14h ngày 29/6, tại Trung tâm Hội nghị PYTOPIA, TP. Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên, UBND tỉnh Phú Yên phối hợp với Báo Đầu tư sẽ tổ chức chương trình giao lưu trực tuyến năm 2023 với chủ đề: "Phú Yên kiến tạo môi trường đầu tư, kinh doanh, đồng hành cùng doanh nghiệp" trên hệ thống điện tử của Báo Đầu tư bao gồm http://Baodautu.vn, http://tinnhanhchungkhoan.vn, http://vir.com.vn.
Theo đó, buổi giao lưu trực tuyến sẽ có sự tham dự của lãnh đạo UBND tỉnh, lãnh đạo các sở, ban ngành, địa phương của tỉnh Phú Yên; lãnh đạo Báo Đầu tư.
Tại chương trình này, thông qua hệ thống điện tử trực tuyến của Báo Đầu tư, lãnh đạo UBND tỉnh, lãnh đạo các Sở, ban, ngành tỉnh Phú Yên sẽ trình bày và giải đáp các thắc mắc của độc, giả, các nhà đầu tư liên quan đến các nội dung về cơ chế chính sách hỗ trợ nhà đầu tư, doanh nghiệp; các thủ tục hành chính, phạm vi giải quyết hồ sơ doanh nghiệp; cơ hội đầu tư trong từng lĩnh vực, từng địa phương của tỉnh Phú Yên…
Đồng thời, thông qua buổi giao lưu, lãnh đạo tỉnh Phú Yên cũng sẽ cung cấp thêm các thông tin liên quan đến lĩnh vực tỉnh ưu tiên kêu gọi đầu tư; các quy trình cấp phép đầu tư, đấu giá, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án; các định hướng quy hoạch, tiềm năng, thế mạnh phát triển kinh tế của tỉnh.
Được biết, đây là lần thứ 3 UBND tỉnh Phú Yên phối hợp với Báo Đầu tư thực hiện chương trình giao lưu trực tuyến trên Báo Đầu tư. Trong đó, lần thứ nhất diễn ra vào tháng 9/2018 với chủ đề "Cơ hội đầu tư vào tỉnh Phú Yên"; lần thứ hai diễn ra vào tháng 12/2020 với chủ đề "Phú Yên - Điểm đến hấp dẫn nhà đầu tư".
Phú Yên là một trong số ít địa phương sở hữu nhiều tiềm năng đa dạng về phát triển kinh tế tổng hợp như du lịch, dịch vụ, năng lượng tái tạo, nông nghiệp công nghệ cao, lẫn công nghiệp.
Cụ thể, Phú Yên có những bãi biển đẹp với cát trắng trải dài hàng chục km; sở hữu trên 20 danh lam thắng cảnh cấp quốc gia, trong đó phải kể đến như Gành đá đĩa, Bãi Môn - Mũi Điện, Bãi Xếp, Vịnh Xuân Đài, Đầm Ô Loan, Tháp Nhạn…Cùng với đó, Khu kinh tế Nam Phú Yên có rất nhiều lợi thế như gần cảng Vũng Rô, sân bay nằm ngay bên cạnh…
Trong những năm gần đây, với việc hầm Đèo Cả và hầm đèo Cù Mông đã thông, Sân bay Tuy Hòa đã nâng cấp, các tuyến đường liên kết với vùng Tây Nguyên đã đầu tư xây dựng…, tất cả đã tạo ra cú hích lớn, thu hút nhiều nhà đầu tư đến với Phú Yên.
Đặc biệt, sắp tới đây, khi Quy hoạch tỉnh Phú Yên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được thông qua, sẽ tạo thêm không gian, dự địa để Phú Yên phát triển, còn các nhà đầu tư, doanh nghiệp cũng tìm được cơ hội của mình ở vùng đất "hoa vàng trên cỏ xanh".
Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Tạ Anh Tuấn cho biết, đến với Phú Yên, các nhà đầu tư sẽ được tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để thực hiện thành công và đảm bảo phát triển bền vững trong tương lai, với phương châm "Thành công của nhà đầu tư, của doanh nghiệp chính là thành công của Phú Yên".
Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Lê Tấn Hổ, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phú Yên cho biết, UBND tỉnh Phú Yên phối hợp với Báo Đầu tư tổ chức Hội nghị gặp mặt, đối thoại doanh nghiệp và nhà đầu tư năm 2023, với chủ đề: “Phú Yên - kiến tạo môi trường đầu tư kinh doanh, đồng hành cùng doanh nghiệp”, để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, đề xuất của các doanh nghiệp và nhà đầu tư; nhằm kịp thời giải đáp, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đề ra những giải pháp phù hợp để thúc đẩy, hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của doanh nghiệp, hướng đến cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh.
Ông Lê Tấn Hổ, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phú Yên phát biểu khai mạc Hội nghị. Ảnh: Đức Thành |
Theo ông Hổ, sau một thời gian ảnh hưởng kéo dài của đại dịch Covid-19 cũng như những biến động phức tạp của kinh tế thế giới đã làm cho doanh nghiệp, nhà đầu tư trên cả nước nói chung và tỉnh Phú Yên nói riêng gặp nhiều khó khăn trong hoạt động sản xuất - kinh doanh. Tuy nhiên, với sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh, sự phối hợp của các sở, ban, ngành, địa phương và sự đồng hành, nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh, việc triển khai các giải pháp nhằm cải thiện môi trường đầu tư, hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, thực hiện thu hút đầu tư đã đem lại kết quả đáng kể.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh (GRDP) dự ước 6 tháng đầu năm 2023 đạt 6,9%; trong đó khu vực nông-lâm-thủy sản tăng trưởng 3,91%; khu vực công nghiệp tăng trưởng 10,76%, điểm tăng trưởng chính là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo (chiếm 52,08% của khu vực công nghiệp); khu vực dịch vụ đạt mức tăng trưởng 5,82%, trong đó một số ngành như dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng 18,91% là nhóm ngành tăng cao nhất... Về tình hình đăng ký doanh nghiệp có nhiều khởi sắc, trong 06 tháng đầu năm 2023 số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới là 288 doanh nghiệp, với số vốn đăng ký là hơn 4.000 tỷ đồng (tăng hơn 53,5% so cùng kỳ). Đến nay, trên địa bàn tỉnh có hơn 3.600 doanh nghiệp đang hoạt động, với tổng vốn đăng ký khoảng gần 79.000 tỷ đồng; doanh thu từ các doanh nghiệp trong 06 tháng đạt hơn 16.000 tỷ đồng, đóng góp của các doanh nghiệp vào ngân sách nhà nước dự ước khoảng hơn 1.200 tỷ đồng, đã giải quyết việc làm cho gần 70.000 lao động. Bên cạnh đó, tỉnh đã tiếp xúc và làm việc với nhiều nhà đầu tư đến tìm hiểu cơ hội đầu tư tại tỉnh, đáng chú ý là việc tiếp cận nghiên cứu đề xuất đầu tư tại Khu công nghiệp Hòa Tâm, Cảng Bãi Gốc và tổ chức giới thiệu tiềm năng, kêu gọi đầu tư đến các đối tác Nhật Bản.
“Với kết quả nói trên, có thể khẳng định tinh thần quyết tâm, khát khao vươn lên của cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư trong giai đoạn phục hồi, phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp, nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh so với các tỉnh trong khu vực và cả nước còn ít, quy mô doanh nghiệp và các dự án còn nhỏ, sức cạnh tranh của doanh nghiệp chưa lớn. Đồng thời, mặc dù thời gian qua tỉnh đã quan tâm, nỗ lực giải quyết các yêu cầu chính đáng của doanh nghiệp, nhà đầu tư và chỉ đạo thực hiện các cam kết, chính sách ưu đãi đối với nhà đầu tư theo quy định của pháp luật, nhưng có thể đôi lúc, đôi khi vẫn còn những thiếu sót và chậm trễ trong lúc thực hiện. Công tác thực hiện chính sách, hỗ trợ nhìn chung vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp và nhà đầu tư; sự tăng trưởng các chỉ số PCI và PAPI trong nhiều năm chưa đạt được kỳ vọng đã đề ra; công tác thông tin của chính quyền, các cơ quan thông tấn báo chí về tình hình kinh tế - xã hội, đặc biệt là những dự án lớn, nhạy cảm đôi lúc chưa kịp thời…”, ông Hổ cho biết.
Cũng theo ông Hổ, hội nghị gặp mặt, đối thoại doanh nghiệp và nhà đầu tư là một hoạt động thường niên của tỉnh. Đây là dịp để các nhà đầu tư, doanh nghiệp chia sẻ về các thuận lợi và khó khăn trong quá trình đầu tư và hoạt động sản xuất kinh doanh; đồng thời, cũng là dịp để Lãnh đạo tỉnh, thủ trưởng các sở, ban, ngành và các cơ quan chức năng lắng nghe, giải đáp, tháo gỡ vướng mắc cho nhà đầu tư và doanh nghiệp trong việc thực hiện các quy định của pháp luật, hướng đến xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh lành mạnh, bình đẳng, minh bạch, công khai trên địa bàn tỉnh.
“Thông qua Hội nghị này, tỉnh cũng mong muốn được lắng nghe các đề xuất, kiến nghị của doanh nghiệp, nhà đầu tư để có những giải pháp, chính sách phù hợp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói chung và sự phát triển của doanh nghiệp nói riêng trong thời gian tới”.
Phát biểu tại Hội nghị gặp mặt, đối thoại doanh nghiệp, nhà đầu tư năm 2023 do Báo Đầu tư và UBND tỉnh tổ chức vào chiều 29/6/2023, Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên Phạm Đại Dương cám ơn Báo Đầu tư đã đồng hành cùng địa phương trong công tác tuyên truyền về lĩnh vực đầu tư nói riêng và tình hình kinh tế - xã hội nói riêng. Đồng thời, ông Dương cũng cám ơn doanh nghiệp đã đồng hành, chia sẻ.
"Đây là lần thứ 3, tỉnh Phú Yên phối hợp với Báo Đầu tư tổ chức sự kiện này. Trong sự kiện lần này, nhiều lãnh đạo cấp cao nhất của tỉnh, nhiều ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tham dự. Điều đó thể hiện, lãnh đạo tỉnh Phú Yên rất chia sẻ trước những khó khăn với cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh", ông Dương nhìn nhận.
"Chúng tôi cũng đã cố gắng, nỗ lực, nhưng những cố gắng, nỗ lực này chỉ đáp ứng một phần có khăn của doanh nghiệp. Chúng tôi rất xin lỗi chưa đáp ứng được hết những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp. Một phần nguyên nhân là do năng lực, do các nguyên nhân khách quan, chủ quan. Chúng tôi xin hứa bằng khả năng của mình sẽ tiếp tục cố gắng để đáp ứng yêu cầu phát triển", ông Dương chia sẻ.
Theo ông Dương, Hội nghị hôm nay đã phần nào giải đáp được ý kiến của doanh nghiệp. Xác định, hoạch định những khó khăn mới đưa ra giải pháp. 4 khó khăn chính đối với doanh nghiệp được người đứng đầu Tỉnh ủy Phú Yên nhận diện. Đầu tiên là ảnh hưởng của dịch bệnh, đẩy doanh nghiệp đối mặt với những khó khăn chưa có tiền lệ; tình hình xung đột Nga - Ukraine ; cơ chế chính sách còn nhiều bất cập; thế chế.
Ông Dương cho rằng, Nhà nước, Trung ương, Quốc hội cũng đã nhận ra những khó khăn này và đề ra các định hướng giải quyết. Tỉnh Phú Yên cũng góp ý với các cơ quan Chính phủ, Quốc hội để hoàn thiện các quy định của pháp luật. Trách nhiệm của tỉnh trong thời gian tới là cụ thể hóa cơ chế chính sách mới. Một số quy định có chồng chéo từ lúc xây dựng cho đến lúc áp dụng, hiểu như thế nào, chúng tôi đang tập trung tháo gỡ.
Việc tiếp theo là Phú Yên đang tập trung cho công tác quy hoạch. Công tác này phải đi trước một bước. Cuối tháng 7/2023, chúng tôi trình Thủ tướng Chính phủ và dự kiến đến tháng 12/2023, Quy hoạch tỉnh Phú Yên sẽ được phê duyệt.
Đây là đồ án hết sức quan trọng. Các doanh nghiệp đang làm các dự án có sử dụng đất cũng đang mong đợi cái này.
Tỉnh Phú Yên sẽ tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng, trong đó có cả hạ tầng cứng, hạ tầng mềm, hạ tầng giao thông xã hội. Tất cả đều phải tập trung. Vai trò của Nhà nước trong giai đoạn này rất quan trọng. Điều này tỉnh chưa làm được một cách bài bản và chi tiết cho cộng đồng doanh nghiệp.
Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên Phạm Đại Dương chia sẻ với doanh nghiệp tại Hội nghị. |
Phú Yên cũng đang tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch, nông nghiệp. “Mỗi lĩnh vực định hướng như thế nào, chúng tôi sẽ cùng nhau bàn bạc, hoạch định để đưa ra định hướng phát triển”, ông Dương nói.
Cùng với việc nhân rộng một số mô hình tốt, việc tiếp theo mà tỉnh đang làm là đào tạo nguồn nhân lực. “Muốn cạnh tranh là phải chuyên nghiệp. Cạnh tranh về sự khác biệt, chất lượng chứ không phải cạnh tranh về giá. Bây giờ Phú Yên chọn mô hình khách đến thật đông, giá thật rẻ, doanh nghiệp và tỉnh không thu được bao nhiêu thì có lợi hay không? Hay là chúng ta lựa chọn mô hình của Sơn Đoong (Quảng Bình), vừa không ảnh hưởng môi trường vừa tạo tiếng vang rất tốt…”, ông Dương đặt vấn đề.
Đối với doanh nghiệp, ông Dương đề nghị cần thẳng thắn trao đổi với cơ quan quản lý Nhà nước, để đề xuất hoàn thiện cơ chế chính sách, giúp doanh nghiệp và người dân cùng phát triển.
Nhìn nhận việc phát huy tinh thần đoàn kết của từng hiệp hội hiện nay chưa có, ông Dương đề nghị các hiệp hội không nên cạnh tranh, nói xấu lẫn nhau. “Doanh nghiệp cùng ngồi với cơ quan Nhà nước bàn cách cạnh tranh với các địa phương lân cận. Cách duy nhất là cùng nhau bắt tay cùng đi lên chứ đừng níu tay nhau xuống”, ông Dương đúc rút.
Phát biểu kết luận Hội nghị, ông Tạ Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên cho biết, qua một buổi làm việc tích cực, sau khi nghe Sở Kế hoạch và Đầu tư báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội 06 tháng đầu năm 2023; kết quả chỉ số PCI năm 2022; tình hình phát triển, hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh và ý kiến của các đại biểu, chuyên gia, nhất là ý kiến phát biểu của các doanh nghiệp; chúng ta thấy rằng, trong thời gian qua, với sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của các cấp ủy, chính quyền, sự nỗ lực của các sở, ban, ngành, địa phương và sự ủng hộ, đồng hành của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, công tác cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh đã đạt được một số kết quả nhất định.
Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2022 có các chỉ số thành phần tăng vượt bậc như “Cạnh tranh bình đẳng” tăng 28 bậc, “Tính minh bạch” tăng 25 bậc, qua đó cho thấy cộng đồng doanh nghiệp có những phản ánh tích cực về nỗ lực của chính quyền tỉnh trong việc tạo môi trường đầu tư kinh doanh lành mạnh, thông thoáng, công bằng và ổn định để doanh nghiệp hoạt động phát triển, bền vững. Các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế được đối xử bình đẳng, doanh nghiệp được xem là đối tượng phục vụ chứ không phải là đối tượng quản lý. Cán bộ công chức của các sở, ban, ngành tiếp tục được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá có cải thiện về thái độ thân thiện, nhiệt tình, am hiểu chuyên môn, hướng dẫn rõ ràng, đầy đủ, giải quyết công việc hiệu quả…
Tuy nhiên, bên cạnh đó, nhiều nội dung chúng ta giảm điểm, tụt hạng, phải nỗ lực nhiều hơn nữa để đáp ứng được kỳ vọng của người dân, doanh nghiệp như: “Chỉ số gia nhập thị trường” giảm 0,57 điểm và giảm 31 bậc, cho thấy doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc cấp phép kinh doanh có điều kiện để hoạt động; bao gồm như: Hướng dẫn thủ tục cấp phép, quy trình giải quyết, thời gian thực hiện, chi phí… kéo dài và nhiều hơn so với quy định. “Chi phí không chính thức” giảm 0,6 điểm, giảm 28 bậc so với năm 2021; cho thấy vẫn còn tình trạng nhũng nhiễu khi giải quyết thủ tục hành chính cho doanh nghiệp; tỷ lệ đạt được kết quả mong đợi sau khi trả chi phí không chính thức cho cán bộ thanh tra, kiểm tra trong một số lĩnh vực tăng cao; các chi phí không chính thức tăng so với năm trước. Về chính sách hỗ trợ doanh nghiệp năm 2022, cộng đồng doanh nghiệp đánh giá chưa cao; còn nhiều thủ tục để doanh nghiệp được hỗ trợ như: Hỗ trợ tín dụng, hỗ trợ tăng cường năng lực doanh nghiệp, thủ tục hỗ trợ miễn giảm các chi phí tư vấn… còn phức tạp, khó thực hiện. Điều đó cho thấy doanh nghiệp chưa nhận được sự hỗ trợ tích cực của các cơ quan quản lý nhà nước.
“Hội nghị chúng ta đã được nghe các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, nhà đầu tư trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh, triển khai thực hiện dự án trên địa bàn tỉnh và qua đó cũng nắm bắt được những nguyên nhân, tồn tại, hạn chế của tỉnh trong thời gian qua, dẫn đến điểm số PCI, PAPI của tỉnh Phú Yên chưa đạt kỳ vọng đề ra hay phải nói là quá thấp”, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết.
Ông Tạ Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên phát biểu kết luận Hội nghị. |
Cũng Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, tại Hội nghị này, các ý kiến, kiến nghị của các doanh nghiệp về cơ bản đã được các cơ quan liên quan giải đáp. Những ý kiến chưa đáp ứng được mong muốn của doanh nghiệp, Tôi giao trách nhiệm cho Sở Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục tổng hợp đầy đủ nội dung các câu hỏi của doanh nghiệp (bao gồm các câu hỏi tại Hội nghị hôm nay do Tổ thư ký Hội nghị tổng hợp) để phối hợp với các sở, ngành, địa phương, đơn vị có liên quan tập trung giải quyết các khó khăn, vướng mắc, kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp, nhà đầu tư trong phạm vi thuộc thẩm quyền và chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị mình và có văn bản trả lời, thông báo đến doanh nghiệp trong thời gian sớm nhất. Trường hợp vượt thẩm quyền, báo cáo tham mưu UBND tỉnh (thông qua Sở Kế hoạch và Đầu tư).
Đồng thời, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các sở, ban, ngành, địa phương tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
1. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai quyết liệt, hiệu quả hơn nữa các nhiệm vụ, giải pháp đã được giao tại các nghị quyết, chương trình, kế hoạch của tỉnh về đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, nâng cao chỉ số PCI, PAPI, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, lành mạnh; nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của tỉnh Phú Yên; rà soát, đánh giá thủ tục hành chính và kiểm tra công tác kiểm soát thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh.
2. Nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo cải cách hành chính các cấp; Thủ trưởng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải trực tiếp phụ trách, chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện và chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện các nhiệm vụ được phân công tại các kế hoạch của UBND tỉnh và chịu trách nhiệm toàn diện về kết quả thực hiện ở cơ quan, đơn vị do mình quản lý.
3. Tập trung chỉ đạo quyết liệt việc xây dựng, triển khai chính quyền điện tử và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan nhà nước để tăng cường tính công khai, minh bạch trong hoạt động của các cấp chính quyền. Triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao tỷ lệ thủ tục hành chính có phát sinh hồ sơ trực tuyến mức độ 3, 4 được tiếp nhận và trả kết quả qua dịch vụ bưu chính công ích.
4. Rà soát, chuẩn hóa, khắc phục những hạn chế trong các quy trình phối hợp thực hiện nhiệm vụ giữa các cơ quan nhà nước với nhau, xác định rõ trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị, từng cán bộ, công chức trong phối hợp xử lý các nhiệm vụ chung; khắc phục tình trạng không rõ, đùn đẩy trách nhiệm giữa các đơn vị, địa phương, bằng việc rà soát ban hành các quy trình, thời gian của từng cơ quan trong phối hợp giải quyết nhiệm vụ chung, ứng dụng công nghệ thông tin công khai trên cổng thông tin điện tử để theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện.
5. Tăng cường việc kiểm tra, giám sát việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính tại các cơ quan, đơn vị trực thuộc; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm hoặc điều chuyển cán bộ, công chức có thái độ không đúng mực khi người dân, tổ chức đến làm việc, đảm bảo không còn xảy ra tình trạng nhũng nhiễu trong quá trình giải quyết công việc, cung ứng dịch vụ hành chính công.
6. Vừa qua, ngày 31/5/2023 UBND tỉnh đã thành lập “Tổ công tác tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư, dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh” do Tôi-Chủ tịch UBND tỉnh làm Tổ trưởng, 04 Tổ phó là 03 Phó Chủ tịch UBND tỉnh và Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, các thành viên còn lại của Tổ công tác là Giám đốc, Thủ trưởng, người đứng đầu của 32 đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh. Nhiệm vụ của Tổ công tác này là hết sức quan trọng, nhằm thúc đẩy phục hồi và phát triển các ngành, lĩnh vực; thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra và được thực hiện theo chủ trương chung của Chính phủ tại Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 08/4/2023.
Hiện Quy chế hoạt động của Tổ công tác đang được xem xét để sớm ban hành; đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư (Cơ quan thường trực Tổ công tác) tiếp tục chủ động và khẩn trương chuẩn bị rà soát, chuẩn bị chặt chẽ nội dung, tham mưu đề xuất kế hoạch, các giải pháp cụ thể để Tổ công tác từng bước xem xét tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.
“Hội nghị gặp mặt, đối thoại doanh nghiệp, nhà đầu tư là hoạt động thường niên được tổ chức để Lãnh đạo tỉnh tiếp tục lắng nghe và giải quyết các kiến nghị, khó khăn trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, kịp thời hỗ trợ và thúc đẩy doanh nghiệp phát triển, đạt được những kết quả tích cực. Những ý kiến phản hồi, góp ý, hiến kế của quý đại biểu sẽ là nguồn tư liệu quan trọng để tỉnh có cơ sở nghiên cứu, tìm kiếm những giải pháp hiệu quả hơn, thiết thực hơn để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong phạm vi thẩm quyền; đồng thời nghiên cứu, đề xuất các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương xem xét giải quyết những vấn đề ngoài phạm vi cho phép”, ông Tuấn cho biết.
-
Ông Tạ Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên
-
Ông Võ Đình Tiến, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư
-
Ông Trần Xuân Túc, Giám đốc Sở Xây dựng
-
Ông Đặng Ngọc Anh, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường
-
Bà Nguyễn Thị Hồng Thái, Giám đốc Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch
-
Ông Nguyễn Phương Đông, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải
-
Ông Nguyễn Văn Hào, Phó giám đốc sở Tài chính
-
Ông Trần Thanh Hưng, Sở Thông tin Truyền thông
-
Ông Lê Đức Tịnh, Phó Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội
-
Ông Nguyễn Thanh Tuấn, Giám đốc Sở Công thương
-
Ông Nguyễn Văn Hưng, Trưởng ban Quản lý Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao
-
Ông Nguyễn Quốc Thắng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Tuy Hoà
-
Ông Lê Tấn Hổ, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phú Yên
-
Ông Võ Ngọc Thạch, Phó Chủ tịch UBND Thị xã Sông Cầu
-
Ông Nguyễn Văn Hoàng, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy An
-
Ông Đinh Ngọc Dạn, Chủ tịch UBND Huyện Sông Hinh
-
Ông Lê Văn Quy, Chủ tịch UBND huyện Sơn Hoà
-
Ông Trần Minh Trí, Chủ tịch UBND huyện Tây Hoà
-
Ông Đặng Tuấn Hoà, Trưởng phòng Nghiệp vụ Cục Thuế
-
Ông Nguyễn Xuân Hùng, Trưởng ban Ban quản lý Khu kinh tế Phú Yên
Danh sách khách mời
Theo quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (tại Quyết định số 648/QĐ-TTg ngày 07/6/2023), thì Cảng hàng không Tuy Hòa là hàng không quốc nội 4C công suất thiết kế dự kiến đến năm 2030 là 3 triệu HK/năm, đến năm 2050 là 5 triệu HK/năm.
Cảng hàng không Tuy Hòa có công suất 550.000HK/năm đủ điều kiện khai thác các chuyến bay nội địa và quốc tế. Hiện tại Cảng đang khai thác với công suất năm 2022 là 680.000HK/năm (vươt công suất thiết kế), trước mắt để đáp ứng nhu cầu vận chuyển hành khách, Tổng công ty Hàng không sẽ đầu tư 5 vị trí sân đổ nhằm khai thác trên 1 triệu HK/năm.
Việc tăng cường đường bay nội địa, cũng như đường bay quốc tế phụ thuộc vào nhu cầu thị trường được các hãng hàng không khảo sát để hình thành các đường bay mới và tăng tần bay nên chưa thể xác định được thời điểm cụ thể.
Để đáp ứng nhu cầu đi lại cho nhân dân, khách tham quan du lịch và các nhà đầu tư đi và đến Phú Yên được thuận lợi nhằm góp phần phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Phú Yên. Ngày 22/02/2023, UBND tỉnh và Tổng công ty hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) đã ký Biên bản thỏa thuận về Chương trình hợp tác giai đoạn 2023- 2027; “Có chính sách ưu đãi về giá đối với các doanh nghiệp du lịch tham gia chương trình kích cầu du lịch nội địa trong năm. Xây dựng chính sách ưu đãi dành cho doanh nghiệp khách hàng lớn đối tác trong các chương trình dự án của tỉnh Phú Yên” và “Triển khai kế hoạch tăng tần suất ổn định chuẩn bay Hà Nội thành phố Hồ Chí Minh đến đi tại Phú Yên và tiếp tục nghiên cứu thị trường các tỉnh thành phố khai thác để mở thêm các chuyến bay.”
Sở VHTTDL xin trả lời câu hỏi của chị như sau:
Từ đầu năm 2023 đến nay, Sở VHTTDL đã tiếp tục tổ chức các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch để kích cầu, thu hút khách du lịch: Tham dự và phối hợp triển khai các nội dung liên quan đến Hội nghị Xúc tiến hợp tác Ấn Độ và các tỉnh Nam Trung Bộ tổ chức tại tỉnh Khánh Hoà; Hội nghị tổng kết Chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh vùng Duyên hải Nam Trung Bộ; Tuần Văn hóa - Du lịch Phú Yên 2023; Tham gia Hội chợ Du lịch Quốc tế Việt Nam – VITM Hanoi 2023; tham gia sự kiện Vietnam Airlines Festa – Ngày hội Bán tại Hà Nội; đăng cai tổ chức các giải thi đấu thể thao toàn quốc; tổ chức Ngày Quốc tế Yoga,,,.
Thời gian tới, Sở VHTTDL tiếp tục tham mưu UBND tỉnh tổ chức một số hoạt động để kích cầu, thu hút khách du lịch đến Phú Yên như sau:
1. Tổ chức một số hoạt động, sự kiện có quy mô để thu hút khách du lịch đến Phú Yên.
2. Khuyến khích các sở, ngành, địa phương, doanh nghiệp chủ động phối hợp bộ, ngành, trung ương đăng cai tổ chức các hội nghị, hội thảo, sự kiện để thu hút khách đến Phú Yên.
3. Vận động các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh tích cực tham gia hưởng ứng kế hoạch kích cầu thu hút khách du lịch đến Phú Yên năm 2023; xây dựng chính sách hỗ trợ giảm giá kích cầu du lịch, tham gia các dịch vụ trong gói combo thuộc chương trình.
4. Tổ chức các đoàn Famtrip khảo sát, ký kết hợp tác phát triển du lịch giữa các địa phương trên cả nước.
5. Tăng cường thực hiện công tác tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu du lịch trên các kênh truyền thông.
Thời gian qua, Sở Thông tin và Truyền thông đã thực hiện một số nhiệm vụ tuyên truyền hình ảnh của tỉnh để thu hút đầu tư như sau:
1. Từ năm 2016 đến nay, hằng năm UBND tỉnh giao Sở Thông tin và Truyền thông ký kết hợp tác truyền thông thông tin đối ngoại với Thông tấn xã Việt Nam. Tháng 8/2022, Sở Thông tin và Truyền thông đã tham mưu UBND tỉnh phê duyệt và ban hành Đề án “Truyền thông tỉnh Phú Yên giai đoạn 2022 - 2025”. Hằng năm, Sở TT&TT ban hành Kế hoạch truyền thông nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Phú Yên; đồng thời ký kết hợp tác truyền thông với 07 báo, đài truyền hình trong nước để tuyên truyền các nội dung của Đề án.
Việc triển khai “Đề án truyền thông tỉnh giai đoạn 2022 - 2025” nhằm tăng cường, nâng cao hiệu quả hơn nữa công tác thông tin, tuyên truyền, quảng bá về tỉnh Phú Yên trong giai đoạn hiện nay thật sự quan trọng và cần thiết. Đề án phải đảm bảo phù hợp, thống nhất, đồng bộ với mục tiêu, định hướng của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn 2020 - 2025, nhất là cụ thể hóa truyền thông sâu rộng về kết quả thành công và những nội dung mới trong văn kiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII.
Qua đó, huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị và người dân cũng như vận động tối đa mọi nguồn lực xã hội để làm công tác truyền thông; trong đó các cơ quan thông tin, truyền thông từ tỉnh đến cơ sở là lực lượng nòng cốt trong tham mưu và tổ chức thực hiện. Truyền thông toàn diện, có hệ thống, đảm bảo thường xuyên, liên tục, kịp thời, chính xác, có điểm nhấn, tạo được sức hút trong các “chiến dịch” truyền thông. Xác định theo những chủ đề tập trung truyền thông theo từng đối tượng, từng lĩnh vực, địa phương; trong đó tập trung ưu tiên truyền thông về xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đối số, xúc tiến thu hút đầu tư, du lịch, kinh tế biển,… Truyền thông về việc tập trung chỉ đạo quyết liệt, xem xét giải quyết có hiệu quả các thủ tục hành chính, tạo môi trường thực sự thông thoáng, nhanh gọn, không phát sinh các chi phí không chính thức, giảm thời gian và giúp nhà đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh; bảo đảm thủ tục pháp lý cho các nhà đầu tư khởi công dự án sớm nhất có thể, nhất là các dự án trong các khu công nghiệp, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao... Qua đó tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa, nhằm thu hút đầu tư mạnh hơn nữa vào Phú Yên, xây dựng Phú Yên là điểm đến lý tưởng trong và ngoài nước.
2. Sở Thông tin và Truyền thông thường xuyên ban hành văn bản đề nghị các cơ quan báo chí, hệ thống truyền thanh cơ sở trên địa bàn tỉnh tăng cường công tác thông tin tuyên truyền về các cơ chế, chính sách, quy định của Nhà nước, của Tỉnh về thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; tuyên truyền về hỗ trợ doanh nghiệp; tuyên truyền các cơ chế, chính sách của tỉnh về phát triển bền vững, tăng trưởng xanh...
3. Hướng dẫn các cơ quan báo chí trên địa bàn tỉnh và hệ thống thông tin cơ sở tăng cường truyền thông quảng bá hình ảnh tỉnh đến các nhà đầu tư trong và ngoài nước (tính đến thời điểm hiện nay (tháng 7/2022), trên địa bàn tỉnh Phú Yên có 04 cơ quan báo chí địa phương (01 báo in, 01 Đài Phát thanh và Truyền hình và 02 tạp chí in); 05 văn phòng đại diện, 13 phóng viên thường trú các báo Trung ương và địa phương khác hoạt động tại tỉnh; 09 Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thanh/Truyền thanh – Truyền hình cấp huyện, 110 Đài Truyền thanh cấp xã và 13 Trang Thông tin điện tử tổng hợp của các sở, ban, ngành).
Đồng thời, tham mưu UBND tỉnh tổ chức họp báo định kỳ theo quy định; công khai minh bạch thông tin về chủ trương, quy hoạch, kế hoạch của tỉnh, tình hình triển khai các dự án lớn và các vấn đề mà cử tri, dư luận, báo chí, doanh nghiệp, nhà đầu tư và người dân quan tâm để tạo sự đồng thuận trong triển khai thực hiện; kịp thời phối hợp với các cơ quan đấu tranh phản bác lại các thông tin xuyên tạc, sai sự thật, chống phá chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, của tỉnh; kịp thời định hướng dư luận xã hội trước những thông tin xuyên tạc các sự kiện, hoạt động, dự án lớn của tỉnh.
Thời gian vừa qua, Tập đoàn PETMAL Oil Holdings (Malaysia) đã tìm hiểu, nghiên cứu, đề xuất đầu tư Dự án Nhà máy lọc dầu tại Khu công nghiệp Hòa Tâm và cảng Bãi Gốc, cụ thể:
Ngày 19/4/2023 và ngày 17/5/2023, UBND tỉnh đã có buổi làm việc với Tập đoàn PETMAL Oil Holdings (Malaysia) về việc tiếp cận và nghiên cứu, đề xuất đầu tư dự án Nhà máy lọc dầu tại KCN Hòa Tâm và cảng Bãi Gốc. Tập đoàn PETMAL Oil Holdings (Malaysia) đề xuất xây dựng một tổ hợp lọc hóa dầu hiện đại với công suất 8 triệu tấn dầu thô/năm. Tổng mức đầu tư thực hiện dự án dự kiến khoảng 5 tỉ USD, diện tích sử dụng đất khoảng 500ha.
Qua trao đổi tại các buổi làm việc, UBND tỉnh đề nghị tập đoàn PETMAL Oil Holdings sớm đề xuất chi tiết dự án đầu tư để UBND tỉnh có cơ sở cho ý kiến, triển khai các bước tiếp theo.
Theo Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Nam Phú Yên đến năm 2040, Khu kinh tế Nam Phú Yên sẽ hình thành ba khu trung tâm phát triển đô thị chính, gồm: Khu vực phát triển đô thị phía Bắc sân bay Tuy Hòa; Khu đô thị, dịch vụ du lịch ven biển; Trung tâm đô thị Hòa Vinh.
Sau khi Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Nam Phú Yên đến năm 2040 được cấp thẩm quyền phê duyệt, Ban Quản lý Khu kinh tế sẽ phối hợp với các sở, ngành và địa phương xây dựng danh mục các dự án Khu đô thị trình UBND tỉnh phê duyệt để kêu gọi đầu tư.
Thủ tục đầu tư các dự án Khu đô thị được thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư và nhà ở.
Theo Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Nam Phú Yên đến năm 2040, Khu kinh tế Nam Phú Yên có phạm vi điều chỉnh quy hoạch khoảng 20.730ha với mục tiêu: Xây dựng Khu kinh tế Nam Phú Yên phù hợp với chiến lược phát triển quốc gia biển, chiến lược phát triển kinh tế biển Việt Nam; Cụ thể hoá các chủ trương chiến lược của Khu kinh tế Nam Phú Yên trong định hướng phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ cho vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, Nam Trung Bộ, cũng như cụ thể hoá các định hướng phát triển trong các quy hoạch vùng Nam Phú Yên - Bắc Khánh Hoà; Xây dựng và phát triển Khu kinh tế Nam Phú Yên trở thành khu kinh tế tổng hợp đa nghành, đa chức năng với trọng tâm là các loại hình công nghiệp công nghệ cao, các ngành công nghiệp gắn với cảng biển. Xây dựng Khu kinh tế Nam Phú Yên thành một trung tâm dịch vụ và du lịch cấp quốc gia và khu vực.
Tạo điểm bứt phá về kinh tế - xã hội trong khu vực Nam Trung Bộ, tạo sự liên kết phát triển giữa các tỉnh vùng Duyên hải Nam trung bộ và Tây Nguyên; Xây dựng Khu kinh tế Nam Phú Yên thành vùng kinh tế động lực của - tỉnh Phú Yên; có hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật - xã hội đồng bộ, hiện đại; không gian kiến trúc cảnh quan, đô thị văn minh, tiên tiến, môi trường bền vững và sử dụng đất đai hiệu quả; Làm cơ sở pháp lý để triển khai các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết các khu chức năng và các dự án đầu tư xây dựng thuộc Khu kinh tế.
Ông Nguyễn Xuân Hùng, Trưởng ban Ban quản lý Khu kinh tế Phú Yên |
Triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Phú Yên lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Tỉnh ủy Phú Yên đã ban hành các Chương trình hành động số 09/10-CTr/TU ngày 18/8/2021 về đầu tư phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025, phấn đấu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh vào năm 2030; số 10-CTr/TU ngày 18/8/2021 về phát triển kinh tế biển gắn với đẩy mạnh thu hút đầu tư, nhất là Khu kinh tế Nam Phú Yên và Chương trình hành động số 06/CTr-UBND ngày 12/8/2021 của UBND tỉnh V/v Triển khai thực hiện Nghị quyết 50/NQ-CP ngày 20/5/2021 của Chính phủ về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, theo đó định hướng các lĩnh vực thu hút đầu tư như sau:
- Lĩnh vực công nghiệp: Tập trung xây dựng và phát triển Khu kinh tế Nam Phú Yên trở thành Khu kinh tế tổng hợp đa ngành, đa chức năng với trọng tâm là các loại hình công nghiệp công nghệ cao, các ngành công nghiệp gắn với cảng biển, công nghiệp hỗ trợ, các ngành công nghiệp lọc hóa dầu, luyện kim năng lượng tái tạo, năng lượng sạch và các ngành công nghiệp tiêu thụ ít nguyên nhiên vật liệu. Phát triển công nghiệp theo hướng công nghiệp sạch, thân thiện môi trường, tiết kiệm năng lượng.
- Lĩnh vực thương mại, du lịch, dịch vụ, du lịch: Tập trung phát triển một số ngành chủ lực, có lợi thế, có hàm lượng khoa học công nghệ và có giá trị gia tăng cao. Từng bước hình thành các mạng lưới dịch vụ đồng bộ, hiện đại như: Dịch vụ biển, dịch vụ vận tải, logistics, viễn thông, tài chính, ngân hàng và các dịch vụ hỗ trợ sản xuất kinh doanh, trong đó xác định dịch vụ du lịch và logistics có đóng góp vào sự phát triển kinh tế của tỉnh, trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá. Tiếp tục đầu tư phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có đóng góp lớn vào nền kinh tế của tỉnh. Tập trung phát triển du lịch biển, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng; xây dựng thương hiệu du lịch của tỉnh. Tăng cường thu hút đầu tư, hình thành một số khu du lịch đặc trưng Phú Yên mang tầm quốc gia và khu vực (tại Vịnh Vũng Rô...).
- Lĩnh vực đầu tư kết cấu hạ tầng: Tiếp tục đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng Khu Kinh tế Nam Phú Yên, hạ tầng các Khu công nghiệp trở thành động lực trong thu hút đầu tư, phát triển kinh tế của tỉnh; chủ động tạo quỹ đất sạch trong Khu Kinh tế sẵn sàng đáp ứng yêu cầu thu hút đầu tư. Huy động các nguồn lực đầu tư nâng cấp và khai thác hiệu quả Cảng Vũng Rô, tập trung thu hút đầu tư Cảng nước sâu Bãi Gốc và hạ tầng logistics gắn với KCN Hòa Tâm. Thúc đẩy đầu tư hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin đồng bộ, hiện đại. Tập trung đầu tư hạ tầng đô thị thông minh, các khu đô thị thương mại, dịch vụ trong Khu kinh tế.
