Giá dầu cao đã là một cái gai đối với những quốc gia tiêu thụ dầu hàng đầu thế giới bao gồm Mỹ và Trung Quốc. Chi phí năng lượng cũng là động lực chính của lạm phát trên toàn thế giới và nếu giá dầu ở mức ba con số sẽ gây thêm áp lực lên các ngân hàng trung ương trong việc tăng lãi suất, đe dọa tăng trưởng kinh tế.
Bank of America đã nhắc lại quan điểm của mình rằng giá dầu Brent sẽ tăng lên 120 USD/thùng vào giữa năm 2022, trong khi Morgan Stanley tăng dự báo giá dầu Brent lên 100 USD/thùng vào quý 3 từ mức 90 USD/thùng theo trước đó. Goldman Sachs cũng kỳ vọng giá dầu thô sẽ đạt 100 USD/thùng vào quý 3.
Giá dầu đã tăng lên mức cao nhất trong khoảng 7 năm khi được thúc đẩy bởi tình trạng ngừng hoạt động ở các nước từ Libya đến Nigeria và căng thẳng địa chính trị ở Ukraine và Trung Đông. Sự gián đoạn xảy ra khi áp lực từ nguồn cung sụt giảm đã giảm bớt, với lượng hàng tồn kho thấp trên toàn thế giới và hầu hết các quốc gia đang bơm ra nhiều nhất có thể.
Các nhà phân tích của Morgan Stanley cho biết: “Nếu không có nguồn cung dồi dào hơn nhưng nhu cầu phục hồi mạnh mẽ, giá dầu sẽ cần phải tăng đến mức mà nhu cầu bị phá hủy”.
Các nhà phân tích của Bank of America cho biết để giá dầu giữ được trên 100 USD/thùng thì đồng đô la Mỹ sẽ cần phải yếu đi. Đồng bạc xanh yếu hơn khiến hàng hóa tính bằng đô la Mỹ trở nên rẻ hơn đối với những người nắm giữ các loại tiền tệ khác.
Tuy nhiên, một số người vẫn đang đặt nghi vấn về xu hướng tăng của giá dầu. Sau quý đầu năm nay, các nhà phân tích của Citi cho rằng thị trường dầu mỏ toàn cầu sẽ chuyển sang tình trạng thặng dư cơ cấu trong bảy quý tiếp theo khi tình trạng nguồn cung sụt giảm dần giảm bớt.