Bị cáo Nguyễn Bắc Son: Xin giảm nhẹ triệt để
Trình bày về lý do kháng cáo, bị cáo Nguyễn Bắc Son, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông nói, sức khỏe yếu xin trình bày 2 lý do, còn lại xin để luật sư trình bày.
Bị cáo Son cho rằng, hình phạt Tòa sơ thẩm tuyên phạt bị cáo rất nặng, tổng hợp hình phạt là mức án Chung thân. Bị cáo trình bày, khi đã nghỉ hưu, bị cáo nghe nói Thanh tra chỉ ra sai phạm, thiệt hại tài chính trong thương vụ Mobifone mua AVG.
Bị cáo đã nhận thấy trách nhiệm của bản thân và nhận thấy hợp đồng Mobifone mua 95% cổ phần AVG chưa thanh lý, còn 5% chưa thanh toán. Do đó, bị cáo đã gọi điện cho anh Phạm Nhật Vũ (nguyên Chủ tịch HĐQT AVG) đề xuất, thuyết phục anh Vũ hủy hợp đồng này để giải quyết hậu quả.
Sau đó, Mobifone và AVG đã ký thỏa thuận hủy bỏ hợp đồng. AVG đã trả lại toàn bộ số tiền mua cổ phần và các chi phí khác.
Đây là điểm đặc biệt, toàn bộ hậu quả đã được khắc phục hoàn toàn. Bị cáo có đóng góp trong việc khắc phục hậu quả và mong Tòa án xem xét triệt để tình tiết giảm nhẹ này.
Tại phần thủ tục, chủ tọa cho biết ngày hôm qua 22/4, HĐXX nhận được đơn xin hoãn phiên tòa của bị cáo Nguyễn Bắc Son vì lý do sức khỏe. Tuy nhiên, chủ tọa giải thích đây là phiên tòa phúc thẩm, các bị cáo chủ yếu xin giảm nhẹ hình phạt. Ngoài ra, tòa đã lên lịch xét xử ngày 13/4 nhưng do ảnh hưởng của dịch bệnh nên mới lùi lại ngày 23/4. Do đó, tòa quyết định tiếp tục xét xử vụ án.
Tại tòa, chủ tọa cũng thông báo luật sư Trần Hoàng Anh bào chữa cho bị cáo Nguyễn Bắc Son vắng mặt nên tòa đã chỉ định một luật sư khác cho ông Son. Trả lời, HĐXX, ông Son cho biết, vẫn mong muốn luật sư Hoàng Anh bào chữa nên sẽ cùng gia đình liên lạc với luật sư trong những ngày tới.
Bị cáo thừa nhận có giới thiệu và định hướng cho Mobifone mua AVG, đồng ý với đề xuất đưa giao dịch này vào “mật”. Bị cáo trình bày thời điểm giao dịch diễn ra Luật Đầu tư công mới ban hành và chưa có hướng dẫn nên bị cáo bị hạn chế nhận thức dẫn đến sai phạm.
Về tội nhận hối lộ, bị cáo rất ân hận để xảy ra sai phạm đã nhận tiền, bị cáo nhận thấy trách nhiệm của bản thân.
Chủ tọa đã hỏi bị cáo vì sao không khai và khắc phục trong thời kỳ điều tra? Bị cáo nhận nhưng chưa thực sự làm rõ việc sử dụng nguồn tiền bất hợp pháp sử dụng như thế nào?
Bị cáo Nguyễn Bắc Son không trình bày về vấn đề sử dụng tiền và tiếp tục mong HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt cả 2 tội “Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng” và tội “Nhận hối lộ”.
Bị cáo Nguyễn Bắc Son còn viện dẫn quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, xin giảm nhẹ triệt để và xin giảm nhẹ dưới khung hình phạt.
Bị cáo Lê Nam Trà: Hình phạt nặng nếu so với bị cáo khác
Bị cáo Lê Nam Trà, nguyên Chủ tịch HĐTV Mobifone trình bày, khi Bộ Thông tin và Truyền thông triệu tập họp giao nhiệm vụ chịu trách nhiệm về giá mua AVG, Mobifone đã phản đối. Sau đó Mobifone trình Bộ về giá trị đưa vào dự án, chứ không quyết định giá mua.
Về hành vi nhận hối lộ, bị cáo khai, bị cáo không đòi hỏi, bị cáo rất bất ngờ khi ông Phạm Nhật Vũ đưa tiền. Đây là tự ông Phạm Nhật Vũ đưa và ông Vũ đã xác nhận lời khai này.
Với hành vi này, bị cáo khai bị cáo nhận thức sai phạm nên chủ động khai báo, hợp tác hoàn trả lại số tiền.
Tại phiên sơ thẩm, bị cáo Lê Nam Trà bị tuyên phạt 23 năm tù cho cả 2 tội “Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng” và tội “Nhận hối lộ”.
Theo bị cáo, so sánh với các bị cáo khác, hình phạt của bản thân là nặng như bị cáo Cao Duy Hải, đều là thành viên HĐTV, mỗi lá phiếu là như nhau. Bị cáo mong HĐXX đánh giá lại vai trò của các thành viên HĐTV và các thành viên Ban Tổng giám đốc.
Bị cáo Cao Duy Hải, nguyên Tổng giám đốc Mobifone bị Tòa sơ thẩm tuyên phạt tổng cộng 14 năm tù giam.
Cựu thẩm định viên Hoàng Duy Quang: Mức án không công bằng với bị cáo
Bị cáo Hoàng Duy Quang, nguyên thẩm định viên Công ty AMAX kháng cáo xin giảm hình phạt.
Theo bị cáo, bản án sơ thẩm tuyên phạt bị cáo mức án 3 năm tù giam là quá nặng. Bị cáo cho rằng, mức án không công bằng với bị cáo vì bị cáo chỉ là người làm công ăn lương, không có chức vụ quyền hạn trong cơ quan nhà nước, vai trò của bị cáo mờ nhạt.
Một số bị cáo có vai trò hơn bị cáo, có chức vụ trong cơ quan nhà nước nhưng lại được hưởng mức án nhẹ hơn. Bị cáo thấy không công bằng. Bị cáo chỉ mong xem xét lại vai trò của bị cáo.
Trả lời câu hỏi của Chủ tọa, bị cáo thừa nhận có ký báo cáo thẩm định giá trị AVG, và biết rõ mục đích thẩm định giá là để mua bán doanh nghiệp. Bị cáo không biết rõ tài sản thực của AVG, chỉ thẩm định theo bản kế hoạch kinh doanh, hồ sơ tài liệu Mobifone cung cấp.
Chiểu theo quy định về thẩm định viên, bị cáo có sai, bị cáo không khảo sát, kiểm kê thực tế. Giá trị thẩm định AMAX đưa ra cao gấp 15 lần giá trị thực của AVG.
Năm 2015, MobiFone thực hiện Dự án đầu tư dịch vụ truyền hình theo hình thức đầu tư vốn nhà nước mua 95% cổ phần của AVG với số tiền 8.900 tỷ đồng.
Trong quá trình thực hiện dự án, 14 bị cáo bao gồm Nguyễn Bắc Son, Lê Nam Trà, Cao Duy Hải... đã có hành vi vi phạm pháp luật trong việc đề xuất dự án đầu tư, đánh giá về tài chính, kinh doanh của AVG; thẩm định giá; sử dụng kết quả thẩm định giá trị doanh nghiệp trong đàm phán và quyết định giá mua cổ phần của AVG, trong việc lập, trình dự án và quyết định phê duyệt dự án đầu tư, thanh toán gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng tài sản của Nhà nước với tổng giá trị hơn 6.590 tỷ đồng.
Đồng thời, các bị cáo Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn, Lê Nam Trà, Cao Duy Hải đã nhận một số tiền lớn của Phạm Nhật Vũ. Cụ thể, Phạm Nhật Vũ đã đưa cho: Nguyễn Bắc Son số tiền 3 triệu USD, Lê Nam Trà 2,5 triệu USD, Cao Duy Hải 500.000 USD, Trương Minh Tuấn 200.000 USD.