PVFCCo bước sang trang mới trong chặng đường phát triển

(ĐTCK) Sau 12 năm hình thành và phát triển, Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (PVFCCo, mã CK: DPM) đang tiến tới nấc thang phát triển mới bằng việc đẩy mạnh tái cơ cấu, tập trung triển khai một loạt dự án mới trong mảng phân bón và hóa chất. Nói như Tổng giám đốc PVFCCo, ông Cao Hoài Dương, Tổng công ty đang bước sang trang mới trong chặng đường phát triển.
PVFCCo bước sang trang mới trong chặng đường phát triển

Tái cơ cấu để nâng cao hiệu quả

Trong tháng 7/2015, 2 công ty con của PVFCCo là Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí Tây Nam Bộ và Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí Miền Trung được niêm yết trên Sở GDCK Hà Nội với các mã chứng khoán tương ứng là PSW và PCE.

Trước đó, CTCP Phân bón và Hóa chất Dầu khí Đông Nam Bộ đã niêm yết trên HNX vào tháng 3/2015 với mã PSE. Theo kế hoạch, các công ty con khác của PVFCCo là CTCP Phân bón và Hóa chất Dầu khí Miền Bắc (PVFCCo North), CTCP Bao bì Đạm Phú Mỹ (PVFCCo Packaging) dự kiến cũng sẽ lần lượt lên niêm yết trong quý III/2015.

Năm 2015, với việc niêm yết cổ phiếu của các công ty con, có thể coi như PVFCCo đã hoàn thành cơ bản kế hoạch tái cơ cấu đối với các đơn vị thành viên. Tuy nhiên, đây chỉ là một phần trong kế hoạch tái cơ cấu giai đoạn 2012 - 2015 được triển khai với mục tiêu nâng cao hiệu quả quản trị, điều hành và giám sát hoạt động sản xuất - kinh doanh của Tổng công ty và các đơn vị thành viên, tập trung vào lĩnh vực chính là phân bón - hóa chất, thoái vốn tại các đơn vị không gắn với lĩnh vực sản xuất - kinh doanh chính và bán các tài sản không phục vụ cho hoạt động sản xuất - kinh doanh chính, niêm yết cổ phiếu các công ty con trên TTCK. Kế hoạch tái cơ cấu toàn diện này bao gồm các lĩnh vực chính sau:

Về công tác quản trị, điều hành, PVFCCo tiến hành rà soát để tổ chức hợp lý các ban chức năng công ty mẹ, bộ máy kiểm toán và kiểm soát nội bộ; triển khai giai đoạn tiếp theo của hệ thống quản trị nguồn lực doanh nghiệp (ERP); xây dựng và áp dụng đề án cải tiến chính sách trả lương, thưởng bằng hệ thống thang bảng lương mới theo thị trường và chuẩn mực tiên tiến kèm theo hệ thống đánh giá kết quả công việc của nhân viên theo KPI.

Về công tác thoái vốn tại các doanh nghiệp và tài sản không liên quan đến lĩnh vực sản xuất - kinh doanh chính, PVFCCo đã thoái vốn xong tại 3 công ty có vốn góp và đang nỗ lực tìm các giải pháp để thực hiện thoái vốn trong năm 2015 và 2016 đối với vốn góp tại các công ty còn lại.

Về việc duy trì và niêm yết các công ty con, PVFCCo sẽ duy trì sở hữu vốn tại 4 công ty thành viên là các công ty kinh doanh phân phối phân bón, hóa chất.

Thực hiện thành công kế hoạch tái cơ cấu như trên sẽ giúp PVFCCo nâng cao hiệu quả sản xuất - kinh doanh và quản trị rủi ro, đồng thời Tổng công ty có thể tập trung nguồn lực vào lĩnh vực cốt lõi là sản xuất - kinh doanh phân bón, hóa chất trong giai đoạn tiếp theo.

Theo định hướng chiến lược, các công ty con của PVFCCo sẽ tập trung vào mảng kinh doanh các sản phẩm phân bón, hóa chất. Bên cạnh đó, theo khả năng và tình hình thị trường, các công ty tiến hành các hoạt động kinh doanh khác trong lĩnh vực phân bón, hóa chất nhằm gia tăng hiệu quả cho Công ty. Mặt khác, việc niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán đặt ra các yêu cầu cho các công ty con phải nâng cao năng lực cạnh tranh và đáp ứng các tiêu chuẩn quản trị của công ty niêm yết, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh chung của Tổng công ty.

Năm 2015, ngoài PSE (niêm yết tháng 3), PSW và PCE (niêm yết tháng 7), PVFCCo sẽ đưa nhiều công ty con khác lên niêm yết như PVFCCo North, PVFCCo Packaging... 

Tập trung bài toán tăng trưởng

Trải qua 12 năm xây dựng và phát triển, PVFCCo đã đạt được những kết quả ấn tượng trong sản xuất - kinh doanh. Tuy nhiên, nhìn vào kết quả hoạt động từ năm 2012 đến nay, Tổng công ty gặp một số khó khăn trong vấn đề duy trì tốc độ tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận. Vấn đề này đã được Ban lãnh đạo PVFCCo nhận thức thấu đáo.

Để giải quyết bài toán tăng trưởng, với quyết tâm đổi mới - sáng tạo, Ban lãnh đạo Tổng công ty đã tập trung mọi nguồn lực đẩy mạnh công tác nghiên cứu phát triển, đa dạng hóa sản phẩm, triển khai đầu tư các dự án trọng điểm thuộc lĩnh vực sản xuất phân bón, hóa chất, hóa dầu theo chiến lược phát triển đề ra.

Thực tế cho thấy, PVFCCo đang quyết liệt triển khai đúng và vượt tiến độ các dự án đầu tư trọng điểm. Tháng 6 vừa qua, PVFCCo và Liên danh các nhà thầu gồm Tập đoàn Technip, Thyssen Krupp và Tổng CTCP Dịch vụ kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC) đã ký kết Hợp đồng thiết kế, cung cấp vật tư thiết bị, thi công xây lắp và chạy thử Tổ hợp xưởng NH3 mở rộng - Nhà máy NPK Phú Mỹ.

Tổng mức đầu tư của Tổ hợp là gần 5.000 tỷ đồng, trong đó 70% là vốn vay và 30% là vốn của chủ đầu tư. Theo đó, Dự án xưởng NH3 mở rộng sẽ tăng công suất xưởng NH3 tại Nhà máy Đạm Phú Mỹ thêm 90.000 tấn/năm (từ 450.000 tấn/năm hiện tại lên 540.000 tấn/năm), sử dụng cùng công nghệ của Hãng Haldor Topsoe A/S (Đan Mạch).

Dự án Nhà máy NPK Phú Mỹ có công suất 250.000 tấn/năm là nhà máy đầu tiên tại Việt Nam sử dụng công nghệ hoá học của Hãng Incro SA (Tây Ban Nha) là công nghệ hiện đại nhất thế giới hiện nay để sản xuất ra phân bón NPK chất lượng cao, đảm bảo hàm lượng các nguyên tố đa, trung, vi lượng và phù hợp với các nhu cầu sinh trưởng của cây trồng ở từng vùng thổ nhưỡng.

Ông Cao Hoài Dương, Tổng giám đốc PVFCCo cho biết: “Việc PVFCCo đầu tư các công nghệ hiện đại nhất thế giới, sử dụng thiết bị tiên tiến có xuất xứ châu Âu, lựa chọn Liên danh nhà thầu là các tập đoàn, đơn vị có uy tín, dày dạn kinh nghiệm thực hiện nhiều dự án lớn trên toàn cầu sẽ đảm bảo cho Tổ hợp được hoàn thành đúng tiến độ, an toàn và cho ra các sản phẩm có chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Dự kiến, sau 26 tháng triển khai, Tổ hợp sẽ được vận hành thương mại vào quý II/2017, đưa PVFCCo lên một nấc thang phát triển mới. Bên cạnh đó, đây còn là một dự án minh chứng cho việc sử dụng nội lực trong ngành dầu khí để sản xuất phân bón chất lượng cao, phục vụ ngành nông nghiệp nước nhà”.

Trước đó, PVFCCo đã khởi công Dự án UFC85/Formaldehyde vào tháng 3/2014 và tới nay đã hoàn thành 75% tiến độ, dự kiến chính thức hoạt động trong tháng 11/2015. Dự án này có vốn đầu tư 400 tỷ đồng, công suất 7.000 tấn UFC85 và 13.000 tấn Formalin. UFC85/Formalin là phụ gia quan trọng trong quá trình sản xuất urê, giúp tăng độ cứng, bền và giảm mạt của sản phẩm, hiện tại trong nước chưa có nhà sản xuất nào, mà vẫn phải nhập khẩu. Theo PVFCCo, sản phẩm của dự án có thể đảm bảo tiêu thụ hết, cung cấp trực tiếp cho nhà máy sản xuất phân đạm và các khách hàng khác trong nước.

PVFCCo cho biết, khi các dự án mới này đi vào hoạt động sẽ đóng góp hơn 4.000 tỷ đồng doanh thu và 700 tỷ đồng lợi nhuận/năm.

Bên cạnh các dự án ngắn và trung hạn kể trên, PVFCCo còn triển khai nhiều dự án dài hạn, dự kiến sẽ đi vào hoạt động trong 7 - 10 năm tới. Một số dự án tiêu biểu có thể kể đến là: Dự án tổ hợp hoá dầu, công suất 1,2 triệu tấn/năm Methanol quy đổi, sử dụng nguyên liệu đầu vào là khí thiên nhiên mới được tìm thấy tại mỏ Cá voi xanh; Dự án Polystyren với công suất 300.000 tấn nhựa PS/năm từ nguyên liệu là Monostyren; Tổ hợp dự án Ammonia (NH3) + Ammonium Nitrate (NH4NO3).

Thành Nam
Đặc san 15 Năm TTCK

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục