30 ngày, chỉ 1 doanh nghiệp nộp hồ sơ thầu/9 dự án?
Thực tế, Dự án xây dựng cấp bách hệ thống chống lũ lụt sông Cầu kết hợp hoàn thiện hạ tầng đô thị hai bên bờ sông Cầu vốn là dự án nhóm A. Theo quy định, trình tự thủ tục thực hiện các bước tiếp theo của dự án nhóm A phải xin ý kiến Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương về nguồn vốn, quy mô đầu tư. Tuy nhiên, các cơ quan ban ngành của tỉnh Thái Nguyên thống nhất đổi tên thành “Đề án” với 9 dự án thành phần nhóm B để cấp tỉnh có thể ra quyết định chủ trương đầu tư.
Tổng vốn đầu tư của 9 dự án thành phần này, theo UBND tỉnh Thái Nguyên, dự kiến tăng từ mức 18.211 tỷ đồng lên mức 23.909 tỷ đồng. Trong đó, nguồn ngân sách Nhà nước vẫn giữ nguyên là 5.611 tỷ đồng, chỉ thay đổi trong việc bố trí vốn ở từng dự án. Cụ thể, đối với kinh phí giải phóng mặt bằng các dự án BT, trong khi trước đây bố trí 2.811,6 tỷ đồng, thì nay đề xuất tăng lên 3.143,2 tỷ đồng; ngược lại ở các dự án hoàn vốn dự án BT thì lại giảm, từ 2.800 tỷ đồng xuống còn 2.468,4 tỷ đồng.
Đối với nguồn vốn của nhà đầu tư được điều chỉnh tăng từ 12.600 tỷ đồng lên 18.298 tỷ đồng (tăng 5.698 tỷ đồng), trong đó kinh phí xây dựng là 10.227 tỷ đồng (trước là 7.000 tỷ đồng); kinh phí hoàn thiện hạ tầng đô thị gần 7.400 tỷ đồng (trước là 5.600 tỷ đồng); còn lại gần 700 tỷ đồng để bổ sung giải phóng mặt bằng dự án hoàn vốn.
Với những thông số tăng giảm này, có thế thấy phần lợi nghiêng về phía liên danh nhà đầu tư là rất rõ khi dự toán kinh phí của nhà đầu tư luôn tăng, trong khi dự án hoàn vốn BT thì lại giảm.
Trên cơ sở đề xuất của Liên danh Tập đoàn Phúc Lộc - Cienco 8 về dự án xây dựng cấp bách hệ thống chống lũ lụt sông Cầu kết hợp hoàn thiện hệ thống hạ tầng đô thị hai bên bờ sông Cầu theo hình thức đầu tư đối tác công - tư (PPP), ngày 21/7/2016, UBND tỉnh Thái Nguyên đã có Văn bản số 2511/UBND-TH về chủ trương giao nhà đầu tư lập đề xuất dự án.
Sau khi đề xuất chủ trương đầu tư dự án hoàn thành, ngày 25/8/2016, UBND tỉnh Thái Nguyên đã có Quyết định số 2190/QĐ-UBND phê duyệt chủ trương đề xuất dự án đầu tư xây dựng cấp bách hệ thống chống lũ lụt sông Cầu kết hợp hoàn thiện hệ thống hạ tầng đô thị hai bên bờ sông Cầu, tỉnh Thái Nguyên.
Ngày 12/11/2016, sau khi UBND tỉnh Thái Nguyên phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi 9 dự án thuộc Đề án, 9 dự án nói trên được công bố sơ tuyển lựa chọn nhà đầu tư trên mạng đấu thầu quốc gia theo quy định.
Điều đáng nói là trong vòng 30 ngày, chỉ duy nhất một nhà đầu tư mua và nộp hồ sơ thầu là liên danh Tập đoàn Phúc Lộc - Cienco8. Tất nhiên, chẳng có nhà đầu tư thứ hai tham gia đấu thầu các dự án do chính nhà đầu tư thứ nhất lập phương án và đương nhiên liên danh trên trúng thầu.
