Phục hồi kinh doanh sau đại dịch ở Việt Nam: Tiếng nói của dữ liệu

0:00 / 0:00
0:00
Theo khảo sát, doanh nghiệp nhà nước có khả năng chống chịu tốt hơn các công ty có vốn đầu tư nước ngoài và công ty tư nhân Việt Nam; các công ty niêm yết có khả năng phục hồi kém nhất.

Gần đây, chúng ta đã nghe rất nhiều ý kiến từ các chuyên gia về khả năng phục hồi của các doanh nghiệp ở Việt Nam trong đại dịch Covid-19. Nhưng điều này có thể phản ánh ý kiến chủ quan, hoặc một sự ẩn ý với mục đích quảng cáo, thay vì phản ánh dữ liệu thực tế, điều đáng tiếc là cho đến nay vẫn có rất ít cá nhân theo đuổi điều này.

Ông Claude Spiese, Cố vấn cấp cao của Bộ phận Tư vấn Công nghệ số tại Grant Thornton Việt Nam, tác giả của Khảo sát đánh giá khả năng phục hồi kinh doanh sau đại dịch.

Ông Claude Spiese, Cố vấn cấp cao của Bộ phận Tư vấn Công nghệ số tại Grant Thornton Việt Nam, tác giả của Khảo sát đánh giá khả năng phục hồi kinh doanh sau đại dịch.

Grant Thornton Việt Nam đã quyết định đối mặt với tình trạng này bằng cách tổ chức một cuộc khảo sát và thực hiện chẩn đoán để đánh giá khả năng phục hồi kinh doanh sau đại dịch và các yếu tố có thể hoặc không thể giải thích cho khả năng phục hồi, bao gồm 6 khía cạnh chính của hoạt động kinh doanh - tài chính, cung và cầu, các yếu tố ngoại cảnh, con người và số hóa. Một phần kết quả của bài khảo sát có thể lường trước được (nhất quán với ý kiến chủ quan trước đây của chúng tôi), nhưng phần còn lại thì quả đáng ngạc nhiên!

Những điều bất ngờ

Dựa trên phần tự đánh giá của các công ty tham gia chẩn đoán, 56% công ty phản hồi rằng, họ chịu tác động tiêu cực lớn hơn 20% của tổng thu nhập và chỉ 19% công ty phải chịu tác động tiêu cực thấp hơn 10% tổng nguồn thu.

Khảo sát cho thấy, doanh nghiệp nhà nước có khả năng chống chịu tốt hơn các công ty có vốn đầu tư nước ngoài và công ty tư nhân Việt Nam, nhưng các công ty niêm yết lại có khả năng phục hồi kém nhất. Đây có lẽ là điều bất ngờ đầu tiên trong các kết quả khảo sát. Các doanh nghiệp nhà nước có thực sự bền bỉ và dễ hồi phục hơn, có lẽ nhờ vào các biện pháp bảo vệ được Nhà nước cung cấp? Hoặc có lẽ một vài công ty tham gia đã mắc lỗi khi trả lời câu hỏi trong khi thực hiện khảo sát?

Công nghệ, bán lẻ và hàng tiêu dùng nhanh là những ngành có khả năng phục hồi cao nhất; bất động sản, du lịch và khách sạn có khả năng phục hồi kém nhất. Không có gì ngạc nhiên ở đây. Chúng ta đều biết, du lịch, đặc biệt là từ nước ngoài, là một trong những lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch. Nhưng thật tốt khi biết rằng, ngành bán lẻ và hàng tiêu dùng nhanh đang chịu ít tổn thất nhất, bất chấp việc đóng cửa các cửa hàng trên phố còn diễn ra. Điều này có nghĩa, thương mại điện tử rõ ràng đã đóng góp tích cực vào khả năng phục hồi của ngành hàng này.

Các công ty có mức độ kỹ thuật số cao hơn có xu hướng phục hồi tốt hơn. Mức độ số hóa được đo lường theo một vài phương pháp, ví dụ bằng những câu hỏi về mức độ hài lòng với hệ thống công nghệ thông tin. Không có gì ngạc nhiên khi các công ty có mức độ làm việc ở nhà cao nhất là những công ty có khả năng phục hồi tốt nhất. Các công ty có một kế hoạch kinh doanh liên tục tốt cũng tỏ ra dễ dàng hồi phục sau đại dịch hơn là những công ty không chuẩn bị cho điều này.

Tìm hiểu sâu hơn, sẽ thấy thú vị khi so sánh các yếu tố góp phần vào khả năng phục hồi (hoặc làm giảm khả năng phục hồi) sẽ thay đổi theo từng ngành hàng.

Những công ty thuộc ngành bán lẻ và hàng tiêu dùng nhanh có xu hướng mạnh nhất về mặt kỹ thuật số, nhưng yếu nhất về nhân lực và tài chính.

Không có gì bất ngờ khi các công ty công nghệ mạnh nhất về các yếu tố về kỹ thuật số, nhưng kém nhất về chuỗi cung ứng và mức độ nhu cầu.

Không ngoại lệ, các doanh nghiệp ngân hàng và tài chính vững mạnh nhất ở phần tài chính, nhưng yếu nhất về chuỗi cung ứng.

Các công ty gia công sản xuất có xu hướng mạnh nhất trong quản lý tài chính, song yếu nhất về chuỗi cung ứng.

Bất động sản, dịch vụ khách sạn và du lịch thể hiện xu hướng mạnh nhất về kỹ thuật số, song chuỗi cung ứng của họ cũng nằm ở vị trí cuối cùng.

Nhìn chung, chúng ta có thể thấy các yếu tố về chuỗi cung ứng bị ảnh hưởng nặng nề trong đại dịch. Lưu ý thêm rằng, nguồn nhân lực được xem như một yếu tố góp phần tăng khả năng phục hồi kinh doanh, hơn là một vấn đề cần giải quyết.

Đánh giá chẩn đoán cung cấp cho mỗi doanh nghiệp tham gia khảo sát một báo cáo cá nhân tuỳ chỉnh, gồm một điểm chuẩn so với ngành hàng của họ cho mỗi trong số 6 yếu tố. Điều này cho phép các công ty nhìn nhận lại năng suất và vị trí của mình so với đối thủ cùng ngành.

Ba khuyến nghị để cải thiện khả năng phục hồi

Chẩn đoán cũng cung cấp 3 khuyến nghị phù hợp cho mỗi công ty nhằm cải thiện khả năng phục hồi, dựa trên những điểm mạnh và điểm yếu của họ. Việc xem xét các khuyến nghị đã tiết lộ một số thông tin và hiểu biết chuyên sâu, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp trong việc định hình một khái niệm chung cho khả năng phục hồi trong đại dịch Covid-19.

Ba khuyến nghị: “Thúc đẩy các kênh kinh doanh trực tuyến”; “Bảo vệ doanh nghiệp khỏi các cuộc tấn công mạng”; “Tăng cường sự đa dạng trong chuỗi cung ứng” được đưa ra thường xuyên nhất và có thể áp dụng cho hầu hết các công ty nhỏ. Điều này cho thấy, các công ty sở hữu chỉ số hồi phục tốt thường có sự hiện diện trực tuyến mạnh mẽ, một hệ thống bảo mật công nghệ thông tin được đầu tư bài bản và có một lượng đa dạng nhà cung cấp. Những kết luận này đã được chỉ ra từ dữ liệu, vì vậy sẽ khá đáng giá để các chủ doanh nghiệp và các cấp quản lý cân nhắc.

Một số doanh nghiệp cũng đã được khuyến nghị là “Cung cấp đào tạo về làm việc ở nhà”; “Nâng cấp hệ thống công nghệ thông của bạn để cải thiện phân tích kinh doanh”; “Cập nhật kế hoạch liên tục kinh doanh”.

