Phòng ngừa những cú “sốc” tiền tệ

(ĐTCK-online) Trước dòng vốn ngoại đổ vào VN tăng đột biến, phong trào đua nhau lập ngân hàng trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng khốc liệt, sự liên thông giữa TTCK và thị trường tiền tệ chưa hoàn toàn thông suốt… ông Nguyễn Văn Giàu, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có cuộc trao đổi với ĐTCK xung quanh những vấn đề này.
Ông Nguyễn Văn Giàu. Ông Nguyễn Văn Giàu.

Tăng trưởng kinh tế cao, lạm phát chưa được kiểm soát hữu hiệu đang đặt ra những câu hỏi trong điều hành chính sách tiền tệ. Vậy đâu là trọng tâm sẽ được NHNN tập trung giải quyết trong thời gian tới?

Trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế, nền kinh tế nước ta có nhiều cơ hội để phát triển thị trường tài chính - tiền tệ, từng bước hội nhập với khu vực và thế giới, nhưng cũng phát sinh nhiều thách thức do những tác động từ thay đổi của kinh tế - tiền tệ thế giới. Trong bối cảnh đó, NHNN tập trung thực hiện một cách đồng bộ các giải pháp, cụ thể là đẩy mạnh việc hoàn thiện thể chế trong lĩnh vực ngân hàng, nâng cao năng lực thu thập và xử lý thông tin kinh tế - tiền tệ trong nước và thế giới, trong đó nắm chắc tình hình luồng vốn đầu tư từ nước ngoài vào VN; hiện đại hóa hệ thống thanh toán, đẩy nhanh quá trình cơ cấu lại và hiện đại hóa hệ thống ngân hàng thương mại; xây dựng các phương án phòng ngừa rủi ro thị trường vốn và thị trường tiền tệ, đồng thời giám sát chặt chẽ diễn biến của thị trường để xử lý kịp thời những rủi ro phát sinh.

 

Diễn biến đáng chú ý trên thị trường tài chính hiện nay là dòng vốn ngoại đổ vào VN tăng kỷ lục. NHNN sẽ có những giải pháp nào để quản lý tốt dòng vốn này?

Nền kinh tế tăng trưởng ở mức độ cao, TTCK phát triển đã thu hút một lượng vốn khá lớn từ đầu tư nước ngoài, nhất là vốn đầu tư gián tiếp. Dòng vốn từ nước ngoài đổ vào VN tác động đến cung cầu vốn và ngoại tệ thị trường trong nước, làm tăng thêm tình trạng đô la hóa trong nền kinh tế, tạo nên những thách thức trong điều hành chính sách tiền tệ của NHNN. Trong bối cảnh này, NHNN đang tập trung vào một số giải pháp. Thứ nhất, tổ chức hệ thống thông tin, thống kê luồng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài vào VN cả đầu vào và đầu ra, đánh giá tác động của dòng vốn đó đối với cung cầu vốn và ngoại tệ ở thị trường trong nước. Thứ hai, điều hành linh hoạt nghiệp vụ thị trường mở và các công cụ chính sách tiền tệ khác để can thiệp mua ngoại tệ và thu hút tiền từ lưu thông về, không để tăng giá hoặc mất giá quá mức đồng Việt Nam; tăng dự trữ ngoại hối nhà nước; ổn định lãi suất; kiểm soát sự gia tăng tổng phương tiện thanh toán. Thứ ba, hoàn thiện cơ chế quản lý ngoại hối nhằm giám sát và quản lý chặt chẽ các giao dịch vãng lai, giao dịch vốn trên thị trường. Đồng thời, đảm bảo dự trữ ngoại hối nhà nước đủ khả năng can thiệp thị trường, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô và thị trường tiền tệ.

 

Chứng khoán và tiền tệ là hai thị trường liên thông, NHNN sẽ phối hợp ra sao để TTCK không có những cú "sốc" đột ngột khi NHNN ban hành một chính sách mới có liên quan?

TTCK đang từng bước trở thành một kênh huy động vốn hiệu quả trong nền kinh tế, tuy nhiên sự phát triển của TTCK thường tiềm ẩn những yếu tố rủi ro và có thể ảnh hưởng đến sự ổn định của hệ thống tài chính và sự phát triển bền vững của nền kinh tế. Hiện NHNN đang phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính trong việc theo dõi và nắm bắt kịp thời diễn biến của TTCK và thị trường tiền tệ để đánh giá xu hướng phát triển, những rủi ro có thể phát sinh và chủ động thực hiện các giải pháp cần thiết; điều hành linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ và kiểm soát tín dụng đầu tư vào TTCK; xây dựng phương án phòng ngừa và xử lý rủi ro phát sinh từ TTCK và thị trường tiền tệ.

 

Liên quan đến việc kiểm soát tín dụng đầu tư vào TTCK, nếu cuối năm tỷ lệ cho vay kinh doanh chứng khoán của các NHTM không về mức 3% tổng dư nợ, NHNN sẽ xử lý ra sao?

Trong thời gian qua, các tổ chức tín dụng đã chấp hành khá nghiêm túc Chỉ thị 03/2007/CT-NHNN. NHNN cũng tăng cường thanh tra, giám sát việc thực hiện Chỉ thị 03 của các tổ chức tín dụng, trong đó tập trung vào các NHTM có tỷ lệ dư nợ cho vay đầu tư kinh doanh chứng khoán ở mức độ cao. Kết quả cho thấy, từ 27 tổ chức tín dụng cho vay vượt hạn mức quy định hiện chỉ còn 17 tổ chức. Tuy nhiên, do thời gian trước tháng 7/2007 một số NHTM cổ phần đã mở rộng cho vay để đầu tư kinh doanh chứng khoán nên việc thu hồi nợ đang gặp những trở ngại nhất định. Nếu đến cuối năm mà các NHTM không thực hiện đúng tỷ lệ 3% thì NHNN sẽ căn cứ vào kết quả thanh tra, giám sát để có biện pháp xử lý thích hợp đối với từng ngân hàng.

 

Như vậy, có thể hiểu là sẽ không có quyết định xử phạt chung cho những ngân hàng vi phạm để tránh tác động mạnh đối với thị trường?

Việc xử lý vi phạm còn căn cứ vào các quy định của pháp luật hiện hành. Quan điểm của chúng tôi là tránh gây những tác động không thuận lợi đối với thị trường tiền tệ.

 

Tiến độ CPH các NHTM quốc doanh đang được các nhà đầu tư chứng khoán chú ý. Thống đốc nghĩ sao về việc nên đẩy nhanh tiến độ để thị trường tài chính VN sôi động hơn, đồng thời có thể hấp thu được lượng vốn ngoại đang rất dồi dào?

Chính phủ đang tập trung chỉ đạo việc CPH các NHTM nhà nước theo đúng tiến độ như trong kế hoạch đã được phê duyệt. Trước hết, Ngân hàng Ngoại thương sẽ bán cổ phiếu cho cổ đông chiến lược trong tháng 10 và phát hành cổ phiếu rộng rãi ra công chúng vào tháng 11/2007. Các NHTM nhà nước khác sẽ phát hành cổ phiếu trong các tháng cuối năm 2007 hoặc đầu năm 2008. Riêng Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tiến hành CPH chậm hơn.

 

Dư luận cũng rất quan tâm tới việc các tập đoàn, tổng công ty góp vốn thành lập ngân hàng. Thống đốc có khuyến cáo hay nhận xét gì về thực tế này?

Pháp luật không cấm các pháp nhân tham gia góp vốn thành lập ngân hàng. Tuy nhiên, tôi cho rằng, các tập đoàn và tổng công ty cần biết hoạt động ngân hàng là một hoạt động đặc thù, có tính chuyên sâu cao. Sự tham gia thành lập một ngân hàng để hoạt động bền vững, kinh doanh có lãi mất rất nhiều công sức và thời gian, nhất là trong bối cảnh VN đã có nhiều ngân hàng trong và ngoài nước với mức độ cạnh tranh ngày càng gay gắt. Các tập đoàn, tổng công ty cần căn cứ vào khả năng tài chính cũng như kinh nghiệm để cân nhắc việc tham gia thành lập ngân hàng hay dành nguồn lực đó (cả tài chính, nhân lực) để đầu tư phát triển những thế mạnh của mình.

 

Vốn của các tập đoàn, tổng công ty là vốn nhà nước. Để hạn chế những rủi ro có thể xảy ra, việc xem xét hồ sơ xin thành lập ngân hàng sẽ được tiến hành thế nào?

NHNN không khuyến khích các tập đoàn hay tổng công ty thành lập ngân hàng hay tham gia ở mức độ kiểm soát đối với ngân hàng dự kiến thành lập. Tại Quyết định số 24/2007/QĐ-NHNN ban hành ngày 7/6/2007, NHNN quy định một pháp nhân và người có liên quan không chiếm quá 20% cổ phần của một ngân hàng. NHNN chỉ chấp nhận cho các tổng công ty, tập đoàn thực sự lành mạnh về tài chính mới được tham gia làm cổ đông sáng lập của ngân hàng.

Phong Lan thực hiện.
Phong Lan thực hiện.

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,273.11 4.33 0.34% 230,739 tỷ
HNX 241.54 1.53 0.63% 2,110 tỷ
UPCOM 93.07 0.37 0.4% 1,197 tỷ