Giữa tuần qua, CTCP Bao bì Nhựa Sài Gòn (mã chứng khoán SPP) công bố Nghị quyết ĐHCĐ, trong đó có nội dung thông qua kế hoạch tăng vốn điều lệ từ 35 tỷ đồng lên 90 tỷ đồng theo 2 giai đoạn.
Theo đó, giai đoạn 1, Công ty sẽ phát hành tăng vốn từ 35 tỷ đồng lên 60 tỷ đồng theo hình thức chào bán riêng lẻ, với giá không thấp hơn 20.000 đồng/CP và giai đoạn 2 sẽ chia thưởng cổ phiếu theo tỷ lệ 2:1 để tăng vốn từ 60 tỷ đồng lên 90 tỷ đồng từ nguồn thặng dư vốn cổ phần và lợi nhuận để lại. Nếu nhìn vào lộ trình tăng vốn này thì quyền lợi của cổ đông hiện hữu có thể đứng trước nguy cơ bị "pha loãng".
Cụ thể, theo BCTC quý III/2009, vốn góp cổ đông của SPP là 35 tỷ đồng, thặng dư vốn cổ phần là 35 tỷ đồng, cùng 7,084 tỷ đồng lợi nhuận chưa phân phối. Điều này có nghĩa là vốn chủ sở hữu của SPP thời điểm trước khi có Nghị quyết HĐQT là 77,084 tỷ đồng, tương đương giá trị sổ sách hơn 22.000 đồng/cổ phiếu. Cũng thời điểm diễn ra cuộc họp HĐQT (2/10), giá cổ phiếu SPP giao dịch ở mức xấp xỉ 47.000 đồng/CP. Như vậy, rõ ràng mức giá chào bán riêng lẻ không thấp hơn 20.000 đồng/CP có vẻ chưa được hợp lý, cả trong mối quan hệ với giá trị sổ sách và giá giao dịch hiện tại của cổ phiếu này.
Điều đáng nói tiếp theo là sau đó, Công ty lại thực hiện chia cổ phiếu thưởng cho toàn bộ cổ đông hiện hữu (bao gồm cả cổ đông mới của đợt phát hành riêng lẻ) theo tỷ lệ 2:1. Như thế, mức giá chào bán riêng lẻ cho cổ đông mới sau này sẽ chỉ còn là không thấp hơn 15.000 đồng (= 20.000 đồng x 2 cổ phiếu cũ/3 cổ phiếu mới).
Là một cổ đông của SPP, tôi thấy rằng, nếu Công ty trong trường hợp này thực hiện chia cổ phiếu thưởng trước khi thực hiện tăng vốn sẽ có lợi hơn cho cổ đông hiện hữu. Theo đó, DN hoàn toàn có thể lựa chọn phát hành 1:1 cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn lên 70 tỷ đồng rồi mới thực hiện chào bán riêng lẻ lên 90 tỷ đồng thì mức giá 20.000 đồng/cổ phiếu cũng không phải quá khó để đạt được vì khi đó, DN vẫn thu được thặng dư vốn cổ phần mà cổ đông hiện hữu lại hạn chế được mức độ pha loãng tỷ lệ sở hữu tại Công ty.
Thêm vào đó, một lý do nữa khiến tôi thắc mắc là bản thân Công ty không công bố tiêu chí lựa chọn đối tác phát hành riêng lẻ, mà chỉ nói chung chung là tổ chức, cá nhân và đề nghị được cổ đông giao toàn quyền cho Ban lãnh đạo. Vậy thì, phương án phát hành riêng lẻ có lợi gì hơn so với việc phát hành cho cổ đông hiện hữu (với cùng mức giá)? Và liệu NĐT có thể kiểm soát minh bạch việc giá chào bán riêng lẻ? Thiết nghĩ, việc chào bán cổ phiếu riêng lẻ giá bao nhiêu, tiêu chí lựa chọn thế nào, thời gian yêu cầu nắm giữ bao nhiêu… nên được Ban lãnh đạo Công ty công bố sớm và rộng rãi để đảm bảo minh bạch và không làm thiệt hại quyền lợi của cổ đông.