Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Đình Lâm, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam (PVcomBank) với ĐTCK nhân dịp Ngân hàng chính thức ra mắt.
PVcomBank ra đời với vốn điều lệ 9.000 tỷ đồng - con số mơ ước của nhiều NHTM cổ phần hiện nay. Tuy nhiên, song song với vốn lớn, PVcomBank cũng tiếp nhận những khoản nợ khó đòi hiện chưa được xếp vào nợ xấu và trích lập dự phòng của cả hai bên. Là lãnh đạo cao nhất Ngân hàng, ông đã dự tính kế hoạch xử lý như thế nào?
Hiện tại, con số nợ xấu của chúng tôi là 4,1%. Chúng tôi đã có kế hoạch, lộ trình rất cụ thể trong Đề án hợp nhất là đến từng thời điểm nhất định, con số nợ xấu sẽ giảm như thế nào và công việc này dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2015.
Chia sẻ con số nợ xấu 4,1%, dường như ông quá mạnh dạn trong bối cảnh các ngân hàng TMCP khác công bố tỷ lệ nợ xấu đều dưới 3%?
Khi 2 tổ chức tài chính hợp nhất với nhau, bản chất là tái cấu trúc tài chính cho cả hai tổ chức, nên con số phải chính xác, có lộ trình xử lý cụ thể mới nhận được sự chấp thuận hợp nhất của NHNN. Tuy nhiên, tôi cho rằng, con số nợ xấu này cũng không phải là cao trong bối cảnh nền kinh tế như hiện nay.
Với những khoản cho vay chất lượng kém, việc khắc phục hậu quả của ngân hàng mới sẽ không đơn giản. PVcomBank có ý định bán nợ xấu cho VAMC hay không?
Bán nợ xấu cho VAMC là một trong những biện pháp xử lý nợ xấu của ngân hàng bằng cơ chế mua bán nợ với quy định rất cụ thể của Chính phủ, NHNN. Đương nhiên, đây sẽ là một trong những kênh xử lý nợ xấu quan trọng của PVcomBank. Trong thời gian ngắn tới, chúng tôi sẽ xúc tiến làm việc với VAMC để bán nợ xấu song song với việc thực hiện những biện pháp xử lý nợ xấu khác.
Một trong những thách thức sau hợp nhất là sắp xếp nhân sự, đặc biệt là nhân sự cấp cao. Ông có thể chia sẻ cách xử lý vấn đề này ở PVcomBank?
Luật TCTD quy định về nhân sự trong ngân hàng rất chặt chẽ, như tỷ lệ là bao nhiêu khi giới thiệu tham gia HĐQT, ban kiểm soát... Chúng tôi sẽ sắp xếp nhân sự tuân thủ luật pháp, hài hòa lợi ích của tất cả cổ đông. Điều tôi muốn nhấn mạnh là quá trình hợp nhất giữa hai tổ chức có sự đồng thuận rất cao. Chúng tôi đã chuẩn bị cho quá trình này hơn một năm rưỡi và cả hai tổ chức đã có những hành động tích cực, như tổ chức giao lưu giữa các bộ máy đảng, đoàn, từ cán bộ cấp cao đến nhân viên… Thông điệp “Ngân hàng không khoảng cách” một phần xuất phát từ những chuyến công tác, làm việc giữa PVFC với Western Bank trong quá trình hợp nhất. Chúng tôi không có khoảng cách về không gian, địa lý, quan điểm để cùng giải quyết khối công việc bộn bề, ngổn ngang để đi đến kết quả ngày hôm nay.
Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt nam (PVN) cho biết sẽ thúc đẩy hoạt động của PVcomBank, nhưng rồi cũng sẽ rút cổ phần xuống dưới 20% tại Ngân hàng tới năm 2015. PVcomBank có ý định tìm cổ đông nước ngoài để bù đắp vào khoản vốn sẽ bị rút này?
PVN đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án tái cơ cấu và trong đó cũng có liên quan đến PVcomBank và nhiệm vụ của chúng tôi là tuân thủ đầy đủ. Chúng tôi đã có Morgan Stanley là đối tác chiến lược, tuy nhiên, Ngân hàng cũng sẽ mở cửa cho các cổ đông chiến lược nước ngoài khác tham gia.
Điều gì ông thấy quan ngại sau khi ngân hàng hợp nhất đi vào hoạt động?
Chúng tôi cũng đã có những thuận lợi là tận dụng được lợi thế của cả hai tổ chức tài chính. PVFC trước đây có thế mạnh rất lớn trong các hoạt động thu xếp vốn, còn Western Bank có mạng lưới bán lẻ rất tốt. Cả hai tạo thành một ngân hàng trong đó có cả bán buôn, bán lẻ cùng với nghiệp vụ của ngân hàng đầu tư. Tuy vậy, khó khăn còn rất nhiều như trong công tác đào tạo để có đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp hơn. Bởi lẽ, trước đây, hai đơn vị có những chiến lược, định hướng, văn hóa, cách tổ chức và điều hành khác nhau, nên cần có những phương pháp và hình thức thực hiện, phát triển nguồn nhân lực, đào tạo phù hợp. Bên cạnh đó là câu chuyện đầu tư công nghệ hiện đại hơn… nhằm xây dựng và duy trì niềm tin của khách hàng, thị trường và xã hội.