PVI AM bán PVR không thành

(ĐTCK) Tòa tuyên hủy hợp đồng chuyển nhượng, PVI AM ôm về hơn 4,3 triệu cổ phần PVR hiện đang được giao dịch vào thứ Sáu hàng tuần trên sàn UPCoM với giá khoảng 1.400-1.600 đồng/cổ phần.

CTCP Kinh doanh dịch vụ cao cấp dầu khí Việt Nam (mã cổ phiếu PVR) được thành lập năm 2006 với một loạt cổ đông sáng lập thuộc họ dầu khí gồm PVN, PVI, PVC, PVFC, PTSC...

Sau này, Công ty đổi tên thành CTCP Ðầu tư PVR Hà Nội.

Ban đầu, PVR niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), nhưng đến ngày 26/4/2017, HNX có quyết định hạn chế giao dịch đối với cổ phiếu PVR vì công ty kiểm toán từ chối đưa ra ý kiến đối với báo cáo tài chính năm 2016.

Cổ phiếu PVR chỉ được giao dịch vào phiên thứ Sáu hàng tuần. Hiện PVR đã được chuyển sang giao dịch tại thị trường  UPCoM.

Sự kiện này là một trong nhiều nguyên nhân dẫn đến tranh chấp mua bán cổ phiếu PVR giữa CTCP Quản lý quỹ PVI (PVI AM) và bà Khúc Thị Thanh Huyền.

Ðược biết, tháng 4/2016, bà  Huyền ký hợp đồng mua 4,35 triệu cổ phần PVR, tương đương 8,38% vốn điều lệ từ PVI AM. Hai bên thỏa thuận giá bán là 4.300 đồng/cổ phần, đặt cọc 10% (tương đương 1,87 tỷ đồng).

Bà Huyền thanh toán trả chậm trong vòng 18 tháng. Ðể được trả chậm, bà Huyền phải ký hợp đồng cầm cố 4,35 triệu cổ phần nói trên và hơn 10,6 triệu cổ phiếu PVR do CTCP Ðầu tư MHD Vina nắm giữ.

Do xảy ra tranh chấp, số cổ phần này chưa được sang tên cho bà Huyền. Khi sự việc chưa được giải quyết thì cổ phiếu PVR bị hạn chế giao dịch và tiếp đó là hủy niêm yết, rồi chuyển sàn.

Bà Huyền cho rằng, thỏa thuận giữa 2 bên về giao dịch chuyển nhượng cổ phiếu PVR trên sàn HNX không thể thực hiện được do lỗi của bên bán khi chậm trễ làm thủ tục sang tên.

Do đó, bà Huyền làm đơn khởi kiện đề nghị tòa án tuyên chấm dứt hợp đồng mua bán, buộc PVI AM trả lại cho bà Huyền số tiền đặt cọc.

Trong quá trình hai bên chưa giao dịch xong, CTCP Ðầu tư MHD Vina đã bán hơn 10 triệu cổ phiếu PVR cho ông Trần Ngọc Bẩy.

Vị này có biết về thỏa thuận giữa MHD Vina và bà Huyền, đồng thời đồng ý bảo lãnh cho hợp đồng mua bán giữa bà Huyền và PVI AM.

Về nguyên nhân chậm trễ sang tên, PVI AM giải thích, hai bên thỏa thuận thủ tục sang tên và cầm cố cổ phiếu sẽ được thực hiện song song.

PVI AM đã gửi hợp đồng cầm cố hơn 10 triệu cổ phiếu PVR cho bà Huyền ký và gửi lại hợp đồng, song điều khoản thay đổi.

Sự thay đổi này, theo PVI AM, là phi lý và trái thỏa thuận trước đó: Phạm vi bảo đảm chỉ bao gồm cổ phiếu cầm cố mà không bao gồm lợi tức, cổ tức, các quyền lợi ích phát sinh từ cổ phiếu, trong khi hợp đồng quy định bao gồm tất cả các quyền liên quan.

Hợp đồng cầm cố bà Huyền ký yêu cầu hai bên chia đôi chi phí đăng ký giao dịch bảo đảm. Hợp đồng này không có chữ ký của chủ sở hữu hơn 10 triệu cổ phiếu PVR là ông Trần Ngọc Bẩy.

Ông Bẩy thừa nhận có hứa sử dụng số cổ phiếu nói trên để đảm bảo nghĩa vụ thanh toán của bà Huyền, nhưng hợp đồng phải đúng pháp luật, phải được tham gia thương lượng các điều khoản trong hợp đồng.

Nhưng PVI AM cố tình soạn thảo chậm hợp đồng, đưa ra các điều khoản phi lý, nên hợp đồng cầm cố ba bên chưa được ký kết. Ðến nay, ông Bẩy không đồng ý cầm cố cổ phần nữa.

Tòa án cho rằng, hợp đồng chuyển nhượng giữa 2 bên có hiệu lực, bà Huyền có nghĩa vụ ký các hợp đồng cầm cố.

Ðiều kiện cầm cố được thỏa thuận trong hợp đồng chuyển nhượng: Cầm cố cổ phiếu và tất cả các quyền và lợi ích liên quan, bên mua chịu các chi phí đăng ký giao dịch bảo đảm.

Việc không thể ký hợp đồng cầm cố là lỗi của bà Huyền, nên tháng 11 vừa qua, tòa tuyên chấm dứt hợp đồng mua bán cổ phần và bên bán được hưởng toàn bộ số tiền đặt cọc.

Như vậy, PVI AM được hưởng hơn 1,8 tỷ đồng và tiếp tục giữ lại 4,35 triệu cổ phần PVR. Ðược biết, bà Huyền là cổ đông của PVR trong thời gian dài và hiện là Chủ tịch HÐQT PVR.

Ông Trần Ngọc Bẩy là thành viên HÐQT PVR.

PVR có vốn điều lệ 531 tỷ đồng, chủ yếu đầu tư phát triển các dự án bất động sản, đầu tư tài chính. PVR đang tham gia, triển khai một số dự án như dự án Khu du lịch quốc tế cao cấp Ba Vì, đầu tư một phần vào dự án số 9 Trần Thánh Tông (Hà Nội), thực hiện dự án CT10-11 Văn Phú (Hà Nội)...

Năm 2018, PVR không có doanh thu bán hàng, lỗ 5,2 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 55 tỷ đồng. Tài sản chủ yếu nằm ở hàng tồn kho với 692 tỷ đồng và đầu tư tài chính dài hạn bao gồm 248 tỷ đồng đầu tư vào các công ty con, công ty liên kết. Khoản tồn kho chủ yếu ở Dự án CT10-11 Văn Phú, Hà Ðông, Hà Nội.

Dự án đã thi công tháp CT10 đến tầng 9, tháp CT11 đến tầng 6 và đang phải tạm dừng thi công do sai sót pháp lý. Các khoản đầu tư vào công ty con, công ty liên kết không có hiệu quả.

Bùi Trang

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục