PVOIL kỳ vọng hoàn thành kế hoạch lợi nhuận 400 tỷ đồng trong năm 2021

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Năm 2021, nếu diễn biến thị trường thuận lợi, PVOIL hoàn thành kế hoạch lợi nhuận sẽ cân nhắc kế hoạch chia cổ tức.
Ông Cao Hoài Dương, Chủ tịch HĐQT (phải) và ông Đoàn Văn Nhuộm, Tổng Giám đốc PVOIL (trái) chủ trì buổi gặp mặt Ông Cao Hoài Dương, Chủ tịch HĐQT (phải) và ông Đoàn Văn Nhuộm, Tổng Giám đốc PVOIL (trái) chủ trì buổi gặp mặt

Đó là chia sẻ của ông Cao Hoài Dương, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Dầu Việt Nam - CTCP (PVOIL, mã chứng khoán OIL: UPCoM) trong cuộc gặp gỡ với các cổ đông lớn, quỹ đầu tư, công ty chứng khoán trước thềm Đại hội đồng cổ đông thường niên 2021 sẽ diễn ra vào lúc 08g30 ngày 27/4/2021, theo hình thức Đại hội trực tuyến.

Nhìn lại năm 2020, tác động kép của dịch bệnh Covid-19 và suy giảm giá dầu đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của PVOIL. Doanh nghiệp đã thực hiện tốt công tác quản lý hàng tồn kho, điều hành nguồn hàng hợp lý để giảm thiểu thiệt hại mỗi khi giảm giá hàng tồn kho; kênh bán lẻ tiếp tục duy trì tốt sản lượng; bán hàng qua PVOIL Easy tăng trưởng mạnh mẽ bất chấp đại dịch.

Lãnh đạo PVOIL trao đổi, chia sẻ thông tin với các cổ đông lớn và nhà đầu tư

Lãnh đạo PVOIL trao đổi, chia sẻ thông tin với các cổ đông lớn và nhà đầu tư

Ngay khi dịch bệnh bùng phát, PVOIL đã nhanh chóng xây dựng các kịch bản ứng phó và các phương án tiết giảm chi phí tương ứng với từng kịch bản. Với chính sách “thắt lưng buộc bụng”, PVOIL tiết giảm tối đa chi phí; qua đó, giảm thiểu lỗ trong điều kiện kinh doanh không thuận lợi. Trong số các công ty con của PVOIL, bên cạnh các đơn vị có lợi nhuận âm, vẫn có những đơn vị kinh doanh có lãi.

Năm 2021, PVOIL xây dựng kế hoạch lợi nhuận trước thuế hợp nhất là 400 tỷ đồng. Trong quý I/2021, PVOIL đã tận dụng tốt các cơ hội thị trường để tối đa lợi nhuận. Mặc dù sản lượng kinh doanh chưa hoàn thành kế hoạch do các đợt bùng phát trở lại của dịch Covid-19, nhưng lợi nhuận trước thuế hợp nhất vẫn đạt 178 tỷ đồng, đạt 178% kế hoạch quý, tương đương 45% kế hoạch năm. PVOIL cũng phát triển thêm 12 cửa hàng xăng dầu mới, nâng tổng số cửa hàng trong toàn hệ thống lên 602 cửa hàng.

PVOIL tiếp tục phát huy lợi thế là đơn vị đầu tiên và duy nhất hiện nay ứng dụng giải pháp thanh toán mua xăng dầu không dùng tiền mặt bằng hình thức quét mã QR cài đặt trên điện thoại thông minh để thanh toán tại tất cả cửa hàng xăng dầu của PVOIL trên toàn quốc (chương trình PVOIL Easy), đạt sản lượng bình quân hơn 6,2 nghìn m3/tháng, tương đương sản lượng của 55 cửa hàng xăng dầu, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2020.

Đại diện nhà đầu tư đặt câu hỏi với Lãnh đạo PVOIL
Đại diện nhà đầu tư đặt câu hỏi với Lãnh đạo PVOIL

Sự phục hồi của giá cổ phiếu PVOIL đã giảm áp lực “gồng lỗ” của cổ đông và nhà đầu tư. Ở mặt bằng giá cổ phiếu hiện tại và chiến lược phát triển của PVOIL, ông Đoàn Văn Nhuộm, Tổng giám đốc PVOIL cho rằng, hoàn toàn có thể giữ cổ phiếu OIL vì lợi ích lâu dài. Nhìn từ góc độ giá trị tài sản, PVOIL đang sở hữu quỹ đất đáng kể gắn với 29 kho xăng dầu lớn nhỏ cùng hơn 600 cửa hàng xăng dầu trên toàn quốc và dự kiến còn tăng thêm từ 30 - 50 cửa hàng xăng dầu mỗi năm. Giá trị khối tài sản này vẫn “nở ra” đều đặn hàng năm. Ví dụ, khi PVOIL định giá lại tài sản để cổ phần hóa thì một công ty con của PVOIL là PVOIL miền Trung có giá trị doanh nghiệp tăng gấp 3,3 lần so với cách đây 10 năm.

Lãnh đạo PVOIL khẳng định, việc phát triển kênh bán lẻ là chiến lược quan trọng và nhất quán của doanh nghiệp. PVOIL kiên định mục tiêu đẩy mạnh phát triển cửa hàng xăng dầu nhằm gia tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh một cách bền vững; đồng thời, tạo ra khối tài sản có giá trị bền vững để có điều kiện thuận lợi chuyển đổi sang các lĩnh vực kinh doanh khác cũng như đa dạng hóa phương thức kinh doanh theo sự thay đổi của thị trường. Trong kế hoạch của mình, PVOIL đặt mục tiêu đạt số lượng 800 cửa hàng xăng dầu vào năm 2025.

Toàn cảnh buổi gặp mặt
Toàn cảnh buổi gặp mặt

Về công tác quyết toán cổ phần hóa, PVOIL đang tiếp tục theo dõi và tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng để xử lý những vướng mắc, khó khăn liên quan nhằm đẩy nhanh quá trình này. Hiện nay, công tác quyết toán cổ phần hóa PVOIL do Bộ Công thương chủ trì giải quyết.

Ngoài ra, các cổ đông lớn, nhà đầu tư cũng dành sự quan tâm đến nhiều vấn đề liên quan đến tình hình sản xuất kinh doanh hiện tại, kế hoạch trước mắt cũng như chiến lược lâu dài của PVOIL như: Chiến lược bán buôn, bán lẻ; tác động của việc sửa đổi Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu đến hoạt động của PVOIL; tác động của việc Nhà nước đẩy mạnh chống buôn lậu xăng dầu; công tác thoái vốn tại PETEC; kế hoạch thoái vốn Nhà nước tại PVOIL; tác động của xu hướng chuyển đổi năng lượng và xu hướng phát triển của ôtô điện đến hoạt động kinh doanh của PVOIL…

Ban Lãnh đạo PVOIL cũng khẳng định, Tổng công ty luôn theo dõi sát sao xu hướng chuyển đổi từ năng lượng hóa thạch sang năng lượng xanh, xu hướng phát triển xe ôtô điện trên thế giới cũng như Việt Nam để chủ động thích ứng với các biến đổi này với phương châm “hạn chế nguy và tận dụng cơ” nhằm đảm bảo sự phát triển lâu dài và bền vững của PVOIL.

Phát biểu kết thúc buổi gặp mặt, Chủ tịch HĐQT PVOIL Cao Hoài Dương trân trọng cảm ơn các cổ đông, các nhà đầu tư đã quan tâm, chia sẻ và ủng hộ cho hoạt động sản xuất kinh doanh của PVOIL trong thời gian qua; đặc biệt là năm 2020 bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19. Cùng với kết quả đạt được trong quý I/2021 và triển vọng thị trường thuận lợi hơn trong năm 2021, PVOIL hướng đến mục tiêu đạt kế hoạch lợi nhuận cả năm để có thể xem xét kế hoạch chia cổ tức năm 2021.

PVOIL sẽ tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên 2021 vào lúc 08g30 ngày 27/4/2021, hình thức Đại hội trực tuyến, xin mời cổ đông đăng nhập tham dự Đại hội theo hướng dẫn bên dưới:

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục