Trọng tài - nhiều ưu điểm
Giải quyết tranh chấp bằng trọng tài là phương thức theo đó các bên thỏa thuận lựa chọn một chủ thể không phải là tòa án giúp mình giải quyết tranh chấp đã phát sinh. Chủ thể được lựa chọn gọi là trọng tài và sẽ ra phán quyết về tranh chấp giữa các bên có liên quan. Sự ra đời của Luật TTTM (Quốc hội thông qua ngày 17/6/2010) được nhận định là mang lại nhiều thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân kinh doanh khi tham gia giải quyết tranh chấp.
Ông Phạm Quốc Anh, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam cho biết, so với tòa án, giải quyết tranh chấp thông qua TTTM có nhiều ưu điểm nổi bật. Thứ nhất, thời gian giải quyết tranh chấp rất nhanh, bởi yếu tố thời gian là do các bên thỏa thuận. Thứ hai, các bên có quyền lựa chọn những chuyên gia đúng với bản chất của tranh chấp đó để giải quyết, nên các phán quyết của họ đưa ra không chỉ chính xác, mà còn nhanh hơn. Thứ ba, các bên có quyền thỏa thuận lựa chọn hình thức trọng tài (trọng tài vụ việc hay trọng tài thường trực). Ngoài ra, trong những vụ tranh chấp có yếu tố nước ngoài, các bên có thể lựa chọn luật áp dụng.
Một ưu điểm khác của Luật này là quy định quyền của Hội đồng trọng tài trong việc áp dụng một số biện pháp khẩn cấp tạm thời để đẩy nhanh quá trình giải quyết tranh chấp và bảo đảm cho phán quyết của trọng tài được thực thi một cách có hiệu quả. Điều này sẽ tạo niềm tin của doanh nhân đối với phương thức lựa chọn giải quyết tranh chấp thông qua TTTM.
Theo quy định của Luật, nguyên tắc ra phán quyết của Hội đồng trọng tài là biểu quyết theo đa số. Trường hợp biểu quyết không đạt được đa số thì phán quyết trọng tài được lập theo ý kiến của Chủ tịch Hội đồng trọng tài. Như vậy, phán quyết của trọng tài gần như là phán quyết cuối cùng. Nếu một bên có yêu cầu tòa án xem xét lại phán quyết vì trong tổ trọng tài có một số vi phạm thì khi đưa ra tòa án cũng chỉ là đối chiếu về thủ tục. Luật TTTM quy định, tòa án không có thẩm quyền để xem xét lại nội dung của tranh chấp đó, nhằm ngăn ngừa trường hợp bên thua kiện lợi dụng việc xét xử của tòa án để kéo dài quá trình thi hành án.
Đặc biệt, điểm quan trọng hơn cả của Luật là đáp ứng được tính bí mật cho DN trong quá trình xét xử. Việc giải quyết tranh chấp dù được Hội đồng trọng tài đưa phán quyết như thế nào cũng không ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu - vấn đề sống còn của DN.
DN còn e ngại?
Theo bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam, giải quyết tranh chấp bằng trọng tài chưa thực sự phổ biến và chưa được giới doanh nhân tin cậy và sử dụng. Trong khá nhiều lý do thì có 2 lý do cơ bản. Thứ nhất, cộng đồng DN chưa ý thức được hạn chế của rủi ro pháp lý trong tranh chấp thương mại và cách giải quyết tranh chấp thương mại bằng trọng tài, bởi công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của DN về vấn đề này chưa được chú trọng. Thứ hai, một số phán quyết của trọng tài bị hủy bỏ (không công nhận thẩm quyền của trọng tài) vì những lý do được xem là “vu vơ”, đã tác động tiêu cực đến DN, khiến chỉ số tín nhiệm của DN đối với trọng tài xuống rất thấp.
Thống kê của Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) cho thấy, trong khi các tòa án kinh tế (Hà Nội và TP. HCM) mỗi năm xử hàng trăm, hàng ngàn vụ tranh chấp kinh tế thì VIAC với tư cách là tổ chức trọng tài lớn nhất Việt Nam tiếp nhận các vụ việc này rất ít, năm 2008 chỉ là 58 vụ. Điều này một mặt gây áp lực lớn đến công tác xét xử của thẩm phán, mặt khác cho thấy vẫn còn tâm lý e ngại của DN khi lựa chọn TTTM.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia pháp luật kinh tế, những quy định mới trong Luật TTTM có thể thay đổi hoàn toàn thực tế này. Ông Quốc Anh cho rằng, hoạt động xét xử của trọng tài là một phương thức hữu hiệu giảm tải công việc cho tòa án; giải quyết bằng trọng tài rất phù hợp với những tranh chấp liên quan đến các ngành nghề như xây dựng, tàu biển, khai thác, thăm dò dầu khí… Thậm chí, đối với tranh chấp trong lĩnh vực xây dựng, các bên có thể mời kỹ sư xây dựng hoặc kiến trúc sư làm trọng tài viên. So với thẩm phán của tòa án, những người này thường có kiến thức sâu sắc hơn về lĩnh vực tranh chấp nên dễ dàng tiếp cận vấn đề để đưa ra quyết định cuối cùng.
Ông Trần Hữu Huỳnh, Trưởng ban Pháp chế tại VIAC cho biết, phạm vi áp dụng của phán quyết trọng tài rất rộng, được công nhận và cho thi hành trên 150 quốc gia trên thế giới. Việc công nhận phán quyết của trọng tài có ý nghĩa rất lớn để giải quyết các tranh chấp phát sinh không thể tránh khỏi khi Việt Nam hội nhập sâu hơn với kinh tế thế giới. Trong thực tế, phán quyết của VIAC đã được công nhận ở nhiều nước trên thế giới. Nếu một bên không tự nguyện thi hành thì tòa án của quốc gia nơi bị đơn có trụ sở ở đó công nhận và cưỡng chế thi hành.