Và dấu hỏi từ năng lực tài chính
Ngày 25/12/2016, các dự án số 1, số 5 chính thức được triển khai xây dựng, thậm chí khi chưa đủ thủ tục. Xét đến thời điểm hiện tại, có thể nói, tổ hợp 9 dự án này là dự án công lớn nhất tại Thái Nguyên được triển khai theo hình thức BT. Các cơ quan liên quan của tỉnh Thái Nguyên cũng đã thông qua việc chỉ trả quyền lợi đối ứng là 8 lô đất vàng chủ yếu trên địa bàn TP. Thái Nguyên. Tuy nhiên, quyền lợi đối ứng cho nhà đầu tư chắc chắn không dừng là ở 8 lô đất nói trên. Do đó, bên cạnh việc đảm bảo quyền lợi nhà đầu tư, thì sự minh bạch, công khai là rất cần thiết trong việc tính toán giá trị các lô đất tiếp theo làm quyền lợi đối ứng để tránh thất thoát tài sản nhà nước.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, ông Trần Huy Hoàng, Phó tổng giám đốc Cienco8 cho biết: “Việc thực hiện dự án này là mong muốn từ mấy kỳ đại hội của tỉnh Thái Nguyên. Thực ra, khi làm dự án này mình cũng lo lắng lắm, vì cứ bỏ tiền ra làm và thông qua việc bán đất (đất đối ứng BT - phóng viên) là mình cũng lo lắng về tính thanh khoản. Hiện nay, tính rủi ro của dự án nằm ở doanh nghiệp nhiều hơn”.
Trong khi đó, lại có nhiều ý kiến từ thị trường lo ngại khả năng tài chính của liên danh để thực hiện 9 dự án thành phần hơn 1 tỷ USD. Bởi theo nhận định của các chuyên gia, trên thực tế, từng dự án độc lập có phương án tài chính riêng, nhà đầu tư phải đáp ứng về năng lực tài chính cho dự án. Trong trường hợp nhà đầu tư tham gia cùng lúc nhiều dự án PPP, trong hồ sơ dự thầu phải kê khai ra hết các dự án đang thực hiện, có kiểm toán, bút toán đến thời điểm dự thầu, nếu không còn đủ năng lực tài chính sẽ bị loại. Đối với nhà đầu tư, với mỗi dự án độc lập, thì phải có năng lực tài chính độc lập với tất cả các dự án khác.
Trường hợp nhà đầu tư tham gia đồng thời 2 hay nhiều dự án, cần đưa thêm điều kiện vào hồ sơ mời sơ tuyển và hồ sơ mời thầu là tại thời điểm lựa chọn nhà đầu tư, phải có xác nhận của kiểm toán, phải liệt kê ra những dự án đang đầu tư; nếu kê khai sai, phải chịu hoàn toàn trách nhiệm. Ngoài ra, tại thời điểm ký hợp đồng cần yêu cầu nhà đầu tư nộp lại năng lực tài chính.
Trong khi đó, theo tư liệu của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, trước khi “ôm” 9 dự án trên, liên danh nhà thầu này cũng đã trúng thầu hàng loạt gói thầu lớn với tổng giá trị trúng thầu của riêng Tập đoàn Phúc Lộc lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Mặt khác, nói là liên danh hai nhà thầu, nhưng trên thực tế, hai công ty này đều do ông Lương Minh Tường làm Chủ tịch Hội đồng quản trị.
Như vậy, khi triển khai đầu tư 9 dự án BT tại Thái Nguyên, liên danh nhà đầu tư này sẽ phải san sẻ nguồn lực tài chính của mình cho rất nhiều dự án đang dở dang và sẽ thực hiện đồng thời trong mấy năm tới, bởi theo kế hoạch, 9 dự án BT tại Thái Nguyên được thực hiện gần như đồng thời trong khoảng thời gian từ 2017 - 2021.
Ở góc độ khác, nhằm khách quan thông tin, chúng tôi đã đến trụ sở Cienco 8 để liên hệ làm việc, nhưng không thể tiếp cận vì tình cờ lúc này Cienco 8 đang nhiều người đến đòi nợ tiền công.