PVN muốn giữ lại “con, cháu”

(ĐTCK) Theo Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí quốc gia Nguyễn Xuân Sơn, Tập đoàn sẽ trình Chính phủ phê duyệt sửa đổi, bổ sung phương án tái cơ cấu cho giai đoạn 2014 - 2015 và phê duyệt phương án sắp xếp tái cơ cấu cho giai đoạn sau 2015. 

Trong đó, PVN sẽ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, duy trì một số doanh nghiệp đối với Tập đoàn, cũng như đối với các đơn vị đang làm ăn hiệu quả, thuộc ngành nghề kinh doanh chính, có liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp cấp trên của PVGas và PVD. Tập đoàn này cũng đề xuất có ưu đãi giá khí cho Đạm Cà Mau.

Có 2 thách thức trong quá trình tái cơ cấu PVN. Thứ nhất, tại nhiều doanh nghiệp thành viên, bộ máy quản lý gián tiếp cồng kềnh, số lượng lãnh đạo lớn, không hợp lý, doanh nghiệp còn trông chờ và nhận được nhiều sự hỗ trợ của Tập đoàn trong việc cung cấp sản phẩm dịch vụ, mở rộng thị trường nhưng hiệu quả chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế. Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu thấp nếu so với ngay lãi suất ngân hàng, thậm chí một số đơn vị kinh doanh thua lỗ.

Thứ hai, liên quan đến công tác cổ phần hóa, vướng mắc lớn nhất của các doanh nghiệp dầu khí nằm ở chỗ: các doanh nghiệp đều có quy mô lớn, nhiều đặc thù, có doanh nghiệp chịu sự điều tiết về giá bán sản phẩm của Nhà nước nên thời gian chuẩn bị, tháo gỡ khó khăn trước cổ phần hóa thường kéo dài. Xung quanh chính sách hỗ trợ doanh nghiệp sau cổ phần hóa còn nhiều bất cập.

Cụ thể, Nhà nước chưa có quy định rõ ràng (ví dụ giá khí cho PVCFC và ưu đãi thuế cho BSR) nên thời gian kiến nghị, đề xuất kéo dài, đồng thời nếu không phê duyệt thì có thể nhìn thấy ngay doanh nghiệp sẽ thua lỗ sau cổ phần hóa. Ngoài ra, chi phí cho cổ phần hóa (tối đa 500 triệu đồng) là quá thấp, dẫn đến việc tìm đối tác, cổ đông chiến lược bị hạn chế. 

Phong Lan

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục