Phòng chỉ có 11 người, ngành thuế "kêu khó" chống chuyển giá của tập đoàn đa quốc gia

(ĐTCK) Ông Phạm Ngọc Lai, Quyền Vụ trưởng Vụ Thanh tra, Tổng cục Thuế cho biết, cơ quan thuế đang gặp khó trong đấu tranh với hành vi chuyển giá do thẩm quyền hạn chế, trong khi các hành vi vi phạm ngày một diễn biến tinh vi, phức tạp.
Phòng chỉ có 11 người, ngành thuế "kêu khó" chống chuyển giá của tập đoàn đa quốc gia

Tại cuộc họp báo chuyên đề công khai kết quả thanh tra 9 tháng đầu năm 2017 của ngành Tài chính, được Bộ Tài chính tổ chức chiều nay (13/10), ông Phạm Ngọc Lai, Quyền Vụ trưởng Vụ Thanh tra, Tổng cục Thuế cho biết, hiện cả nước có 65 đầu mối có chức năng thanh tra, kiểm tra chống chuyển giá.

Liên quan đến hoạt động chống chuyển giá, 9 tháng đầu năm nay, cơ quan thuế đã thanh tra, kiểm tra 217 doanh nghiệp, trong đó đã truy thu và phạt 575 tỷ đồng, đồng thời qua thanh tra đã giảm lỗ 2.365 tỷ đồng, giảm khấu trừ 15,5 tỷ đồng...

Về đề nghị của báo giới công khai các doanh nghiệp bị xử phạt do có hành vi chuyển giá, ông Lai cho hay, tên các doanh nghiệp này nằm tại Cục thuế các tỉnh, thành phố. Hơn nữa, do công tác chống chuyển giá sử dụng dữ liệu bí mật quốc gia, nên chưa thể công khai danh tính các doanh nghiệp vi phạm cho báo chí.

Phòng chỉ có 11 người, ngành thuế "kêu khó" chống chuyển giá của tập đoàn đa quốc gia ảnh 1

Ông Phạm Ngọc Lai, Quyền Vụ trưởng Vụ Thanh tra, Tổng cục Thuế

Liên quan đến các hành vi vi phạm về chuyển giá, ông Lai cho biết, chủ yếu là giá mua hàng hóa không phù hợp với giá thị trường.

Chẳng hạn một công ty đa quốc gia nhập khẩu vào Việt Nam 1 kg bột mì để chế biến bánh kẹo có giá cao hơn giá thị trường khi so sánh với giá các đơn vị trong nước nhập khẩu. Hay như giá một chai nước có giá thị trường là 5.000 đồng, nhưng công ty đa quốc gia chỉ bán với giá 4.000 đồng để giảm mức thuế phải đóng…

Liên quan đến những khó khăn của cơ quan thuế trong hoạt động đấu tranh với các hành vi chuyển giá, ông Lai cho biết, một trong những cái khó nhất hiện nay là thời gian cho hoàn tất một cuộc thanh tra thông thường chỉ là 45 ngày, tối đa được kéo dài đến 70 ngày, nhưng thông lệ quốc tế thì kéo dài tới 575 ngày.

Thời gian gấp, trong khi thẩm quyền cũng như nhân lực hạn chế đang ảnh hưởng không tích cực đến hiệu quả của hoạt động đấu tranh với các hành vi chuyển giá. Tại Tổng cục Thuế, lực lượng của Phòng thanh tra chống chuyển giá chỉ có 11 người.

Ngoài nhân sự mỏng, thẩm quyền hạn chế cũng khiến cơ quan thuế gặp khó trong đấu tranh với các vi phạm về chuyển giá.

Cần trao thẩm quyền điều tra cho cơ quan thuế trong quá trình sửa Luật Quản lý thuế hoặc các luật khác.

 -    Ông Phạm Ngọc Lai, Quyền Vụ trưởng Vụ Thanh tra, Tổng cục Thuế

“Hầu hết cơ quan thuế các nước đều có chức năng điều tra, nhưng đến nay cơ quan thuế Việt Nam chưa được trao thẩm quyền này, nên gặp nhiều khó khăn trong thu thập dữ liệu, nhất là dữ liệu hoạt động phức tạp của các công ty đa quốc gia hoạt động tại cả trăm nước. Điều này khiến cho quá trình xác minh và xử lý vi phạm gặp khó khăn…”, ông Lai cho hay.

Trong bối cảnh kinh tế thương mại toàn cầu được thúc đẩy, Việt Nam mở cửa hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng hơn, theo dự báo của cơ quan thuế, nhiều khả năng các hành vi chuyển giá có nguy cơ diễn biến phức tạp và tinh vi hơn.

Do đó, để nâng cao hiệu quả đấu tranh với các hành vi chuyển giá, nhằm giảm thiểu thất thu ngân sách nhà nước, trong trước mắt, ngoài tăng cường các hoạt động thanh, kiểm tra và kịp thời xử lý vi phạm để đảm bảo tính răn đe, về lâu dài, ông Lai cho rằng cần trao thẩm quyền điều tra cho cơ quan thuế trong quá trình sửa Luật Quản lý thuế hoặc các luật khác.

Hữu Hòe

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục