Phú Thọ quy hoạch 2 trục hành lang đưa kinh tế phát triển

0:00 / 0:00
0:00
Trong Quy hoạch tỉnh Phú Thọ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, địa phương này đề ra mục tiêu trở thành tỉnh phát triển hàng đầu vùng Trung du và miền núi phía Bắc.
Ảnh minh họa: Phutho.gov.vn Ảnh minh họa: Phutho.gov.vn

Sẽ huy động hàng trăm ngàn tỷ đồng vốn đầu tư

Báo cáo Quy hoạch tỉnh Phú Thọ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Hội đồng Thẩm định quy hoạch tỉnh thông qua, với điều kiện có chỉnh sửa, bổ sung. “Đây là căn cứ, là cơ sở để tỉnh Phú Thọ xem xét, cụ thể hóa những định hướng phát triển trên địa bàn tỉnh thông qua Quy hoạch tỉnh Phú Thọ”, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương khẳng định tại hội nghị thẩm định hôm 21/2.

Phú Thọ là địa phương có nhiều thuận lợi trong giao lưu, phát triển kinh tế, như nằm ở vị trí trung tâm ở vùng Trung du và miền núi phía Bắc của Việt Nam, cửa ngõ phía Tây Bắc của Thủ đô Hà Nội; trên Hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh…

Tuy nhiên, việc phát triển của Phú Thọ thời gian qua vẫn còn một số hạn chế, như tăng trưởng kinh tế chưa tạo ra bứt phá, nền kinh tế vẫn phụ thuộc vào hỗ trợ của Trung ương; cơ cấu kinh tế chưa hợp lý; công nghiệp chưa đi vào chiều sâu về chất lượng, hiệu quả; tài nguyên và dư địa không gian phát triển còn nhiều nhưng chưa phát huy hết…

Do đó, theo Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ, ông Bùi Văn Quang, quan điểm phát triển của tỉnh trong thời kỳ 2021-2030 là đặt Phú Thọ trong quan hệ chặt chẽ với các địa phương khác để tạo ra hiệu ứng tốt cho việc phát triển kinh tế của tỉnh, đảm nhận vai trò trung tâm tiểu vùng Tây Bắc.

Theo Dự thảo Báo cáo Quy hoạch tỉnh Phú Thọ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh này đề ra mục tiêu trở thành tỉnh phát triển hàng đầu trong vùng Trung du và miền núi phía Bắc và tiến tới đứng trong nhóm 15-20 địa phương phát triển nhất trong cả nước ngay từ năm 2035 trở đi; xây dựng Việt Trì là thành phố hạt nhân và trở thành đầu tàu lôi kéo các địa phương tiểu vùng Tây Bắc...

Đồng thời, Phú Thọ lựa chọn kịch bản tăng trưởng trong giai đoạn 2021-2025 là 8,5%, giai đoạn 2026-2030 là 12,4%. Để thực hiện kịch bản này, tỉnh và đơn vị tư vấn lập quy hoạch dự kiến, số vốn đầu tư cần huy động trong giai đoạn 2021-2025 khoảng 45.000 tỷ đồng/năm, giai đoạn 2026-2030 là giai đoạn bứt tốc, với khoảng 115.000 tỷ đồng/năm.

Cần hình thành những dự án “thay đổi cuộc chơi”

Để hiện thực hóa các mục tiêu được nêu trong Quy hoạch, tỉnh Phú Thọ xác định ưu tiên phát triển: một trung tâm (Đô thị trung tâm Việt Trì); 2 trục (2 Hành lang kinh tế theo trục Bắc - Nam và trục Đông - Tây); 3 đột phá phát triển; 4 nhiệm vụ trọng tâm.

Cụ thể, Đô thị Việt Trì sẽ được mở rộng thành đô thị loại I với trọng tâm là phát huy vai trò thành phố lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam. Đồng thời, xây dựng trục hành lang Đông - Tây gắn với hành lang kinh tế dọc tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai và tuyến Quốc lộ 2D hiện hữu. Trục này bao gồm 2 trung tâm kinh tế lớn nhất tỉnh là TP. Việt Trì, Thị xã Phú Thọ cùng với hệ thống 6 khu công nghiệp (Thụy Vân, Bắc Sơn, Phù Ninh, Phú Hà, Cẩm Khê, Hạ Hòa), Khu du lịch (Đền Hùng ở TP. Việt Trì, Đền mẫu Âu Cơ, đầm Ao Châu, Ao Giời - Suối Tiên ở huyện Hạ Hòa).

Trục Bắc - Nam gắn với hành lang kinh tế dọc tuyến cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ - Hà Nội (Ba Vì), một phần tuyến Quốc lộ 2 (đoạn Thị xã Phú Thọ - Đoan Hùng) và một phần tuyến Quốc lộ 32 (đoạn từ xã Vạn Xuân đến cầu Trung Hà). Trục này bao gồm 1 trung tâm kinh tế là Thị xã Phú Thọ cùng với hệ thống 6 khu công nghiệp (Đoan Hùng, Thanh Ba, Phú Hà, Bắc Sơn, Tam Nông, Trung Hà), khu du lịch (Nước khoáng nóng ở huyện Thanh Thủy, Khu đô thị sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng và sân golf ở huyện Tam Nông), 1 trung tâm logistics cấp vùng.

Phú Thọ xác định 3 đột phá phát triển gồm cải cách hành chính và nâng cao năng lực quản trị địa phương; phát triển nguồn nhân lực chuyên môn, kỹ thuật và nguồn nhân lực chất lượng cao; tiếp tục hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng.

Cùng với đó, 4 nhiệm vụ trọng tâm là: xây dựng Phú Thọ trở thành trung tâm của tiểu vùng Tây Bắc trên 4 lĩnh vực: du lịch; y tế; giáo dục; thương mại, logistics gắn với chế biến nông, lâm sản; bảo tồn và phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa vùng đất Tổ; làm mới sản xuất, kinh doanh (trong đó có lĩnh vực trọng điểm) và làm mới tổ chức theo hướng hiện đại; thu hút có hiệu quả nguồn vốn ngoài tỉnh.

Góp ý cho bản quy hoạch, TS. Lê Đỗ Mười, Viện trưởng Viện Phát triển giao thông vận tải (Bộ Giao thông - Vận tải) khuyến nghị, Phú Thọ nên xem xét bổ sung quy hoạch cảng cạn tại Thị xã Phú Thọ để tận dụng lợi thế giao thông đường thủy, nhằm từng bước hình thành trung tâm logistics cấp vùng tại đây.

Đối với các “điểm nghẽn”, hay các vấn đề trọng tâm của Quy hoạch, ông Đinh Trọng Thắng, Vụ trưởng Vụ Quản lý quy hoạch (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, Phú Thọ nên xem xét xây dựng mô hình tăng trưởng theo hướng bền vững, dựa trên đầu tư nâng cao năng suất đổi mới sáng tạo gắn với chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế và tăng cường thu hút đầu tư, hình thành những dự án “thay đổi cuộc chơi” có vai trò dẫn dắt, thúc đẩy công nghiệp hóa, phát triển các ngành dịch vụ - du lịch trở thành ngành mũi nhọn.

Thanh Huyền
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục