Thế mạnh nhiệt điện khí
PV Power được thành lập 5/2007 do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) sở hữu 100% vốn điều lệ, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực sản xuất - kinh doanh điện năng, sửa chữa, bảo trì, bảo dưỡng các nhà máy điện, cung cấp vật tư thiết bị - phụ tùng thay thế, nhập khẩu, kinh doanh và phân phối than đảm bảo nguồn cung cấp cho các nhà máy điện và quản lý, đầu tư các dự án điện.
Tổng công ty là một trong 3 “trụ cột” của ngành điện Việt Nam cùng với Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Tập đoàn Công nghiệp Than Khoáng sản Việt Nam. Tính đến cuối năm 2016, tổng sản lượng điện lũy kế của PV Power phát lên lưới điện quốc gia đạt 137 tỷ kWh. Tổng công ty đang quản lý và vận hành 8 nhà máy điện, với tổng công suất 4.208,2 MW, chiếm khoảng 12% tổng sản lượng điện quốc gia.
Các nhà máy sản xuất điện của PV Power tập trung vào 3 nhóm chính: thủy điện, nhiệt điện chạy than và nhiệt điện chạy khí. Trong đó, nhiệt điện khí là thế mạnh của PV Power khi dẫn đầu cả về công suất thiết kế và sản lượng sản xuất.
Về cơ cấu công suất, nhóm nhiệt điện khí có tổng công suất lớn nhất, đạt 2.700 MW với 3 nhà máy: Cà Mau 1&2 (1.500 MW), Nhơn Trạch 1 (450 MW), Nhơn Trạch 2 (750 MW).
Đây cũng là nhóm được đánh giá cao về hiệu quả hoạt động khi một trong các thành viên là Công ty cổ phần Nhiệt điện Nhơn Trạch 2 (NT2) - công ty con của PV Power, quản lý và vận hành nhà máy Nhơn Trạch 2, duy trì lợi nhuận trên 1.000 tỷ đồng/năm, tỷ lệ lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) hơn 20%/năm và chi trả cổ tức tiền mặt đều đặn.
Xếp thứ hai là nhiệt điện than với Nhà máy Vũng Áng 1 (1.200 MW) và xếp thứ ba là nhóm thủy điện với 3 nhà máy: Hủa Na, DakDrinh và Nậm Cát, tổng công suất 308,2 MW.
Về cơ cấu sản lượng năm 2016, nhóm nhiệt điện khí có sản lượng điện cao nhất, đạt 16,9 tỷ kWh, chiếm hơn 79,6% tổng sản lượng điện sản xuất. Theo sau là nhiệt điện than với 3,184 tỷ kWh, chiếm 15% và thủy điện với 1,137 tỷ kWh, chiếm hơn 5,3%. Sản lượng điện theo từng nhóm nhà máy không hoàn toàn tỷ lệ thuận với công suất do các nhà máy thủy điện chỉ hoạt động khi nước về nên số giờ chạy thấp hơn so với các nhà máy nhiệt điện.
Theo kế hoạch, sau cổ phần hóa, cùng với duy trì hiệu quả và nâng cao hiệu suất các nhà máy hiện tại, PV Power sẽ tiếp tục tăng công suất. Dự kiến, đến năm 2020, công suất tăng 118,6% so với cuối năm 2016, đạt 9.201 MW và đến năm 2026 đạt 10.650 MW.
Các hoạt động đầu tư tập trung vào mảng điện khí, không tăng công suất nhiệt điện than, thủy điện để đến năm 2026, nhiệt điện khí là trọng tâm với tỷ trọng 86% (hiện chiếm 64%). Sản lượng điện sản xuất duy trì tăng trưởng 17% trong giai đoạn 2016 - 2020 và tăng 4% trong giai đoạn 2021 - 2025.
Trong giai đoạn 5 năm đầu sau cổ phần hóa, PV Power đặt mục tiêu cung ứng cho hệ thống điện quốc gia trên 200 tỷ kWh điện, doanh thu bình quân đạt khoảng 40.000 tỷ đồng/năm.