Việc thăm dò, cấp phép mỏ vật liệu trên địa bàn tỉnh hiện nay đang được thực hiện khá chậm do phải thực hiện qua nhiều bước, áp dụng nhiều quy định.
Ngành du lịch Phú Yên hiện nay làm sao để phát huy được tiềm năng và người dân được hưởng lợi từ việc này là điều chúng tôi rất trăn trở. Vì thế, trong thời gian tới chúng tôi sẽ có một chuyên đề riêng về du lịch để tìm hướng xử lý.
Sở VHTTDL xin trả lời câu hỏi của anh chị như sau:
Để phát huy hiệu quả giá trị di sản văn hóa phục vụ du lịch, thời gian đến ngành sẽ tiếp tục triển khai một số nhiệm vụ sau:
- Tập trung bảo tồn, tôn tạo và phát huy tốt giá trị di tích, danh thắng đáp ứng yêu cầu phát triển; đa dạng sản phẩm du lịch, hình thành sản phẩm du lịch đặc trưng, khả năng cạnh tranh cao, tổ chức tốt các dịch vụ tại các điểm đến tăng thêm sự đa dạng, phong phú và tính hấp dẫn của các tuyến, điểm du lịch.
- Lồng ghép di sản văn hóa phi vật thể vào trong các tour du lịch để du khách có thể tham quan, tìm hiểu, trải nghiệm; tái hiện lại một số hoạt động nghệ thuật, trình diễn dân gian truyền thống phục vụ khách du lịch… góp phần đa dạng sản phẩm du lịch Phú Yên.
- Khuyến khích, phát huy mạnh mẽ vai trò động lực của doanh nghiệp và cộng đồng dân cư địa phương vào các hoạt động bảo tồn di tích, phục hồi các giá trị văn hoá truyền thống, sự quản lý thống nhất của Nhà nước.
- Triển khai xây dựng Đề án Công viên địa chất Phú Yên hướng tới danh hiệu UNESCO tạo điểm nhấn phục vụ phát triển du lịch.
- Xây dựng sản phẩm văn hóa đá gắn với đàn đá, kèn đá Phú Yên để phục vụ phát triển du lịch.
Sở VHTTDL xin trả lời câu hỏi của anh như sau:
* Để tạo thêm sản phẩm dịch vụ vui chơi giải trí phục vụ nhu cầu khách du lịch đến Phú Yên, tỉnh đã và đang triển khai một số giải pháp:
Ngày 18/7/2022 UBND tỉnh Phú Yên đã ban hành Kế hoạch số 134/KH-UBND Triển khai thực hiện Quyết định số 1129/QĐ-TTg ngày 27/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam. Trong đó, đã chỉ đạo các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện 06 nhóm giải pháp nhằm mục đích phát triển kinh tế ban đêm, khai thác tiềm năng phát triển kinh tế ban đêm, tận dụng tối đa cơ hội phát triển kinh tế mới, nâng cao thu nhập và đời sống của người dân, đa dạng hóa sản phẩm du lịch, kéo dài thời gian lưu trú của khách du lịch khi đến Phú Yên.
Trong thời gian tới, Sở tiếp tục nghiên cứu, đề xuất một số mô hình phát triển sản phẩm du lịch đêm (phố đêm ẩm thực văn hóa, du lịch; các hoạt động văn hóa, biểu diễn nghệ thuật...) tại một số địa điểm trên địa bàn tỉnh, phù hợp với đặc điểm của tỉnh để thu hút khách du lịch lưu lại dài ngày và tăng cường các hoạt động giải trí phục vụ du khách về đêm; Phối hợp với các sở, ngành liên quan đánh giá các loại hình dịch vụ, sản phẩm du lịch về đêm, phát triển thêm các sản phẩm mang đậm bản sắc văn hóa, gắn liền với thế mạnh địa phương, tạo điểm nhấn thu hút khách du lịch đến địa phương; Phối hợp kêu gọi, thu hút các dự án đầu tư phát triển du lịch có quy mô lớn để nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm phục vụ nhu cầu khách du lịch như: du lịch tàu biển, du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, du lịch golf, vui chơi có thưởng…; các dự án đầu tư cơ sở lưu trú du lịch, khu nghỉ dưỡng, khu vui chơi giải trí, nhà hàng, trung tâm mua sắm, dịch vụ du lịch về đêm, chăm sóc sức khỏe, thẩm mỹ. Ưu tiên thu hút đầu tư hình thành một số khu du lịch tạo điểm nhấn của Phú Yên mang tầm quốc gia và khu vực tại Vịnh Xuân Đài, Gành Đá Đĩa, Vịnh Vũng Rô, Cao nguyên Vân Hoà.
Theo các quy định hiện hành, việc thuê đất một lần đang bị hạn chế tối đa và theo các quy định mới sẽ không còn thuê đất trả tiền một lần nữa.
Theo quy định của Đảng và pháp luật hiện nay hạn chế tối đa việc cho thuê đất trả tiền một lần và hướng đến cấm việc cho thuê đất trả tiền một lần.
Trước hết, xin cảm ơn bạn đã quan tâm đến huyện Sơn Hòa. Về nội dung bạn quan tâm, chúng tôi trao đổi như sau:
Sơn Hòa là một huyện miền núi nằm về phía Tây của tỉnh Phú Yên; phía Đông giáp huyện Phú Hòa và Tuy An, phía Tây giáp tỉnh Gia Lai, phía Nam giáp huyện Tây Hòa và Sông Hinh. Diện tích tự nhiên 950,4 km2; dân số trên 58 ngàn người, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 34%, hiện nay toàn huyện có 7 xã đặc biệt khó khăn.
Với 80% dân số của huyện sản xuất nông nghiệp, với những điều kiện hiện có, thời gian quahuyện Sơn Hoà đã tập trung mọi nguồn lực, khai thác mọi tiềm năng sẵn có trên địa bàn huyện; tranh thủ tối đa sự hổ trợ của Trung ương, của tỉnh, để phát triển kinh tế xã hội của địa phương, trong đó có phát triển nông - lâm nghiệp gắn với công nghiệp chế biến.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020-2025 cũng đã xác định, phát triển nông nghiệp là mục tiêu giải pháp đột phá, trên cơ sở đó Huyện ủy đã ban hành Chương trình hành động đề ra các giải pháp để phát triển nông nghiệp địa phương, trong đó tập trung vào công tác quy hoạch gắn với các tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, phát triển sản xuát nông nghiệp, phát triển sản phẩm theo chuỗi tạo ra các sản phẩm chủ lực, có chất lượng có giá trị kinh tế cao.
Trên cơ sở đó đã ra nhiều giải pháp, nhiệm vụ để thực hiện như: Chú trọng công tác quy hoạch, địa phương đã thực hiện việc quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030, kế hoạch sử dụng đất hàng năm; thực hiện đánh giá cơ lý hóa đất để xây dựng các vùng chuyên canh cây nông nghiệp phù hợp với thổ nhưỡng và nhiều nhiệm vụ khác, trong đó khuyến khích nông dân tập trung ruộng đất để áp dụng cơ giới hóa đất vào các khâu từ sản xuất đến quy hoạch; khuyến khích hình thành các tổ hợp tác trang trại, hợp tác xã nông nghiệp -lâm nghiệp liên kết với với doanh nghiệp sản xuất, sơ chế, chế biến và tiêu thụ.
Như vậy, vấn đề ý kiến bạn hỏi, việc hợp tác trong sản xuất nông nghiệp áp dụng công nghệ giữa người nông dân và nhà doanh nghiệp, được địa phương khuyến khích.
Ngoài các nội dung trên, nếu bạn quan tâm đến địa phương Sơn Hòa, địa phương sẵn sàng chào đón và mời bạn đến tìm hiểu, trao đổi nhiều thông tin hơn, để tìm kiếm cơ hội đầu tư, địa phương sẽ đồng hành cùng phát triển. Xin chào!
Về vấn đề này, đề nghị Công ty cổ phần An Hưng làm việc trực tiếp với Sở Tài nguyên và Môi trường. Cơ quan này có trách nhiệm báo cáo lại với UBND tỉnh để xem xét.
Sở Tài nguyên và Môi trường trách nhiệm tạo điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận, nghe họ báo cáo cụ thể vấn đề này.
Theo Quy hoạch phát triển các Khu công nghiệp tỉnh Phú Yên đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (tại Văn bản số 1359/TTg-KTN ngày 13/8/2015) thì ngoài KKT Nam Phú Yên trên địa bàn tỉnh còn có 03 KCN (gồm: KCN An Phú, KCN Đông Bắc Sông Cầu-KV1, KCN Đông Bắc Sông Cầu-KV2). Các KCN này đã được đầu tư hoàn thành hạ tầng kỹ thuật từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước và đi vào hoạt động với tổng diện tích đất là 148,5ha. Tỷ lệ lấp đầy tại các Khu công nghiệp này tương đối lớn. Hiện các dự án đầu tư trong các Khu công nghiệp đang hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định.
Sở Tài chính là cơ quan thường trực của Hội đồng thẩm định giá đất cụ thể tỉnh Phú Yên (quy định tại Điểm b Khoản 3 Điều 16 Luật Đất đai).
Vai trò tham mưu UBND tỉnh về giá đất là Sở Tài nguyên và Môi trường quy định tại Khoản 3 Điều 114 Luật Đất đai: “3. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định giá đất cụ thể. Cơ quan quản lý đất đai cấp tỉnh có trách nhiệm giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức việc xác định giá đất cụ thể. Trong quá trình thực hiện, cơ quan quản lý đất đai cấp tỉnh được thuê tổ chức có chức năng tư vấn xác định giá đất để tư vấn xác định giá đất cụ thể…”.
Quy trình xác định giá đất được quy định từ Điều 28 đến Điều 32 Thông tư số 36/2014/TT-BTNMT ngày 30/6/2014 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, như sau:
“Điều 28. Lập kế hoạch định giá đất cụ thể
1. Căn cứ kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện, kế hoạch cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, Sở Tài nguyên và Môi trường lập kế hoạch định giá đất cụ thể của năm tiếp theo trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trước ngày 30 tháng 6 hàng năm.
2. Kế hoạch định giá đất cụ thể gồm các nội dung chính sau:
a) Dự kiến các trường hợp cần định giá đất cụ thể;
b) Dự kiến trường hợp phải thuê tổ chức có chức năng tư vấn xác định giá đất và số lượng tổ chức có chức năng tư vấn xác định giá đất;
c) Dự kiến thời gian và kinh phí thực hiện định giá đất.
Điều 29. Chuẩn bị thực hiện định giá đất cụ thể
Căn cứ vào kế hoạch định giá đất cụ thể đã được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt, Sở Tài nguyên và Môi trường chuẩn bị thực hiện định giá đất cụ thể bao gồm các nội dung sau:
1. Xác định mục đích định giá đất, thời gian thực hiện và dự toán kinh phí.
2. Chuẩn bị hồ sơ thửa đất cần định giá bao gồm:
a) Vị trí, diện tích, loại đất và thời hạn sử dụng của thửa đất cần định giá;
b) Các thông tin về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng chi tiết đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và các quy định khác có liên quan đến việc quản lý, sử dụng của thửa đất cần định giá.
3. Lựa chọn, ký hợp đồng thuê tổ chức có chức năng tư vấn xác định giá đất đối với trường hợp thuê tư vấn xác định giá đất.
Điều 30. Điều tra, tổng hợp, phân tích thông tin về thửa đất, giá đất thị trường; áp dụng phương pháp định giá đất và xây dựng phương án giá đất
1. Việc điều tra, tổng hợp thông tin về thửa đất, giá đất thị trường thực hiện theo mẫu biểu từ Mẫu số 01 đến Mẫu số 05 của Phụ lục số 05 ban hành kèm theo Thông tư này.
2. Căn cứ các thông tin đã thu thập được, áp dụng các phương pháp định giá đất quy định tại các Khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 4 của Nghị định số 44/2014/NĐ-CP và quy định tại các Điều 3, 4, 5 và 6 của Thông tư này để xác định giá đất.
Đối với trường hợp thuê tổ chức có chức năng tư vấn xác định giá đất thì tổ chức có chức năng tư vấn xác định giá đất phải xây dựng Chứng thư định giá đất theo Mẫu số 21 của Phụ lục số 05 ban hành kèm theo Thông tư này.
3. Xây dựng phương án giá đất kèm theo báo cáo thuyết minh xây dựng phương án giá đất theo các nội dung chủ yếu sau:
a) Mục đích định giá đất và các thông tin về thửa đất cần định giá;
b) Đánh giá tình hình và kết quả điều tra, tổng hợp thông tin về giá đất thị trường;
c) Việc áp dụng phương pháp định giá đất;
d) Kết quả xác định giá đất và đề xuất các phương án giá đất;
đ) Đánh giá tác động về kinh tế - xã hội của các phương án giá đất.
4. Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm tra, đánh giá kết quả việc xác định giá đất và phương án giá đất; xây dựng Tờ trình về việc quyết định giá đất.
Điều 31. Thẩm định phương án giá đất
1. Sở Tài nguyên và Môi trường trình Hội đồng thẩm định giá đất hồ sơ phương án giá đất. Hồ sơ gồm có:
a) Tờ trình về việc quyết định giá đất;
b) Dự thảo phương án giá đất;
c) Dự thảo báo cáo thuyết minh xây dựng phương án giá đất.
2. Nội dung thẩm định phương án giá đất của Hội đồng thẩm định giá đất thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài chính và Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Điều 32. Hoàn thiện dự thảo phương án giá đất, trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định giá đất
1. Trong thời hạn không quá 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản thẩm định của Hội đồng thẩm định giá đất, Sở Tài nguyên và Môi trường hoàn thiện dự thảo phương án giá đất trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định. Hồ sơ trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện theo quy định tại Khoản 2 Điều 16 của Nghị định số 44/2014/NĐ-CP.
2. Trong thời hạn không quá 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản đề xuất của Sở Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm quyết định giá đất.
3. Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm lưu trữ toàn bộ kết quả định giá đất cụ thể tại địa phương; thống kê, tổng hợp và báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường về kết quả định giá đất cụ thể tại địa phương trước ngày 15 tháng 01 hàng năm.
1.3. Quy trình thực hiện thẩm định giá đất
Được quy định tại Điều 13, Điều 14 Thông tư số 87/2016/TTLT-BTC-BTNMT của Liên Bộ Tài chính – Bộ Tài nguyên và Môi trường như sau:
“Điều 13. Hồ sơ đề nghị thẩm định phương án giá đất
Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm gửi Hồ sơ đề nghị thẩm định phương án giá đất đến Thường trực Hội đồng thẩm định giá đất. Hồ sơ đề nghị thẩm định phương án giá đất bao gồm:
1. Văn bản đề nghị thẩm định phương án giá đất.
2. Tờ trình về phương án giá đất; dự thảo phương án giá đất và báo cáo thuyết minh xây dựng phương án giá đất theo quy định tại Khoản 3 Điều 30 của Thông tư số 36/2014/TT-BTNMT ;
3. Văn bản tổng hợp ý kiến tham gia của các Sở, ngành, cơ quan liên quan (nếu có);
4. Các tài liệu khác có liên quan (nếu có).
Điều 14. Thẩm định phương án giá đất
1. Hội đồng thẩm định giá đất tiến hành tổ chức các phiên họp để thẩm định phương án giá đất theo các nội dung sau:
a) Thẩm định việc áp dụng nguyên tắc định giá đất theo quy định tại Khoản 1 Điều 112 của Luật Đất đai trong xây dựng phương án giá đất;
b) Thẩm định việc áp dụng các phương pháp định giá đất theo quy định tại các Khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 4 của Nghị định số 44/2014/NĐ-CP trong phương án giá đất; thẩm định việc áp dụng phương pháp định giá đất theo quy định tại Khoản 5 Điều 4 của Nghị định số 44/2014/NĐ-CP trong phương án hệ số Điều chỉnh giá đất để xác định giá đất tính tiền bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất;
c) Thẩm định sự phù hợp của các thông tin thu thập được về thửa đất khảo sát; của phương án giá đất đề xuất so với giá đất thị trường và thông tin về giá đất trong cơ sở dữ liệu đất đai.
2. Đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường, tổ chức có chức năng tư vấn xác định giá đất được thuê để thực hiện việc xác định giá đất của thửa đất cần định giá (nếu có) có trách nhiệm giải trình trước Hội đồng về phương án giá đất và kết quả xác định giá đất khi được yêu cầu.
3. Căn cứ Biên bản cuộc họp thẩm định, Chủ tịch Hội đồng ký hoặc Thường trực Hội đồng thẩm định giá đất ký thừa ủy quyền văn bản thẩm định phương án giá đất theo hình thức thông báo kết quả thẩm định phương án giá đất. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, Sở Tài nguyên và Môi trường hoàn thiện phương án giá đất trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định.
4. Thời hạn thẩm định và ban hành văn bản thẩm định phương án giá đất tối đa không quá 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ Hồ sơ đề nghị thẩm định phương án giá đất. Trường hợp hồ sơ phức tạp cần thiết kéo dài thời gian thẩm định thì thời gian kéo dài thêm tối đa không quá 05 ngày làm việc.
5. Tổ giúp việc của Hội đồng thẩm định giá đất (nếu có) chịu trách nhiệm chuẩn bị các nội dung theo phân công để đề xuất, báo cáo Hội đồng thẩm định giá đất xem xét tại phiên họp thẩm định phương án giá đất.”
Năm 2023, tiến độ xác định giá đất bán đấu giá các dự án chậm. Để đẩy nhanh tiến độ xác định giá khởi điểm bán đấu giá, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 677/QĐ-UBND ngày 04/6/2023 V/v ủy quyền cho UBND cấp huyện quyết định giá đất cụ thể trên địa bàn tỉnh Phú Yên.
Các tuyến đường trong đô thị thành phố Tuy Hòa thuộc thẩm quyền quản lý phân luồng của UBND thành phố Tuy Hòa.
Qua ý kiến phản ảnh của các doanh nghiệp, UBND thành phố Tuy Hòa và các ngành đã rà soát và điều chỉnh thời gian vận chuyển vật tư, thiết bị, hàng hóa lưu thông trên các tuyến đường thành phố Tuy Hòa có biển báo cấm xe trọng tải 10 tấn trở lên phục vụ thi công công trình và vận chuyển hàng với khung giờ hoạt động: Buổi sáng từ 08 giờ 00' - 11 giờ 00'; Buổi chiều từ 14 giờ 00' - 16 giờ 00'; Buổi tối từ 22 giờ 00' - 04 giờ 00' sáng hôm sau. Lắp đặt các biển báo hạn chế tốc độ; lắp đặt bổ sung biển phụ cấm theo khung giờ kèm theo biển báo cấm xe trọng tải 10 tấn trở lên các tuyến đường (tại Văn bản số 3663/UBND ngày 28/6/2023 của UBND thành phố Tuy Hòa).
Sở Tài chính xin trả lời như sau: Năm 2023, tình hình doanh nghiệp khó khăn chắc chắn ảnh hưởng đến thu ngân sách nhà nước. Đây là một thách thức lớn trong công tác điều hành ngân sách.
Vấn đề thứ nhất đặt ra trong câu hỏi nêu trên, là “Phú Yên có kế hoạch gì để chia sẻ cùng doanh nghiệp trong năm nay hay không?”. Câu trả lời là “Có”. Với những gì đã có hành lang pháp lý, có cơ chế quy định được chi, được hỗ trợ cho doanh nghiệp thì các cơ quan nhà nước, cơ quan quản lý đều đã áp dụng để doanh nghiệp được hỗ trợ. Đầu tiên, đó là mức thu thuế bảo vệ môi trường năm 2023 áp dụng theo Nghị quyết số 30/2022/UBTVQH15 ngày 30/12/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn năm 2023 bằng 50% mức thu theo Nghị quyết số 579/2018/UBTVQH14 ngày 26 tháng 9 năm 2018 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tiếp theo, đó là Quyết định số 01/2023/QĐ-TTg Thủ tướng Chính phủ về giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước của năm 2022 đối với các đối tượng bị ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19. Quốc hội cũng vừa thông qua Nghị quyết kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, trong đó đồng ý giảm 2% thuế giá trị gia tăng (VAT) với các nhóm hàng, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất giá trị gia tăng 10% xuống còn 8% kể từ ngày 01/7/2023 đến hết 31/12/2023.
Về cơ chế hỗ trợ lãi suất, thực hiện theo quy định tại Nghị định số 31/2022/NĐ-CP ngày 20/5/2022 của Chính phủ về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh và Nghị định số 36/2022/NĐ-CP ngày 30/5/2022 của Chính phủ về hỗ trợ lãi suất đối với các khoản vay tại Ngân hàng Chính sách xã hội, nguồn vốn cho vay, cấp bù lãi suất và phí quản lý để Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11 tháng 01 năm 2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đã chỉ đạo Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương xây dựng dự thảo Nghị định của Chính phủ về mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước theo hướng giảm 50% mức thu và áp dụng kể từ ngày 01/7/2023 đến hết năm 2023. Đó là những gì cơ chế quy định để chia sẻ cùng doanh nghiệp, các cơ quan nhà nước, cơ quan quản lý của Phú Yên sẽ áp dụng và tạo điều kiện để doanh nghiệp thực hiện đúng theo quy định.
Vấn đề thứ hai đặt ra trong câu hỏi nêu trên, là “Phương án đảm bảo nguồn thu ngân sách?”. Câu trả lời cho vấn đề này sẽ khái quát, bao trùm về công tác chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện dự toán thu NSNN năm 2023 trên địa bàn. Trước những khó khăn, thách thức về nguồn thu NSNN năm 2023, UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành Thuế chủ trì, phối hợp với các ngành, các cấp liên quan bám sát thực tiễn, triển khai quyết liệt công tác quản lý thu NSNN. Theo đó yêu cầu:
- Về phía cơ quan quản lý thu: tích cực rà soát các khoản thu đã phát sinh để có biện pháp thu nộp đầy đủ vào NSNN; hạn chế việc để phát sinh nợ thuế; xử lý nghiêm những trường hợp chây ỳ, nợ đọng thuế. Trường hợp vượt quá thẩm quyền thì báo cáo, tham mưu cấp có thẩm quyền xử lý. Đối với những doanh nghiệp mới đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh thì phải hướng dẫn đầy đủ để doanh nghiệp thực hiện đúng trách nhiệm của mình về nghĩa vụ thuế. Phải đảm bảo công bằng về trách nhiệm, nghĩa vụ nộp thuế giữa các doanh nghiệp.
- Về phía người nộp thuế: cần sự tuân thủ, chấp hành pháp luật về thuế; chủ động, tích cực thực hiện nghĩa vụ nộp NSNN đối với các khoản thu đã phát sinh. Cần nhận thức rằng “Nộp thuế là quyền lợi và nghĩa vụ của công dân”, tuân thủ nghiêm quy định của Luật Quản lý thuế.
Tuy có những khó khăn trong công tác thu NSNN năm 2023, UBND tỉnh vẫn luôn chỉ đạo các ngành, các cấp tích cực thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách để đảm bảo cân đối chi, thực hiện các biện pháp điều hành chi ngân sách phù hợp thực tế.
Sở Tài chính xin trả lời như sau: Tình hình thị trường bất động sản đang gặp khó khăn, việc này đã ảnh hưởng rất lớn đến kế hoạch đấu giá đất trên địa bàn tỉnh và kế hoạch thu ngân sách năm 2023 của tỉnh.
Về kế hoạch đấu giá đất, thời gian tới tỉnh sẽ tổ chức bán đấu giá các dự án:
- Đang tổ chức đấu giá các dự án:
+ Dự án Khu nhà ở tại lô đất ký hiệu 5 phía Đông đường Hùng Vương (đoạn từ đường Trần Hào - đường số 14), thành phố Tuy Hòa. Diện tích 23.368m2;
+ Dự án Khu nhà ở tại lô đất ký hiệu 6 phía Đông đường Hùng Vương (đoạn từ đường Trần Hào - đường số 14), thành phố Tuy Hòa. Diện tích 21.596m2;
- Chuẩn bị đấu giá các dự án:
+ Dự án kè chống sạt lở bờ tả sông Ba kết hợp phát triển hạ tầng đô thị đoạn từ cầu Đà Rằng mới đến cầu Đà Rằng cũ qua đoạn xã Hòa An, huyện Phú Hòa (Khu A), diện tích 17,25ha; bao gồm 05 khu đất: 02 khu đất thương mại dịch vụ (Khu HH1 và khu HH2) và 03 khu đất xây dựng nhà ở (Khu 1: ô đất O-1, O-2, O-3, BT-1, BT-2, BT-3; Khu 2: ô đất O-4, O-5, O-6, BT-4, OT-1, OT-2; Khu 3: ô đất O-7, O-8, OT-3, OT-4);
+ Khu đất BT1 và BT2 Khu đô thị Nam Hùng Vương, phường Phú Đông (24 lô), diện tích 1,33ha.
Chi tiết tại Kế hoạch số 244/KH-UBND ngày 30/12/2022 của UBND tỉnh về khai thác quỹ đất các dự án để ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng, tổ chứcbán đấu giá tạo nguồn thu ngân sách tiền sử dụng đất năm 2023.
Thông tin tiếp cận:
Hiện nay, việc tổ chức bán đấu giá các khu đất phát triển dự án nhà ở, thương mại dịch vụ, UBND tỉnh giao Sở Tài nguyên và Môi trường theo dõi, đôn đốc thực hiện. Nếu Doanh nghiệp, Nhà đầu tư quan tâm thì liên hệ Sở Tài nguyên và Môi trường để được cung cấp thông tin (hoặc theo dõi trên trang thông tin điện tử của Sở Tài nguyên và Môi trường Phú Yên, địa chỉ: https://sotnmt.phuyen.gov.vn).
Về các khu đất tổ chức bán lẻ cho hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn tỉnh: UBND các huyện, thị xã, thành phố theo nhiệm vụ được UBND tỉnh Phú Yên ủy quyền (tại Quyết định số 677/QĐ-UBND ngày 04/6/2023) xác định giá đất, công khai thông tin đấu giá. Đề nghị các tổ chức, cá nhân có nhu cầu liên hệ các huyện, thị xã, thành phố để được cung cấp thông tin (hoặc theo dõi trên trang thông tin điện tử của các huyện, thị xã, thành phố).
Sở VHTTDL xin trả lời câu hỏi của anh chị như sau:
Việc người dân trực tiếp tham gia vào hoạt động du lịch là rất cần thiết, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập, hướng đến phát triển du lịch bền vững. Để huy động sự tham gia của người dân làm du lịch, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch sẽ tham mưu triển khai thực hiện một số nội dung sau:
- Tuyên truyền định hướng, nâng cao nhận thức cho người dân về phát triển du lịch.
- Tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tham gia phát triển du lịch; Công khai, minh bạch các thông tin về quy hoạch, kế hoạch, chính sách phát triển du lịch để người dân chủ động tham gia.
- Hỗ trợ phát triển hệ thống điểm đến và sản phẩm du lịch cộng đồng trên cơ sở tranh thủ các nguồn lực từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025. Đặc biệt, gắn với quy hoạch xã nông thôn mới, phát triển cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch.
- Hỗ trợ người dân trong việc xúc tiến quảng bá sản phẩm, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động du lịch.
- Tổ chức chương trình đào tạo, bồi dưỡng nghề cho lao động du lịch nông thôn, đặc biệt là gắn với bảo tồn và phát triển các nghề, làng nghề truyền thống.
Hiện nay, trong Khu kinh tế Nam Phú Yên có 02 dự án đầu tư nhà ở cho công nhân gồm: Dự án Khu nhà ở công nhân phục vụ Cụm Xí nghiệp sản xuất An Hưng và Dự án Thiết chế Công đoàn.
- Đối với Dự án Khu nhà ở công nhân phục vụ Cụm Xí nghiệp sản xuất An Hưng: Dự án được Ban Quản lý Khu kinh tế cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với quy mô diện tích 5.98ha.
- Đối với Dự án Thiết chế công đoàn: Trên cơ sở đề nghị của Ban Quản lý Khu kinh tế, UBND tỉnh thống nhất giới thiệu vị trí đầu tư xây dựng khu Thiết chế Công đoàn trong Khu kinh tế Nam Phú Yên với quy mô diện tích 4,1ha.
Sở VHTTDL xin trả lời câu hỏi của anh chị như sau:
- Để tạo thêm sản phẩm dịch vụ vui chơi giải trí phục vụ nhu cầu khách du lịch đến Phú Yên, tỉnh định hướng phát triển dịch vụ này trong thời gian tới như sau:
+ Triển khai lập nhiệm vụ quy hoạch các di tích để làm cơ sở kêu gọi đầu tư dịch vụ; huy động nguồn lực xã hội hóa để đầu tư tại các di tích.
+ Đầu tư xây dựng điểm du lịch văn hoá tại các khu di tích, khu, điểm du lịch gắn với hoạt động biểu diễn nghệ thuật dân gian như: Hò bá trạo, hò khoan, hát tuồng, hô bài chòi; biểu diễn nhạc cụ dân tộc: đàn đá, trống đôi - cồng ba - chiêng năm…
+ Đầu tư hình thành điểm du lịch sinh thái cộng đồng, các điểm du lịch tâm linh tại một số cơ sở tôn giáo có thế mạnh để thu hút khách du lịch.
+ Xúc tiến kêu gọi các dự án đầu tư sản phẩm du lịch cao cấp (du lịch tàu biển, du lịch nghỉ dưỡng cao cấp…); phát triển các loại hình du lịch thể thao trên biển, trên cát…; thu hút đầu tư sân golf và đầu tư các dịch vụ du lịch vui chơi giải trí ban đêm (kinh tế đêm) phù hợp với lợi thế và điều kiện của tỉnh nhằm đa dạng hóa sản phẩm du lịch, thu hút du khách.
- Nhà đầu tư quan tâm lĩnh vực này, đề nghị liên hệ Sở Kế hoạch và Đầu tư để được hướng dẫn cụ thể.
Hiện nay, Bộ GTVT đang tổ chức triển khai đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025, đoạn qua địa phận tỉnh Phú Yên dài khoảng 90,12km, gồm 02 dự án thành phần: điểm đầu kết nối với QL.1 trước hầm Cù Mông, điểm cuối kết nối với QL.1 trước hầm Đèo Cả; bố trí 06 nút giao khác mức kết nối liên thông với hệ thống đường địa phương, cụ thể:
+ Thị xã Sông Cầu: Nút giao quy hoạch thị xã Sông Cầu; Nút giao với tuyến đường ĐT.644.
+ Huyện Tuy An: Đường số 7 thị trấn Chí Thạnh (tại Nút giao kết nối với Thị trấn Chí Thạnh);
+ Thành phố Tuy Hòa: Nút giao kết nối với Đường Nguyễn Hữu Thọ;
+ Thị xã Đông Hòa: QL.29 đoạn kết nối đường Cao tốc với QL.1 (tại nút giao QL29); đường kết nối Cao tốc với QL1 (tại Nút giao KCN Hoà Tâm).
Trên cơ sở các điểm kết nối này, Sở GTVT đã rà soát, bổ sung các tuyến đường địa phương để giao thông kết nối liên thông với Tuyến đường bộ cao tốc Bắc – Nam vào trong Quy hoạch tỉnh Phú Yên thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (với quy mô theo quy hoạch của địa phương) để làm cơ sở triển khai thực hiện.
Hiện nay, UBND tỉnh đã Thành lập Tổ công tác rà soát toàn bộ các nội dung có liên quan đến thuê đất của Dự án. Trong đó, giao cho Sở TNMT chủ trì, phối hợp với các sở, ban ngành, có thành viên của Sở KHĐT tham gia. Hiện nay Tổ đang rà soát, chưa có kết quả. Sau khi có kết quả rà soát, Sở KHĐT sẽ chủ động liên hệ Quý Công ty để hướng dẫn các nội dung có liên quan đến Dự án.
Trân trọng.
Sở VHTTDL xin trả lời câu hỏi của anh như sau:
Nhằm phát triển kinh tế ban đêm phù hợp với xu hướng phát triển của đất nước và của tỉnh, góp phần tận dụng tối đa thời gian, tạo thêm những cơ hội mới cho tăng trưởng kinh tế tỉnh, đa dạng hóa các hoạt động kinh tế, đồng thời phục vụ tốt hơn đời sống vật chất và tinh thần của người dân, người nước ngoài, đặc biệt là khách du lịch; ngày 18/7/2022 UBND tỉnh Phú Yên đã ban hành Kế hoạch số 134/KH-UBND Triển khai thực hiện Quyết định số 1129/QĐ-TTg ngày 27/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam.
Trong kế hoạch đã nêu lên 06 nhóm giải pháp triển khai thực hiện nhằm mục đích phát triển kinh tế ban đêm, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, trách nhiệm và hành động của các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố về vai trò, vị trí của kinh tế ban đêm đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đồng thời, khai thác tiềm năng phát triển kinh tế ban đêm nhằm tận dụng tối đa cơ hội phát triển kinh tế mới, nâng cao thu nhập và đời sống của người dân; hạn chế những rủi ro, tác động tiêu cực đối với công tác đảm bảo an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.
Trong xu hướng du lịch, cùng với việc tận hưởng vẻ đẹp thiên nhiên của Phú Yên, các hoạt động về đêm sẽ mang lại cho du khách những trải nghiệm mới mẻ hơn. Không nằm ngoài xu hướng đó, các đơn vị kinh doanh du lịch tận dụng lợi thể tạo ra sản phẩm du lịch để kích thích tiêu dùng, vui chơi, giải trí từ đó kéo dài thời gian lưu trú của du khách: các điểm check-in, các dịch vụ, chương trình âm nhạc với nhiều màu sắc khác nhau luôn tạo sự mới lạ để du khách và người dân tìm đến nhiều lần.
So với trước đây TP.Tuy Hòa có nhiều đổi thay về đêm như: phố đi bộ; tháp Nghinh Phong; nhiều đơn vị có các chương trình phục vụ khách như Stelia, Sala, Rosa Alba...cùng với nhiều dịch vụ ăn uống, vui chơi khác hiện có. Định hướng phát triển kinh tế đêm của tỉnh trong đó gắn liền với hoạt động du lịch. Tỉnh luôn tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư phát triển các dự án du lịch, cùng với địa phương tạo ra sản phẩm gắn với kinh tế đêm tại các dự án của mình, khắc phục hạn chế lâu nay, nâng cao dịch vụ du lịch, thúc đẩy du lịch phát triển.
Sở Tài nguyên và Môi trường có ý kiến như sau:
Sau khi tiếp nhận Văn bản số 03/2022/CV-GRN ngày 04/6/2022 của Công ty cổ phần Granite Phú Yên, Sở Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức kiểm tra thực địa tại mỏ đá nêu trên; trên cơ sở đó, ngày 20/7/2022, Sở Tài nguyên và Môi trường có Công văn số 2383/STNMT-TNN&KS phúc đáp các đề nghị của Công ty cổ phần Granite Phú Yên, cụ thể:
a. Về việc xin trả lại một phần diện tích khu vực khai thác mỏ đá ốp lát thôn Bình Nông, xã Xuân Lâm, thị xã Sông Cầu.
Mỏ đá ốp lát thôn Bình Nông, xã Xuân Lâm, thị xã Sông Cầu được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp Giấy phép khai thác khoáng sản cho Công ty Cổ phần Granite Phú Yên (trước đây là Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Thành Ý) tại Giấy phép số 1253/GP-BTNMT ngày 29/6/2011.
Khoản 3 Điều 82 Luật Khoáng sản 2010 quy định: "Cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy phép thăm dò khoáng sản, Giấy phép khai thác khoáng sản, Giấy phép khai thác tận thu khoáng sản nào thì có quyền gia hạn, thu hồi, chấp thuận trả lại loại giấy phép đó; chấp thuận trả lại một phần diện tích khu vực thăm dò, khai thác khoáng sản; chấp thuận chuyển nhượng quyền thăm dò khoáng sản, quyền khai thác khoáng sản."
Như vậy, đối với mỏ đá trên, Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan cấp giấy phép khai thác khoáng sản cho Công ty; do đó, căn cứ khoản 3 Điều 82 Luật Khoáng sản 2010 thì Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan có thẩm quyền xem xét, chấp thuận việc trả lại một phần diện tích khu vực khai thác mỏ đá nêu trên. Do đó, Sở đã đề nghị Công ty liên hệ với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam (nay là Cục Khoáng sản Việt Nam) để được hướng dẫn hoàn tất các thủ tục liên quan để được xem xét, trả lại một phần diện tích khu vực khai thác mỏ đá theo quy định.
b. Về việc đề nghị xem xét, giảm tiền cấp quyền khai thác khoáng sản hàng năm:
Mỏ đá ốp lát thôn Bình Nông, xã Xuân Lâm, thị xã Sông Cầu của Công ty được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt tiền cấp quyền khai thác khoáng sản tại Quyết định số 315/QĐ-BTNMT ngày 09/02/2015.
Tại điểm a khoản 1 Điều 13 Nghị định số 67/2019/NĐ-CP ngày 31/7/2019 của Chính phủ quy định về phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản quy định trách nhiệm của các cơ quan trong công tác tính, thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản quy định:
"1. Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam có trách nhiệm:
a) Chủ trì tính, điều chỉnh, thẩm định số tiền cấp quyền khai thác khoáng sản phải nộp, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt đối với các giấy phép thuộc thẩm quyền cấp phép của Bộ Tài nguyên và Môi trường;"
Đối chiếu quy định nêu trên với kiến nghị của Công ty thì việc giảm (điều chỉnh) tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đối với mỏ đá nêu trên thuộc thẩm quyền của Bộ Tài nguyên và Môi trường và Tổng cục Địa chất và Khoáng sản (nay là Cục Khoáng sản Việt Nam). Do đó, Sở đã đề nghị Công ty liên hệ với với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Cục Khoáng sản Việt Nam để được xem xét, giải quyết theo quy định.
Về việc xin tạm dừng khai thác mỏ đá
Căn cứ Biên bản kiểm tra thực địa ngày 13/7/2022; để có cơ sở tham mưu UBND tỉnh xem xét, xác nhận việc Công ty tạm dừng khai thác mỏ đá ốp lát thôn Bình Nông, xã Xuân Lâm, thị xã Sông Cầu theo điểm c khoản 3 Điều 9 Nghị định số 67/2019/NĐ-CP ngày 31/7/2019 của Chính phủ quy định về phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản; Sở đã đề nghị Công ty khẩn trương rà soát, báo cáo đầy đủ về kết quả khai thác, tình hình thực hiện nghĩa vụ tài chính trong hoạt động khai thác mỏ đá ốp lát thôn Bình Nông, xã Xuân Lâm, thị xã Sông Cầu (từ khi được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép đến hết ngày 13/7/2022) và có văn bản xác định lại thời gian tạm dừngkhai thác (theo Biên bản kiểm tra thực địa ngày 13/7/2022) gửi về Sở Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh.
Theo đó, ngày 21/7/2022, Công ty có Văn bản số 10/2022CV/GRN báo cáo tình hình khai thác, thực hiện nghĩa vụ tài chính và xác định thời gian tạm dừng khai thác. Tuy nhiên, Công chưa cung cấp các chứng từ, tài liệu có liên quan để xác định sản lượng khoáng sản khai thác thực tế từ khi được cấp phép khai thác đến thời điểm xin tạm dừng khai thác và các chứng từ, tài liệu về việc kê khai, thực hiện các nghĩa vụ tài chính (thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, tiền ký quỹ cải tạo, p hục hồi môi trường….); tình hình nợ thuế của Công ty đến thời điểm đề nghị tạm dừng khai thác.
