Nguồn tin của Báo Đầu tư Chứng khoán từ PVN cũng cho hay, phương án thoái vốn kể trên đang trong quá trình được PVN xem xét, chưa được phê duyệt chính thức.
Trước mắt, PVN sẽ giảm sở hữu tại PVI xuống dưới 20% vốn và đến năm 2020 sẽ thoái toàn bộ.
Theo phương án của PVI trình lên PVN, số vốn được thoái sẽ được phát hành cho cổ đông chiến lược nước ngoài. Hiện PVN sở hữu 35% vốn tại PVI.
Với lợi thế có cổ đông lớn là PVN, PVI gần như chiếm trọn thị phần ở mảng bảo hiểm dầu khí.
Ông Tuấn cho biết, nếu thực hiện thành công, Tập đoàn sẽ thu về một khoản tiền lớn, khoảng 2.400 tỷ đồng. Trước đó, sau khi hoàn tất phương án bán vốn nhà nước để cổ phần hóa, PVI đã nộp về cho Tập đoàn số tiền 2.200 tỷ đồng.
“Xét về hiệu quả, PVN đang ‘thắng lớn’ với khoản đầu tư vào PVI. Bởi giá trị khoản đầu tư ban đầu chỉ khoảng 300 tỷ đồng, nhưng đến nay, sau 10 năm, PVN dự kiến thu về tới 4.600 tỷ đồng sau khi hoàn tất việc thoái toàn bộ vốn. Đó là chưa tính đến các khoản thu ngân sách trong 20 năm qua cũng lên tới trên chục ngàn tỷ đồng”, ông Tuấn cho hay.
Theo chủ trương dài hạn thì đến năm 2020, PVN mới thoái toàn bộ vốn khỏi PVI, nhưng ngay từ lúc này, động thái thoái vốn xuống dưới 20% tại PVI đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của các doanh nghiệp bảo hiểm khác, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn, chiếm thị phần đáng kể ở mảng bảo hiểm tài sản kỹ thuật, bảo hiểm bán lẻ, nhưng muốn lấn sâu hơn ở mảng “bán buôn” như Bảo hiểm Bảo Việt, Bảo Minh, PJICO, PTI.
Về phần PVI, bên cạnh vị trí số 1 về thị phần bảo hiểm phi nhân thọ, Công ty còn là nhà bảo hiểm hàng đầu về bảo hiểm công nghiệp, trong đó có mảng dầu khí. Với lợi thế có cổ đông lớn là PVN, PVI gần như chiếm trọn thị phần ở mảng bảo hiểm dầu khí này.
Cũng bởi thế, việc thoái vốn của PVN tại PVI được kỳ vọng sẽ mang lại cơ hội cạnh tranh sòng phẳng hơn trên “sân chơi” bảo hiểm dầu khí.