Trước mắt, PV Power đã được PVN giao làm chủ đầu tư đối với các dự án nhiệt điện khí lớn như Nhơn Trạch 3 (NT3), Nhơn Trạch 4 (NT4), Trung tâm Điện lực Kiên Giang, Dự án điện sử dụng nguồn khí Cá Voi Xanh. Ngày 15/2/2017, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý bổ sung Quy hoạch và giao PVN làm chủ đầu tư các dự án nhà máy nhiệt điện NT3, NT4, sử dụng khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG), công suất mỗi nhà máy khoảng 750 - 800 MW, đưa vào vận hành trong các năm 2020, 2021.
Cận cảnh bức tranh lợi nhuận
Hiện báo cáo tài chính chi tiết năm 2016 của PV Power chưa được công bố. Theo báo cáo tài chính bán niên 2016 hợp nhất được soát xét bởi Công ty TNHH Deloite Việt Nam, tại ngày 30/6/2016, tổng tài sản của PV Power đạt 71.558,9 tỷ đồng, tăng 45% so với cuối năm 2014.
Tài sản tăng mạnh từ năm 2015 do PV Power nhận bàn giao Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 và Sân phân phối 500 MW Trung tâm điện lực Vũng Áng từ PVN, với giá trị ước tính ban đầu là 28.356 tỷ đồng.
Trong cơ cấu tài sản của Tổng công ty, tài sản cố định chiếm 70,29%, chủ yếu là tài sản, máy móc tại các nhà máy điện. Tiền mặt và tiền gửi các loại đạt gần 6.300 tỷ đồng, chiếm 8,8%. Các khoản phải thu trị giá 7.584 tỷ đồng, chiếm 10,6% tổng tài sản, nhưng phần lớn đến từ các đối tác lớn như PVN, Công ty Mua bán điện… nên rủi ro thất thoát không đáng kể.
Về cơ cấu nguồn vốn, nợ phải trả là 44.335 tỷ đồng, chiếm 61,9% tổng nguồn vốn. Trong đó, khoản vay ngắn và dài hạn là 30.363 tỷ đồng, chiếm 68,5% nợ phải trả và 42,4% tổng nguồn vốn. Nếu như nợ ngắn hạn hầu như không đáng kể, chỉ hơn 184 tỷ đồng, thì vay dài hạn đến hạn trả và vay dài hạn đạt 30.177 tỷ đồng, phân nửa là khoản vay phục vụ cho Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng (15.563 tỷ đồng).
Về lợi nhuận, 6 tháng đầu năm 2016, PV Power đạt 1.221,7 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, giảm 39% so với cùng kỳ năm 2015. Nguyên nhân chính khiến lợi nhuận giảm là lợi nhuận gộp của mảng bán điện (mảng này chiếm 96% doanh thu) 6 tháng đầu năm 2016 là 1.824 tỷ đồng, giảm 37% so với cùng kỳ năm 2015 (2.912 tỷ đồng).
Lưu ý là cùng kỳ năm ngoái, Tổng công ty có khoản hồi tố O&M (Tập đoàn Điện lực Việt Nam chuyển trả cho PV Power phần chi phí vận hành và bảo dưỡng Nhà máy điện Nhơn Trạch 1) 1.044 tỷ đồng, nếu loại trừ khoản này khỏi lợi nhuận thì lợi nhuận gộp của hoạt động bán điện là 1.868 tỷ đồng.
PV Power ước doanh thu cả năm 2016 đạt 27.890 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 1.705,9 tỷ đồng. Theo đó, doanh thu tăng trưởng, nhưng lợi nhuận giảm đáng kể so với mức trên dưới 3.000 tỷ đồng giai đoạn 2014 - 2015.
Nguyên nhân chính là do năm 2014 và 2015 có yếu tố thu nhập bất thường từ các năm trước chuyển sang, tương đương 1.208 tỷ đồng và 1.044 tỷ đồng. Nếu loại bỏ yếu tố bất thường này thì lợi nhuận 3 năm liên tiếp 2014, 2015 và 2016 là ổn định. Ngoài ra, cũng cần lưu ý là lợi nhuận năm 2016 giảm do hạch toán thêm chi phí khấu hao và lãi vay của Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1.
