Diễn biến thuận lợi của Đại hội cũng bất ngờ so với những dự báo trước đó. Bởi lẽ, trong năm 2012, dù đạt kế hoạch chi trả cổ tức 15%, nhưng lợi nhuận của PVI chỉ đạt mức thấp so với cam kết của HĐQT trước cổ đông, do ảnh hưởng bởi một số khoản đầu tư không thành công, trong đó, có khoản đầu tư liên quan đến CTCK SME. Không những thế, năm 2013, PVI dự kiến giảm cổ tức từ 15% xuống còn 9%, được xem là mức thấp nhất của PVI kể từ khi cổ phần hóa.
Chỉ có một vài ý kiến thắc mắc của cổ đông sau khi ban chủ tọa liên tiếp đề nghị. Điều này cũng có nguyên nhân từ việc vài năm trở lại đây, PVI tăng vốn điều lệ với tốc độ chóng mặt từ việc bán cổ phần cho cổ đông chiến lược nước ngoài, lượng cổ phiếu trôi nổi trên thị trường chỉ chiếm tỷ lệ khiêm tốn.
Trả lời câu hỏi của ĐTCK về việc liệu tỷ lệ cổ tức 9% có được duy trì trong giai đoạn 2013 - 2016 khi PVI chịu ảnh hưởng bởi khoản lỗ kỹ thuật của công ty con mới thành lập là Bảo hiểm nhân thọ PVI Sunlife (do PVI góp 51% vốn), ông Bùi Vạn Thuận, Tổng giám đốc PVI cho biết, việc giảm cổ tức xuống còn 9% là do PVI sử dụng khoản lợi nhuận để lại đầu tư vào PVI Sun Life (510 tỷ đồng). Mức cổ tức này có thể sẽ được duy trì ở những năm kế tiếp, nhưng nếu tình hình kinh doanh khả quan hơn thì PVI sẽ trả cổ tức cao hơn. Năm 2013, ước doanh thu phí thu được từ PVI Sunlife khoảng 151 tỷ đồng và theo ông Thuận, Công ty sẽ hòa vốn trong 3 năm sau khi đi vào hoạt động, thay vì mất tới 5 năm như thông lệ.
Về việc rời khỏi rổ HNX 30, ông Thuận cũng khẳng định đó là điều hiển nhiên đối với DN sở hữu cơ cấu cổ đông nước ngoài lớn như PVI, hiện lên tới 49%. Nhưng ông Thuận cũng cho rằng, PVI đang là địa chỉ tin cậy của các nhà đầu tư dài hạn. Thực tế, các cổ đông chiến lược nước ngoài như Oman hay Talanx cũng không có ý kiến gì về việc trả cổ tức thấp, bởi họ hiểu PVI đang làm gì và đang đầu tư vào đâu, nhằm mang lại lợi ích lâu dài.