Làm việc ở nhà (Work From Home) - một thuật ngữ mới và thường được sử dụng để có được sự chú ý trong đại dịch Covid-19 đã thực sự được nhiều nhà tư vấn tâng bốc trong một thời gian dài. Không chỉ các bên tư vấn, mà cả giới truyền thông cũng đang thúc đẩy theo xu hướng này với các khái niệm như “văn hóa làm việc mới”, “phong cách quản lý mới”... Tuy nhiên, việc áp dụng mô hình làm việc ở nhà vào thực tế được ban lãnh đạo coi là một vấn đề đau đầu và ít được ưu tiên thực hiện hoặc trì hoãn.

Đáng ngạc nhiên là, kết quả đánh giá chẩn đoán tiết lộ rằng, việc chuyển đổi sang làm việc ở nhà dường như không phải là một vấn đề lớn đến vậy, ít nhất không phải là khi không còn lựa chọn nào hết. Thoạt đầu, làm việc ở nhà có vẻ gây khó khăn do phương pháp này mang đến rất nhiều thay đổi, nhưng dữ liệu cho thấy, hầu hết các công ty đang làm tốt với việc triển khai làm việc ở nhà. Sự chuyển đổi cần thiết là việc đổi mới sáng tạo và được đặt lên hàng đầu.

Tất nhiên, không nên tin tưởng một cách mù quáng vào kết quả của bài chẩn đoán. Quy mô dữ liệu không đặc biệt lớn và chắc chắn, những cá nhân tham gia có thể đã nhầm lẫn khi trả lời khảo sát về hiệu quả kinh doanh của họ. Nhưng nhìn chung, các kết quả này cung cấp một điểm khởi đầu giá trị cho phân tích khả năng phục hồi trong bối cảnh của Việt Nam, cũng như bổ khuyết cho các giai thoại và ý kiến chủ quan trong thời điểm hiện tại.

Có nhiều lý do khiến cho hoạt động kinh doanh ở Việt Nam khả quan hơn so với các thị trường khác. Đáng chú ý, đại dịch không ảnh hưởng lớn tới sức khỏe như những nơi khác. Nhưng chắc chắn rằng, khả năng thích ứng và khả năng phục hồi của các doanh nhân, cả người Việt Nam và người nước ngoài và của người lao động Việt Nam nói chung, cũng là một yếu tố quan trọng.

Tóm lại, Khảo sát đánh giá khả năng phục hồi kinh doanh sau đại dịch của Grant Thornton Việt Nam khá độc đáo trong tất cả các bài bình luận về tác động của đại dịch Covid-19 đối với hoạt động kinh doanh ở Việt Nam. Trước hết, việc chẩn đoán này dành riêng cho thị trường Việt Nam và đã được thực hiện bởi các doanh nhân Việt Nam và nước ngoài có kinh nghiệm lâu năm, đa dạng tại đây. Tất cả dữ liệu được thu thập từ những người trong cuộc từ các doanh nghiệp Việt Nam, không phải từ ý kiến bên ngoài.

Ngoài ra, những thông tin và hiểu biết chuyên sâu được hình thành từ dữ liệu đưa ra các khuyến nghị thực tiễn nhằm bảo vệ hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp trong đại dịch thời điểm hiện tại và khỏi những gián đoạn kinh doanh có thể xảy ra trong tương lai. Và cuối cùng, khảo sát chẩn đoán này đã mang đến cho chúng ta một góc nhìn mới lạ và giá trị trong tình hình hiện tại của thị trường.

Bài đánh giá chẩn đoán này được thực hiện trong mùa hè vừa qua bởi sự hợp tác giữa Grant Thornton Việt Nam, enablecode và TRG. Phiên bản tải về của bản tóm tắt khảo sát dành cho công chúng tại đây: https://bprdexecutivesummary2020.questionpro.com/.

Sẽ sớm có những hội thảo trực tuyến để thảo luận về kết quả bài khảo sát này. Các doanh nghiệp, đã hoặc không tham gia bài khảo sát, luôn được hoan nghênh để liên hệ với một trong ba đối tác thực hiện bài khảo sát để tìm hiểu sâu hơn về kết quả cũng như chia sẽ những thông tin, hiểu biết sâu hơn về thị trường.

Claude Spiese
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục