Phục hồi và trỗi dậy sau đại dịch

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sau nhiều tháng dịch Covid-19 hoành hành và để lại những hậu quả ghê gớm về kinh tế - xã hội, các địa phương triển khai “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” theo Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ, dần trả lại không gian kinh tế bình thường cho các doanh nghiệp và người dân.
Phục hồi và trỗi dậy sau đại dịch

Sau mỗi lần đối diện với khó khăn hay khủng hoảng, doanh nghiệp Việt lại đứng dậy, mạnh mẽ hơn, quyết tâm hơn. Nhưng sự phục hồi và trỗi dậy đó rất cần được hỗ trợ bởi những nền tảng vững chắc và chính sách hợp lý.

Không gian kinh tế và quyền kinh doanh

TS. Lê Duy Bình, Economica Vietnam.
TS. Lê Duy Bình, Economica Vietnam.

Dịch bệnh dường như không thể làm nao núng tinh thần doanh nhân và tinh thần khởi nghiệp của doanh nghiệp, người dân. Ngay sau khi các biện pháp “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” được triển khai, hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp bắt đầu có sự phục hồi.

Những tín hiệu tích cực trong hoạt động đăng ký doanh nghiệp cho thấy sự ủng hộ của người dân và doanh nghiệp về việc Chính phủ chuyển hướng chiến lược phòng, chống dịch Covid-19 sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả.

Chỉ trong tháng 10/2021, cả nước có hơn 8.200 doanh nghiệp thành lập mới với tổng vốn đăng ký lên tới hơn 4,5 tỷ USD, đồng thời có hơn 4.300 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động.

Không gian kinh tế và quyền tự do trong kinh doanh được hoàn trả tới đâu, kinh tế khởi sắc trở lại đến đó.

Chỉ một thời gian ngắn nền kinh tế được vận hành trong trạng thái “bình thường mới”, cụ thể là trong tháng 10/2021, các doanh nghiệp đã giúp chỉ số sản xuất công nghiệp hồi phục ở mức tăng 3,3%, hay mức xuất khẩu thực hiện đạt 28,75 tỷ USD, tăng 5,7% so với cùng kỳ năm trước.

Hàng loạt dự án tỷ USD đã được các tập đoàn kinh tế tư nhân, các công ty có vốn đầu tư nước ngoài tái khởi động hay khởi công xây dựng.

Rõ ràng, việc dỡ bỏ những hạn chế ảnh hưởng tới quyền kinh doanh và lưu thông hàng hóa, dịch chuyển lao động đã tạo nền tảng cho sự phục hồi và phát triển trở lại của nhiều doanh nghiệp. Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất của Việt Nam đạt 52,1 điểm trong tháng 10, tăng trở lại từ mức 40,2 điểm trong tháng 9.

Chỉ số Môi trường kinh doanh EuroCham quý III/2021 (Business Climate Index - BCI) chứng kiến mức tăng nhẹ nhưng đáng khích lệ với 18,3 điểm phần trăm, tăng 3 điểm từ mức điểm thấp kỷ lục là 15 điểm phần trăm được ghi nhận trong thời điểm khó khăn nhất của đợt dịch Covid-19 lần thứ tư hồi tháng 9 năm 2021. Niềm tin của các nhà đầu tư và các nhà sản xuất được phục hồi.

Việc hoàn trả lại không gian kinh tế cho doanh nghiệp tự nó đã mang lại những kết quả cụ thể và đó chính là sự hỗ trợ tốt nhất cho doanh nghiệp và người lao động. Những biến cố do dịch bệnh trong những tháng vừa qua một lần nữa nhắc nhở chúng ta về tầm quan trọng của việc đảm bảo quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp và người dân.

Giờ đây, việc đảm bảo quyền tự do kinh doanh đó còn gắn với công tác phòng chống dịch bệnh. Không gian kinh tế sẽ bị thu hẹp khi dịch bệnh vẫn hoành hành hoặc bùng phát trở lại.

Như vậy, không chỉ là các cơ quan xây dựng hay thực thi pháp luật, mà chính doanh nghiệp và người dân cũng đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ quyền tự do kinh doanh và không gian kinh tế này của mình thông qua việc tuân thủ các quy định về phòng chống dịch, từ đó tạo tiền đề quan trọng cho sự phục hồi và phát triển của doanh nghiệp, của cả nền kinh tế.

Môi trường kinh tế vĩ mô ổn định

Sự ổn định của các chỉ số kinh tế vĩ mô khiến các doanh nghiệp vững tin hơn vào khả năng thoát khỏi khó khăn và vươn vai sau dịch. Việc duy trì các chỉ số cân đối lớn của nền kinh tế đã củng cố niềm tin của các nhà đầu tư, doanh nhân trong và ngoài nước đối với triển vọng trung - dài hạn của nền kinh tế Việt Nam, vào năng lực và khả năng điều hành kinh tế linh hoạt, cẩn trọng của Chính phủ.

Trong những tháng qua, niềm tin này đã được chuyển hóa thành số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập tăng mạnh, số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cam kết đầu tư hay được giải ngân tiếp tục gia tăng, kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2021 đã vượt mốc 600 tỷ USD sau 11 tháng, hay sự hưng phấn kéo dài của thị trường chứng khoán.

Doanh nghiệp chỉ có thể phục hồi và bứt phá mạnh mẽ nếu như được hỗ trợ bởi một môi trường kinh tế vĩ mô ổn định. Các doanh nghiệp thoát ra khỏi đại dịch dễ bị tổn thương hơn bao giờ hết trước bất kỳ các biến động lớn hay các bất ổn của kinh tế vĩ mô. Lạm phát ở mức cao hay biến động mạnh về tỷ giá sẽ có ảnh hưởng trực tiếp và gây thiệt hại cho nhiều doanh nghiệp, người lao động không kém gì những tác động từ đại dịch.

Do vậy, các chính sách kinh tế vĩ mô hay các chương trình hỗ trợ, gói kích thích kinh tế luôn phải đặt ổn định kinh tế vĩ mô lên hàng đầu, coi đó là điều kiện tiên quyết cho sức bật của doanh nghiệp, của nền kinh tế sau đại dịch.

Đột phá về thể chế và môi trường kinh doanh

Khi dịch bệnh bùng phát, các ưu tiên về cải cách cải thiện môi trường kinh doanh đã tạm thời nhường chỗ cho các ưu tiên phòng chống dịch.

Giờ đây, khi dịch bệnh đang dần được kiểm soát và chiến lược linh hoạt, thích ứng được áp dụng, việc quay trở lại với các ưu tiên về cải cách thể chế, cải cách môi trường kinh doanh, môi trường đầu tư sẽ là những biện pháp kích thích mạnh mẽ, hiệu quả đối với doanh nghiệp và người dân.

Kinh nghiệm Việt Nam và quốc tế cho thấy, cải cách thể chế, môi trường kinh doanh có tác động mạnh mẽ tới khả năng phục hồi và bật dậy của doanh nghiệp không kém bất kỳ một gói hỗ trợ hay kích thích kinh tế nào.

Ví dụ, sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á giai đoạn 1997-1998, Luật Doanh nghiệp được ban hành qua đó bảo vệ quyền tự do kinh doanh của người dân, bãi bỏ hàng ngàn giấy phép kinh doanh, và cắt giảm mạnh mẽ chi phí kinh doanh.

Cải cách mang tính đột phá về môi trường kinh doanh này đã mang lại những kết quả quan trọng với hàng trăm ngàn doanh nghiệp đã được thành lập, với hàng chục tỷ USD được đưa vào kinh doanh, góp phần giúp Việt Nam phục hồi mạnh mẽ sau khủng hoảng.

Trên bình diện quốc tế và trong khu vực, đại dịch đã không ngăn cản được các nỗ lực cải cách môi trường kinh doanh của các quốc gia nhằm củng cố lòng tin của các nhà đầu tư, kích thích đầu tư trong nước, thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài nhằm vượt qua những thách thức và nắm bắt những cơ hội từ đại dịch.

Những sáng kiến cải cách như một luật sửa nhiều luật đang được các cơ quan Chính phủ triển khai và được kỳ vọng sẽ tháo gỡ một loạt khó khăn cho doanh nghiệp và nhà đầu tư.

Ở cấp địa phương, nhiều nơi đã nhanh chóng thực hiện các biện pháp nhằm cải thiện môi trường đầu tư trong bối cảnh mới, song vẫn rất cần những sáng kiến, chính sách và hành động mạnh mẽ, có tính đột phá hơn nữa để đưa vấn đề cải cách môi trường kinh doanh, cải cách thể chế trở lại vị trí ưu tiên hàng đầu nhằm tạo dựng một môi trường đầu tư - kinh doanh thuận lợi, giúp doanh nghiệp sớm quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng và phát triển thịnh vượng trong giai đoạn hậu Covid.

Cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực được cải thiện

Đại dịch đã thúc đẩy quá trình cấu trúc lại chuỗi cung ứng toàn cầu. Doanh nghiệp và nền kinh tế Việt Nam đang đứng trước cơ hội đón nhận nguồn vốn đầu tư nước ngoài, mà đi kèm theo đó là công nghệ và thị trường trong nỗ lực chung thiết lập lại các chuỗi cung ứng toàn cầu tự chủ, an toàn và tin cậy.

Với những hiệp định thương mại đã ký, nỗ lực của Chính phủ trong việc mở rộng các thị trường mới, sự hồi phục của thị trường trong nước cũng mang lại các cơ hội kinh doanh vô cùng lớn cho cộng đồng doanh nghiệp.

Tuy vậy, những hạn chế về cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực chất lượng vẫn là điểm nghẽn cần được tháo gỡ để doanh nghiệp tận dụng được cơ hội này. Một cơ sở hạ tầng được nâng cấp, cải thiện cũng có tác động tích cực tới năng lực logistics, hiệu quả và chi phí sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp.

Chất lượng nguồn nhân lực, trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề của người lao động được nâng cao cũng là các yếu tố đóng góp lớn vào sự cải thiện về năng suất và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp sau dịch.

Những khoản đầu tư được triển khai một cách dứt khoát nhằm sớm nối liền một mạch đường cao tốc Bắc Nam phía Đông, hay thiết lập tuyến đường sắt nối với cảng Đình Vũ, hay cụm cảng Cái Mép - Thị Vải, các tuyến cao tốc hay đường thủy tại vùng núi phía Bắc, hay tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long…, sẽ tạo ra một diện mạo hoàn toàn khác về năng lực cơ sở hạ tầng của Việt Nam, mang lại cơ hội rất lớn cho các doanh nghiệp và mở ra một không gian kinh tế mới cho các nhà đầu tư.

Năng lực cơ sở hạ tầng, vốn con người, nguồn nhân lực được cải thiện sẽ là nền tảng cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp không chỉ trong những năm trước mắt, mà còn trong trung và dài hạn.

Các gói hỗ trợ, kích thích kinh tế đúng mục tiêu

Sau thời gian dài chống chọi với làn sóng Covid-19 thứ tư, một bộ phận không nhỏ doanh nghiệp đã đuối sức rõ nét. Những đứt gãy trong quá trình sản xuất - kinh doanh, lưu thông hàng hóa, các yêu cầu chặt chẽ về phòng chống dịch, sự thiếu hụt lao động… thời gian qua đã để lại nhiều hệ lụy, ảnh hưởng tới quá trình phục hồi của các doanh nghiệp.

Thị trường trong nước suy yếu do thu nhập khả dụng của người dân bị ảnh hưởng nặng nề và tâm lý thận trọng hơn trong chi tiêu.

