Phương án giá điện là “tài liệu mật” nên không thể công khai?

Chia sẻ tại cuộc họp công bố giá bán lẻ điện mới, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội bảo vệ người tiêu dùng cho hay, đến nay mới được biết thông tin tăng giá điện và hơi bất ngờ. Trong khi đó, việc công khai các phương án giá điện để tham khảo ý kiến người tiêu dùng được cho là vướng mắc vì tài liệu về phương án giá điện là "tài liệu mật".

Trước đó vào cuối giờ chiều ngày 30/11, thông tin tăng giá điện từ ngày 1/12 được công bố. Thực tế này được ông Hùng cho rằng “hơi bất ngờ”.

“Giá điện tăng không chỉ liên quan trực tiếp tới túi tiền của người tiêu dùng mà còn là đầu vào của sản xuất nên sẽ có những mặt hàng khác ăn theo tăng giá điện”, ông Hùng nói và cho hay, việc minh bạch giá điện chỉ có lợi với nhà nước và người dân.

Liên quan đến tác động của tăng giá điện với người dân và doanh nghiệp, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công thương) cho hay, tăng giá điện sẽ khiến chi phí của các hộ kinh doanh dịch vụ tăng 5,4%. Với khách hàng sinh hoạt, mức tăng giá điện ảnh hưởng không đáng kể.

Cụ thể, với hộ dùng 50 kWh/tháng, chi phí tăng thêm là 3.200 đồng. Hộ dùng từ 50 kWh/tháng đến 100 kWh sẽ tăng thêm là 6.600 đồng.

Hộ dùng từ 200 kWh/tháng tăng thêm 13.800 đồng. Với hộ dùng 300 kWh là 23.600 đồng, còn hộ dùng từ 400 kWh/tháng trở lên, chi phí tăng thêm là 34.800 đồng.

Lãnh đạo Cục Điều tiết điện lực cũng cho hay, năm 2016, có 28 triệu hộ sử dụng điện, trong đó có 4,1 triệu hộ tiêu thụ dưới 50kWh, chiếm 17%.

Với các hộ này, Chính phủ cũng có quyết định hỗ trợ cho các hộ nghèo, hộ chính sách có sử dụng dưới 50 kWh với mức 51.000 đồng/tháng và số tiền chi hỗ trợ này là 2.500 tỷ đồng.

Trên góc độ cả nền kinh tế, tăng giá điện từ ngày 1/12% sẽ tác động tới chỉ số tiêu dùng CPI là 0,08%. Còn tới năm 2018, với giá điện mới, CPI sẽ bị ảnh hưởng 0,1% và GDP là 0,66%.

Lần đầu tiên tham gia Tổ công tác kiểm tra giá thành sản xuất kinh doanh điện, ông Nguyễn Minh Đức, Ban Pháp chế thuộc VCCI cũng cho rằng, do chưa có thị trường điện cạnh tranh đúng nghĩa nên giá bán điện hiện đang được tính toán dựa trên tổng chi phí và tổng sản lượng điện sản xuất.

“Việc đi kiểm tra chi phí sản xuất, kinh doanh điện tuy đã có những bước tiến và minh bạch hơn trước đây nhưng có thể minh bạch được hơn nữa.

Hàng năm, việc kiểm tra giá thành sản xuất, kinh doanh điện có sự tham gia của đại diện người tiêu dùng và VCCI nhưng trong vấn đề xây dựng các phương án giá điện thì các bên này chưa được tham gia”, ông Đức nhận xét.

Ngoài ra, vị này cũng cho rằng, việc công khai các phương án giá điện để tham khảo ý kiến người tiêu dùng hiện đang có những vướng mắc.

Nguyên do các tài liệu về phương án giá điện là tài liệu mật, nên không thể công bố, lấy ý kiến góp ý. Vì vậy, cần thay đổi để việc tính toán các phương án giá điện không còn là mật nữa.

Thanh Hương
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục