phòng có diện tích 92,4 m2.

Bên cạnh đó, PVMachino đang đầu tư, khai thác cơ sở vật chất sẵn có và tài sản hình thành từ thu nợ như số 8 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội gồm một toà nhà mặt đường là nhà chuyên dùng thuê của Nhà nước có diện tích 1.202 m2; một toà nhà tự tạo phía trong có diện tích 223 m2; một khu đất tại huyện Đông Anh, Hà Nội có diện tích 2,36 ha, dự kiến tiếp tục cho thuê; một khu đất tại phường Khương Đình, quân Thanh Xuân, Hà Nội đang xin phép xây dựng công trình.

PVPower cần nguồn vốn lớn

Trong 3 năm gần đây, PVMachino hoạt động kinh doanh có lãi với tốc độ tăng trưởng lợi nhuận trung bình 20,5%/năm. Tỷ lệ hiệu quả sử dụng tài sản năm 2020 của PVMachino là 7,33%, trong khi tỷ lệ này tại PVPower là 4,01%.

Việc thoái vốn tại công ty con sẽ giúp PVPower ghi nhận thêm dòng tiền và lợi nhuận trong kỳ thoái vốn, điều này có thể hỗ trợ giá cổ phiếu. Nhưng áp lực lợi nhuận dự kiến xuất hiện trong các kỳ báo cáo sau đó và đặc biệt, diễn biến giá chứng khoán sẽ liên quan tới hoạt động kinh doanh của ngành cốt lõi.

Hiện tại, PVPower vận hành Nhà máy điện than Vũng Áng với công suất 1.200 MW và chuẩn bị đầu tư Nhà máy nhiệt điện khí Nhơn Trạch 3 & 4 với công suất 1.500 MW, tổng vốn đầu tư ước tính 33.300 tỷ đồng.

Theo Công ty Chứng khoán BSC, Nhà máy Nhơn Trạch 3 & 4 dự kiến khởi công trong quý II/2021 và bắt đầu vận hành năm 2024, dự án sẽ sử dụng 30% vốn chủ sở hữu và 70% vốn vay. PVPower cần khoảng 23.310 tỷ đồng để tài trợ cho kế hoạch xây dựng nhà máy mới.

Tính tới 31/12/2020, PVPower có 13.212,3 tỷ đồng tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn, chiếm 24,6% tổng tài sản. Trong khi đó, doanh nghiệp tiếp tục vận hành các nhà máy Cà Mau 1 & 2, Nhơn Trạch 1 & 2, Hủa Na, Vũng Áng 1, Đắk Đrinh. Chính vì vậy, huy động vốn sẽ là bài toán lớn trong năm 2021 và năm 2022 của PVPower.

Theo Nikkei Asia, Mitsubishi đã quyết định rút khỏi dự án Nhà máy nhiệt điện than Vĩnh Tân 3 ở Việt Nam trong bối cảnh quốc tế ngày càng lo ngại về biến đối khí hậu.

Trước đó, Ngân hàng HSBC tuyên bố rút khỏi dự án này. Được biết, trong tháng 7/2020, nhóm các quỹ đầu tư tại châu Âu (có quy mô quản lý tài sản 5.600 tỷ USD) đã thúc giục Mitsubishi và 7 công ty Nhật Bản khác rút khỏi dự án nhà máy nhiệt điện than ở Việt Nam với lý do không phù hợp với các mục tiêu và thời hạn của Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.

Các quỹ đầu tư ở châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc… dần quan tâm tới việc đầu tư vào các doanh nghiệp thân thiện với môi trường và hạn chế đầu tư vào các lĩnh vực gây ô nhiễm môi trường. Trong đó, nhiệt điện than đang là lĩnh vực mà nhiều nhà đầu tư tổ chức né tránh, thay vào đó, họ chọn đầu tư vào các lĩnh vực năng lượng sạch như điện gió, điện mặt trời.

Như vậy, PVPower nhiều khả năng phải trông chờ vào nguồn vốn trong nước, vì khó có thể huy động vốn từ các quỹ đầu tư tại các nước phát triển do đang vận hành Nhà máy nhiệt điện than Vũng Áng.

Bên cạnh đó, BSC nhìn nhận, PVPower hiện đối mặt với 3 thách thức lớn: một là, dư nợ ngoại tệ lớn để tài trợ cho nhà máy điện, trong khi tỷ giá dự báo tăng trong năm 2021; hai là, Chính phủ chủ trương phát triển các dự án năng lượng tái tạo nên dòng vốn có dấu hiệu chảy vào các dự án năng lượng sạch; ba là, giá khí và giá than tăng do nguồn cung trong nước hạn chế.

Vũ Duy Bắc

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục