Khó khăn bủa vây
Báo cáo tài chính quý III/2017 của Tổng CTCP Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí (PVD) cho thấy, doanh thu đạt 1.265 tỷ đồng, tăng 6,4% so với cùng kỳ 2016, nhưng giá vốn hàng bán tăng do PVD tăng số lượng giàn khoan hoạt động so với cùng kỳ, trong khi đơn giá cung cấp dịch vụ khoan thấp, nên lãi gộp giảm tới 57%, chỉ còn 93,6 tỷ đồng.
Sau khi ghi nhận thêm những khoản lỗ từ các đơn vị liên doanh, liên kết, cũng như trừ đi các khoản chi phí, PVD chịu lỗ 70 tỷ đồng trong trong kỳ, nâng mức lỗ ròng 9 tháng đầu năm lên 264 tỷ đồng, trong đó phần lỗ của cổ đông Công ty mẹ là 227,5 tỷ đồng.
Từ năm 2014 trở về trước, PVD là doanh nghiệp đầu ngành dầu khí, nắm giữ trên 50% thị phần trong lĩnh vực dịch vụ khoan và 55-100% thị phần tại nhóm các dịch vụ liên quan đến khoan dầu khí tại Việt Nam như kéo thả ống chống, Mud Logging, Slickline, kiểm định cơ khí…
Các chỉ tiêu như doanh thu, lợi nhuận, quy mô tài sản, nguồn vốn của PVD liên tục tăng trưởng qua các năm trong giai đoạn này. Kết thúc năm 2014, doanh thu và lợi nhuận ròng của PVD đạt đỉnh điểm, lần lượt là 20.884 tỷ đồng và 2.539 tỷ đồng, tổng tài sản vượt mức 1 tỷ USD.
Sau khi bán ròng mạnh khoảng 44 triệu cổ phiếu trong 9 tháng đầu năm 2017, từ phiên 25/9 đến phiên 2/11, khối ngoại trở lại mua ròng cổ phiếu PVD với 6,52 triệu đơn vị (tương đương 1,7% số lượng cổ phiếu lưu hành).
Tuy nhiên, mọi việc bắt đầu xấu đi kể từ đầu năm 2015 khi giá dầu thế giới bắt đầu đi vào xu hướng giảm. Việc giá dầu giảm mạnh khiến khách hàng mạnh tay cắt giảm chi tiêu, nhu cầu sử dụng giàn khoan theo đó giảm sút nghiêm trọng, đẩy hiệu suất sử dụng và giá cho thuê giàn khoan của PVD sụt giảm nghiêm trọng, kéo kết quả kinh doanh liên tục đi xuống và bắt đầu thua lỗ từ quý IV/2016 đến quý II/2017.
Trong quý III vừa qua, dù lợi nhuận sau thuế đã dương trở lại với 25 tỷ đồng, gấp 2,5 lần cùng kỳ 2016, song kết quả này chủ yếu nhờ khoản hoàn nhập dự phòng Quỹ Khoa học công nghệ lên đến hơn 140 tỷ đồng, cấn trừ với việc tăng trích dự phòng phải thu, trong khi hoạt động kinh doanh chính vẫn tiếp tục thua lỗ.
Bên cạnh kinh doanh sa sút, tình hình thu hồi nợ của PVD cũng gặp nhiều khó khăn. Tính đến 30/9/2017, PVD đã trích lập 335 tỷ đồng dự phòng cho các khoản phải thu khó đòi, tăng 88% so với con số đầu năm. Khoản mục hàng tồn kho cũng phải trích lập dự phòng 139,8 tỷ đồng, chiếm 13,4% giá trị, chủ yếu là từ giảm giá nguyên vật liệu.
Những tín hiệu mới
Công suất hoạt động ở mức thấp, đơn giá cho thuê cùng khối lượng và giá dịch vụ liên quan liên tục sụt giảm, khách hàng chậm thanh toán… là hàng loạt khó khăn mà PVD phải đối mặt trong suốt hơn 2 năm qua. Tuy nhiên, giữa muôn trùng khó khăn, mà đỉnh điểm là trong 9 tháng đầu năm nay, bức tranh kinh doanh của PVD đã bắt đầu hé sáng.
Tia sáng đầu tiên chính là sự hồi phục của giá dầu. Từ mức đáy chưa đầy 29 USD/thùng vào đầu năm 2016, giá dầu đã dần tăng trở lại. Tính đến ngày 2/11/2017, giá dầu WTI đang giao dịch tại ngưỡng 54,7 USD/thùng, cao hơn 28% mức đáy 45 USD/thùng của tháng 6/2017, còn giá dầu Brent cũng đã vượt ngưỡng 60USD/thùng, tăng 35,7% từ tháng 6/2017 đến nay.
