Phòng, chống quyết liệt, vì sao tội phạm tham nhũng vẫn tăng?

0:00 / 0:00
0:00
Mặc dù Chính phủ đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực “có bước tiến mới”, song tội phạm tham nhũng tăng mạnh, đặc biệt, số vụ nhận hối lộ phát hiện tăng 312,5% khiến thành viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đầy lo ngại.
Phiên họp toàn thể của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Phiên họp toàn thể của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội

Tham nhũng ngày càng tinh vi, diễn biến phức tạp

Ủy ban Tư pháp của Quốc hội vừa họp phiên toàn thể thẩm tra báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2023.

Theo đánh giá của Chính phủ, trong năm 2023, những kết quả đạt được trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là rất quan trọng.

Một số kết quả nổi bật được nêu như, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở địa phương, cơ sở chuyển biến tích cực; số vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực được phát hiện, xử lý tăng cao so với năm 2022 (tăng 231 vụ án).

Điều tra, truy tố, xét xử vắng mặt những đối tượng bỏ trốn, mở đường để xử lý nhiều đối tượng bỏ trốn ở một số vụ án khác, là cơ sở để dẫn độ tội phạm đã được tòa án kết tội, là hồi chuông cảnh tỉnh, răn đe, cơ sở để nghiên cứu, ban hành án lệ, áp dụng thống nhất trên cả nước, cũng được ghi nhận là kết quả nổi bật.

Tuy nhiên, Chính phủ đánh giá, tham nhũng ngày càng tinh vi, diễn biến phức tạp, phát sinh nhiều vụ việc có tổ chức, mang tính lợi ích nhóm, tài sản tham nhũng có giá trị lớn, có yếu tố nước ngoài. Tham nhũng không chỉ xảy ra trong khu vực nhà nước, mà xảy ra ở cả khu vực ngoài nhà nước, cản trở sự cạnh tranh lành mạnh, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, kinh doanh.

Báo cáo ý kiến của Nhóm nghiên cứu (thuộc Ủy ban Tư pháp), Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường nêu rõ, tình trạng tham nhũng, tiêu cực trên một số lĩnh vực vẫn còn nghiêm trọng, diễn biến phức tạp, nổi lên là các sai phạm lớn trong lĩnh vực đăng kiểm, đất đai, đấu thầu, trái phiếu, y tế, giáo dục, rửa tiền, gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Một số vụ án điển hình được “điểm danh” tại báo cáo của Nhóm nghiên cứu như vụ án “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “rửa tiền” xảy ra tại Công ty cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và các tổ chức, đơn vị có liên quan; vụ án “vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng” xảy ra tại Ngân hàng SCB và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát; vụ án “vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam…

Nhóm nghiên cứu cho rằng, tình trạng thông đồng, móc ngoặc, cấu kết, tiếp tay của cán bộ nhà nước đối với doanh nghiệp để tham nhũng, trục lợi, chiếm đoạt tài sản của Nhà nước còn diễn ra nhiều ở một số lĩnh vực như quản lý tài sản công, đấu thầu, đấu giá, tài chính, ngân hàng, chứng khoán, trái phiếu…

Tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực trong khu vực hành chính, dịch vụ công chậm được khắc phục. Tham nhũng tiếp tục xảy ra ngay trong cơ quan bảo vệ pháp luật, cơ quan có nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng. Cơ quan điều tra Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao đã thụ lý, khởi tố 45 vụ/82 bị can về tội tham nhũng xảy ra trong hoạt động tư pháp.

“Điều này đòi hỏi phải tiếp tục kiên trì, không dừng, không nghỉ, tăng cường công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng”, ông Cường nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, ông Cường cũng không quên nhắc lại một số yêu cầu của Quốc hội liên quan đến công tác phòng, chống tham nhũng còn chưa được Chính phủ hoàn thành. Đó là, sớm ban hành bộ tiêu chí đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đối với bộ, ngành trung ương; khẩn trương xây dựng Chiến lược quốc gia về phòng chống tham nhũng đến năm 2030 và Kế hoạch thực hiện Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng; xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập; khẩn trương nghiên cứu, xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực…

Hồi âm, Phó tổng thanh tra Chính phủ Bùi Ngọc Lam cho biết, về ban hành bộ tiêu chí đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đối với bộ, ngành trung ương, đã thực hiện thí điểm tại 3 bộ: Công thương, Tài chính, Giáo dục và Đào tạo. Đến nay, cơ bản đã hoàn thành thí điểm, đang tổng hợp để đề xuất ban hành bộ tiêu chí chung.

Phó tổng Thanh tra Chính phủ cũng cho biết, Đề án Xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập đang triển khai thực hiện, đã bố trí vốn, hết năm nay là hoàn thành.

“Khi niềm tin đã sụp đổ, thì vạn lời nói đều vô nghĩa”

Cũng theo báo cáo của Chính phủ về phòng, chống tội phạm, trong kỳ báo cáo (từ ngày 1/10/2022 đến 31/7/2023), tội phạm tham nhũng, chức vụ phát hiện tăng 71,46% số vụ, tăng 116,17% số đối tượng, đặc biệt, số vụ nhận hối lộ phát hiện tăng 312,5%.

Đại biểu Dương Khắc Mai (Đắk Nông), Ủy viên Ủy ban Tư pháp nhìn nhận, năm 2023, Chính phủ có nhiều giải pháp, nỗ lực, cố gắng trong công tác phòng, chống tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật, nhưng tổng thể chung, tội phạm tăng về số vụ, số người chết, thiệt hại về tài sản rất lớn.

“Tội phạm tham nhũng tiếp tục tăng. Đây là vấn đề rất nhức nhối. Vấn đề đặt ra là, tại sao những năm qua, Đảng, Nhà nước kiên quyết với tội phạm tham nhũng, đưa ra nhiều quyết sách và xử lý rất mạnh mẽ, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, nhưng tội phạm tham nhũng vẫn tăng”, ông Mai băn khoăn.

Vị đại biểu Đắk Nông nhấn mạnh, vấn đề đặt ra là, chúng ta làm mạnh, nhưng tội phạm tham nhũng không sợ, nhờn pháp luật; hay các chế tài, hình phạt chưa đủ mạnh? Nếu như thế, phải nghiên cứu sửa luật liên quan các hình phạt với tội phạm này. “Ở Singapore, có những loại tội, trước họ dùng hình phạt nhẹ, nay tăng mạnh hơn để đủ sức răn đe. Chúng ta quyết liệt rồi, nhưng tội phạm vẫn tăng, thì chúng ta phải xem lại thể chế”, ông Mai nói.

Cùng băn khoăn, đại biểu Vũ Trọng Kim (Nam Định), Ủy viên Ủy ban Tư pháp nhận xét, thực tế, Chính phủ làm rất nhiều, rất quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm. Các cơ quan bảo vệ pháp luật cũng cố gắng rất nhiều, có những việc nỗ lực vượt bậc. Nhưng tại sao vi phạm pháp luật và tội phạm không ngừng tăng, ông Kim băn khoăn và dẫn lại các con số tại báo cáo của Chính phủ cho thấy, tội giết người tăng hơn 20%, cướp tài sản tăng hơn 50%, cướp giật tăng hơn 23%, lừa đảo chiếm đoạt tài sản tăng hơn 57%, cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự tăng hơn 92%...

Nhấn mạnh những con số trên đã gây bất an trong dư luận, ông Kim cho rằng, phải tìm nguyên nhân vì sao.

“Tất nhiên, nguyên nhân có chủ quan và khách quan, nhưng phần chủ quan là chính. Trước hết, cần phải xem lại toàn bộ các chính sách kinh tế, xã hội và những biện pháp khác trong công tác bảo vệ pháp luật”, ông Kim phát biểu.

Đề cập nguyên nhân, ông Kim nói, một phần có thể là sau Covid-19, phục hồi kinh tế không nhanh được, đã gây ra khó khăn cho một bộ phận dân cư. Nhưng, ở nguyên nhân từ công tác cán bộ, vị đại biểu Nam Định nhận xét, “qua xử lý vụ án Việt Á và chuyến bay giải cứu, thấy kinh khủng quá”.

“Người càng giàu lại muốn giàu thêm. Càng nhiều tiền, thì càng không sợ cái gì hết. Quà cảm ơn gì mà nhiều thế, gợi ý đến 2 - 3 lần để lấy về hàng triệu đô la Mỹ. Như thế có phải mục đích của những người này là vào Trung ương, làm bộ trưởng, vào cơ quan nhà nước để ăn hối lộ hay không?”, ông Kim đặt câu hỏi.

Vị đại biểu này nói thêm: “Bài học cho nhà lãnh đạo, quản lý là khi niềm tin đã sụp đổ, thì vạn lời nói đều vô nghĩa. Chúng ta phải thấm thía điều đó để quản trị đất nước, nếu không thì gay”.

Nhấn mạnh tình hình “báo động đỏ” là cán bộ tham nhũng bị đưa ra xét xử nhiều, ông Kim cho rằng, số vụ nhận hối lộ phát hiện tăng tới 312,5% là con số quá nhức nhối.

“Có phải đây là vùng cấm trước đây không sờ vào, những đối tượng ngoại lệ không dám đụng, bây giờ dám đụng nên lôi ra nhiều thế này? Có phải, ngoài Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, còn Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh nữa, nên lôi ra được nhiều hơn không? Trước ẩn nấp kỹ quá, bây giờ vào tận hang ổ thì chúng ta thấy nhiều quá”, ông Kim nói.

Đại biểu Kim cũng dẫn lại nhận xét của nhóm nghiên cứu mà ông “cảm thấy rất đau. Đó là “họ đã lợi dụng triệt để lỗ hổng pháp luật để tham nhũng”. Họ là ai, là bộ máy, tổ chức quản lý, vị đại biểu Nam Định nhìn nhận.

Hồi âm lo ngại về số liệu tội phạm tăng, Thứ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Tỏ cho rằng, “không đến nỗi bức xúc quá”, vì tội phạm ẩn (kinh tế, buôn lậu, ma túy) tăng là dấu hiệu tốt, do phát hiện được nhiều.

Riêng với số vụ nhận hối lộ phát hiện tăng 312,5%, ông Nguyễn Huy Tiến, Phó viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao lý giải, do 2 - 3 năm nay đi sâu tìm bản chất hành vi án kinh tế là đưa và nhận hối lộ, qua đó đã khởi tố một loạt vụ án đưa và nhận hối lộ rất lớn.

Đề nghị truy tố 377 vụ án/997 bị can tham nhũng

Theo báo cáo của Chính phủ, năm 2023, các cơ quan điều tra trong Công an Nhân dân đã thụ lý điều tra 967 vụ án/2.552 bị can phạm tội về tham nhũng. Tổng số tài sản thiệt hại trong các vụ án đang thụ lý, điều tra trên 1.738 tỷ đồng và 70.950,9 m2 đất; thu hồi trên 1.237 tỷ đồng và 28.822,6 m2 đất. Đã kết luận điều tra đề nghị truy tố 377 vụ án/997 bị can.

Nguyễn Lê
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục