Quý III/2009, việc thoái vốn của PVN tại các doanh nghiệp dầu khí niêm yết trên 2 sàn HOSE, HNX chưa thực hiện được. Xin ông cho biết chủ trương này sẽ được thực hiện ra sao trong quý IV tới?
Chiến lược của Tập đoàn đối với các đơn vị thành viên là giữ cổ phiếu tới mức chi phối, PVN vẫn nắm được những đơn vị sản xuất các mặt hàng chiến lược, có ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế. Mặt khác, PVN chủ trương bán bớt phần vốn của Tập đoàn tại các đơn vị này, với tỷ lệ PVN chỉ giữ tối đa 51%. TTCK phần nào khởi sắc trở lại, song chưa thực sự ổn định. Tập đoàn đã thực hiện thí điểm bán bớt vốn nhà nước tại Tổng CTCP Dung dịch khoan và Hóa phẩm dầu khí qua sàn niêm yết, nhưng tiến độ rất chậm. Vì vậy, chúng tôi đang chỉ đạo các đơn vị thành viên xem xét tìm cổ đông, đối tác chiến lược để thực hiện việc chuyển nhượng và tập trung bán theo hình thức đấu giá trực tiếp. Để tiến hành được việc này, cần chọn được cổ đông vì khối lượng cổ phần bán ra lớn, đồng thời nhà đầu tư phải đủ năng lực tài chính mới có thể tham gia.
Nhà đầu tư cũng quan tâm tới lượng hàng cổ phiếu dầu khí mới. Từ nay tới cuối năm sẽ có bao nhiêu doanh nghiệp ngành dầu khí lên sàn, thưa ông?
Trong cuộc họp tuần trước, Ban Đổi mới doanh nghiệp Tập đoàn đã yêu cầu tất cả doanh nghiệp thành viên đã cổ phần hóa, doanh nghiệp nào đủ điều kiện đều phải thực hiện niêm yết cổ phiếu trên sàn tập trung, chậm nhất vào ngày 15/12/2009. Dự kiến, từ nay đến cuối năm, khoảng 4 - 5 doanh nghiệp sẽ lên sàn. Những doanh nghiệp chưa đủ điều kiện sẽ đưa cổ phiếu giao dịch trên sàn UPCoM. Hiện tại, chúng tôi cho rằng, sự hỗ trợ của hai sở giao dịch chứng khoán với doanh nghiệp ngành dầu khí là rất tích cực, thủ tục nhanh gọn, việc đưa cổ phiếu niêm yết do vậy rất thuận lợi, quan trọng nhất là doanh nghiệp chuẩn bị hồ sơ đầy đủ.
Nguồn cung cho thị trường từ việc thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp ngành dầu khí thì sao?
Hiện tại, Tập đoàn đang triển khai các thủ tục xác định giá trị doanh nghiệp và xây dựng phương án cổ phần hóa Tổng công ty Khí. Đây là một tổng công ty chủ lực của PVN. Chúng tôi đã ký hợp đồng với công ty tư vấn để thực hiện việc xác định giá trị doanh nghiệp trong năm 2009 và sẽ tiến hành IPO vào cuối quý I, đầu quý II/2010. Riêng Tổng công ty Điện lực Dầu khí, do đang triển khai đầu tư nhiều dự án lớn, các dự án đã hoàn thành đang trong quá trình quyết toán vốn đầu tư, vì vậy thời điểm hiện tại chưa thuận lợi để cổ phần hóa cả Tổng công ty. Tập đoàn đã báo cáo Chính phủ và được thay đổi kế hoạch cổ phần hóa.
Một số doanh nghiệp ngành dầu khí đang xúc tiến kế hoạch niêm yết ở nước ngoài. Vậy thời điểm nào sẽ có doanh nghiệp đầu tiên lên sàn ngoại, thưa ông?
Niêm yết ở nước ngoài là chủ trương lớn của PVN, hiện một số đơn vị thành viên Tập đoàn đang triển khai tích cực. Tuy nhiên, do tình hình TTCK còn khó khăn, đồng thời yêu cầu, điều kiện niêm yết của các sở giao dịch chứng khoán nước ngoài khá ngặt nghèo. Do đó, nếu mọi việc thuận lợi, niêm yết cổ phiếu dầu khí trên sàn nước ngoài sẽ được thực hiện vào đầu năm 2010. Hình thức chủ yếu là phát hành thêm, chứ không thực hiện bán bớt phần vốn của PVN trong các doanh nghiệp thành viên tại nước ngoài.
Liên quan đến cổ phiếu dầu khí, thời gian vừa qua, một số thương vụ sáp nhập đã được thực hiện. Ông có thể cho biết hình thức chủ yếu để tiến hành sáp nhập các đơn vị?
Với sự phát triển nhanh của PVN, nhiều doanh nghiệp trực thuộc Tập đoàn và trực thuộc các đơn vị thành viên của Tập đoàn ra đời. Cũng có nhiều đơn vị có chức năng hoạt động giống nhau, sau thời gian hoạt động của các đơn vị này, PVN thấy rằng, cần phải cơ cấu lại các đơn vị vào những đầu mối tập trung với các đơn vị có tính chất hoạt động tương tự nhau nhằm tăng cường sức mạnh cạnh tranh trên thị trường cũng như giảm thiểu cạnh tranh nội bộ. Đến nay, việc cơ cấu lại các đơn vị đã cơ bản hoàn tất. Hầu hết các đơn vị có dự kiến tái cấu trúc đã được mua bán, sáp nhập. Hình thức chủ yếu qua chuyển nhượng phần vốn của các đơn vị cho nhau theo quy định.