Trả lời cổ đông Tô Hồng Sơn về vấn đề tái cấu trúc, thoái vốn ở công ty con, đặc biệt là CTCP Máy và Thiết bị dầu khí PV Machino, ông Hồ Công Kỳ cho biết, PV Machino là đơn vị có nhiều tiềm năng. Công ty có 3 liên doanh với Nhật Bản (sản xuất sản phẩm cơ khí) và hàng năm doanh thu tài chính (cổ tức) từ liên doanh khoảng trên 80 tỷ đồng. Hiện PV Power đang tiếp tục sát cánh với PV Machino để thúc đẩy tái cấu trúc, thu hồi công nợ...
Cũng về nội dung này, một thành viên khác của chủ tịch đoàn tiếp tục bổ sung, khi thoái vốn, Công ty sẽ tiến hành thẩm định giá trị để xác định giá sàn và sẽ tiến hành thoái vốn đảm bảo đúng pháp luật, công khai minh bạch, không xảy ra thất thoát, thu về hiệu quả tối đa.
Đáng chú ý, một số ý kiến cổ đông còn quan tâm về vấn đề bán vốn cho nhà đầu tư chiến lược của PV Power. Ông Hồ Công Kỳ cho biết, sau khi có quyết định cổ phần hóa, PV Power đã tiếp xúc với hơn 100 đối tác lớn và chọn ra danh sách ngắn gồm 30 đơn vị bao gồm cả tổ chức đầu tư tài chính và tập đoàn về năng lượng hàng đầu tại châu Á.
Tuy nhiên, thời gian quá ngắn nên công cuộc “gả chồng cho gái đẹp” chưa kịp hoàn tất. Theo Điều 38, Nghị định 126/2017/NĐ-CP, thời hạn là 4 tháng kể từ ngày phê duyệt phương án cổ phần hóa, nên công ty chưa hoàn thành bán vốn cho cổ đông chiến lược. Do đó công ty sẽ không lựa chọn cổ đông chiến lược nữa.
Hiện 28% vốn điều lệ của PV Power được nhập vào quyền sở hữu của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, nâng tỷ lệ sở hữu của PVN là 79,88%. Chủ tịch đoàn cũng cho biết, trong thời gian tới, công ty có thể bán vốn trên sàn chứng khoán (theo Nghị định 32/2018/NĐ-CP) theo 2 phương thức: đấu giá công khai hoặc đấu giá theo lô lớn (tương tự trường hợp của Vinamilk, Sabeco…).
PV Power cổ phần hóa theo Quyết định số 1977/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 8/12/2017, trong đó công ty sẽ bán cho nhà đầu tư chiến lược là 676.385.364 cổ phần, chiếm 28,882% vốn điều lệ. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam là cổ đông lớn nhất nắm giữ 51% vốn điều lệ tại PV Power đến hết năm 2025.