Goldman Sachs và Morgan Stanley dự kiến Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) sẽ cắt giảm lãi suất chính sách 40 điểm cơ bản vào năm 2025. Đây sẽ là mức cắt giảm lớn nhất trong một năm dương lịch kể từ năm 2015, đưa lãi suất tái cấp vốn đảo ngược bảy ngày xuống còn 1,1%.
Mặc dù quy mô hạ lãi suất còn kém xa so với mức bình thường của các ngân hàng trung ương ở hầu hết các nền kinh tế lớn khác, thì PBOC có lý do để thận trọng. Lãi suất thấp hơn sẽ nén biên lãi ròng vốn đã thấp kỷ lục của các ngân hàng, khiến họ có ít bộ đệm hơn cho các khoản lỗ trong bối cảnh bất động sản tiếp tục suy thoái. Trong mọi trường hợp, ít nhà phân tích nào cho rằng chỉ riêng chính sách tiền tệ có đủ sức thúc đẩy nền kinh tế trong thời điểm nhu cầu tín dụng suy giảm.
Tuy nhiên, Thống đốc PBOC Pan Gongsheng đã ra hiệu rằng ông sẵn sàng đóng góp trong nỗ lực chung nhằm phục hồi nền kinh tế đang phải đối mặt với những thách thức tăng trưởng ngày càng gia tăng. Trung Quốc đang trải qua chuỗi giảm phát dài nhất trong thế kỷ này, khiến chi phí vay thực tế vẫn ở mức cao ngay cả khi PBOC cắt giảm lãi suất. Sự trở lại Nhà Trắng của Tổng thống đắc cử Donald Trump có nguy cơ thổi bùng một cuộc chiến tranh thương mại khác có thể khiến mọi thứ trở nên tồi tệ hơn.
Hui Shan, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc tại Goldman Sachs cho biết: "Các biện pháp kích thích tài khóa sẽ cần phải có tác dụng lớn trong việc thúc đẩy nhu cầu vào năm tới…Để chống lại những lực cản tăng trưởng mạnh từ cả nhu cầu trong nước yếu và khả năng tăng thuế quan của Mỹ, chúng tôi cho rằng cần phải nới lỏng vĩ mô đáng kể, bao gồm cả nới lỏng chính sách tiền tệ”.
Các nhà kinh tế đã kêu gọi chính phủ tăng cường vay và chi tiêu và hành động nhiều hơn để ổn định tình trạng suy thoái bất động sản kéo dài.
Các dự đoán về việc cắt giảm lãi suất cho thấy môi trường lãi suất thấp của Trung Quốc có thể sẽ tiếp tục, đây đang là xu hướng được chú ý trên thị trường trái phiếu gần đây. Lợi suất trái phiếu trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm đã giảm xuống dưới 2% lần đầu tiên được ghi nhận trong tuần này, trong khi lợi suất trái phiếu kỳ hạn 30 năm của Trung Quốc giảm xuống dưới mức của Nhật Bản.
Thuế quan
Thuế quan của Mỹ có thể làm trầm trọng thêm tình trạng giảm phát nếu các nhà xuất khẩu gặp khó khăn trong việc tìm kiếm người mua ở nước ngoài và thay vào đó phải bán nhiều sản phẩm hơn trên thị trường trong nước đang trì trệ.
Thước đo rộng nhất về giá cả của Trung Quốc - chỉ số giảm phát GDP - đã ở mức dưới 0 kể từ đầu năm 2023, khiến chi phí đi vay được điều chỉnh theo lạm phát vẫn ở mức cao. Việc cắt giảm lãi suất dự kiến của PBOC có thể giúp giảm bớt gánh nặng cho người tiêu dùng, các công ty và chính quyền địa phương bằng cách tạo điều kiện dễ dàng hơn để tài trợ cho các khoản nợ hiện tại.
Một mối lo ngại đã kìm hãm PBOC không thực hiện các biện pháp cắt giảm mạnh hơn là khả năng dòng vốn tháo chạy nếu khoảng cách lãi suất của Trung Quốc và các nơi khác ngày càng lớn hơn, mặc dù rủi ro đó sẽ giảm nếu Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục cắt giảm lãi suất. Fed đã bắt đầu nới lỏng tiền tệ vào tháng 9 và dự kiến sẽ hạ lãi suất một lần nữa vào cuối tháng này, khi các nhà hoạch định chính sách sẽ đưa ra các dự báo cập nhật cho năm 2025 và sau đó.
Larry Hu, người đứng đầu bộ phận kinh tế Trung Quốc tại Macquarie Group cho biết: "Trung Quốc đang phải đối mặt với rủi ro giảm phát lớn hơn trước và PBOC cần phải ứng phó với rủi ro này… Việc Fed đang trong chu kỳ cắt giảm lãi suất tạo ra nhiều dư địa chính sách hơn cho điều này".
Ông cho biết việc PBOC cắt giảm lãi suất cùng với các chính sách khác để hỗ trợ nhu cầu trong nước có thể bù đắp được mức giảm 0,5 điểm phần trăm dự kiến đối với tăng trưởng của Trung Quốc do thuế quan cao hơn của Mỹ vào năm tới.
Một số nhà phân tích cho rằng PBOC sẽ hành động nhanh hơn nữa vào năm tới. Serena Zhou, nhà kinh tế tại Mizuho Securities dự báo PBOC sẽ cắt giảm lãi suất chính sách cũng như lãi suất cho vay cơ bản 60 điểm cơ bản trong năm tới.