PVI: Các NĐT tổ chức ngại tăng vốn khi chưa rõ phương án

(ĐTCK-online) ĐHCĐ Tổng CTCP Bảo hiểm dầu khí Việt Nam (PVI) đã thông qua kế hoạch tăng vốn điều lệ lên từ 1.600 tỷ đồng lên 7.200 tỷ đồng khi nhận được sự đồng tình của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam và cổ đông chiến lược Oman (nắm tổng cộng gần 65% cổ phần).
PVI: Các NĐT tổ chức ngại tăng vốn khi chưa rõ phương án

Được biết trước đó, tại phần thảo luận, nhiều nhà đầu tư tổ chức đã bày tỏ sự quan ngại về việc tăng vốn này khi nó chưa được cụ thể hóa trong tờ trình cổ đông.

Nhiều nhà đầu tư tổ chức đề xuất, nên chi tiết hóa nội dung phương án tăng vốn khi đây là số vốn lớn, cần được xem xét, cân nhắc thấu đáo.

Quỹ VCBF cho rằng, do tại tờ trình đại hội không đưa ra phương án tăng vốn chi tiết cho từng giai đoạn nên đại hội chỉ nên thông qua chủ trương, còn phương án cụ thể thì cần được đưa ra xin ý kiến cổ đông sau đó qua văn bản hoặc họp đại hội bất thường, chứ không thể ủy quyền cho HĐQT.

Còn CTCK TP. HCM (HSC) thì nhấn mạnh, trong thời gian qua, việc tăng vốn của PVI đã quá nhanh với số vốn tăng thêm lớn, cộng với kế hoạch tăng vốn trong tương lai khiến cổ đông không khỏi quan ngại nên PVI cần đưa ra phương án cụ thể.

Về vấn đề này, ông Bùi Vạn Thuận, Tổng giám đốc PVI cho biết, việc tăng vốn của PVI sẽ được thông qua các hình thức như phát hành riêng lẻ, trái phiếu chuyển đổi..., nếu không nhanh thì việc tăng vốn khó thành công.

“Cổ đông có thể yên tâm vì việc tăng vốn được thực hiện trên cơ sở đảm bảo lợi ích của các bên. Thực tế trước đó, PVI cũng đã đảm bảo lợi ích của cổ đông hiện hữu khi tăng vốn thành công thông qua phát hành cho cổ đông chiến lược Oman với giá cao hơn hẳn  giá thị trường”, ông Thuận nói và cho biết thêm, ngay sau khi kết thúc đại hội, PVI sẽ chốt danh sách cổ đông chi trả cổ tức 15% bằng tiền mặt (trả nốt 7% đợt 2/2010 và tạm ứng 8% đợt 1/2011).

Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng vốn gắn liền với tái cấu trúc DN (chuyển đổi sang mô hình tập đoàn), ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT PVI cho biết, nhờ có tái cấu trúc mà hiện nay, PVI có vốn chủ sở hữu 3.600 tỷ đồng, tổng tài sản lên tới 6.000 tỷ đồng và nay cần được tái cấu trúc để phát huy hết nguồn lực và không bị “trói” bởi hành lang pháp lý khi lập thêm CTCP Quản lý quỹ PVI (PVI Fund).

Theo phương án tái cấu trúc, PVI vẫn giữ ngành nghề kinh doanh cốt lõi là bảo hiểm phi nhân thọ và mở rộng sang bảo hiểm nhân thọ khi lập thêm CTCP Bảo hiểm nhân thọ PVI (PVI Life), mở rộng thị trường bán lẻ; lập thêm CTCP Bệnh viện chuyên khoa công nghệ cao (trên cơ sở tiếp nhận Bệnh viện Dung Quất) nhằm phục vụ kế hoạch tăng cường quản lý rủi ro của Công ty vì Công ty bán các hợp đồng bảo hiểm cho con người và phương tiện giao thông.

Giải đáp thắc mắc của cổ đông về việc lượng tiền mặt tương đối lớn nhưng hiệu quả đầu tư còn thấp, ông Thuận cho hay, đánh giá cao hay thấp cần dựa trên tiêu chí cụ thể. “Kết quả cuối cùng chưa cao so với kỳ vọng của cổ đông, chứ không phải thấp đến mức phải thất vọng. Thực tế, trong năm qua, hầu hết các chỉ tiêu kinh doanh của PVI đều đạt và vượt kế hoạch do đại hội đề ra, các khoản lãi từ đầu tư của PVI là cao nhất trên thị trường bảo hiểm phi nhân thọ”, ông Thuận nói.

Trả lời cổ đông về hoạt động đầu tư, ông Thuận khẳng định, đến nay chưa có bất kỳ rủi ro nào trong đầu tư tài chính, PVI chỉ tập trung đầu tư dài hạn, nhằm đảm bảo tính thanh khoản cho hoạt động bảo hiểm, đặt mục tiêu an toàn lên hàng đầu, không quá chạy theo lợi nhuận và không có trái phiếu Vinashin nào.

Ông Thuận cũng cho biết thêm, khoản ủy thác đầu tư 814 tỷ đồng là của Ocean Bank ủy thác cho PVI nhưng do điều kiện thị trường không thuận lợi nên đã chấm dứt hợp đồng này. Còn khoản đầu tư tài chính 1.000 tỷ đồng là vào tòa nhà 26 tầng với 2 tầng hầm trên đường Nguyễn Phong Sắc, với diện tích mặt bằng 5.000 m2.

Được biết, quý I/2011, PVI đạt tổng doanh thu 1.400 tỷ đồng (hoàn thành 25,76% kế hoạch năm), lợi nhuận 106 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu bảo hiểm gốc đạt 1.125 tỷ đồng; doanh thu tái bảo hiểm đạt 136 tỷ đổng; doanh thu hoạt động tài chính đạt 135 tỷ đồng. Tỷ lệ bồi thường là 18,11%, thấp hơn mức bình quân chung của nhóm các doanh nghiệp bảo hiểm hàng đầu Việt Nam (23,11%).

Diệu Trang
Diệu Trang

Tin cùng chuyên mục