Mặt hàng pin năng lượng mặt trời xuất khẩu của Việt Nam thời gian qua liên tiếp bị nhiều thị trường tiến hành điều tra phòng vệ thương mại, điển hình là Mỹ, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ.
Chia sẻ tại Tọa đàm: "Phòng vệ thương mại: Góc nhìn từ các vụ việc điều tra với ngành hàng tấm pin năng lượng mặt trời", bà Nguyễn Yến Ngọc, Trưởng phòng Xử lý phòng vệ thương mại nước ngoài, Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công thương) cho biết: Việt Nam hiện được đánh giá là quốc gia có năng lực lớn trong sản xuất và xuất khẩu tấm pin năng lượng mặt trời, bắt kịp xu hướng phát triển năng lượng xanh trên toàn cầu.
Từ những năm 2021, Cục Phòng vệ thương mại đã đưa mặt hàng pin năng lượng mặt trời vào danh sách cảnh báo các mặt hàng có nguy cơ bị điều tra phòng vệ, điều tra chống lẩn tránh phòng vệ thương mại, nhưng thực tế vẫn gia tăng số vụ việc khởi kiện từ các thị trường nhập khẩu lớn với mặt hàng này.
Riêng với Mỹ, thị trường có nhu cầu tiêu thụ lớn tấm pin năng lượng mặt trời đồng thời cũng là thị trường rất tích cực trong việc sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại hiện đang bị áp dụng cả 3 biện pháp phòng vệ thương mại với ngành sản xuất này của Việt Nam.
Việc phải đối mặt với các vụ việc phòng vệ thương mại đã gây khó khăn lớn cho ngành sản xuất pin năng lượng mặt trời trong nước.
Ông Phạm Công Toản, Phó giám đốc Sở Công thương Bắc Giang, cho hay, sản xuất pin năng lượng mặt trời tại địa phương đang đối mặt nhiều khó khăn. Hiện, Bằng Giang có 14 doanh nghiệp 100% vốn FDI với tổng mức đầu tư rất lớn, riêng vốn giải ngân khoảng hơn 2 tỷ USD. Các doanh nghiệp sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời ở Bắc Giang được đầu tư rất bài bản từ nhà xưởng đến dây chuyền sản xuất rất đồng bộ và hiện đại.
Giá trị sản xuất năm 2023 của lĩnh vực tấm pin năng lượng mặt trời đóng góp tới hơn 7 tỷ USD cho tổng giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh Bắc Giang. Tuy nhiên, đến năm 2024 đã giảm hơn 2 tỷ USD, xuống chỉ còn khoảng 4-5 tỷ USD.
"Từ năm 2021 đến nay, chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn trong các vụ việc phòng vệ thương mại, có những doanh nghiệp giảm đến trên 50% sản lượng", ông Toản nói thêm.
Tính đến hết năm 2024, hàng hóa xuất khẩu Việt Nam hiện đã phải đối mặt với khoảng 273 vụ việc điều tra phòng vệ thương mại, trong đó riêng Mỹ hơn 70 vụ việc.
Mỹ là một trong những nước thành viên WTO thực hiện điều tra phòng vệ thương mại nhiều nhất đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, riêng năm 2024 Mỹ khởi xướng hơn 10 vụ việc mới.
Sản phẩm pin năng lượng mặt trời cũng là mặt hàng xuất khẩu hiếm hoi ở Việt Nam mà có liên quan đến tất cả các biện pháp phòng vệ thương mại do Mỹ áp dụng, gồm: điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ, lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại.
Trong giai đoạn tới, khi Tổng thống đắc cử Donald Trump sẽ nhậm chức vào ngày 20/1/2025, dự báo sẽ là giai đoạn khá khó khăn đối với cả các nước mà xuất khẩu có thặng dư thương mại lớn sang Mỹ nói chung, trong đó có Việt Nam.
Trong các tuyên bố khi vận động tranh cử thì ông Trump cũng có nêu là sẽ áp thuế 10% là thuế toàn cầu đối với toàn bộ hàng hóa nhập khẩu, 60% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, 10% từ các quốc gia khác.
Ông Đỗ Ngọc Hưng, Tham tán thương mại, Trưởng Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Mỹ cho hay, với nhu cầu thị trường lớn, hàng năm nhập khẩu hàng tỷ USD và chính sách hỗ trợ của Chính phủ Mỹ khi lắp đặt hệ thống pin năng lượng mặt trời đối với các hộ dân khá linh hoạt, Việt Nam đã xuất khẩu sang Mỹ một lượng lớn pin năng lượng mặt trời.
Nhưng, khó khăn mà mặt hàng này đang phải đối mặt, đó là chính sách bảo hộ thương mại ngày càng chặt cũng như phức tạp của chính quyền Mỹ.
Lưu ý tới các nhà sản xuất pin năng lượng mặt trời trong "vòng xoáy" của các vụ việc phòng vệ thương mại tại Mỹ, ông Hưng cho biết: "Doanh nghiệp phải tiếp tục, phối hợp chặt chẽ với cả cơ quan quản lý trong nước của Việt Nam cũng như các cơ quan điều tra của Mỹ trong khi diễn ra các vụ việc về phòng vệ thương mại, lưu trữ tài liệu và chứng minh theo yêu cầu của vụ việc".
Trong bối cảnh Mỹ gia tăng sử dụng các biện pháp phòng vệ để bảo vệ sản xuất nội địa, ngành sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời phải nghiên cứu cải thiện sản phẩm, nâng cao hàm lượng chất xám, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, tránh phụ thuộc vào các lợi thế cạnh tranh về giá sản phẩm, tránh sử dụng nguyên liệu từ các thị trường đang bị áp dụng biện pháp phòng vệ, để tránh bị kiện lẩn tránh thuế.