Phụ nữ khởi nghiệp cần tận dụng sức mạnh cộng đồng

(ĐTCK) Nam giới khởi nghiệp thành công cần nỗ lực 5 phần, thì phụ nữ cần gấp đôi con số đó. Bởi vậy, để có đội ngũ nữ doanh nhân ngày càng phát triển, có rất nhiều thách thức phải giải quyết, trong đó rất cần bàn tay của các nhà tạo lập chính sách.
Phụ nữ khởi nghiệp cần tận dụng sức mạnh cộng đồng

“Tôi từng chứng kiến không ít nước mắt buồn tủi của một bạn nữ doanh nhân. Từ bỏ công việc khá an nhàn, có thu nhập ổn định tại một cơ quan nhà nước, đam mê kinh doanh cháy bỏng đã dẫn lối cho bạn quyết tâm khởi nghiệp. Có chồng và gia đình chồng đều làm kinh doanh, nhưng bạn rất cô đơn trong hành trình của mình, vì không một ai trong số họ ủng hộ.

Thất bại lần đầu, bạn phải đi làm trở lại cho một tổ chức nước ngoài để trang trải nợ nần. Tới một ngày, ngọn lửa đam mê kinh doanh lại bùng lên và bạn quyết định sẽ khởi nghiệp thêm một lần nữa. Lần này, bạn bước chậm rãi, học hỏi nhiều hơn và cũng rất mừng, công ty đang hoạt động tạm ổn.

Trông bạn giờ đây luôn rạng rỡ, không phải vì có nhiều tiền hơn mà vì được sống và làm việc với những gì mình thích, được thỏa chí sáng tạo để từng bước khám phá những năng lực còn ẩn sâu trong bản thân”.

Chị Ngô Hồng Điệp - Phó Giám đốc quốc gia MBI/Quản lý chương trình Sáng kiến Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp và kinh doanh chia sẻ câu chuyện với chúng tôi vào một buổi sáng nọ. Câu chuyện trên có rất nhiều điểm tương đồng với các cá nhân chúng tôi thường gặp đâu đó trong hành trình công tác của mình. Thực tế, dù bận bịu với nhiều thiên chức, ẩn sâu trong không ít chị em là khát khao được cống hiến, được làm những gì mình ao ước.

Gần đây, một công bố của tổ chức nghiên cứu thị trường Development Economics và YouGov thực hiện tại Việt Nam đã cho thấy, có tới 4 trong số 5 phụ nữ ở Việt Nam muốn thành lập doanh nghiệp cho riêng mình. Không chỉ tạo ra sự thay đổi trong cuộc sống của mỗi chị em, ý nghĩa của phong trào phụ nữ khởi nghiệp còn lớn hơn rất nhiều.

Chỉ cần một nửa trong số họ tìm được cơ hội để bắt đầu kinh doanh từ hôm nay, hiệu quả sẽ không chỉ dừng lại ở việc góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, mà còn tạo ra 1,1 triệu doanh nghiệp mới và 3,9 triệu việc làm tính đến cuối năm 2021.

Dẫu vậy, trong câu chuyện mà chị Hồng Điệp kể trên, có vô số thách thức mà người phụ nữ phải vượt qua trên con đường khởi nghiệp, thậm chí là cả sự đánh đổi hạnh phúc cá nhân. Phụ nữ Việt Nam đang phải đối mặt với rất nhiều rào cản trong việc thành lập và phát triển doanh nghiệp của mình.

Hai yếu tố chính cản trở phụ nữ khởi nghiệp là sự lo lắng về an toàn tài chính cá nhân (35%) và thiếu định hướng (35%). Bên cạnh đó là hạn chế trong việc tiếp cận tài chính và chưa cảm thấy sẵn sàng để khởi nghiệp.

Trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 đang gõ cửa từng nhà, có một chuyển biến rất đáng hoan nghênh trong cộng đồng doanh nhân nữ Việt Nam. Đó là các chị đã khá linh hoạt tận dụng cơ hội từ công nghệ mang lại.

Các doanh nghiệp nhỏ trên Facebook đã thể hiện một câu chuyện thú vị khi mà số trang trên Facebook do phụ nữ sở hữu chiếm 40% và có tốc độ tăng trưởng lên tới trên 60% một năm. Tại Việt Nam, số lượng trang do nữ doanh nghiệp sở hữu tăng 2,6 lần trong năm 2016.

Để doanh nhân nữ bớt đơn độc trên hành trình của mình, để khuyến khích nữ doanh nhân tiến lên, chúng ta có thể làm gì? Trước tiên, cần trang bị cho họ những cách thức, phương thức quản lý doanh nghiệp hiện đại, hỗ trợ về tài chính và tư vấn thu hút khách hàng. Hiện nay, đang có những mạng lưới, cộng đồng hỗ trợ và tư vấn lẫn nhau giữa các nữ doanh nhân rất hiệu quả. Những buổi hội thảo về kỹ năng kinh doanh thu hút rất đông chị em tham dự.

Bên cạnh đó, cần khuyến khích và tạo điều kiện để phụ nữ chủ động gọi vốn từ cộng đồng. Thực tế ở các quốc gia có quy mô gọi vốn từ cộng đồng cho thấy, phụ nữ có khả năng thành công rất lớn. Đơn cử, theo một khảo sát của PwC, tại Hoa Kỳ và Vương quốc Anh, 20% các chiến dịch do nam giới thực hiện đạt được các mục tiêu đề ra trong khi con số này ở phụ nữ lần lượt là 24% và 26%.

Kể cả tại các quốc gia mà mô hình gọi vốn cộng đồng chưa phát triển, các chiến dịch của phụ nữ vẫn thành công hơn trong việc đạt được mục tiêu huy động vốn so với các chiến dịch của nam giới. Ví dụ, tỷ lệ thành công của các chiến dịch do phụ nữ và nam giới thực hiện tại châu Phi lần lượt là 11% và 3%. Ở các quốc gia E7 (Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil, Mexico, Nga, Indonesia, và Thổ Nhĩ Kỳ) là 10% và 4%.

Sau đó, khi doanh nghiệp đã đạt đến một quy mô nhất định, các nữ doanh nhân hãy dũng cảm tận dụng các kênh dẫn vốn đại chúng, cụ thể hơn là thị trường chứng khoán. “Mèo nhỏ bắt chuột nhỏ”, doanh nghiệp nhỏ có thể gọi được vốn quy mô nhỏ. Có không ít câu chuyện thành công trên thị trường đã cho thấy, không gì là không thể.

Hoài Linh Hội nữ doanh nhân Hà Nội

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục