Phó giám đốc Trung tâm chống ngập TP HCM Nguyễn Hoàng Anh Dũng cho biết, sau khi công ty tư vấn ADPi Engineering (Pháp) báo cáo phương án mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất, Sở Giao thông Vận tải TP HCM đã gửi văn bản đề nghị các đơn vị liên quan góp ý.
"Trong báo cáo rà soát quy hoạch tổng thể Tân Sơn Nhất của Tư vấn ADPI đã phân tích số liệu, đánh giá công suất hoạt động của sân bay hiện tại và đề xuất các phương án mở rộng. Tuy nhiên, họ không đề cập vấn đề tiêu thoát nước, nên chúng tôi gửi góp ý", ông Dũng nói.
Trung tâm Chống ngập lưu ý các đơn vị liên quan cập nhật hướng tiêu thoát nước chính của khu vực sân bay Tân Sơn Nhất.
Ở hướng Bắc, nước từ phía sân bay chảy vào kênh Hy Vọng rồi thoát ra kênh Tham Lương.
Tại hướng Đông Nam, nước từ nhà ga và xưởng máy bay A75 chảy ra hai hướng (mương Nhật Bản nhánh một, hai) dẫn về cống thoát nước trên đường Nguyễn Kiệm, đến tuyến cống đường Phan Đình Phùng rồi thoát ra kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè.
Đối với hướng Nam, nước từ sân đậu máy bay quốc nội chảy qua Mương A41 (hai nhánh) dẫn về cống thoát nước đường Cộng Hòa, đến tuyến cống đường Út Tịch thoát ra kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè.
Vào mùa mưa sân bay Tân Sơn Nhất lại bị ngập úng, gây mất an toàn. Đặc biệt, cơn mưa lớn hồi tháng 10/2015 khiến khu vực sân đỗ tàu bay và khu vực Đài chỉ huy cũ của sân bay bị ngập cục bộ, sâu khoảng 20 cm.
Nước mưa không thoát kịp đã tràn vào nhà đặt máy phát điện trạm nguồn khu vực Đài chỉ huy cũ. Nhân viên sân bay phải bắc ván, dùng bao cát, bạt nylon ngăn không cho nước tràn vào trạm điện Đài chỉ huy.
Để giải quyết ngập cho Tân Sơn Nhất, TP HCM đã chỉ đạo khẩn cấp nạo vét, duy tu thường xuyên để đảm bảo thoát nước qua rạch A41 trong mùa mưa. Các hành vi lấn chiếm, xâm hại trái phép hệ thống thoát nước phải có biện pháp xử lý, tránh ảnh hưởng đến dòng chảy của rạch.
Quận Tân Bình cũng đề xuất đầu tư Dự án cải tạo mương Nhật Bản (phường 2) với số vốn 360 tỷ đồng để giải quyết ngập cho sân bay.
Phương án xây hồ điều hòa tại khu vực đất quốc phòng (hiện là sân bóng mini Chảo Lửa), nhằm thoát nước cho sân bay, có thể giải quyết ngập úng cục bộ cho khoảng 20 ha sân đỗ máy bay cũng đã được Bộ Giao thông Vận tải và Quốc Phòng thống nhất triển khai.
Mới đây, báo cáo Bộ Giao thông Vận tải về phương án mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất nhằm giải quyết tình trạng "kẹt trên trời lẫn dưới đất", Công ty Tư vấn ADPi Engineering cho rằng cần hạn chế công suất sân bay là 50 triệu hành khách vào năm 2025, để không phải xây thêm đường băng số ba. Điều này tránh được việc tăng chi phí giải phóng mặt bằng và gây ô nhiễm môi trường, tiếng ồn trong khu vực khi máy bay lên xuống liên tục.
Đơn vị tư vấn độc lập cũng chỉ ra hai phương án xây dựng nhà ga hành khách về phía Bắc hoặc Nam. Trong đó, nếu xây ở phía Bắc (khu vực có nhiều đất quốc phòng) sẽ có nhiều bất lợi là: khai thác thiết bị không tối ưu, đi lại của hành khách giữa hai khu sẽ khó khăn, ảnh hưởng đường cất hạ cánh, gây tốn nhiều chi phí. Do đó, phương án tối ưu là xây nhà ga hành khách ở phía Nam để liên hoàn với khu vực nhà ga hiện có.
Ngoài ra, họ đề nghị bổ sung nhiều vị trí đỗ, mở rộng nhà ga, sân đỗ về phía Nam để tăng khả năng đỗ phương tiện; xây nhà ga hàng hóa để đảm bảo vận chuyển một triệu tấn hàng hóa mỗi năm; xây khu bảo dưỡng máy bay ở phía Bắc.
Tuy nhiên, phương án này bị PGS.TS Nguyễn Thiện Tống (nguyên Chủ nhiệm bộ môn Kỹ thuật hàng không, Đại học Bách Khoa TP HCM) cho là "không phù hợp". Theo ông, chủ trương nhất quán của TP HCM (lãnh đạo thành phố và nhóm các chuyên gia) nếu mở rộng Tân Sơn Nhất về phía Nam sẽ dồn thêm khách về đây, gây ùn tắc, bất lợi về kết nối.
Về chiến lược, để tăng khả năng kết nối sân bay với xung quanh phải mở rộng về hướng Bắc. Quan điểm của TP HCM là cần phải thu hồi sân golf, mở rộng về hướng này vì sân bay còn tương tác với sự phát triển của thành phố, kết nối giao thông.