Năm 2017, Tổng công ty đặt mục tiêu đạt hơn 29.353 tỷ đồng doanh thu, tăng 5,2%; lợi nhuận trước thuế 1.367 tỷ đồng, giảm 19,8% so với năm 2016. Lợi nhuận dự kiến giảm là do năm nay, hầu hết các nhà máy điện công suất lớn thực hiện công tác trung tu, đại tu (năm 2016 chỉ tiểu tu), nên thời gian ngừng máy để sửa chữa nhiều hơn, dẫn đến sản lượng điện của các nhà máy ước giảm so với năm 2016: Nhà máy điện Cà Mau 1 & 2 giảm 7%, Nhà máy điện Nhơn Trạch 1 giảm 31%, Nhà máy điện Nhơn Trạch 2 giảm 18%.
Bên cạnh đó, biến động của tỷ giá, đặc biệt sự tăng giá mạnh của USD nhiều khả năng tiếp tục ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của PV Power. Cụ thể, tại thời điểm 30/6/2016, PV Power có khoản vay bằng USD trị giá 24.497 tỷ đồng, chiếm 81,17%, vay bằng Euro chiếm 8,32%, vay bằng VND chiếm 10,51% tổng nợ vay dài hạn.
Các đơn vị thành viên do Tổng công ty giữ cổ phần chi phối hiện giữ được nhịp độ sản xuất - kinh doanh và hoàn thành tốt các chỉ tiêu nhiệm vụ kế hoạch đề ra. Đơn cử, các đơn vị sản xuất điện đã hoàn thành vượt mức kế hoạch sản lượng điện như: PV Power NT2, PV Power BacKan; 2 đơn vị không hoàn thành mức kế hoạch sản lượng điện (lưu lượng nước về hồ thấp hơn rất nhiều so với cùng kỳ những năm trước do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino) là PV Power HHC và PV Power DHC; phần lớn các đơn vị còn lại có lãi.
Tuy nhiên, cũng cần lưu ý là một vài đơn vị liên kết của Tổng công ty có lợi nhuận từ hoạt động sản xuất - kinh doanh nhưng còn thấp, một số đơn vị hoặc đang thực hiện đầu tư/chưa bước vào giai đoạn sản xuất - kinh doanh hoặc hoạt động sản xuất - kinh doanh còn lỗ.
Kế hoạch cổ phần hóa
Ngày 20/4/2017, Bộ Công thương đã ban hành Quyết định số 1364/QĐ-BTC về việc xác định giá trị của PV Power trước khi cổ phần hóa. Theo đó, giá trị thực tế của doanh nghiệp tại ngày 31/12/2015 là 60.623,3 tỷ đồng, trong đó phần giá trị thực tế vốn nhà nước là 33.556,5 tỷ đồng (giá trị quyền sử dụng đất 18,8 tỷ đồng).
Trên cơ sở giá trị doanh nghiệp được duyệt, PV Power sẽ hoàn thiện dự thảo phương án cổ phần hóa trình Bộ Công thương báo cáo Chính phủ phê duyệt nhằm đảm bảo mục tiêu IPO trong năm 2017.
Theo kế hoạch, năm 2017, Tổng công ty sẽ hoàn thành công tác cổ phần hóa công ty mẹ, giảm phần vốn của Nhà nước xuống 51% (giai đoạn 2019 - 2020 sẽ giảm xuống dưới mức chi phối), tiến tới niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán. Tỷ lệ chào bán cổ phần ra công chúng là 3 - 4%, sau đó chào bán 45% cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược.
PV Power cho biết, Tổng công ty đã chủ động tiếp xúc, gặp gỡ với các nhà đầu tư chiến lược quan tâm như VinaCapital, BNP Paribas, Standard Chartered, Deloitte, Indochina Capital, Dragon Capital… để tìm hiểu nhu cầu của nhà đầu tư tiềm năng nhằm xây dựng kế hoạch đàm phán.