Mới đây, TAND tỉnh Hạ Long tỉnh Quảng Ninh giải quyết theo trình tự phúc thẩm vụ tranh chấp hợp đồng tín dụng liên quan Nhà máy điện Diesel 38 triệu USD.
Trong vụ án này, nguyên đơn là Agribank, bị đơn là Tổng công ty Công nghiệp Tàu thủy – SBIC và Công ty TNHH MTV Công nghiệp tàu thủy Cái Lân, công ty con của SBIC). Còn CTCP Xăng dầu dầu khí Cái Lân –PVOil Cái Lân là bên có quyền và nghĩa vụ liên quan.
Theo hồ sơ vụ việc, năm 2008, Công ty TNHH MTV Điện Cái Lân - Vinashin (đã giải thể, chuyển giao quyền, nghĩa vụ sang Công ty TNHH MTV Công nghiệp tàu thủy Cái Lân) vay vốn Agribank 32,5 tỷ đồng. Tài sản thế chấp gồm toàn bộ dây chuyền thiết bị nhà máy điện Cái Lân, Kho dầu FO…
Ngoài ra, năm 2006, Công ty Cái Lân còn vay vốn Công ty Tài chính TNHH MTV Công nghiệp Tàu thủy 120 tỷ đồng để xây dựng kho dầu FO. Đảm bảo cho khoản vay trên là kho dầu FO (tài sản hình thành từ vốn vay). Dư nợ tính đến năm 2020 là 66 tỷ đồng.
Trường hợp doanh nghiệp không trả được nợ sẽ phải xử lý tài sản đảm bảo trong đó có kho dầu FO.
Được biết, PVOil Cái Lân tiền thân là CTCP Xăng dầu Petro Viet Nam Vinashin được thành lập vào năm 2008 trên cơ sở thỏa thuận góp vốn của Công ty TNHH MTV Công nghiệp tàu thủy Cái Lân, Công ty TNHH MTV chế biến và kinh doanh sản phẩm dầu mỏ PDC và CTCP đầu tư Việt Long.
Năm 2008, Công ty Cái Lân đã bàn giao toàn bộ phần vốn góp là thiết bị kho dầu FO cho PVOil Cái Lân. Danh mục tài sản góp vốn gồm 2 bể thép trụ đứng, dung tích mỗi bể 5.000m3, nhà bơm dầu, trạm xuất dầu, nhà bơm nước chữa cháy, nhà văn phòng và hệ thống thiết bị công nghệ xuất nhập dầu.
Ngày 27/10/2011, Công ty Cái Lân chính thức ký hợp đồng góp vốn với PVOil Cái Lân góp toàn bộ tài sản thiết bị kho dầu FO. Tài sản trên được Công ty TNHH dịch vụ tài chính kế toán và kiểm toán AASC thẩm định giá, phát hành kèm theo chứng thư thẩm định giá và được ĐHĐCĐ PVOil Cái Lân thông qua tại Nghị quyết Hội đồng cổ đông ngày 18/12/2008.
Tổng giá trị của tài sản góp vốn kho dầu FO được xác định là 19,2 tỷ đồng. Sau khi trừ vào phần công nợ của Công ty Cái Lân với PVOil Cái Lân thì hiện tại giá trị phần vốn góp của Công ty Cái Lân là 16,91 tỷ đồng.
Theo PVOil Cái Lân, quá trình sản xuất kinh doanh từ năm 2011 đến nay, công ty đã đầu tư xây dựng mới 2 bể thép trụ đứng chứa dầu DO, dung tích mỗi bể 5000m3; cải tạo nâng cấp, thay đổi công năng 2 bể thép trụ đứng, dung tích mỗi bể 5.000m3 chứa dầu FO thành 1 bể chứa dầu DO và 1 bể chứa nguyên liệu xăng Ron92.
Công ty đầu tư xây dựng mới 3 bồn thép nằm ngang, mỗi bồn dung tích 75m3 chứa nguyên liệu cồn sinh học E100 và hệ thống thiết bị công nghệ pha chế xăng E5. Ngoài ra còn đầu tư xây dựng mới hệ thống công nghệ, thiết bị đồng bộ xuất nhập dầu DO, xăng E5; cải tạo mở rộng, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật, các công trình phụ trợ khác như nhà bơm dầu, trạm xuất dầu, đường bãi.
Tổng giá trị tài sản mà PVOil Cái Lân đã đầu tư xây dựng mới, cải tạo nâng cấp kho dầu FO là hơn 253,5 tỷ đồng.
Theo công ty, hiện tại, rất khó phân tách kho dầu FO ban đầu và phần mà công ty đã đầu tư mới và cải tạo để xử lý thi hành án. Ngoài ra, nếu xử lý tài sản thế chấp là kho dầu FO sẽ trực tiếp ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty và ảnh hưởng đến khoảng 130 doanh nghiệp hiện đang là khách hàng của công ty, làm giảm nguồn thu ngân sách của tỉnh và gây lãng phí vốn đầu tư của nhà nước.
Để xử lý tài sản trên, PVOil Cái Lân đề xuất phương án thay vì xử lý tài sản đảm bảo là kho dầu FO thì xử lý cổ phần của Công ty Cái Lân tại PVOil Cái Lân. Bên có quyền có thể nhận lại cổ phần của Công ty Cái Lân tại PVOil Cái Lân. Còn trong trường hợp phải xử lý tài sản là kho dầu FO thì số cổ phần của Công ty Cái Lân sẽ do PVOil Cái Lân tự giải quyết với Công ty Cái Lân.
Tuy nhiên, mới đây, phán quyết của tòa án chỉ đề cập về việc khi xử lý tài sản này thì ưu tiên thanh toán trước cho Công ty Tài chính MTV Công nghiệp Tàu thủy rồi đến ngân hàng.
Như vậy, việc xử lý tài sản thế chấp này sẽ phụ thuộc vào quy định pháp luật và thỏa thuận giữa các bên trong quá trình thi hành án sau này.