Do đó, để đủ cơ sở tham mưu UBND tỉnh xem xét, xác nhận việc tạm dừng khai thác, ngày 17/8/2022, Sở Tài nguyên và Môi trường có Công văn số 2713/STNMT-TNN&KS gửi Công ty đề nghị rà soát, bổ sung các chứng từ, tài liệu có liên quan như nêu trên và tình hình nợ thuế của Công ty đến thời điểm đề nghị tạm dừng khai thác gửi về Sở trước ngày 31/8/2022. Tuy nhiên, đến nay Sở vẫn chưa nhận được các văn bản, tài liệu, chứng từ đề nghị nêu trên từ Công ty. Do đó, chưa đủ cơ sở để tham mưu UBND tỉnh.
Nội dung này, trong khi chờ cơ quan có thẩm quyền có quyết định chính thức, Cục Thuế sẽ triển khai tạm thời thực hiện theo CV của Sỏ Tài nguyên và Môi trường.
Tuyến đường bộ ven biển đoạn qua tỉnh Phú Yên, dài khoảng 132,5Km. Điểm đầu tại Km20+700/QL1D (điểm ranh giới giữa Bình Định và Phú Yên), điểm cuối giao với đường dẫn phía Bắc Hầm đường bộ Đèo Cả Km1353+500/QL1. Hiện còn khoảng 34km/132,5km chưa đầu tư theo quy hoạch (gồm: 25km đoạn từ QL1 đến Trung tâm An điều dưỡng tàu ngầm Hải Quân; 9km đoạn từ Cảng Vũng Rô đến Phía Bắc đường dẫn Hầm đường bộ Đèo Cả).
Ông Nguyễn Phương Đông, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải |
Tỉnh Phú Yên đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương để xin hỗ trợ nguồn vốn Trung ương và cân đối ngân sách tỉnh để ưu tiên đầu tư đoạn tuyến từ Quốc lộ 1 (Miếu Ông Cọp) đến Trung tâm An điều dưỡng tàu ngầm Hải Quân nhằm kết nối các khu vực danh lam thắng cảnh (như vịnh Xuân Đài, Gành Đá Đĩa, Đầm Ô Loan, Hòn Yến, Bãi Xếp, Long Thủy,…), tạo không gian phát triển, kết nối vùng, thu hút đầu tư các dự án khu vực ven biển, khai thác các nguồn lực phục vụ phát triển kinh tế xã hội địa phương. Dự kiến triển thực hiện đầu tư hoàn thành giai đoạn 2023 – 2027.
Hiện nay, các sở, ban, ngành của tỉnh Phú Yên đang hoàn tất thủ tục công tác chuẩn bị đầu tư các đoạn trên, dự kiến khởi công đoạn tuyến từ Bắc cầu An Hải đến thôn Phú Hội, xã An Đông dài 7,4km trong Quý IV/2023. Các đoạn tuyến còn lại sẽ tiếp tục triển khai đầu tư sau khi Tỉnh cân đối nguồn vốn Trung hạn giai đoạn 2021 – 2025 và được Trung ương hỗ trợ.
Sở VHTTDL xin trả lời câu hỏi của anh như sau:
Những năm gần đây, số lượng cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn tỉnh Phú Yên ngày càng tăng, từng bước đáp ứng nhu cầu về lưu trú của du khách. Đến tháng 6 năm 2023, toàn tỉnh có 420 cơ sở kinh doanh lưu trú du lịch; trong đó có 02 khách sạn 5 sao, 02 khách sạn 4 sao, 04 khách sạn 3 sao, 04 khách sạn 2 sao, 38 khách sạn 1 sao… Tổng số buồng lưu trú du lịch hiện có khoảng 7.240 buồng, trong đó có gần 800 buồng đạt tiêu chuẩn 3 - 5 sao. Tuy nhiên vẫn chưa đa dạng về phân khúc phục vụ, nhất là chưa có nhiều khu nghỉ dưỡng đẳng cấp để phục vụ nhu cầu khách du lịch cao cấp.
Bà Nguyễn Thị Hồng Thái, Giám đốc Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch |
Thời gian đến, tỉnh tập trung tăng cường kêu gọi, thu hút các dự án đầu tư phát triển du lịch có quy mô lớn để đa dạng hóa sản phẩm du lịch, nâng cao chất lượng phục vụ nhu cầu của khách du lịch. Ưu tiên thu hút đầu tư hình thành một số khu du lịch tạo điểm nhấn của Phú Yên mang tầm quốc gia và quốc tế tại Vịnh Xuân Đài, Gành Đá Đĩa, Vịnh Vũng Rô, Cao nguyên Vân Hoà... kêu gọi đầu tư hệ thống resort, biệt thự du lịch, khách sạn nghỉ dưỡng sinh thái cao cấp từ 3 - 5 sao tại thành phố Tuy Hòa, thị xã Sông Cầu, huyện Tuy An. Hình thành sản phẩm du lịch đặc thù của Phú Yên là du lịch nghỉ dưỡng biển cao cấp chuyên biệt (các khu nghỉ dưỡng biển cao cấp ở những khu vực riêng biệt, ít bị tác động bởi các hoạt động kinh tế - xã hội, đề cao giá trị “riêng tư” và giá trị thiên nhiên).
Về các dự án năng lượng đang hoạt động trên địa bàn tỉnh: Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 13 dự án năng lượng với tổng công suất 825MW đã đi vào hoạt động (gồm: 06 dự án thủy điện tổng công suất 391W; 06 dự án điện mặt trời tổng công suất 404MW; 01 dự án điện sinh khối công suất 30MW) và 02 dự án điện gió với tổng công suất 250MW đang triển khai đầu tư.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Phú Yên có 06 tuyến đường dây 220kV; 15 tuyến đường dây 110kV liên kết với các tỉnh Bình Định và Khánh Hòa, các tuyến đường dây này vận hành bình thường không có trường hợp mang tải vượt 90% công suất nên thời gian qua các Nhà máy chưa gặp khó khăn về khả năng truyền tải điện.
Ngoài ra, theo quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã dược phê duyệt (tại Quyết định số 500/QĐ-TTg ngày 15/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ) theo đó, trên địa bàn tỉnh Phú Yên sẽ được đầu tư 01 trạm biến áp 500KV công suất 900MVA; 03 trạm biến áp 220kV tổng công suất 1.500MVA; 07 tuyến đường dây 220kV kết nối lưới điện các tỉnh Bình Định, Khánh Hòa, Đắk Lắk. Các dự án này khi đi vào vận hành sẽ tăng cường khả năng giải tỏa công suất các dự án năng lượng trên địa bàn tỉnh.
Quy hoạch thương mại tỉnh Phú Yên đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được UBND tỉnh ban hành theo Quyết định số 1542/QĐ-UBND ngày 7/8/2018 có các định hướng chủ yếu để tiểu thương phát triển như:
- Phát triển thương mại theo hướng mở cửa, bền vững và đồng bộ giữa các thị trường. Lấy thị trường thành thị làm trọng điểm và động lực phát triển cho thương mại, thúc đẩy phát triển thị trường nông thôn, miền núi.
- Phát triển hạ tầng thương mại phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội và tập quán dân cư từng địa phương, tạo điều kiện cho các loại hình kinh doanh thương mại trong đó có tiểu thương phát triển với các hình thức kinh doanh thương mại phù hợp và theo hướng văn minh, hiện đại.
- Quan tâm phát triển các hộ kinh doanh, đồng thời thúc đẩy phát triển các hệ thống phân phối hiện đại, có vai trò nòng cốt, dẫn dắt thị trường để định hướng sản xuất tiêu dùng.
Hiện nay, tỉnh Phú Yên đang tập trung hoàn chỉnh dự thảo Quy hoạch kinh tế -xã hội tỉnh giai đoạn 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, ngoài những định hướng chủ yếu nêu trên, có một số định hướng cụ thể nhằm thúc đẩy tiểu thương phát triển như:
- Ở khu vực đô thị: Chú trọng tổ chức, phát triển các loại hình thương mại như: Trung tâm thương mại; siêu thị; các cửa hàng tạp hóa, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng chuyên doanh, cửa hàng tổng hợp; Các đường phố thương mại.
- Ở khu vực nông thôn: Nâng cấp, cải tạo, xây dựng mới các loại hình chợ bán lẻ đi đôi với phát triển mạng lưới cửa hàng tiện lợi, cửa hàng tạp hoá, siêu thị mini. Lấy chợ làm hạt nhân để tổ chức các hoạt động thương mại - dịch vụ; Lựa chọn địa bàn thích hợp để xây dựng chợ đầu mối nông sản, từng bước ứng dụng phương thức thanh toán qua hệ thống điện tử để gắn kết hộ kinh doanh, doanh nghiệp với các nhà sản xuất nông sản.
Đô thị thành phố Tuy Hòa (là đô thị loại II, định hướng phát triển trở thành đô thị loại I đến năm 2030) là trung tâm tỉnh lỵ, là trung tâm kinh tế, chính trị, xã hội, hành chính, văn hóa, giáo dục, đào tạo, thương mại dịch vụ, du lịch, cung cấp sản phẩm dịch vụ có chất lượng cao, trung tâm đào tạo nguồn lao động chất lượng cao cho Khu kinh tế Nam Phú Yên và các khu vực phát triển du lịch, phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Đô thị Tuy Hòa thuộc cực phát triển phía Đông (bao gồm thành phố Tuy Hòa - đô thị trung tâm, thị xã Sông Cầu, thị xã Đông Hòa, thị trấn Chí Thạnh).
Trong tương lai, các khu vực lân cận thành phố ở phía Tây (đô thị Phú Hòa, đô thị Phong Niên), các đô thị phía Bắc (đô thị Chí Thạnh, đô thị Sông Cầu) và phía Nam (đô thị Đông Hòa) sẽ tiếp tục được đầu tư, nâng cấp, để trở thành các đô thị vệ tinh hỗ trợ cho đô thị Tuy Hòa phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của địa phương; tạo sự kết nối để phát triển du lịch, công nghiệp, thương mại dịch vụ,... gắn với kinh tế biển.
Để đạt được mục tiêu theo định hướng trên, tỉnh sẽ tiếp tục quan tâm, chỉ đạo các cơ quan, địa phương sớm tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt các đồ án quy hoạch chung đô thị tại các khu vực lân cận thành phố Tuy Hòa và đồ án điều chỉnh quy hoạch chung đô thị Tuy Hòa; trên cơ sở đó, tập trung dành nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật cho các đô thị lân cận để kết nối hệ thống hạ tầng đô thị đồng bộ giữa đô thị Tuy Hòa với các đô thị xung quanh; đồng thời, kêu gọi đầu tư tất cả các lĩnh vực để phát triển đô thị nói riêng và cả tỉnh nói chung.
Dự án Du lịch nghỉ dưỡng suối khoáng nóng Lạc Sanh:
Dự án đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư tại Quyết định số 1414/QĐ-UBND ngày 10/09/2019. Dự án có diện tích 28,84ha, trong đó thuê môi trường rừng để kinh doanh du lịch sinh thái với diện tích 14,2 ha rừng trồng của BQL rừng phòng hộ Tây Hoà.
- Công ty đã có các văn bản gửi UBND huyện Tây Hoà: Đề xuất cập nhật bổ sung điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của huyện Tây Hoà và bổ sung quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021-2030; Đề nghị hỗ trợ cấp điện lưới cho dự án; Đề nghị hỗ trợ đầu tư tuyến đường kết nối với dự án; Đề nghị hỗ trợ GPMB dự án.
- Dự án đã được UBND huyện Tây Hoà cung cấp thông tin quy hoạch cho dự án tại công văn số 1233/UBND-KH&HT ngày 23/10/2019 và phê duyệt Nhiệm vụ QHCT xây dựng tỷ lệ 1/500. Hiện đơn vị tư vấn đang hoàn thiện hồ sơ QHCT xây dựng 1/500 để trình UBND huyện Tây Hoà phê duyệt và triển khai TKCS, Thiết kế bản vẽ thi công.
- Công ty đã thực hiện ký quỹ đảm bảo thực hiện dự án đầu tư số 04/KQ-SKHĐT ngày 28/02/2022; hoàn thành đo đạc sơ đồ rải thửa và cơ bản hoàn thành thoả thuận đền bù cây trồng, hoa màu và tài sản trên đất.
- Dự án được chấp thuận chuyển đổi 6,55ha đất rừng sản xuất. Ngày 31/11/2020, Công ty có Tờ trình số 02/ gửi UBND tỉnh Phú Yên xin chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng rừng khu vực Suối nước nóng Lạc Sanh với diện tích 14.64ha;
- Đối với phần diện tích đất không thuê môi trường rừng 14,64 ha: Hiện tại, UBND xã Sơn Thành Đông đã thực hiện niêm yết quy chủ và Báo cáo UBND huyện Tây Hòa, UBND huyện Tây Hòa đã tập hợp gửi báo cáo tới Sở TN&MT tỉnh Phú Yên, Sở TN&MT để báo cáo UBND tỉnh (thông qua Sở KHĐT).
Mặc dù được sự hỗ trợ giải quyết của các Sở, ngành và địa phương, tuy nhiên trong quá trình triển khai dự án Công ty Cổ phần MBG Lạc Sanh Phú Yên vẫn gặp không ít khó khăn, vướng mắc cần được tháo gỡ đối với việc thực hiện Dự án.
Công ty kiến nghị một số nội dung sau:
1. Sớm được các cơ quan hữu quan soát xét làm rõ nguồn gốc đất, phần 14,64ha của dự án phần không thuê môi trường rừng để hướng dẫn Nhà đầu tư triển khai các công tác tiếp theo.
2. Đề nghị được hướng dẫn cụ thể về các thủ tục phê duyệt đánh giá tác động môi trường chung cho cả dự án hoặc tách riêng cho phần thuê môi trường rừng.
3. Sớm được hoàn thành thủ tục gia hạn chủ trương đầu tư dự án
Trên cơ sở đề nghị của Nhà đầu tư, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan thẩm định chủ trương đầu tư dự án (điều chỉnh), tổng hợp kiến nghị và UBND tỉnh có ý kiến chỉ đạo (tại Văn bản số 6072/UBND-ĐTXD ngày 21/11/2022); theo đó: Giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với UBND huyện Tây Hòa, Ban Quản lý Rừng phòng hộ Tây Hòa và các cơ quan, đơn vị có liên quan rà soát, xác định lại nguồn gốc, ranh giới, diện tích và thời điểm, quá trình quản lý, sử dụng đất đối với phần diện tích 14,64/28,84ha thuộc dự án. Tổng hợp, báo cáo tham mưu đề xuất UBND tỉnh (thông qua Sở Kế hoạch và Đầu tư) xem xét, có ý kiến về việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số BM 390272 ngày 31/12/2013 và hình thức sử dụng đất đối với dự án.
- Đối với phần diện tích thuê môi trường rừng để kinh doanh du lịch, nghỉ dưỡng trong rừng sản xuất (14,2ha/18,64ha): Ban Quản lý Rừng phòng hộ Tây Hòa đã phê duyệt Đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng trong rừng sản xuất thuộc dự án Du lịch nghỉ dưỡng suối khoáng nóng Lạc Sanh (tại Quyết định số 74/QĐ-BQL ngày 18/4/2023) và ký hợp đồng cho thuê môi trường rừng với Công ty Cổ phần MBG Lạc Sanh Phú Yên ngày 28/4/2023.
- Đối với phần diện tích 14,64/28,84ha: UBND huyện Tây Hòa đã rà soát hiện trạng, quá tình sử dụng đất và tổng hợp báo cáo kiến nghị trong tháng 4/2023, hiện Sở Tài nguyên và Môi trường đang xem xét giải quyết.
Do vậy, sau khi nhận được báo cáo đề xuất của Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ tổng hợp, hướng dẫn Nhà đầu tư hoàn chỉnh hồ sơ đề nghị điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư để tổ chức thẩm định, đề xuất UBND tỉnh theo quy định.
Trên cơ sở đề nghị của Nhà đầu tư, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan thẩm định chủ trương đầu tư dự án (điều chỉnh), tổng hợp kiến nghị và UBND tỉnh có ý kiến chỉ đạo (tại Văn bản số 6072/UBND-ĐTXD ngày 21/11/2022); theo đó: Giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với UBND huyện Tây Hòa, Ban Quản lý Rừng phòng hộ Tây Hòa và các cơ quan, đơn vị có liên quan rà soát, xác định lại nguồn gốc, ranh giới, diện tích và thời điểm, quá trình quản lý, sử dụng đất đối với phần diện tích 14,64/28,84ha thuộc dự án. Tổng hợp, báo cáo tham mưu đề xuất UBND tỉnh (thông qua Sở Kế hoạch và Đầu tư) xem xét, có ý kiến về việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số BM 390272 ngày 31/12/2013 và hình thức sử dụng đất đối với dự án.
- Đối với phần diện tích thuê môi trường rừng để kinh doanh du lịch, nghỉ dưỡng trong rừng sản xuất (14,2ha/18,64ha): Ban Quản lý Rừng phòng hộ Tây Hòa đã phê duyệt Đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng trong rừng sản xuất thuộc dự án Du lịch nghỉ dưỡng suối khoáng nóng Lạc Sanh (tại Quyết định số 74/QĐ-BQL ngày 18/4/2023) và ký hợp đồng cho thuê môi trường rừng với Công ty Cổ phần MBG Lạc Sanh Phú Yên ngày 28/4/2023.
- Đối với phần diện tích 14,64/28,84ha: UBND huyện Tây Hòa đã rà soát hiện trạng, quá tình sử dụng đất và tổng hợp báo cáo kiến nghị trong tháng 4/2023, hiện Sở Tài nguyên và Môi trường đang xem xét giải quyết.
Do vậy, sau khi nhận được báo cáo đề xuất của Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ tổng hợp, hướng dẫn Nhà đầu tư hoàn chỉnh hồ sơ đề nghị điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư để tổ chức thẩm định, đề xuất UBND tỉnh theo quy định.
Hội doanh nghiệp huyện Tây Hòa khiến nghị tỉnh cần xây dựng cơ chế hỗ trợ rõ ràng, cụ thể và dễ thực hiện để các doanh nghiệp dễ tiếp cận với các nguồn hỗ trợ từ các chương trình mục tiêu quốc gia, nguồn từ các tổ chức khác.
Sở Kế hoạch và Đầu tư hoan nghênh Hội doanh nghiệp huyện Tây Hòa đã có sự quan tâm đến việc tham gia thực hiện các chương trình MTQG trên địa bản tỉnh. Các doanh nghiệp có thể tiếp cận nguồn vốn của các chương trình MTQG trên địa bàn tỉnh dưới dạng nhà thầu thực hiện các dự án, công trình đầu tư xây dựng thuộc các chương trình MTQG hoặc đơn vị được lựa chọn thực hiện các kế hoạch, dự án, phương án thuộc các nội dung hỗ trợ phát triển sản xuất hoặc hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, cụ thể như sau:
Ông Võ Đình Tiến, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư |
- Trường hợp doanh nghiệp tham gia thực hiện các dự án, công trình thuộc các chương trình MTQG có thể liên hệ trực tiếp với địa phương (cấp huyện, cấp xã), đơn vị hoặc tham gia đấu thầu lựa chon nhà thầu thông qua kênh đấu thầu qua mạng tại trang: https://muasamcong.mpi.gov.vn. để tham gia thực hiện các công trình dự án sử dụng nguồn vốn các chương trình MTQG; hoặc có thể tiếp cận UBND các xã để tham gia thực hiện các dự án, công trình theo cơ chế đặc thù (được phép chỉ định thầu đối với công trình có tổng mức đầu tư dưới 05 tỷ đồng) theo danh mục loại dự án được UBND tỉnh Phú Yên đã ban hành tại Quyết định số 610/QĐ-UBND ngày 19/5/2023 Ban hành danh mục loại dự án được áp dụng cơ chế đặc thù trong quản lý đầu tư xây dựng đối với một số dự án thuộc các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh Phú Yên; doanh nghiệp cần nghiên cứu kỹ quy định tại Chương IV Nghị định số 27/2022/NĐ-CP ngày 19/4/2022 của Chính phủ quy định cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, đươc điều chỉnh bổ sung tại Nghị định số 38/2023/NĐ-CP ngày 24/6/2023 của Chính phủ.
- Trường hợp tham gia thực hiện các kế hoạch, dự án, phương án thuộc các nội dung hỗ trợ phát triển sản xuất hoặc hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị: Doanh nghiêp nghiên cứu quy định tại các Điều 21, Điều 23, Điều 24 Nghị định số 27/2022/NĐ-CP ngày 19/4/2022 của Chính phủ quy định cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, đươc điều chỉnh bổ sung tại Nghị định số 38/2023/NĐ-CP ngày 24/6/2023 của Chính phủ để tham gia thực hiện.
Về định mức hỗ trợ cụ thể, nội dung hỗ trợ, mẫu hồ sơ, trình tự, thủ tục lựa chọn dự án, kế hoạch phương án sản xuất, lựa chọn đơn vị đặt hàng trong thực hiện các hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất, UBND tỉnh đang giao các ngành tham mưu trình HĐND tỉnh để ban hành Nghị quyết làm cơ sở triển khai thực hiện.
Trước hết, thay mặt Sở Kế hoạch và Đầu tư Tôi cảm ơn sự quan tâm của Hội doanh nghiệp huyện Tây Hòa trong thời gian vừa qua, nhất là quan tâm đến việc tham gia thực hiện các chương trình MTQG trên địa bản tỉnh. Theo quy định của Luật Đấu thầu, Các doanh nghiệp có thể tiếp cận nguồn vốn của các chương trình MTQG trên địa bàn tỉnh dưới dạng nhà thầu thực hiện các dự án, công trình đầu tư xây dựng thuộc các chương trình MTQG hoặc đơn vị được lựa chọn thực hiện các kế hoạch, dự án, phương án thuộc các nội dung hỗ trợ phát triển sản xuất hoặc hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, cụ thể như sau:
- Trường hợp doanh nghiệp tham gia thực hiện các dự án, công trình thuộc các chương trình MTQG có thể liên hệ trực tiếp với địa phương (cấp huyện, cấp xã), đơn vị hoặc tham gia đấu thầu lựa chon nhà thầu thông qua kênh đấu thầu qua mạng tại trang: https://muasamcong.mpi.gov.vn. để tham gia thực hiện các công trình dự án sử dụng nguồn vốn các chương trình MTQG; hoặc có thể tiếp cận UBND các xã để tham gia thực hiện các dự án, công trình theo cơ chế đặc thù (được phép chỉ định thầu đối với công trình có tổng mức đầu tư dưới 05 tỷ đồng) theo danh mục loại dự án được UBND tỉnh Phú Yên đã ban hành tại Quyết định số 610/QĐ-UBND ngày 19/5/2023 Ban hành danh mục loại dự án được áp dụng cơ chế đặc thù trong quản lý đầu tư xây dựng đối với một số dự án thuộc các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh Phú Yên; doanh nghiệp cần nghiên cứu kỹ quy định tại Chương IV Nghị định số 27/2022/NĐ-CP ngày 19/4/2022 của Chính phủ quy định cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, đươc điều chỉnh bổ sung tại Nghị định số 38/2023/NĐ-CP ngày 24/6/2023 của Chính phủ.
- Trường hợp tham gia thực hiện các kế hoạch, dự án, phương án thuộc các nội dung hỗ trợ phát triển sản xuất hoặc hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị: Doanh nghiêp nghiên cứu quy định tại các Điều 21, Điều 23, Điều 24 Nghị định số 27/2022/NĐ-CP ngày 19/4/2022 của Chính phủ quy định cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, đươc điều chỉnh bổ sung tại Nghị định số 38/2023/NĐ-CP ngày 24/6/2023 của Chính phủ để tham gia thực hiện. Về định mức hỗ trợ cụ thể, nội dung hỗ trợ, mẫu hồ sơ, trình tự, thủ tục lựa chọn dự án, kế hoạch phương án sản xuất, lựa chọn đơn vị đặt hàng trong thực hiện các hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất, UBND tỉnh đang giao các ngành tham mưu trình HĐND tỉnh để ban hành Nghị quyết làm cơ sở triển khai thực hiện.
Theo quy hoạch phát triển năng lượng tái tạo vùng Trung Bộ đến năm 2020 có xét đến năm 2030 đã được Bộ Công Thương phê duyệt (tại Quyết định số 5133/QĐ-BCT ngày 05/9/2012) thì tỉnh Phú Yên có tốc độ gió trung bình 5-7m/s, tiềm năng năng lượng gió ở độ cao 65m là 475,33 kWh/m2, tiềm năng năng lượng mặt trời là 5kWh/m2.
Ông Nguyễn Thanh Tuấn, Giám đốc Sở Công thương |
Với điều kiện khí hậu như vậy, Phú Yên là một trong những tỉnh được đánh giá có tiềm năng phát triển các dự án điện gió, điện mặt trời.
Căn cứ Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Chính phủ phê duyệt (tại Quyết định số 500/QĐ-TTg ngày 15/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ), UBND tỉnh Phú Yên đã đề xuất 22 dự án điện gió trên bờ với tổng công suất 2.655MW; 08 dự án điện gió trên biển với tổng công suất 2.000MW; 11 dự án điện mặt trời với tổng công suất 1.602MW vào kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện lực Quốc gia (Quy hoạch điện VIII).
Tỉnh ưu tiên đầu tư phát triển các dự án điện gió trên biển, các dự án năng lượng tái tạo tại các khu vực đất cằn cỗi, đất có giá trị sản xuất nông nghiệp thấp, hạn chế sử dụng đất trồng lúa,… để khai thác hiệu quả sử dụng đất và phát huy được tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo.
Trong giai đoạn 2016 - 2022, để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về chất lượng nguồn nhân lực của thị trường lao động, công tác đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh đã thực thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, cụ thể: Tăng cường và đa dạng các phương thức truyền thông về giáo dục nghề nghiệp; đẩy mạnh công tác giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông; đầu tư trang thiết bị dạy học cho một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp với các nghề trọng điểm; tăng cường sự gắn kết chặt chẽ giữa nhà trường và doanh nghiệp, đẩy mạnh liên kết đào tạo theo đơn đặt hàng với các doanh nghiệp; tiếp tục rà soát, triển khai kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, từng bước chuẩn hóa đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, người dạy nghề tại các doanh nghiệp. Qua đó đã có nhiều chuyển biến tích cực về nhận thức, quy mô tuyển sinh, chất lượng và hiệu quả đào tạo.
- Việc thực hiện sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã tạo điều kiện cho các cơ sở đào tạo nghề đã từng bước tự chủ về tài chính; đổi mới chương trình đào tạo, nâng dần tính tương thích giữa chất lượng đào tạo và yêu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế. Qua đó, nâng cao chất lượng đào tạo nghề nghiệp nói chung, kỹ năng nghề của người học sau khi tốt nghiệp tại các cơ sở đào tạo nghề nói riêng. Các cơ sở đào tạo nghề sử dụng có hiệu quả hơn nguồn lực đầu tư của Nhà nước và thúc đẩy mạnh mẽ xã hội hóa đối với công tác đào tạo nghề.
* Về giải pháp:
Tập trung phát triển các trường cao đẳng, trung cấp đào tạo đa cấp trình độ, đa ngành nghề, đảm bảo năng lực đào tạo đáp ứng nhu cầu nhân lực kỹ thuật trực tiếp của ngành, địa phương, nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động, phù hợp với chiến lược phát triển của ngành, địa phương. Phát triển các trung tâm giáo dục nghề nghiệp ở cấp huyện để tạo điều kiện phổ cập nghề, chuyển đổi nghề, tạo việc làm, tăng thu nhập, nâng cao mức sống cho người lao động, nhất là lao động nông thôn, các nhóm đối tượng đặc thù như bộ đội xuất ngũ, người dân tộc thiểu số... Đồng thời, thu hút đầu tư thành lập cơ sở giáo dục nghề nghiệp có yếu tố nước ngoài, phát triển các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tư thục, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp của các tổ chức xã hội để đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động và việc làm cho người lao động.
Đẩy mạnh tự chủ của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh gắn với trách nhiệm giải trình, cơ chế đánh giá độc lập, sự kiểm soát của nhà nước, giám sát của xã hội. Thực hiện tự chủ toàn diện; chuyển đổi hoạt động của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập đủ điều kiện sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm (về nhân sự, tài chính và công tác đào tạo).
* Giải pháp về cơ chế, chính sách:
Xây dựng các chính sách tạo điều kiện cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân thành lập cơ sở giáo dục nghề nghiệp; khuyến khích huy động sự tham gia của doanh nghiệp trong đào tạo nghề nghiệp; khuyến khích doanh nghiệp đóng góp kinh phí đào tạo khi tiếp nhận lao động đã qua đào tạo.
Từng bước thực hiện tính đúng, tính đủ chi phí đào tạo theo lộ trình; thực hiện chuyển từ cơ chế cấp kinh phí theo dự toán cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập sang cơ chế đấu thầu, đặt hàng, giao nhiệm vụ đào tạo.
Hiện nay, việc cấp giấy phép xây dựng trên địa bàn tỉnh Phú Yên được thực hiện theo Quyết định số 43/2021/QĐ-UBND ngày 26/10/2021 của UBND tỉnh Phú Yên ban hành quy định một số nội dung về cấp giấy phép xây dựng công trình, nhà ở riêng lẻ trên địa bàn tỉnh Phú Yên. Theo đó, các cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng có trách nhiệm niêm yết công khai quy trình, thủ tục cấp giấy phép xây dựng tại nơi tiếp nhận hồ sơ đảm bảo theo quy định để người dân, doanh nghiệp thuận tiện trong việc theo dõi, thực hiện. Thành phần hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xây dựng thực hiện theo quy định tại các Điều 95, 96, 97 Luật Xây dựng năm 2014.
Quy trình cấp, cấp lại, điều chỉnh và gia hạn giấy phép xây dựng được cơ quan chức năng thực hiện theo quy định tại Điều 102 Luật Xây dựng năm 2014 được sửa đổi, bổ sung tại khoản 36 Điều 1 Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng năm 2020.
Về thời gian cấp giấy phép xây dựng được quy định tại điểm b khoản 36 Điều 1 Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng năm 2020 (trích): “Kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng phải xem xét hồ sơ để cấp giấy phép trong thời gian 20 ngày đối với trường hợp cấp giấy phép xây dựng công trình, bao gồm cả giấy phép xây dựng có thời hạn, giấy phép xây dựng điều chỉnh, giấy phép di dời và trong thời gian 15 ngày đối với nhà ở riêng lẻ. Trường hợp đến thời hạn cấp giấy phép nhưng cần phải xem xét thêm thì cơ quan cấp giấy phép xây dựng phải thông báo bằng văn bản cho chủ đầu tư biết lý do, đồng thời báo cáo cấp có thẩm quyền quản lý trực tiếp xem xét và chỉ đạo thực hiện, nhưng không được quá 10 ngày kể từ ngày hết hạn theo quy định tại khoản này”.
Theo Quyết định số 43/2021/QĐ-UBND ngày 26/10/2021 của UBND tỉnh Phú Yên ban hành quy định một số nội dung về cấp giấy phép xây dựng công trình, nhà ở riêng lẻ trên địa bàn tỉnh Phú Yên, thì Sở Xây dựng cấp giấy phép xây dựng đối với công trình cấp đặc biệt, cấp I, cấp II, công trình nằm trên địa bàn 2 huyện trở lên.
UBND cấp huyện cấp giấy phép xây dựng đối với các công trình sau: Công trình cấp III, cấp IV và nhà ở riêng lẻ trên địa bàn do mình quản lý; công trình quảng cáo đối với màn hình chuyên quảng cáo ngoài trời có diện tích một mặt từ 20m2 trở lên, biển hiệu, bảng quảng cáo có diện tích một mặt trên 20m2 kết cấu khung kim loại hoặc vật liệu xây dựng tương tự gắn vào công trình xây dựng có sẵn, bảng quảng cáo đứng độc lập có diện tích một mặt từ 40m2 trở lên; công trình theo tuyến từ cấp II trở lên trên địa bàn do mình quản lý, thuộc trường hợp phải cấp giấy phép xây dựng.
Quy hoạch Sông Cầu đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050:
Trong thời gian đến, dự báo tình hình triển khai nhiệm vụ có những thời cơ thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen.Kinh tế thị xã tiếp tục phát triển, khẳng định vị thế của một trong nhung trung tâm kinh tế cửa ngõ phía Bắc của tỉnh Phú Yên.
Với môi trường đầu tư thuận lợi , nhiều dự án trọng điểm, tiềm năng về du lịch biển, thu hút làn sóng đầu tư mới. Đường cao tốc Bắc - Nam hoàn thành và đưa vào sử dụng; quy hoạch tổng thể hình thành các khu đô thị ven Vịnh Xuân Đài và các khu tiểu thủ công nghiệp Bắc thị xã sẽ mở ra cơ hội tiền đề phát triển. Các tiềm năng lợi thế được phát huy với những đột phá trong lĩnh vực kinh tế, du lịch, nông nghiệp công nghệ cao, nuôi trồng thủy sản tiến tới xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số, kinh tế số, xã hội số được triển khai sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế của thị xã nhanh, bền vững.
Tận dụng tốt các cơ hội trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế để đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đột phá thương mại và dịch vụ, du lịch. Tốc độ đô thị hoá sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế thị xã nhanh, bền vững để tiến tới xây dựng thành phố sông cầu trực thuộc tỉnh vào năm 2025.
Ông Võ Ngọc Thạch, Phó Chủ tịch UBND Thị xã Sông Cầu |
Để đạt được mục tiêu này Sông Cầu cần tập trung phát triển và kêu gọi đầu tư vào các nội dung sau:
Tiếp tục thực hiện tái cơ cấu sản xuất ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị tăng và phát triển bền vững ; trọng tâm là phát triển mạnh các sản phẩm chủ lịch của thị xã, kết hợp hài hoà giữa nuôi trồng thuỷ sản với phát triển du lịch. Tổ chức lại việc nuôi trồng thủy sản theo chuỗi giá trị, phát huy hiệu quả hoạt động HTX dịch vụ tổng hợp Tôm Hùm hướng đến việc đằng ký thương hiệu Tôm hùm thị xã sông cầu trên thị trường trong nước và xuất khẩu.
Tập trung huy động các nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng phục vụ du lịch , xây dựng các siêu thị , trung tâm thương mại, các khu nghĩ dưỡng cao cấp , đẩy mạnh xúc tiến đầu tư , tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư .
Khuyến khích phát triển kinh tế đêm, tạo ra nhiều sản phẩm du lịch về đêm , hình thành phố đi bộ, Phố ẩm thực .
Nâng cao hiệu quả đầu tư, lập danh mục dự án ưu đãi đầu tư. Tập trung huy động mọi nguồn lực xã hội xây dựng kết cấu hạ tầng theo hướng đồng bộ, hiện đại, tạo dựng các yếu tố nền tảng đưa Sông cầu trở thành Thành phố trực thuộc Tỉnh.
Đa dạng các nguồn lực đầu tư, nhất là hình thức đối tác công - tư để xây dựng các công trình hạ tầng kinh tế-xã hội.
Phú Yên có bờ biển dài 189km đó là điều kiện thuận lợi để phát triển các dự án điện gió ngoài khơi và tỉnh Phú Yên đã đăng ký 08 dự án điện gió trên biển tại vùng biển các xã Xuân Phương, Xuân Hải - thị xã Sông Cầu; các xã An Ninh Đông, An Hòa Hải, An Chấn - huyện Tuy An vào Kế hoạch thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được phê duyệt (tại Quyết định số 500/QĐ-TTg ngày 15/5/2023).
Dự án: Bệnh viện Đa khoa quốc tế Phú Yên
Hiện tại, dự án đang triển khai hoạt động trong giai đoạn nhân sự ngành y trên cả nước đang thiếu, việc tuyển dụng nhân sự để đủ hoạt động dự án quy mô 250 giường sẽ gặp nhiều khó khăn, dù cơ sở vật chất và trang thiết bị y tế chủ đầu tư có thể trang bị đủ.
Đề xuất UBND tỉnh đồng ý cho phép Dự án Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Phú Yên hoạt động theo từng giai đoạn, giai đoạn 1 quy mô 100 giường bệnh nội trú và mở rộng đến 250 giường trong năm 2025 .
Dự án được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư, phê duyệt Đồ án Quy hoach chi tiết xây dựng 1/500 và được các cơ quan chức năng thẩm định thiết kế cơ sở, cấp giấy phép xây dựng, với quy mô đầu tư xây dựng bệnh viện 250 giường, gồm các hạng mục: Khối khám chữa bệnh; Khối điều trị nội trú và Khối dinh dưỡng; Khu điều trị kỹ thuật cao - Nan y; Kho chất thải, nhà xử lý chất thải và các hạng mục phụ trợ khác: Nhà xe, nhà bảo vệ, cổng, tường rào, bãi xe khách, sân đường nội bộ, hệ thống cấp điện, hệ thống cấp nước,... và máy móc, trang thiết bị.
Theo báo cáo thì Nhà đầu tư đã đầu tư xây dựng cơ bản hoàn thành phần lớn các hạng mục công trình thuộc dự án, bao gồm: Khối khám chữa bệnh, Khối điều trị nội trú, Kho chất thải, nhà xử lý chất thải và các hạng mục phụ trợ. Trong quá trình thực hiện, do khu đất dự án có hệ thống kênh rạch Bầu Hạ đi qua nên các cơ quan, đơn vị liên quan đã phối hợp với Nhà đầu tư xác định ranh giới, diện tích đoạn qua khu vực dự án (bao gồm phần kênh và vùng phụ cận) để điều chỉnh giảm phần diện tích này; UBND tỉnh đã chấp thuận điều chỉnh diện tích đất sử dụng của dự án (sau khi giảm trừ phần diện tích phần diện tích rạch Bầu Hạ bao gồm phần kênh và vùng phụ cận) và để đảm bảo triển khai hoàn thành toàn bộ dự án, UBND tỉnh đã chấp thuận điều chỉnh tiến độ thực hiện đến tháng 5/2024.
Hiện Nhà đầu tư đang hoàn tất các thủ tục đầu tư để đầu tư xây dựng hạng mục Khối dinh dưỡng (đã được cấp Giấy phép xây dựng ngày 09/3/2023) và Khu điều trị kỹ thuật cao - Nan y (đang thẩm định thiết kế cơ sở).
Nội dung đề nghị cho phép hoạt động theo từng giai đoạn, giai đoạn 1 quy mô 100 giường bệnh nội trú và mở rộng đến 250 giường trong năm 2025: Về tiến độ thực hiện dự án, đề nghị thực hiện theo đúng tiến độ đã được cam kết và được UBND tỉnh chấp thuận. Riêng về nhân sự và điều kiện hoạt động bệnh viện, đề nghị Sở Y tế có ý kiến.
Ngày 30/9/2021, Công ty TNHH xây dựng Hòa Mỹ đã có văn bản số 89/2021/CV-HM gửi UBND tỉnh và Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Phú Yên kiến nghị phản hồi liên quan đến truy thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản mỏ đá vật liệu xây dựng thông thường thôn Hòa Mỹ, xã Xuân Cảnh về việc Công ty không đồng ý với việc đóng thêm một khoản tiền cấp quyền khai thác khoáng sản của các năm trước từ 2017 đến năm 2019 với số tiền 1.022.762.865 đồng .
Ngày 02/7/2021, Công ty đã gửi văn bản số 50/2021/CV-HM gửi UBND tỉnh và Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Phú Yên báo cáo trình bày việc truy thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và có đề nghị được đối thoại trực tiếp để làm sáng tỏ việc truy thu số tiền nợ thuế nêu trên nhưng các ngành và UBND tỉnh chưa hợp tác. Kính đề nghị UBND tỉnh và Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Phú Yên có biện pháp giải quyết việc truy thu khoản tiền cấp quyền khai thác khoáng sản của các năm trước từ 2017 đến năm 2019 với số tiền 1.022.762.865 đồng đối với Công ty chúng tôi.
Sở Tài nguyên và Môi trường có ý kiến như sau:
Việc truy thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản mỏ đá VLXD thông thường thôn Hòa Mỹ, xã Xuân Cảnh, thị xã Sông Cầu của Công ty TNHH Xây dựng Hòa Mỹ từ năm 2017 đến năm 2019, Sở Tài nguyên và Môi trường đã có văn bản gửi Cục thuế tỉnh Phú Yên đề nghị tạm thời dừng truy thu, chờ hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền (tại Công văn số 3346/STNMT-TNN&KS ngày 18/10/2021). Do đó, đề nghị Công ty liên hệ với Cục thuế tỉnh để được xem xét.
Đại diện doanh nghiệp đặt câu hỏi với Hội nghị |
Sở Tài nguyên và Môi trường có ý kiến đối với trả lời kiến nghị của các doanh nghiệp, nhà đầu tư phục vụ Hội nghị gặp mặt, đối thoại Doanh nghiệp, nhà đầu tư tỉnh Phú Yên năm 2023, gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp.
Cảm ơn bạn đã quan tâm đến huyện Sông Hinh.
Tôi là ĐInh Ngọc Dạn - Chủ tịch UBND huyện Sông Hinh.
Xin trả lời câu hỏi của bạn như sau:
Ông Đinh Ngọc Dạn, Chủ tịch UBND Huyện Sông Hinh |
Huyện Sông Hinh có diện tích tự nhiên 892,6201 km2 với 10 xã và 1 thị trấn. Dân số năm 2021 là 52.040 người, trong đó có 21 dân tộc thiểu số với24.864 người, chiếm 47,78 %. Giai đoạn 2021-2022 tổng giá trị sản xuất các ngành đạt 14.594 tỷ đồng. Cơ cấu kinh tế cơ bản chuyển dịch theo hướng giảm dần cơ cấu ngành nông nghiệp, tăng cơ cấu ngành công nghiệp – xây dựng và dịch vụ, đến cuối năm 2022 ngành Nông, lâm nghiệp, thuỷ sản chiếm tỷ trọng 20,6%, công nghiệp - xây dựng chiếm 55,85% và dịch vụ chiếm 23,55%. Thu nhập bình bình quân đầu người đến cuối năm 2022 đạt 43 triệu đồng/người/năm.
Sông Hinh có lợi thế tiếp giáp với tỉnh Đắk Lắk thông qua các trục đường QL29, QL19C, đường Trường Sơn Đông, tiếp giáp với tỉnh Gia Lai thông qua đường Trường Sơn Đông đây là cầu nối các tỉnh duyên hải Nam Trung bộ với các tỉnh Tây Nguyên, tạo điều kiện thuận lợi trong liên kết và hợp tác phát triển và huyện đã tận dụng lợi thế này trong định hướng phát triển như sau:
Sông Hinh sẽ tiếp tục tận dụng lợi thế về vị trí địa lý, tiềm năng phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, dịch vụ du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và phát triển công nghiệp, đô thị. Tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ nông, lâm nghiệp, thủy sản sang dịch vụ thương mại và công nghiệp - xây dựng. Phấn đấu trở thành huyện có tốc độ phát triển kinh tế mạnh mẽ trong giai đoạn tới.
Hiện nay, huyện Sông Hinh đã hình thành và đang phát triển một số sản phẩm nông, lâm nghiệp ( như sắn mì, mía, cây cao su, sản phẩm gỗ rừng trồng, )gắn với các nhà máy chế biến trên địa bàn và địa phương lân cận (như nhà máy chế biến tinh bột sắn ( huyện Sông Hinh); nhà máy đường Tuy Hòa ( huyện Tây Hòa), nhà máy đường KCP ( huyện Sơn Hòa); 2 nhà máy chế biến mủ cao su (huyện Sông Hinh); 2 nhà máy chế biết dăm gỗ ( huyện Sông Hinh). Hiện trạng diện tích cây ăn quả đạt khoảng 1.700 ha. Các loại hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch cộng đồng đang bước đầu phát triển (bao gồm: khu du lịch sinh thái thác Jrai Tang (đã được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư); du lịch cộng đồng Buôn La Diêm ( đã được UBND tỉnh công nhận là điểm du lịch địa phương); các khu vực có tiềm năng phát triển du lịch như Thác H’ Ly xã Sông Hinh; Thác Buôn Chao xã Ea Bá; khu vực Hồ Trung Tâm Thị trấn Hai Riêng và một số hồ thủy điện, hồ chứa thủy lợi có cảnh quan thiên nhiên đẹp nhưng chưa được khai thác).
2. Một số định hướng trong kêu gọi đầu tư:
Trong giai đoạn từ nay đến 2025, huyện Sông Hinh tiếp tục tập trung kêu gọi và thu hút đầu tư vào các lĩnh vực phù hợp với lợi thế và điều kiện hiện tại của địa phương như: Phát triển cây ăn quả có giá trị cao gắn với chế biến và xuất khẩu ( như sầu riêng, mắc ca, bưởi, cam ...) tập trung chủ yếu ở 3 xã giáp ranh là EaBar, EaLy và EaTrol; tiếp tục đẩy mạnh phát triển trồng rừng; phát triển chăn nuôi tập trung ( từ năm 2021-2023 UBND tỉnh đã chấp thuận chủ trương đầu tư 9 dự án chăn nuôi tập trung, với quy mô 17.500 con heo nái/năm và 336.000 con heo thịt/năm, với diện tích đất sử dụng 220,5ha); phát triển các loại hình du lịch sinh thái gắn với cảnh quan thiên nhiên… là điều kiện và là cơ sở để liên kết trong kêu gọi đầu tư phát triển các ngành công nghiệp chế biến trên địa bàn như chế biến, đóng gói trái cây; chế biến thức ăn gia súc; chế biến thực phẩm từ thịt;chế biến gỗ rừng trồng… trong giai đoạn tiếp theo.
Để chuẩn bị các điều kiện trong thu hút và kêu gọi đầu tư, huyện Sông Hinh đã được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2020-2030, cụ thể:
- Quy hoạch đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp (tăng thêm so với năm 2020) là 173,43 ha, trong đó phân bổ chủ yếu ở xã Đức Bình Tây (35ha); xã Đức Bình Đông (60ha); xã Ea Bar (57,63ha). Bên cạnh đó, huyện cũng chú trọng quy hoạch quỹ đất nông nghiệp khác dành cho nhu cầu phát triển nông nghiệp công nghệ cao và chăn nuôi đến năm 2030 tăng thêm hơn 894ha so với năm 2020. Ngoài ra, huyện cũng quy hoạch đất thương mại, dịch vụ với diện tích tăng thêm so với năm 2020 là gần 88 ha, nhằm phục vụ và gắn kết cho nhu cầu phát triển công nghiệp và sinh hoạt của người dân địa phương cùng với phát triển du lịch sinh thái tạo không gian phát triển đan xen và hỗ trợ cho nhau ở các lĩnh vực.
- Đồng thời, để gắn kết với phát triển nông thôn, phát triển các ngành công nghiệp, tạo không gian phát triển chung của toàn huyện. Trong đó, huyện đã chú trọng đến công tác quy hoạch và phát triển đô thị trung tâm là thị trấn Hai Riêng; cụ thể, đã phê duyệt quy hoạch chi tiết Khu đô thị Hồ trung tâm với diện tích là 23,9425 ha và đang trong quá trình kêu gọi đầu tư. Tập trung nguồn lực để phát triển xã EaLy là địa phương tiếp giáp với tỉnh Đắk Lắk để trở thành đô thị loại V là cầu nối để trao đổi hàng hoá và liên kết, hợp tác phát triển kinh tế - xã hội của huyện với tỉnh Đắk Lắk.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 55 Luật Quy hoạch đô thị năm 2009 (trích): “Cơ quan quản lý quy hoạch đô thị các cấp có trách nhiệm cung cấp thông tin về quy hoạch đô thị đã được phê duyệt cho các tổ chức, cá nhân khi có yêu cầu”. Do đó, các nhà đầu tư quan tâm đến tỉnh Phú Yên có thể liên hệ Sở Xây dựng hoặc UBND các huyện, thị xã, thành phố để được cung cấp các thông tin về quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị.
Khi có yêu cầu, Sở Xây dựng hoặc UBND các huyện, thị xã, thành phố sẽ cung cấp thông tin về quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị với các chỉ tiêu quy hoạch xây dựng như: Mật độ xây dựng, hệ số sử dụng đất, khoảng lùi, tầng cao, chiều cao tối đa của công trình theo quy hoạch được duyệt.
Theo đó, Sở Xây dựng cung cấp các thông tin đối với các đồ án quy hoạch chung được duyệt; UBND các huyện, thị xã, thành phố cung cấp các thông tin đối với các đồ án quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết được duyệt thuộc địa bàn quản lý. Đối với công trình cao từ 45 m trở lên so với mặt đất tự nhiên, thì phải được chấp thuận của Cục Tác chiến - Bộ Tổng Tham mưu QĐND Việt Nam theo quy định tại Nghị định số 32/2016/NĐ-CP ngày 06/5/2016 của Chính phủ quy định về quản lý độ cao chướng ngại vật hàng không và các trận địa quản lý, bảo vệ vùng trời tại Việt Nam.
Để hỗ trợ doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất hàng xuất khẩu; hỗ trợ khai thác, kết nối thị trường, UBND tỉnh đã ban hành Quy chế quản lý kinh phí khuyến công; Quy chế quản lý và thực hiện Chương trình xúc tiến thương mại tỉnh Phú Yên. Trên cơ sở đó, hàng năm tỉnh bố trí kinh phí để thực hiện Chương trình khuyến công và Chương trình xúc tiến thương mại trên địa bàn tỉnh.
Chương trình khuyến công tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất công nghiệp nhằm giúp doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh, hạ giá thành sản phẩm để đáp ứng được nhu cầu thị trường, nhất là các mặt hàng xuất khẩu.
Chương trình xúc tiến thương mại bao gồm các hoạt động xúc tiến thương mại phát triển ngoại thương (phát triển thị trường nước ngoài) và hoạt động xúc tiến thương mại thị trường trong nước. Trên cơ sở đó, Chương trình xúc tiến thương mại tập trung hỗ trợ cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tham gia các hội chợ, triển lãm, kết nối giao thương (trực tiếp hoặc trực tuyến).
Ngoài ra, Sở Công Thương thường xuyên mời các doanh nghiệp tham gia các đoàn tìm kiếm, mở rộng thị trường nước ngoài do Bộ Công Thương tổ chức; kịp thời thông tin về tình hình thị trường hàng hóa trong và ngoài nước, các quy định mới về các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam ký kết... Qua đó, đã giúp các doanh nghiệp chủ động trong kế hoạch sản xuất kinh doanh, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm của doanh nghiệp.
- Tình hình thu hút đầu tư vào Khu:
Ban Quản lý đã kêu gọi và chấp thuận Chủ trương đầu tư lũy kế đến nay được 10 dự án, với tổng vốn đăng ký đầu tư là 709 tỷ đồng, tổng diện tích 135 ha, đạt 45,6% trên tổng diện tích thu hút đầu tư (295,75ha). Bao gồm các lĩnh vực như: trồng cây cao lương, dược liệu, hoa, rau củ quả, nấm các loại, sản xuất phân hữu cơ vi sinh, chế biến nông sản, thực phẩm và đồ uống từ nông sản, sản xuất gà giống công nghệ cao. Trong đó, có 02 dự án đã được cấp giấy phép xây dựng và đã triển khai thi công, chuẩn bị đi vào hoạt động; 02 dự án đang thực hiện chi trả tiền bồi thường giải phóng mặt bằng; 06 dự án đang thực hiện các thủ tục chuẩn bị đầu tư, kiểm kê, GPMB (03 dự án đang lập BCNCKT/BCKTKT; 02 dự án đang lập hồ sơ quy hoạch chi tiết 1/500; 01 dự án đang chuẩn bị đầu tư). Hiện, Ban Quản lý đang giới thiệu vị trí để Viện dược liệu – Bộ Y tế khảo sát, xây dựng Trung tâm nghiên cứu dược liệu Nam Trung Bộ tại Phú Yên. Đồng thời, tiếp tục kêu gọi thu hút các Nhà đầu tư có năng lực và phù hợp với mục tiêu đầu tư vào Khu với phần diện tích đất kêu gọi đầu tư còn lại.
- Cơ chế hỗ trợ cho nhà đầu tư:
Cơ chế chính sách thu hút đầu tư:
Ban Quản lý thường xuyên rà soát, bổ sung cơ chế chính sách thu hút đầu tư Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo quy định tại các văn bản:
- Luật Đầu tư năm 2020;
- Nghị định 31/2021/NĐ-CP ngày 26/3/2021 Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư;
- Quyết định số 34/2019/QĐ-TTg ngày 18/12/2019 của Thủ tướng Chính phủ Quy định tiêu chí xác định dự án, phương án sản xuất kinh doanh ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp và bổ sung Danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển ban hành kèm theo Quyết định số 66/2014/QĐ-TTg ngày 25/11/2014 của Thủ tướng Chính phủ;
- Quyết định số 38/2020/QĐ-TTg ngày 30/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển và Danh mục sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển;
- Quyết định số 738/QĐ-BNN-KHCN ngày 14/3/2017 của Bộ NN&PTNT về Tiêu chí xác định chương trình, dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, danh mục công nghệ cao ứng dụng trong nông nghiệp.
- Quyết định số 62/2017/QĐ-UBND ngày 08/12/2017 của UBND tỉnh Phú Yên v/v ban hành Quy định về chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư vào Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Phú Yên;
- Quyết định số 1463/QĐ-UBND ngày 07/12/2022 của UBND tỉnh Phú Yên V/v công bố Danh mục và Quy trình nội bộ giải quyết thủ tục hành chính mới ban hành và sửa đổi bổ sung thuộc thẩm quyền giải quyết của Ban Quản lý.
Các chính sách ưu đãi:
1. Ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp:
Tại Điều 22 Thông tư số 78/2014/TT-BTC ngày 18/6/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định số 218/2013/NĐ-CP ngày 26/12/2013 của Chính phủ quy định và hướng dẫn thi hành Luật thuế thu nhập doanh nghiệp, quy định:
“Điều 22. Thủ tục thực hiện ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệpDoanh nghiệp tự xác định các điều kiện ưu đãi thuế, mức thuế suất ưu đãi, thời gian miễn thuế, giảm thuế, số lỗ được trừ (-) vào thu nhập tính thuế để tự kê khai và tự quyết toán thuế với cơ quan thuế.…”
Căn cứ các quy định nêu trên, thủ tục thực hiện ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp đối với dự đều tư tại Khu do doanh nghiệp tự xác định đối tượng được hưởng ưu đãi đầu tư quy định tại Điều 19 Nghị định số 31/2021/NĐ-CP ngày 26/3/2021 của Chính phủ và các điều kiện ưu đãi thuế, mức thuế suất ưu đãi, thời gian miễn thuế, giảm thuế quy định tại Thông tư số 78/2014/TT-BTC ngày 18/6/2014 của Bộ Tài chính để tự kê khai, quyết toán thuế với Cơ quan thuế.
2. Ưu đãi tiền thuê đất:
Điều 14, Nghị định 35/2017/NĐ-CP về miễn, giảm tiền thuê đất trong Khu công nghệ cao nêu rõ: Nguyên tắc miễn, giảm tiền thuê đất trong Khu công nghệ cao được thực hiện theo quy định tại khoản 1, khoản 3, khoản 4, khoản 5 Điều 8 Nghị định này.
-Miễn tiền thuê đất trong thời gian xây dựng cơ bản nhưng tối đa không quá 03 năm kể từ ngày có quyết định cho thuê đất (không bao gồm các trường hợp đầu tư xây dựng cải tạo và mở rộng cơ sở sản xuất, kinh doanh);
-Miễn tiền thuê đất sau thời gian miễn tiền thuê đất của thời gian xây dựng cơ bản: 15 năm đối với dự án đầu tư không thuộc Danh mục lĩnh vực ưu đãi đầu tư đầu tư; dự án đầu tư xây dựng, kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghệ cao; 19 năm đối với dự án thuộc Danh mục lĩnh vực ưu đãi đầu tư;
Theo quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (tại Quyết định số 648/QĐ-TTg ngày 07/6/2023), thì Cảng hàng không Tuy Hòa là hàng không quốc nội 4C công suất thiết kế dự kiến đến năm 2030 là 3 triệu hành khách/năm, đến năm 2050 là 5 triệu hành khách/năm.
Trong thời gian qua, Cảng hàng không Tuy Hòa đã từng bước được đầu tư xây dựng, nâng cao hiệu quả khai thác, chất lượng phục vụ hành khách, góp phần tăng loại hình vận tải của tỉnh, đóng góp đắc lực trong thu hút đầu tư, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đảm bảo an ninh - quốc phòng. Để phù hợp theo định hướng phát triển các loại hình giao thông trong tương lại của tỉnh Phú Yên, Sở GTVT đang tích cực phối hợp, liên hệ với các cơ quan của tỉnh và các bộ, ngành của Trung ương tham mưu UBND tỉnh thu hút nâng cấp, mở rộng nhà ga hành khách, chuẩn bị đủ các điều kiện để đón các chuyến bay quốc tế đến phục vụ, mở thêm nhiều đường bay quốc tế.
Bộ Giao thông Vận tải đã phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch Cảng hàng không Tuy Hòa thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (tại Quyết định số 1498/QĐ-BGTVT ngày 11/11/2022). Hiện Sở GTVT đang phối hợp với đơn vị tư vấn tổ chức lập, hoàn thiện hồ sơ quy hoạch để trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt theo quy định; đồng thời, Sở GTVT đang xây dựng Đề án xã hội hóa đầu tư, khai thác Cảng hàng không Tuy Hòa để báo cáo UBND tỉnh xem xét, kiến nghị Bộ GTVT, Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Theo Đề án được duyệt, trong giai đoạn 2021 – 2030, tỉnh Phú Yên phải hoàn thành 19.668 căn nhà ở xã hội (giai đoạn 2021-2025: 11.876 căn; giai đoạn 2026-2030: 7.792 căn). Trong đó, Nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp 18.419 căn (giai đoạn 2021-2025: 11.239 căn; giai đoạn 2026-2030: 7.180 căn) và Nhà ở xã hội cho công nhân là 1.250 căn (giai đoạn 2021-2025: 638 căn; giai đoạn 2026-2030: 612 căn).
Kết quả thực hiện:
Các dự án đang thực hiện: Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 03 dự án nhà ở xã hội đã được cấp có thẩm quyền chấp thuận chủ trương, cụ thể:
- Dự án Nhà ở xã hội Nam Hùng Vương: Quy mô 393 căn nhà ở với hơn 55.942 m2 sàn bao gồm hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ. (Đã hoàn thành và đưa vào sử dụng 393 căn nhà ở)
- Dự án nhà ở xã hội và nhà ở thương mại Bình Kiến: Quy mô khoảng 800 căn hộ chung cư (ở xã hội) với 69.300 m2 sàn. (Dự án đang trong giai đoạn tổ chức lựa chọn Nhà đầu tư thông qua hình thức đấu thầu).
- Dự án Khu nhà ở công nhân phục vụ cụm xí nghiệp sản xuất An Hưng: Đã được Ban Quản lý Khu Kinh tế cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư Mã số dự án 4854006811 (chứng nhận thay đổi lần 01 ngày 20/01/2021) với quy mô khoảng 5,98 ha nhằm giải quyết chỗ ở cho khoảng 4.500 người tương đương1.125 căn hộ (Nhà Đầu tư đang hoàn tất các thủ tục chuẩn bị đầu tư).
Về bố trí quỹ đất trong thời gian đến: Theo các đồ án quy hoạch xây dựng đã được phê duyệt đến năm 2030, tỉnh Phú Yên đã dành 14 quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân với hơn 85,74 ha nhằm đáp ứng mục tiêu hoàn thành 19.668 căn nhà ở xã hội nêu trên. Trong đó: TP Tuy Hòa: 06 quỹ đất (khoảng 37,46ha); thị xã Sông Cầu: 07 quỹ đất (khoảng 11,83ha); thị xã Đông Hòa: 06 quỹ đất (khoảng 25,06ha), huyện Tuy An: 01 quỹ đất (khoảng 05ha); huyện Tây Hòa: 01 quỹ đất (khoảng 0.1ha) và huyện Phú Hòa: 01 quỹ đất (khoảng 7,5ha)
Về kế hoạch triển khai thực hiện Đề án đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030 theo Quyết định số 338/QĐ-TTg ngày 03/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ: Sở Xây dựng đã tham mưu UBND tỉnh và sẽ được ban hành trong thời gian tới để làm cơ sở thực hiện.
Về việc công khai giới thiệu quỹ đất đầu tư nhà ở xã hội cho các doanh nghiệp nghiên cứu đề xuất đầu tư: Căn cứ theo Chương trình kế hoạch phát triển nhà ở của địa phương được phê duyệt, UBND tỉnh đã giao Sở Xây dựng rà soát, đề xuất danh mục dự án nhà ở xã hội cần thu hút đầu tư để công khai trên cổng thông tin điện tử của địa phương và các cơ quan truyền thông để làm cơ sở giới thiệu và kêu gọi các doanh nghiệp tham gia nghiên cứu, đề xuất đầu tư.
Về trình tự, thủ tục thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ và đồ án quy hoạch xây dựng, được cơ quan chức năng thực hiện theo quy định tại Điều 25 Nghị định số 44/2015/NĐ-CP ngày 06/5/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quy hoạch xây dựng.
Thời gian thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ và đồ án quy hoạch xây dựng khu chức năng, được thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 26 Nghị định số 44/2015/NĐ-CP ngày 06/5/2015 của Chính phủ, quy định chi tiết một số nội dung về quy hoạch xây dựng (trích):
“a) Đối với quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, thời gian thẩm định nhiệm vụ không quá 20 ngày, thời gian phê duyệt nhiệm vụ không quá 15 ngày; thời gian thẩm định đồ án không quá 25 ngày, thời gian phê duyệt đồ án không quá 15 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ theo quy định.
b) Đối với quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết xây dựng khu chức năng, thời gian thẩm định nhiệm vụ không quá 15 ngày, thời gian phê duyệt nhiệm vụ không quá 10 ngày; thời gian thẩm định đồ án không quá 25 ngày, thời gian phê duyệt đồ án không quá 15 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ theo quy định.”.
Ông Trần Xuân Túc, Sở Xây dựng |
Thẩm quyền thẩm định, phê duyệt quy hoạch xây dựng được quy định tại các Điều 32, 34 Luật Xây dựng năm 2014. Theo đó:
Cơ quan quản lý quy hoạch xây dựng thuộc UBND cấp tỉnh thẩm định nhiệm vụ và đồ án quy hoạch xây dựng thuộc thẩm quyền phê duyệt của UBND cùng cấp. Cơ quan quản lý quy hoạch xây dựng thuộc UBND cấp huyện thẩm định nhiệm vụ và đồ án quy hoạch xây dựng thuộc thẩm quyền phê duyệt của UBND cùng cấp.
UBND cấp tỉnh phê duyệt nhiệm vụ và đồ án quy hoạch xây dựng sau: Quy hoạch xây dựng vùng liên huyện, quy hoạch xây dựng vùng huyện; Quy hoạch chung xây dựng khu chức năng; Quy hoạch phân khu xây dựng khu chức năng.
UBND cấp huyện phê duyệt nhiệm vụ và đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng và quy hoạch nông thôn trong phạm vi địa giới hành chính do mình quản lý sau khi có ý kiến thống nhất bằng văn bản của cơ quan quản lý quy hoạch xây dựng thuộc UBND cấp tỉnh.
- Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đang trong giai đoạn hoàn thiện cơ sở hạ tầng, các doanh nghiệp trong Khu đang giai đoạn xây dựng, chưa đi vào sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, thời gian qua, Trung tâm nghiên cứu và Phát triển nông nghiệp công nghệ cao (đơn vị trực thuộc Ban Quản lý Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao) đã bước đầu tiếp nhận và hoàn thiện một số quy trình công nghệ như trồng dưa lưới, dưa leo, cải bó xôi, nấm mối đen, nhộng trùng thảo, sung magic...
Để hỗ trợ nông dân, Ban Quản lý đã tổ chức Tọa đàm, giới thiệu một số quy trình công nghệ; tổ chức Hội nghị tập huấn, hướng dẫn quy trình kỹ thuật cho bà con nông dân ; phối hợp với Hội Nông dân, Tỉnh đoàn để giới thiệu một số mô hình đã nghiên cứu thành công. Bên cạnh đó, thời gian qua Ban Quản lý đã chỉ đạo Trung tâm nghiên cứu và Phát triển nông nghiệp công nghệ cao hỗ trợ một số hộ dân, HTX và DN triển khai nhân rộng các mô hình trồng trồng dưa leo, trồng sung magic, sản xuất nấm mối đen, trồng dưa Hoàng Kim...
Tiêu biểu như: Hỗ trợ HTX Đồng Din trồng sung magic, nông dân xã Hòa Đồng trồng dưa leo Baby, HTX BB trồng rau thủy canh. Hỗ trợ, hướng dẫn kỹ thuật quy trình công nghệ sản xuất dưa Hoàng kim trong nhà màng cho Công ty TNHH đầu tư Nam Việt Hưng Phú Yên, hướng dẫn kỹ thuật quy trình công nghệ sản xuất nấm mối đen thương phẩm cho Công ty TNHH Fam Việt sản xuất thử nghiệm...
- Phối hợp với Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh tổ chức hướng nghiệp cho học sinh lớp 12 về mô hình nông nghiệp công nghệ cao tại Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển nông nghiệp công nghệ cao Phú Yên.
Hiện nay, các trường cao đẳng, trung cấp trên địa bàn tỉnh đào tạo nghề dần dần gắn với doanh nghiệp để giải quyết việc làm, tập trung thu hút đào tạo và phát triển các ngành nghề như du lịch, nghiệp vụ bàn, buồng, vânh tải, logistic, đào tạo các ngành về công nghiệp như lọc dầu, hóa dầu, công nghiệp phụ trợ, công nghiệp năng lượng, công nghiệp chế biến nông - lâm- Thủy sản, tự động hóa phù hợp với thời đại cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Về chế độ ưu đãi: Áp dụng theo Quyết định số 77/2016/QĐ-UBND ngày 06/12/2016 của UBND tỉnh về quy định chính sách ưu đãi đối với các dự án xã hội hóa.
Đối với khu công nghiệp ứng dụng công nghệ cao, áp dụng theo Quyết định số 62/2017/QĐ-UBND ngày 8/12/2017 về quy định chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư vào khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Phú Yên.
Tuyến Quốc lộ 29 dài 293km đi qua địa phận hai tỉnh Phú Yên và Đắk Lắk nối Cảng Vũng Rô với cửa khẩu Đắk Ruê, đi qua vùng đất đai rộng lớn có nhiều tiềm năng, nằm trong tam giác phát triển kinh tế, đây là tuyến giao thông quan trọng, nối liền các tỉnh Đông Bắc Campuchia và Tây Nguyên xuống các tỉnh Nam Trung bộ ra các cảng biển. Đoạn tuyến qua tỉnh Phú Yên dài 112,29 km, hiện trạng đường cấp IV, V miền núi, nền đường rộng Bnền= 7,5m (một số đoạn Bnền= 6,5m), mặt đường bằng bê tông nhựa rộng Bmặt= 5,5m, một số đoạn tuyến chưa đầu tư theo cấp đường quy hoạch, mặt đường bê tông nhựa đã đầu tư lâu, đến nay xuống cấp, hư hỏng gây mất an toàn giao thông làm ảnh hưởng đến khả năng thông hành với lưu lượng xe trên tuyến ngày càng tăng.
Theo Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (tại Quyết định số 1454/QĐ-TTg ngày 1/9/2021), tuyến QL.29 được quy hoạch với quy mô cấp đường III-IV, 2-4 làn xe. Để dự án sớm được triển khai thực hiện, Sở GTVT đã nhiều lần tham mưu cho UBND tỉnh, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh đề nghị Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải sớm xem xét thực hiện đầu tư.
Gần đây nhất, Bộ Giao thông Vận tải (tại các Văn bản: số 3882/BGTVT-KHĐT ngày 20/4/2022; 5469/BGTVT-KHĐT ngày 01/6/2022) thống nhất với kiến nghị của tỉnh về việc sớm đầu tư tuyến QL.29 qua địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, hiện nay nguồn vốn đầu tư công trung hạn 2021-2025 còn hạn chế do Chính phủ đang tập trung ưu tiên đầu tư hoàn chỉnh hệ thống tuyến đường bộ cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025; do đó dự án Cải tạo, nâng cấp QL.29, đoạn qua tỉnh Phú Yên và tỉnh Đắk Lắk chưa thể cân đối được nguồn vốn để triển khai trong giai đoạn này. Trong thời gian tới, Sở GTVT tiếp tục theo dõi, phối hợp chặt chẽ với cơ quan của Bộ, ngành Trung ương, kịp thời tham mưu UBND tỉnh đề nghị Bộ Giao thông vận tải kiến nghị cấp thẩm quyền xem xét đầu tư khi có điều kiện nguồn lực.
- Quy hoạch tỉnh Phú Yên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã tích hợp: Quy hoạch phát triển Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và Vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, phù hợp với tiềm năng lợi thế của tỉnh. Đến năm 2030, hoàn thành xây dựng và đưa vào sử dụng, hoạt động có hiệu quả giai đoạn 1 với diện tích 460ha. Tiếp tục mở rộng Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao
phần giai đoạn 2 với diện tích 620ha, nâng tổng diện tích Khu lên 1.080ha; Đến năm 2030, Vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao có diện tích 12.115ha, sau năm 2030 phát triển lên 22.360ha (bao gồm các Vùng trồng ứng dụng công nghệ cao: Lúa; Bắp sinh khối; Mía; Rau; Nấm; Hoa, cây cảnh; Tiêu; Cây ăn quả; Cây dược liệu; Chăn nuôi bò sữa; Bò thịt; Heo thịt; Nuôi trồng thủy sản...).
* Ưu tiên phát triển ở những khu vực:
Theo thuyết minh đồ án quy hoạch Vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (UDCNC), các địa bàn được ưu tiên phát triển theo tiềm năng lợi thế như sau:
- Thành phố Tuy Hòa: Rau, hoa, nấm và lúa chất lượng cao;
- Huyện Đông Hòa: Lúa chất lượng cao, lúa hữu cơ, rau, chăn nuôi heo và tôm thẻ;
- Huyện Tây Hòa: Vùng sản xuất lúa giống, tiêu UDCNC;
- Huyện Đồng Xuân: Bắp sinh khối, cây ăn quả cây dược liệu; chăn nuôi heo và bò sữa UDCNC;
- Huyện Phú Hòa: Sản xuất lúa giống, rau, hoa và chăn nuôi heo UDCNC;
- Huyện Sông Hinh: Cây ăn quả, chăn nuôi heo;
- Huyện Tuy An: Lúa giống, rau, hoa, cây dược liệu UDCNC và vùng nuôi nhuyễn thể;
- Huyện Sơn Hòa: Bắp, mía, rau, hoa, cây ăn quả, cây dược liệu, chăn nuôi heo, bò thịt và bò sữa UDCNC;
- Thị xã Sông Cầu: Nuôi tôm thẻ, tôm hùm và vùng muối UDCNC.
Vấn đề này UBND thị xã tiếp thu và chia sẻ những khó khăn mà doanh nghiệp đã chia sẻ.
Đối với kiến nghị của DN việc đầu tư dự án công trình nêu trên đã được HĐND xã Xuân Cảnh đã Thông qua Nghị quyết Chủ trương đầu tư đối với dự án này .Về thông tin công trình : Nền đường 10 mét ; lòng đường 7,5 mét , có bố trí hệ thống thoát nước với tổng mức đầu tư 58 tỷ .
Hiện nay, đang tiến hành các bước thủ tục đầu tư .Đã ban hành kế hoạch thu hồi đất
Dự án đang hoàn thiện thủ tục xin cấp Giấp phép môi trường. Trong đó, vướng phải việc Nhà nước chưa hoàn thiện hệ thống thu gom nước thải theo đúng ĐTM được duyệt gây khó khăn trong việc xác định vị trí xả thải và việc dẫn nước thải sau khi xử lý đến điểm đấu nối tạm thời.
Đề xuất UBND Tỉnh cho phép chúng tôi dùng chung đường ống tạm với nhà máy Stada từ dự án đến điểm đấu nối tạm được chỉ định (Ngã ba Nguyễn Trãi - Cần Vương) nhằm tiết kiệm chi phí và thời gian cho công tác này, đề xuất UBND Tỉnh sớm hoàn thiện hệ thống thu gom theo đúng ĐTM được duyệt để thuận lợi cho công tác vận hành về sau của dự án.
Ông Đặng Ngọc Anh - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường |
Sở Tài nguyên và Môi trường có ý kiến như sau:
Công ty Cổ phần Xuất phập khẩu Dược Phú Yên đã nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấp phép môi trường Dự án: Bệnh viện Đa khoa quốc tế Phú Yên. Sở TN&MT đã tổ chức Họp thẩm định dự án vào ngày 08/5/2023, tại cuộc họp các thành viên đề nghị Công ty: Lấy ý kiến bằng văn bản của UBND Tp.Tuy Hòa về các nội dung: Vị trí đấu nối, khả năng thoát nước của đường ống, khả năng tiếp nhận và xử lý nước thải. Hiện nay Công ty đang hoàn thiện và chỉnh sửa hồ sơtheo Công văn số 1560/STNMT-MT ngày 10/5/2023 của Sở TN&MT về việc hoàn thiện hồ sơ đề nghị cấp giấy phép môi trường của dự án Bệnh viện đa khoa quốc tế Phú Yên.
Đối với đề nghị của Công ty: Dùng chung đường ống tạm với nhà máy
Stada từ dự án đến điểm đấu nối tạm được chỉ định (Ngã ba Nguyễn Trãi - Cần Vương): Nội dung này đã được UBND Tp. Tuy Hòa trả lời tại Công văn số 3419/UBND ngày 15/6/2023, trong đó nêu: Đường ống thoát nước thải của Nhà máy Stada lắp đặt từ nhà máy đến vị trí hố ga thu gom nước thải tại Ngã ba Nguyễn Thái Học - Cần Vương được Công ty CP Pymepharco đầu tư và quản lý chưa bàn giao cho UBND Tp. Tuy Hòa quản lý. Do đó UBND Tp. Tuy Hòa không có cơ sở để thỏa thuận vị trí đấu nối nước thải tại vị trí theo đề xuất của Công ty cổ phần xuất nhập khẩu dược Phú Yên.
Các nội dung liên quan khác, đề nghị Công ty cổ phần xuất nhập khẩu dược Phú Yên thực hiện theo nội dung Công văn số 3419/UBND ngày 15/6/2023 của UBND Tp. Tuy Hòa (Đính kèm theo Công văn số 3419/UBND ngày 15/6/2023 của UBND Tp. Tuy Hòa).
Về dự án Mở rộng, cải tạo nhà kho, nhà xe (tại Xí nghiệp may xuất khẩu An Hưng, số 231 Đại lộ Nguyễn Tất Thành, Phường 8):
Ngày 20/4/2018, Công ty cổ phần An Hưng có lập thủ tục xin đầu tư dự án: “Mở rộng, cải tạo nhà kho, nhà xe Xí nghiệp may xuất khẩu của Công ty cổ phần An Hưng”, tại phường 8, thành phố Tuy Hòa, với tổng số tiền đầu tư dự kiến là 4 tỷ đồng. Đến ngày 19/5/2020, UBND tỉnh Phú Yên có Quyết định số 796/QĐ - UBND v/v Quyết định chủ trương đầu tư đối với dự án và Quyết định số 1095/QĐ - UBND ngày 29/6/2020 V/v cho thuê đất để thực hiện Dự án. Sở Tài nguyên và Môi trường Phú Yên đã có Thông báo số 291/TB-STNMT ngày 06/7/2020 V/v thực hiện Quyết định số 1095/QĐ-UBND ngày 29/6/2020 của UBND tỉnh Phú Yên. Đồng thời, Cục Thuế tỉnh Phú Yên có Thông báo số 2325/TB-CT ngày 08/7/2020 V/v thông báo về đơn giá thuê đất dự án và Thông báo số 2354/ TB-CT ngày 10/7/2020 V/v thông báo nộp tiền thuê đất. Đến tháng 7/2020, Công ty đã hoàn tất nộp đủ số tiền ký quỹ đầu tư và tiền thuê đất một lần cho dự án. Tuy nhiên, cho đến nay chưa được Sở Tài nguyên và Môi trường Phú Yên ký hợp đồng thuê đất, cũng như bàn giao đất trên thực địa cho Công ty Cổ phần An Hưng. Kính đề nghị UBND tỉnh, các Sở/Ban/ngành hết sức quan tâm tạo điều kiện giúp cho Công ty sớm hoàn thành các thủ tục liên quan đến đất đai như: Bàn giao đất, ký hợp đồng thuê đất và điều chỉnh tiến độ thực hiện để Công ty tiến hành hoàn thiện hồ sơ xin cấp giấy phép xây dựng, triển khai thi công hoàn thành các hạng mục công trình của dự án đã được phê duyệt, tạo điều kiện cho CB.CNV và người lao động yên tâm sản xuất tại Xí nghiệp này.
Ngày 20/4/2018, Công ty cổ phần An Hưng có lập thủ tục xin đầu tư dự án: “Mở rộng, cải tạo nhà kho, nhà xe Xí nghiệp may xuất khẩu của Công ty cổ phần An Hưng”, tại phường 8, thành phố Tuy Hòa, với tổng số tiền đầu tư dự kiến là 4 tỷ đồng. Đến ngày 19/5/2020, UBND tỉnh Phú Yên có Quyết định số 796/QĐ-UBND v/v Quyết định chủ trương đầu tư đối với dự án và Quyết định số 1095/QĐ-UBND ngày 29/6/2020 V/v cho thuê đất để thực hiện Dự án. Sở Tài nguyên và Môi trường Phú Yên đã có Thông báo số 291/TB-STNMT ngày 06/7/2020 V/v thực hiện Quyết định số 1095/QĐ-UBND ngày 29/6/2020 của UBND tỉnh Phú Yên. Đồng thời, Cục Thuế tỉnh Phú Yên có Thông báo số 2325/TB - CT ngày 08/7/2020 V/v thông báo về đơn giá thuê đất dự án và Thông báo số 2354/ TB-CT ngày 10/7/2020 V/v thông báo nộp tiền thuê đất. Đến tháng 7/2020, Công ty đã hoàn tất nộp đủ số tiền ký quỹ đầu tư và tiền thuê đất một lần cho dự án. Tuy nhiên, cho đến nay chưa được Sở Tài nguyên và Môi trường Phú Yên ký hợp đồng thuê đất, cũng như bàn giao đất trên thực địa cho Công ty Cổ phần An Hưng.
Kính đề nghị UBND tỉnh, các Sở/Ban/ngành hết sức quan tâm tạo điều kiện giúp cho Công ty sớm hoàn thành các thủ tục liên quan đến đất đai như: Bàn giao đất, ký hợp đồng thuê đất và điều chỉnh tiến độ thực hiện để Công ty tiến hành hoàn thiện hồ sơ xin cấp giấy phép xây dựng, triển khai thi công hoàn thành các hạng mục công trình của dự án đã được phê duyệt, tạo điều kiện cho CBCNV và người lao động yên tâm sản xuất tại Xí nghiệp này.
Sở Tài nguyên và Môi trường có ý kiến như sau: Liên quan đến việc thực hiện dự án: Mở rộng, cải tạo nhà kho, nhà xe Xí nghiệp may xuất khẩu của Công ty cổ phần An Hưng, hiện nay UBND tỉnh đang giao Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các Sở, ngành, đơn vị có liên quan để tham mưu UBND tỉnh xem xét, giải quyết.