Trong bản phân tích cuối tháng 10/2017, Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo, giá dầu WTI có thể tiếp tục tăng lên 56 USD/thùng vào năm 2018 do nhu cầu có xu hướng tăng cao và việc cắt giảm sản lượng của các nước xuất khẩu dầu mỏ. Đầu tháng 10/2017, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cũng dự báo nhu cầu dầu mỏ sẽ tăng trong năm 2018, khiến nhà đầu tư tự tin hơn về khả năng tình trạng thừa dầu sẽ được khắc phục.
Với đặc điểm nhu cầu và giá các hợp đồng giàn khoan biến động theo giá dầu, xu hướng tạo đáy và tăng trở lại của giá “vàng đen” dù chậm, theo các chuyên gia đánh giá sẽ có độ trễ từ 9-12 tháng, song cũng tác động tích cực đến nhu cầu khoan dầu khí. Đây vẫn là nhân tố then chốt được kỳ vọng có thể giúp PVD nói riêng và các doanh nghiệp ngành dịch vụ, kỹ thuật dầu khí nói chung phục hồi. Khi đơn giá các dịch vụ kỹ thuật cải thiện, giá bán vượt điểm hòa vốn sẽ thúc đẩy hoạt động thăm dò, tìm kiếm, khai thác sôi động trở lại, tạo thêm cơ hội tìm kiếm việc làm...
Tại bản giải trình biến động kinh doanh quý III/2017, ông Đỗ Danh Rạng, Phó tổng giám đốc, Đại diện công bố thông tin của PVD cho biết, trong quý III/2017, trung bình số giàn khoan tự nâng đang hoạt động của PVD đạt 3,8 giàn, tăng mạnh so với con số trung bình 2 giàn của cùng kỳ 2016 và 2,1 giàn trong nửa đầu năm 2017.
Ông Rạng cũng cho biết, đơn giá cho thuê giàn khoan trong khu vực đang dần được cải thiện nhờ thị trường dầu khí đang có những tín hiệu tích cực, đây là cơ sở để PVD kỳ vọng sẽ đạt kết quả tốt hơn trong thời gian tới.
Không chỉ là giá dầu, tỷ lệ hoạt động của các giàn khoan còn đến từ việc chủ động tìm kiếm thêm các hợp đồng cho thuê ngắn hạn, đặc biệt là cho thuê bên ngoài nhằm duy trì hoạt động, ứng phó với giai đoạn khó khăn. PVD cho biết, đầu tháng 9/2017, Công ty đã ký hợp đồng cung cấp giàn khoan tự nâng PVD I và các dịch vụ kỹ thuật khoan cho chiến dịch khoan của KrisEnergy (Thái Lan). Theo đó, PVD I sẽ phục vụ cho chiến dịch khoan của nhà thầu này dự kiến từ tháng 10-12/2017, tổng giá trị ước tính khoảng hơn 6 triệu USD. Trước đó, giàn PVD I cũng đã tham gia chiến dịch khoan của Total E&P Myanmar từ cuối 2016 đến đầu 2017.
Song song với đẩy mạnh hoạt động, PVD cũng đã có nhiều nỗ lực trong tiết giảm chi phí, cải thiện các chỉ số tài chính. Điều này được thể hiện rõ tại Báo cáo tài chính quý III/2017 của Công ty.
Cụ thể, về cơ cấu vốn, tính đến ngày 31/9/2017, tổng vay nợ và thuê tài chính của PVD tiếp tục giảm 12,5% so với thời điểm đầu năm và chỉ chiếm 21,5% tổng nguồn vốn; tỷ lệ nợ phải trả trên tổng nguồn vốn cũng giảm xuống 40,5% từ mức 41,77% vào cuối 2016 và 46,6% đầu năm nay. Dòng tiền hoạt động kinh doanh duy trì ở số dương là điều kiện quan trọng để PVD chi trả nợ vay ròng 671,9 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm, giúp hệ số nợ trên tổng nguồn vốn và lãi vay giảm mạnh.
Cùng với đó, tính đến cuối quý III/2017, PVD có số dư tiền và tương đương tiền, tiền gửi các loại đạt 3.690 tỷ đồng. Với khoản “kha khá” này, một mặt PVD có thể đáp ứng khả năng thanh toán các khoản nợ đến hạn, đáp ứng dòng vốn kinh doanh, đem lại thu nhập từ lãi tiền gửi để đối ứng chi phí lãi vay, mặt khác góp phần đảm bảo năng lực tài chính khi tham gia các gói thầu có yêu cầu cao.
Về tiết giảm chi phí, theo PVD, tỷ lệ các loại chi phí hoạt động kinh doanh trên doanh thu đều có xu hướng giảm, dù trích lập dự phòng gia tăng. So với cùng kỳ, chi phí quản lý doanh nghiệp trong kỳ giảm 38,9% về giá trị, trong khi tỷ lệ ròng trên doanh thu cũng giảm mạnh, chỉ còn 10,6% (cùng kỳ 2016 đạt 18% và nửa đầu năm nay đạt 21,8%).
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên tổ chức hồi đầu năm, Ban lãnh đạo PVD đã xác định, 2017 sẽ khó khăn hơn nhiều so với năm 2016 do khối lượng công việc và đơn giá dịch vụ tiếp tục giảm. Theo đó, PVD đã đưa ra một loạt biện pháp khắc phục trong quản lý, điều hành như tăng cường tìm kiếm việc làm, thu hồi công nợ, kiểm soát chi phí, cắt giảm ngân sách, chuẩn hóa các quy trình mua nguyên vật liệu… Đến nay, tuy chưa thể đưa doanh nghiệp thoát lỗ, nhưng cũng đã cho thấy những hiệu quả nhất định.
Bên cạnh đó, với việc bắt đầu thực hiện trích lập Quỹ Khoa học công nghệ từ năm 2010 và số dư tính đến cuối quý III/2017 lên tới 943 tỷ đồng, PVD sẽ có thêm nguồn bổ sung quan trọng trong thời gian tới, khi quy định cho phép được hoàn nhập lại nếu không sử dụng hết 70% Quỹ sau 5 năm được trích. Dù không trực tiếp đem lại dòng tiền, nhưng việc được hoàn nhập dự phòng sẽ cải thiện các chỉ sổ tài chính, giúp PVD thuận lợi hơn trong hoạt động đấu thầu. Cũng cần phải nhắc lại rằng, đây cũng chính là khoản giúp PVD thoát lỗ trong quý III vừa qua.
Trước những tín hiệu tích cực trên, nhiều công ty chứng khoán đưa ra đánh giá lạc quan về tình hình kinh doanh của PVD trong năm 2018. Chẳng hạn, tại Báo cáo phân tích tháng 10/2017, CTCP Chứng khoán KIS Việt Nam (KIS) cho rằng, kết quả kinh doanh đã chạm đáy từ nửa đầu năm nay (KIS dự báo PVD lỗ ròng 251 tỷ đồng trong 2017) và sẽ dần phục hồi. Trong năm 2018, KIS dự báo doanh thu của PVD có thể tăng 41% so với 2016 và lợi nhuận ròng có thể đạt 111 tỷ đồng.
Tại Báo cáo giữa tháng 10/2017, CTCP Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) nhận định, kết quả kinh doanh có lãi trong quý III/2017 dù không đến từ hoạt động kinh doanh chính, song vẫn là kết quả tích cực sau nửa đầu năm thua lỗ, tạo bàn đạp cho PVD phát triển hơn trong thời gian tới. Trước dó, Báo cáo phân tích tháng 9/2017 của CTCP Chứng khoán Bản Việt (VCSC) cũng dự phóng lợi nhuận trước thuế của PVD có thể đạt 5 triệu USD trong 2018 và doanh thu đạt mức 191 triệu USD.
Tích cực là vậy, nhưng hiện vẫn còn cả “núi” khó khăn mà PVD cần phải vượt qua, trước mắt là làm sao hoàn thành kế hoạch thoát lỗ đặt ra từ đầu năm, khi mà thời gian đến hết năm chỉ còn chưa đầy 2 tháng.
Nhiều ý kiến cho rằng, trong bối cảnh hiện tại, khả năng PVD thoát lỗ trong năm nay là “bất khả thi”, song với những lợi thế của một doanh nghiệp từng dẫn đầu ngành về chất lượng tài sản, thương hiệu, tên tuổi, đội ngũ nhân viên giàu kinh nghiệm, sự hỗ trợ của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam... và đặc biệt là xu thế hồi phục tất yếu của giá dầu, kỳ vọng viễn cảnh tươi sáng trở lại của PVD sẽ không còn xa.