Bên cạnh đó, chi phí hoạt động của doanh nghiệp tăng vọt do sự tăng giá của xăng dầu, chi phí nguyên liệu đầu vào, chi phí logistics, vận tải... Khó khăn về thị trường, chi phí đầu vào tăng cao khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn về thanh khoản, hay về nguồn vốn đầu tư để phục hồi hay mở rộng sản xuất - kinh doanh.

Trong bối cảnh đó, các gói hỗ trợ vẫn rất cần thiết để doanh nghiệp cải thiện khả năng thanh khoản, nâng cao năng lực tài chính, đầu tư khôi phục và mở rộng năng lực sản xuất - kinh doanh. Các biện pháp giãn, hoãn nộp thuế, tiền thuê đất, hỗ trợ an sinh cho người lao động vẫn có ý nghĩa quan trọng đối với doanh nghiệp.

Trong phạm vi cân đối ngân sách nhà nước, sự hỗ trợ này nếu được Chính phủ kéo dài sang năm 2022 sẽ giúp nhiều doanh nghiệp thực sự vượt qua được giai đoạn khó khăn, bước vào phục hồi và tăng trưởng trở lại.

Bên cạnh đó, một gói kích thích kinh tế với liều lượng hợp lý, sử dụng và giải ngân hiệu quả, đúng mục tiêu và tháo gỡ được các điểm nghẽn của nền kinh tế vốn đang gây nhiều cản trở cho doanh nghiệp trong quá trình hoạt động cũng sẽ có tác động tích cực nhằm tăng sức bật của doanh nghiệp trong những năm tới.

Những gói kích thích đó có thể tập trung giải quyết những công trình hạ tầng trọng điểm, nâng cao năng lực logistics nhằm giảm chi phí kinh doanh, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, giải quyết những vấn đề về an sinh xã hội của người lao động như nhà ở xã hội tại các vùng kinh tế trọng điểm.

Những gói kích thích đó phải được thiết kế cẩn trọng để đảm bảo tính hiệu quả trực tiếp hay gián tiếp cho doanh nghiệp và nền kinh tế, song không gây tác động tiêu cực tới sự ổn định của kinh tế vĩ mô.

Biện pháp quản trị rủi ro của doanh nghiệp

Sau cùng, vẫn phải là hành động của doanh nghiệp. Dịch bệnh đã đến và để lại hậu quả không ngờ, nhưng rồi nó sẽ trôi qua và doanh nghiệp vẫn phải tìm con đường tự tái tạo, phục hồi và phát triển.

Những rủi ro tương tự có thể diễn ra trong tương lai, do đó sự chuẩn bị luôn là yếu tố quyết định khả năng và tốc độ phục hồi, sức trỗi dậy của doanh nghiệp.

Dịch bệnh cũng giúp doanh nghiệp nhận diện rõ nét hơn những điểm yếu và điểm mạnh, đồng thời cho thấy rất ít doanh nghiệp Việt có một chiến lược quản trị rủi ro hiệu quả. Covid-19 là một rủi ro chưa có tiền lệ, nhưng mức tác động sẽ khác nhau phụ thuộc vào năng lực quản trị rủi ro của doanh nghiệp. Những doanh nghiệp có chiến lược quản trị hoạt động, tài chính, nhân lực tốt có thể giảm thiểu được thiệt hại do dịch.

Phục hồi và tăng trưởng trở lại, các doanh nghiệp cũng không thể quên việc bắt đầu xây dựng chiến lược quản trị rủi ro cho riêng mình. Không thể lãng phí những bài học đắt giá từ đại dịch. Đó sẽ là hành trang quý giá để doanh nghiệp trỗi dậy mạnh mẽ hơn, vươn tới những chân trời xa hơn trong những năm tới, thập niên tới.

TS. Lê Duy Bình, Economica Vietnam
Đặc san Doanh nghiệp niêm yết 2021

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục