Phố Wall cổ vũ năm mới với triển vọng lạc quan

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sau một năm với nhiều yếu tố bất ngờ từ tăng lãi suất, cổ phiếu sụt giảm mạnh nhất kể từ năm 2008..., nhiều giám đốc điều hành đã phát biểu tại cuộc họp thường niên của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) về lý do để lạc quan trong thời gian tới.
Phố Wall cổ vũ năm mới với triển vọng lạc quan

Các chủ ngân hàng từ Mary Erdoes của JPMorgan đến James Gorman của Morgan Stanley và Jane Fraser của Citigroup nằm trong số những người xác định lạm phát sẽ giảm bớt và việc Trung Quốc mở cửa trở lại là cơ sở cho sự lạc quan nhưng ở mức độ thận trọng.

Trong khi sự kiện thường niên này thường bị chế giễu là một chỉ báo ngược cho vận may kinh tế của năm tới, thì kỳ vọng của Phố Wall đã được các nhà lãnh đạo doanh nghiệp và các nhà hoạch định chính sách lặp lại khi diễn đàn lần đầu tiên trở lại bối cảnh truyền thống vào tháng 1 sau ba năm.

Jane Fraser đã trích dẫn sức mạnh của bảng cân đối kế toán của các ngân hàng, người tiêu dùng và các công ty là lý do để đặt cược rằng bất kỳ cuộc suy thoái nào cũng sẽ nhẹ nhàng. James Gorman cho biết, có "bằng chứng rõ ràng" rằng lạm phát đã lên đến đỉnh điểm và cũng hoan nghênh các dấu hiệu cho thấy Trung Quốc đang thực hiện các bước để khôi phục quan hệ với phần còn lại của thế giới.

Các giám đốc tài chính đã dành phần lớn thời gian của năm ngoái để cảnh báo về những thách thức sắp tới, sau đó là những kỳ vọng lạc quan cho năm 2023.

Những thách thức sắp tới như lạm phát vẫn chưa được kiểm soát, lãi suất tiếp tục tăng, tỷ lệ thất nghiệp gia tăng, xung đột kéo dài giữa Nga và Ukraine, thị trường bất động sản chao đảo và có một cuộc chiến gay gắt giữa các nhà lập pháp về trần nợ của Mỹ.

Christopher Willcox, giám đốc ngân hàng Nomura Holdings cho biết: “Những người tham gia đang rất cố gắng để lạc quan về nền kinh tế thế giới. Những người tham gia đang lo lắng về việc bỏ lỡ tiềm năng tăng giá, nhưng tôi không nghĩ họ có đủ niềm tin rằng có thể bỏ qua tất cả những rủi ro hiện hữu”.

Kỳ vọng dựa vào kinh nghiệm

Cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ Lawrence Summers cho biết, ông cũng cảm thấy tích cực hơn về kinh tế trong năm 2023.

“Hạ cánh nhẹ nhàng là chiến thắng dựa vào kinh nghiệm, nhưng đôi khi đó chỉ là chiến thắng kỳ vọng. Các số liệu tốt hơn những gì mà một người như tôi có thể mong đợi”, ông cho biết.

Việc Trung Quốc mở cửa trở lại là động lực chính dẫn đến tâm trạng thay đổi khi Phó Thủ tướng Lưu Hạc tận dụng sân khấu Davos để bày tỏ sự tin tưởng rằng nền kinh tế lớn thứ hai thế giới rất có thể sẽ “quay trở lại xu hướng bình thường” trong năm nay và của các ca nhiễm Covid đã lên đến đỉnh điểm.

Laura Cha, chủ tịch Sở giao dịch chứng khoán Hồng Kông cho biết: “Việc phong tỏa trong ba năm qua đã tạo ra nhu cầu bị dồn nén trong nước, vì vậy tôi sẽ thấy mức tiêu thụ trong nước tăng lên và tất nhiên lĩnh vực sản xuất sẽ tăng trưởng. Tất cả những điều đó sẽ là yếu tố tốt cho tăng trưởng toàn cầu.”

Tăng trưởng kinh tế Đức

Sau một mùa đông ấm áp hơn dự kiến, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết, “hoàn toàn tin tưởng” nền kinh tế lớn nhất châu Âu sẽ tránh được suy thoái trong năm nay.

Tuy nhiên, rất ít người sẵn sàng tỏ ra tích cực hoàn toàn, đặc biệt là khi lạm phát có thể tiếp tục tăng, và điều này có thể buộc các ngân hàng trung ương phải tăng lãi suất nhiều hơn và có nguy cơ đẩy các nền kinh tế vào suy thoái.

Giám đốc điều hành Deutsche Bank AG, Christian Stitch cho biết ông cũng dự đoán một triển vọng tươi sáng, nhưng cảnh báo không nên đánh giá thấp mối nguy hiểm do lạm phát gây ra.

Ngân hàng trung ương

Trong khi đó, thông điệp từ các giám đốc điều hành ngân hàng trung ương tham gia diễn đàn WEF là lãi suất có thể sẽ cao hơn trong thời gian tới.

Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde cho biết: “Lạm phát xét theo mọi khía cạnh, dù nhìn theo cách nào cũng đều quá cao”.

Việc thất nghiệp cũng có thể cản trở bất kỳ sự phục hồi nào, ngay cả khi thị trường lao động nới lỏng hơn có thể giúp làm giảm áp lực giá cả. Chỉ trong tuần này, Microsoft cho biết họ có kế hoạch cắt giảm 10.000 nhân sự và Bank of America đã bắt đầu yêu cầu các giám đốc điều hành tạm dừng tuyển dụng.

Giám đốc điều hành Bank of America, Brian Moynihan cho biết: “Chúng tôi đã vượt qua số lượng nhân viên mục tiêu của mình. Bây giờ chúng tôi có thể làm chậm lại việc tuyển dụng”.

Bob Prince, đồng giám đốc đầu tư của Bridgewater Associates cho biết: “Những gì chúng ta có thể nói là sự sụt giảm tiếp theo phải là sự suy giảm của nền kinh tế, đặc biệt là sự thu hẹp của thị trường lao động”.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng khuyến cáo nên thận trọng khi chuẩn bị điều chỉnh dự báo tăng trưởng toàn cầu trong những tuần tới.

Gita Gopinath, Phó Giám đốc điều hành IMF cho biết, mặc dù nền kinh tế thế giới sẽ cải thiện nhưng năm 2023 vẫn sẽ là “một năm khó khăn”.

Hạc Hiên
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục