Các nhà đầu tư đang chuẩn bị tinh thần đón cuộc họp 2 ngày của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) bắt đầu thứ Ba. Tâm điểm của cuộc họp vẫn là thảo luận về việc có tăng lãi suất lần đầu tuần trong gần 1 thập kỷ hay không.
Ngoài ra, trong tuần này 150 doanh nghiệp trong S&P 500 sẽ công bố kết quả kinh doanh, trong đó có nhiều doanh nghiệp lớn, có mức tác động mạnh tới các chỉ số. Với việc đồng USD mạnh, cùng giá dầu giảm khiến giới đầu tư lo lắng về mùa thu nhập không khả quan của các doanh nghiệp. Theo dự báo của giới phân tích, lợi nhuận của các công ty trong S&P 500 quý này sẽ giảm 0,8% so với cùng kỳ, mức giảm lần đầu tiên kể từ năm 2009, nhưng vẫn tích cực hơn so với mức dự báo giảm 2,4% hồi đầu năm.
Chính những lo ngại trên, nên nhà đầu tư đã nhanh tay bán ra vào cuối phiên, kéo các chỉ số chính của thị trường đảo chiều và dao động dưới tham chiếu trong suốt phiên chiều.
Kết thúc phiên 27/4, chỉ số Dow Jones giảm 42,17 điểm (-0,23%), xuôngs 18.037,97 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 8,77 điểm (-0,41%), xuống 2.108,92 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 31,84 điểm (-0,63%), xuống 5.060,25 điểm.
Tuy cũng ít nhiều chịu thông tin như thị trường Mỹ, nhưng chứng khoán châu Âu lại có diễn biến ngược lại. Các chỉ số chính của khu vực giảm trong nửa phiên đầu, sau đó quay đầu tăng mạnh. Chứng khoán châu Âu tăng mạnh trong phiên đầu tuần khi giới đầu tư kỳ vọng Hy Lạp sẽ nhận được gói cứu trợ để giúp quốc gia này giải quyết cuộc khủng hoảng nợ của mình và ở lại mái nhà chung của khu vực đồng euro.
Kết thúc phiên 27/4, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 50,31 điểm (+0,71%), lên 7.103,98 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 228,31 điểm (+1,93%), lên 12.039,16 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 67,46 điểm (+1,30%), lên 5.268,91 điểm.
Trên thị trường chứng khoán châu Á, chứng khoán Nhật Bản giảm nhẹ trong phiên đầu tuần khi giới đầu tư thận trọng với mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý I, cũng như các sự kiện quan trọng sắp diễn ra, bao gồm cuộc họp của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản và Fed. Sau khi thị trường đóng cửa, một thông tin không mấy tích cực đã được đưa ra. Theo đó, Fitch Ratings đánh tụt nợ của Nhật Bản xuống A từ A + với lý do thiếu cải cách của Chính phủ vào ngân sách, tăng trưởng yếu và nợ cao. Chính phủ Nhật Bản đã tăng chi tiêu để kích thích tăng trưởng, nhưng các nhà phân tích nói rằng, kế hoạch này đã không được theo dõi đầy đủ và cũng không có động thái để kiểm soát nợ chính phủ.
Trong khi đó, trên thị trường chứng khoán Hồng Kông và Trung Quốc đại lục, các chỉ số chứng khoán lại có phiên tăng mạnh với sự hỗ trợ của các đại gia quốc doanh của Trung Quốc. Thông tin về việc Chính phủ Trung Quốc đang lên kế hoạch sáp nhập, hợp nhất các doanh nghiệp nhà nước để giảm số lượng về con số 40 đã tạo ra chất xúc tác lớn cho các cổ phiếu trên 2 sàn này tăng mạnh. Chứng khoán Hồng Kông leo lên mức cao nhất 7 năm mới, trong khi chỉ số chứng khoán Thương Hải cũng tăng tới hơn 3%. Ngoài ra, thị trường Hồng Kông còn được hỗ trợ bởi cổ phiếu của HSBC khi ngân hàng lớn nhất châu Âu này đang xem xét chuyển trụ sở ra khỏi nước Anh và nhiều khả năng sẽ trở về mái nhà xưa là Hồng Kông.
Kết thúc phiên 27/4, chỉ số Nikkei 225 giảm 36,72 điểm (-0,18%), xuống 19.983,32 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 372,61 điểm (+1,33%), lên 28.433,59 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Trung Quốc tăng 133,71 điểm (+3,04%), lên 4.527,40 điểm.
Sức mạnh ngắn hạn trên thị trường kỳ hạn, cùng lực mua bắt đáy giúp vàng tăng mạnh trở lại. Giá vàng xuống mức thấp nhất 5 tuần trong cuối tuần trước đã kích thích các nhà đầu tư nhảy vào bắt đáy trong phiên thứ Hai, đẩy giá kim loại quý này tăng vọt qua ngưỡng cản 1.200 ÚSD/ounce. Lo ngại về cuộc đàm phán nợ giữ Hy Lạp và các chủ nợ, cũng kiến giới đầu tư tìm đến các kênh đầu tư an toàn như vàng. Bên cạnh đó, các yếu tố bên ngoài cũng hỗ trợ giá vàng tăng, đặc biệt là đồng USD hạ nhiệt,
Kết thúc phiên 27/4, giá vàng giao ngay tăng 21,3 USD (+1,8%), lên 1.201,7 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 6 tăng 28,2 USD/ounce (+2,4%), lên 1.203,2 USD/ounce.
Giá dầu giảm nhẹ trong phiên đầu tuần, khi nguồn cung vẫn dưa thừa, bù đắp những thông tin hỗ trợ giúp giá dầu tăng mạnh tuần trước như cuộc xung đột tại Yemen, hay số lượng giàn khoan sụt giảm tại Mỹ. Tuy nhiên, theo giới phân tích, giá nhiên liệu này vẫn đang trong xu hướng tăng ngắn hạn.
Kết thúc phiên 27/4, giá dầu thô Mỹ giảm 0,16 USD/thùng (-0,28%), xuống 56,99 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,45 USD (-0,69%), xuống 64,83 USD/thùng.