Prem Watsa, người đầu trò việc thâu tóm BlackBerry

(ĐTCK) Đầu tuần này (ngày 23/9/2013), Công ty tài chính Fairfax Financial Holdings Ltd. (có trụ sở chính tại TP. Toronto, Canada) đã chính thức loan báo việc đạt được thoả thuận mua lại BlackBerry, tập đoàn sản xuất điện thoại thông minh (smartphone), một thương hiệu lớn của Canada.
Prem Watsa Prem Watsa

Theo đó, Fairfax Financial Holdings sẽ mua lại BlackBerry, với giá 4,7 tỷ USD và nắm toàn bộ quyền kiểm soát, điều hành tập đoàn này. Việc thương thảo dường như diễn ra cũng khá suôn sẻ, bởi Fairfax đang là cổ đông lớn nhất của BlackBerry, sở hữu 10% cổ phần.

Khi phát biểu với báo giới, ông Thorsten Heins, Giám đốc điều hành (CEO) BlackBerry còn “thòng” thêm một câu rằng, thoả thuận là vậy, song mọi chuyện vẫn còn để ngỏ trong vòng 6 tuần tới, bởi nếu có ai đó trả giá cao hơn 4,7 tỷ USD, thì BlackBerry sẵn sàng xem xét một cách nghiêm túc.

Lãnh đạo Fairfax Financial Holdings cũng nhẹ nhàng cho biết, Fairfax sẽ xem xét kỹ lưỡng mọi tài liệu của BlackBerry, đánh giá tính khả thi của thương vụ dự kiến hoàn thành vào ngày 4/11/2013. Nếu đơn phương từ bỏ vì bất kỳ lý do nào trước thời điểm trên, Fairfax Financial Holdings phải trả 150 triệu USD tiền phá vỡ hợp đồng cho BlackBerry.

Việc BlackBerry, một công ty từng dẫn đầu thị trường smartphone và có thể xem là “độc tôn” trong khối doanh nghiệp, cơ quan chính phủ của nhiều nước, đặc biệt là Mỹ và Canada (do điện thoại của thương hiệu này có tính bảo mật rất cao) được rao bán với giá rẻ là điều đáng tiếc, nhất là với những người đã và đang làm việc cho Tập đoàn. Cũng cần nhắc lại rằng, vào giữa năm 2007, trước thời điểm iPhone ra mắt, BlackBerry (khi ấy là RIM) được định giá trên 100 tỷ USD.

Một số nhà bình luận thạo tin cho rằng, hai bên cùng nói vậy thôi, chứ BlackBerry khó lòng mà thoát khỏi tay Fairfax Financial Holdings, bởi ông Prem Watsa, nhà đạo diễn chính của thương vụ hiểu BlacBerry đến “chân tơ, kẽ tóc”.

Vậy ông này là ai vậy?

Ông Prem Watsa, 63 tuổi, người gốc Ấn Độ, quốc tịch Canada, hiện là Chủ tịch, kiêm CEO Fairfax Financial Holdings. Do có tài đầu tư và tầm nhìn chiến lược, nên ông đã được giới kinh doanh Canada ví là Warren Buffett của nước này. Ai cũng đều biết Warren Buffett là nhà đầu tư đại tài nổi tiếng thế giới của Mỹ.

Ông Prem Watsa có bằng cử nhân về hoá học của Đại học Công nghệ Madras (Ấn Độ). Sau đó ông được sang Canada theo đường bảo lãnh của anh ruột. Tại đây, ông theo học lấy bằng về thạc sỹ về quản trị kinh doanh (MBA) tại Đại học Western Ontario . Năm 1974, ông gia nhập Công ty bảo hiểm Confederation Life Insurance Co. ở Toronto . Năm 1984, cùng với 4 cộng sự, ông sáng lập ra Hamblin Watsa Investment Counsel Ltd. Năm 1987, công ty này sáp nhập với Markel Financial Holdings Ltd. và đổi tên thành Fairfax Financial Holdings. Từ đó đến nay, ông luôn là Chủ tịch, kiêm CEO.

Tháng 1/2012, Fairfax Financial Holdings đã đầu tư thêm vào BlackBerry, nâng tỷ lệ sở hữu từ 2% lên 10% cổ phần. Nhờ đó, ông Prem Watsa đương nhiên có 1 ghế trong Ban giám đốc BlackBerry. Trong hơn 1 năm ngồi vào  ghế thành viên Ban giám đốc, ông nắm rõ được tình hình mọi mặt của BlackBerry. Ông đã bí mật tìm cách thu thập mọi dữ liệu và âm thầm nuôi ý định thâu tóm lại BlackBerry với cái giá hời nhất có thể. Đầu tháng 8/2013, ông Prem Watsa đã xin từ chức, rút lui khỏi Ban giám đốc BlackBerry và chỉ ít tuần sau đó, ông lên “chiến dịch” tấn công thôn tính BlackBerry. Biết mình biết người thì đương nhiên cơ hội chiến thắng của ông là cực kỳ lớn. Ông cũng khéo chọn thời điểm để rút lui khỏi BlackBerry nhằm khỏi mang tiếng “xung đột lợi ích”.

Ông Prem Watsa phát biểu: “Tôi tin rằng, sự kiện này sẽ mở ra một chương mới tốt đẹp hơn không chỉ cho BlackBerry, mà còn khách hàng, các nhà mạng cũng như nhân viên. Sau khi được mua lại, BlackBerry sẽ trở thành công ty tư nhân, tập trung mạnh vào các giải pháp bảo mật cao cấp”.

Nhiều nhà phân tích nhận xét, BlackBerry đang ở thế đổ dốc. Cuối tuần trước (vào ngày 20/9), BlackBerry loan báo sẽ cắt giảm 4.500 nhân viên (tương đương 40% nhân sự), đồng thời cũng dự báo về khoản lỗ gần 1 tỷ USD của Tập đoàn trong quý II/2013. Theo kết quả điều tra và thống kê của Tập đoàn IDC (Mỹ), đến hết quý II/2013, BlackBerry chỉ nắm 3% thị phần smartphone của thị trường toàn cầu và máy BlackBerry 10 đời mới bị thất bại về thương mại, khi ế chỏng chơ.

Như vậy, BlackBerry đã chọn con đường đi của Nokia để chấp nhận “bán mình”, nhằm cứu vãn tương lai. Cách đây không lâu, Hãng Nokia (Phần Lan) cũng đã chấp nhận để Microsoft mua lại bộ phận sản xuất di động và dịch vụ của mình, với giá 7,2 tỷ USD.

Hãng tin tài chính Bloomberg bình luận, đây là thương vụ thâu tóm rẻ nhất trong làng công nghệ cao. Có thể cái giá này là bèo, song dẫu sao thì BlackBerry vẫn nằm trong tay nhà đầu tư, tổ chức tài chính Canada, chứ không bị rơi vào tay nhà đầu tư nước ngoài. Nếu không, thì chắc chắn người Canada còn buồn và nuối tiếc hơn nữa.


Trung Hiếu (báo chí nước ngoài)

Tin cùng chuyên mục