Giá vàng trong xu hướng tăng
Nền kinh tế toàn cầu đang có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại. Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) - chỉ số đo lường năng lực sản xuất của nhiều quốc gia phát triển hàng đầu như Đức, Anh, Mỹ, Trung Quốc… đều đi xuống. Trong đó, chỉ số PMI của Mỹ đã giảm từ 55,3 điểm về 47,8 điểm. Chỉ số này xuống dưới ngưỡng 50 điểm cho thấy một xu hướng hạn chế đầu tư mở rộng tại nền kinh tế số 1 thế giới.
Trong xu hướng ảm đạm của kinh tế toàn cầu, giá vàng lại có xu hướng tăng khá mạnh. Nếu như đầu năm, kim loại quý này giao dịch ở mức 1.290 USD/ounce thì hiện đang giao dịch ở mức 1.521 USD/ounce, tức tăng 17,9% so với giai đoạn đầu năm. Nhìn xa hơn một chút, giá vàng đã tăng 31% từ đáy 1.161 USD/ounce được tạo lập vào tháng 8/2018.
Tồn kho lớn, PNJ hưởng lợi khi giá vàng lên
Theo số liệu của Hội đồng Vàng thế giới, tính tới cuối năm 2018, 70% thị phần kinh doanh vàng tại Việt Nam thuộc về cửa hàng truyền thống, 30% còn lại thuộc về 3 “ông lớn” là CTCP Vàng bạc đá quý TP.HCM (SJC), CTCP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) và CTCP Tập đoàn Vàng bạc đá quý Doji. Trong ba doanh nghiệp này, hiện mới có CTCP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán.
Năm 2018, Doji có doanh thu cao nhất trong nhóm, với 63.126 tỷ đồng, tăng trưởng 22% so với 2017. Đứng thứ hai là SJC, với 20.871 tỷ đồng, giảm 9% so với 2017. PNJ đứng thứ ba, với 14.573 tỷ đồng, tăng 33% so với năm trước đó.
Tuy nhiên, xét về hiệu quả kinh doanh, PNJ lại giữ vị trí số 1, với 960 tỷ đồng lợi nhuận, tăng 32% so với năm 2017. Vị trí thứ hai thuộc về Doji, với lợi nhuận ròng đạt 80 tỷ đồng, tăng 2,2 lần so với năm trước.
Trong khi đó, SJC chỉ đạt 28 tỷ đồng lợi nhuận trong năm 2018, giảm 65% so với 2017. Biên lợi nhuận ròng của PNJ đạt 6,59%, trong khi hai doanh nghiệp còn lại đều có mức 0,13%.
Đóng góp biên lợi nhuận vượt trội của PNJ đến từ mảng vàng trang sức, theo đó cơ cấu doanh thu mảng vàng trang sức năm 2017 là 79,36%, năm 2018 là 80%.
Trong 6 tháng đầu năm 2019, doanh nghiệp không công bố tỷ trọng từng mảng, tuy nhiên có giải trình là tỷ trọng doanh thu nhóm hàng trang sức trong tổng doanh thu tiếp tục tăng, mảng này doanh thu tăng 11% so với cùng kỳ.
Với chiến lược tập trung vào mảng trang sức, PNJ liên tục cải thiện biên lợi nhuận gộp, năm 2016 tăng thêm 1,29%; năm 2017 tăng 0,94%; năm 2018 tăng 1,65% và 6 tháng đầu năm 2019 tăng 2,68%.
Theo ước tính của PNJ, để một cửa hàng đi qua điểm hòa vốn cần thời gian từ 18 - 22 tháng, tức điểm rơi lợi nhuận của doanh nghiệp sẽ từ năm 2019 trở đi sau khi các cửa hàng liên tục gối đầu lên nhau đi qua điểm hòa vốn và đóng góp vào cơ cấu lợi nhuận cho doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, với việc sở hữu lượng tồn kho lên tới 4.934 tỷ đồng, chiếm 75,6% tổng tài sản; trong đó chủ yếu là đồ trưng bày tại 343 cửa hàng, việc giá vàng tăng 17,9% trong năm và 31% từ đáy đã giúp doanh nghiệp cải thiện biên lợi nhuận gộp.
Điều này thể hiện qua con số biên lợi nhuận gộp 6 tháng là 21,76% so với 19,07% năm 2018.
Hay biên lợi nhuận ròng đi ngang trong giai đoạn 2017 - 2018, giai đoạn giá vàng ít có biến động, với 6,6% và 6,59%, nhưng tới 6 tháng đầu năm nay 2019 tăng lên 7,72% (dù doanh nghiệp cho biết đã gặp sự cố khi đưa vào vận hành hệ thống hoạch định nguồn nhân lực (ERP) từ cuối tháng 3/2019, với lỗi khi chuyển đổi đã dẫn tới thiếu hàng tại cửa hàng).
Báo cáo kết quả hoạt động sản xuất - kinh doanh 8 tháng đầu năm 2019 của PNJ cho biết, doanh nghiệp đã vận hành trở lại 100% năng lực sản xuất.
Với một chiến lược tích trữ tồn kho giá trị lớn, chiếm trọng số sẽ có tính hai mặt của một vấn đề. Nếu như gặp đúng giai đoạn giá nguyên liệu lên, đây sẽ là “của để dành” giúp doanh nghiệp lãi lớn như câu chuyện từng diễn ra tại Thép Tiến Lên. Ngược lại, nếu giá nguyên liệu đi xuống, việc tích trữ lượng tồn kho lớn sẽ là rủi ro lớn của doanh nghiệp, như trường hợp của Hoa Sen.