Cuộc IPO này đang thu hút sự chú ý của giới đầu tư với mức giá khởi điểm khá thấp (nhìn vào con số tuyệt đối) khi so sánh với đối thủ nặng ký Petrolimex đang giao dịch với giá gần 70.000 đồng/cổ phần vào cuối tuần trước. Vào thời điểm IPO năm 2011, cổ phiếu của Petrolimex cũng chỉ có giá hơn 15.000 đồng/cổ phần.
Mặc dù thị trường bán lẻ phân phối xăng dầu trong nước có sự tham gia của nhiều doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, nhưng 90% thị phần thuộc về 5 doanh nghiệp đầu mối lớn gồm Petrolimex, PV Oil, Thanh Lễ, Saigon Petro và Xăng dầu Quân đội. PV Oil đứng thứ hai về thị phần, chiếm tỷ trọng 20 - 22% với sản lượng 3,2 triệu tấn/năm.
Theo bản công bố thông tin, PV Oil xác định có nhiều tiềm năng tăng trưởng. Thứ nhất với thị phần 20 - 22% đồng nghĩa với việc PV Oil còn nhiều dư địa phát triển so với mức trần 50% thị phần theo quy định của Luật Cạnh tranh.
Đồng thời, với quy mô sản xuất - kinh doanh cũng như năng lực tài chính hiện tại và kinh nghiệm thành công trong rất nhiều thương vụ M&A thời gian qua, PV Oil có điều kiện thuận lợi để mở rộng hệ thống bán lẻ, nâng cao sản lượng, gia tăng thị phần và từ đó cải thiện hiệu quả kinh doanh.
PV Oil hiện sở hữu kho chứa tới 1 triệu m3, mới khai thác 50% công suất kho. Công suất còn lại đủ để PV Oil nâng gấp đôi sản lượng trong 5 - 7 năm nữa.
Thứ hai là tiềm năng mà nhiều nhà đầu tư nhìn thấy dễ dàng, đó là việc triển khai hoạt động kinh doanh phi xăng dầu tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu như rửa xe, thay dầu nhớt, cafe, cửa hàng tiện lợi… Hoạt động này có thể mang lại dòng tiền mặt dồi dào và lợi nhuận đáng kể bền vững.
Theo kinh nghiệm của các công ty xăng dầu trong khu vực ASEAN, lợi nhuận từ hoạt động này có thể đạt được tương đương lợi nhuận mảng bán lẻ xăng dầu. PV Oil hiện quản lý sử dụng gần 1,5 triệu m2 đất phục vụ kinh doanh các kho xăng dầu và cửa hàng xăng dầu, trong đó diện tích thuộc quản lý của công ty mẹ gần 600 ngàn m2.
PV Oil là một trong hai doanh nghiệp có mạng lưới phân phối phủ khắp 63 tỉnh thành trên cả nước với khoảng 3.500 cửa hàng xăng dầu, trong đó 540 cửa hàng do PV Oil trực tiếp quản lý, vận hành và 3.000 cửa hàng đại lý.
Mảng tiềm năng thứ ba là kinh doanh cung cấp nhiên liệu bay (JET A1) tại các sân bay. Ngành vận tải hàng không của Việt Nam đang phát triển rất nhanh chóng, nhưng hiện tại chỉ có hai nhà cung cấp nhiên liệu hàng không là Skypec và Petrolimex Aviation.
Thực tế mở ra cơ hội lớn cho PV Oil tham gia và lĩnh vực kinh doanh này. Theo nguồn tin của Báo Đầu tư Chứng khoán, hiện có một tổ chức đầu tư đặc biệt quan tâm đến PV Oil khi nhìn vào tiềm năng tham gia vào lĩnh vực này.
Cũng theo bản công bố thông tin, PV Oil là doanh nghiệp duy nhất tại Việt Nam tổ chức tiếp thị và thực hiện dịch vụ ủy thác xuất bán dầu thô Việt Nam và dầu thô của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam khai thác tại các mỏ nước ngoài với sản lượng bình quân 15 triệu tấn/năm. PV Oil cung cấp toàn bộ dầu thô nguyên liệu cho Nhà máy lọc dầu Dung Quất với sản lượng bình quân 7 triệu tấn/năm từ nguồn trong nước và nhập khẩu.
PV Oil là một trong hai doanh nghiệp có mạng lưới phân phối phủ khắp 63 tỉnh thành trên cả nước với khoảng 3.500 cửa hàng xăng dầu, trong đó 540 cửa hàng do PV Oil trực tiếp quản lý, vận hành và 3.000 cửa hàng đại lý. Tại Lào, PV Oil đứng thứ hai về thị phần, với 20% thị phần bán lẻ và khoảng 15% thị phần tổng tất cả các kênh phân phối.
Là thành viên của PVN, PV Oil được hưởng lợi thế từ Nhà máy lọc dầu Dung Quất (PVN đang cổ phần hóa và sẽ nắm giữ 43% vốn điều lệ sau cổ phần hóa) và Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn (sở hữu 25,1% vốn). Trong nước chỉ có hai nhà máy này là nguồn cung cấp xăng dầu chiếm tới xấp xỉ 80% nhu cầu cả nước.
Về nguồn hàng cung ứng cho hoạt động của PV Oil, hiện có ba nguồn chính: Mua từ Nhà máy lọc dầu Dung Quất chiếm khoảng 55 - 60%; nhập khẩu 20 - 30% và từ sản xuất pha chế khoảng 15 - 20%. Trong tương lai, khi Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn đi vào hoạt động, PV Oil có quyền lựa chọn mua hàng của một trong hai nhà máy này.
Về hệ thống khách hàng, PV Oil có hệ thống phân phối bán buôn trực tiếp cho các nhà thầu dầu khí, các nhà máy điện thuộc PVN và các đơn vị sản xuất trong các ngành điện than, xi măng, sản xuất thép, khai thác khoáng sản, giao thông vận tải với sản lượng tiêu thụ chiếm khoảng 18 - 20% tổng sản lượng của PV Oil. Bán buôn cho các thương nhân phân phối, tổng đại lý chiếm 60% tổng sản lượng của PV Oil. Bán lẻ trực tiếp tại hệ thống cửa hàng xăng dầu chiếm 22% tổng sản lượng.
Tuy nhiên, nhược điểm của PV Oil là tỷ trọng bán vào kênh tiêu thụ trực tiếp chưa cao, phụ thuộc vào kênh bán buôn đại lý (60%); độ bao phủ của hệ thống cửa hàng xăng dầu tại một số địa phương đặc biệt là các thành phố lớn như Hà Nội, TP. HCM còn mỏng; hệ thống kho phân bổ không đồng đều, dư thừa sức chứa cục bộ và bộ máy quản lý còn cồng kềnh, mô hình tổ chức còn bất cập.
Trong ngắn hạn, nhà đầu tư cũng đặc biệt quan tâm đến việc PV Oil thoái vốn khỏi Tổng công ty Petec và đưa các nhà máy nhiên liệu sinh học vào vận hành phục vụ cho lộ trình thay thế hoàn toàn xăng A92 truyền thống bằng xăng sinh học E5 kể từ ngày 1/1/2018.
Liệu PV Oil có sớm xử lý được các khoản đầu tư này, đưa các nhà máy nhiên liệu sinh học vận hành hiệu quả để chấm dứt dự phòng khoảng 100 tỷ đồng/năm cho các khoản đầu tư tài chính? Đây là câu chuyện cần đặc biệt quan tâm khi nhà đầu tư muốn tham gia mua cổ phần PV Oil trong cuộc đấu giá sắp tới.