Phố Wall bay cao sau quyết định của FED

(ĐTCK) Việc FED chỉ cắt giảm 10 tỷ USD/tháng với gói QE3, nhưng vẫn duy trì chính sách tiền tệ siêu lỏng lẻo giúp Phố Wall bay cao sau ít phút loạng choạng.
Phố Wall tăng vọt sau quyết định của FED - Ảnh: Reuters Phố Wall tăng vọt sau quyết định của FED - Ảnh: Reuters

Phố Wall bay cao sau quyết định của FED: Trong cuộc họp 2 ngày kết thúc vào tối qua theo giờ Việt Nam. Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã quyết định cắt giảm chương trình mua trái phiếu (QE3) từ mức 85 tỷ USD/tháng xuống còn 75 tỷ USD/tháng. Đồng thời, cơ quan này cũng giữ nguyên lãi suất thấp gần bằng 0% như hiện nay và cho biết, lãi suất thấp sẽ được duy trì, thậm chí về 0% cho đến khi tỷ lệ thấp nghiệp xuống dưới 6,5%.

Mức cắt giảm của FED ít hơn rất nhiều so với lo ngại của giới phân tích và nhà đầu tư trước đó. Mức cắt giảm gói QE3 chỉ là 10 tỷ USD/tháng dường như cho muốn khẳng định FED giữ lời hứa, xóa đi hình ảnh bất nhất trong lời nói và hành động trước đây của mình.

Ngay sau thông tin quyết định trên của FED được công bố, các chỉ số chứng khoán Mỹ bắt đầu giảm điểm dù trước đó lình xình trên mốc tham chiếu. Tuy nhiên, sau khi xem xét kỹ lại quyết định, giới đầu tư nhận thấy mức cắt giảm quá nhỏ như thể để giữ lời hứa của FED và đi kèm với đó là cam kết giữ nguyên chính sách tiền tệ siêu lỏng lẻo đến năm 2015, nên họ đổ xô mua vào, đẩy Phố Wall bay cao, lên mức cao nhất ngày.

Mức tăng từ mức thấp nhất lên mức cao nhất của S&P là mạnh nhất trong 2 năm, đóng cửa ở mức cao lịch sử. Trong khi Dow Jones cũng đóng cửa ở mức cao kỷ lục mới trong lịch sử.

Kết thúc phiên 18/12, Dow Jones tăng 292,71 điểm (+1,84%), lên 16.167,97 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 29,65 điểm (+1,66%), lên 1.810,65 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 46,84 điểm (+1,15%), lên 4.070,06 điểm.

Chứng khoán châu Âu tăng mạnh: Triển vọng kinh tế khả quan của Đức, nền kinh tế đầu tàu của châu Âu được công bố trước đó đã giúp chứng khoán châu Âu tăng mạnh trở lại trong phiên 18/12.

Ngoài ra, đà tăng của chứng khoán châu Âu càng được nới rộng hơn vào những phút cuối, khi thông tin bên kia bờ Đại Tây Dương được công bố với việc FED chỉ cắt giảm nhẹ gói QE3 từ 85 tỷ USD/tháng xuống 75 tỷ USD/tháng và giữ nguyên chính sách tiền tệ lỏng lẻo để hỗ trợ kinh tế.

Kết thúc phiên 18/12, chỉ số FTSE 100 của Anh tăng 5,89 điểm (+0,09%), lên 6.492,08 điểm. Chỉ số DAX của Đức tăng 96,63 điểm (+1,06%), lên 9.181,75 điểm. Chỉ số CAC 40 của Pháp tăng 40,87 điểm (+1,00%), lên 4.109,51 điểm.

Chứng khoán châu Á tiếp tục hồi: Thị trường chứng khoán Nhật Bản dù rung lắc nhẹ lúc mở cửa phiên giao dịch ngày 18/12, nhưng nhanh chóng lấy lại cân bằng và tăng vọt trở lại sau đó. Chứng khoán Hồng Kông cũng hồi phục trở lại sau chuỗi phiên giảm điểm liên tiếp theo chứng khoán Trung Quốc. Trong khi chứng khoán Trung Quốc vẫn giảm điểm bởi dữ liệu kinh tế khả quan được công bố trước đó.

Kết thúc phiên 18/12, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản tăng 309,17 điểm (+2,02%), đạt 15.587,8 điểm. Chỉ số Hang Seng của Hồng Kông tăng 74,59 điểm (+0,32%), lên 23.143,82 điểm. Chỉ số Shanghai Composite của Trung Quốc giảm 2,79 điểm (-0,13%), xuống 2.148,29 điểm.

Giá vàng giảm mạnh: Đi ngang trong suốt thời gian giao dịch của phiên châu Á, châu Âu, giá vàng dần hồi trở lại trong đầu phiên Mỹ. Tuy nhiên, ngay sau khi thông tin FED quyết định “tỉa” bớt gói QE3 đi 10 tỷ USD/tháng, giá kim loại quý này đột ngột đổ dốc, giảm 25 USD/ounce, từ trên mức 1.240 USD/ounce, xuống sát 1.215 USD/ounce. Về cuối phiêu, khi nhà đầu tư trấn tĩnh lại, cùng với đà tăng của thị trường chứng khoán, lực mua vàng cũng tăng lên, giúp giá kim loại quý này hồi phục trở lại và hãm bớt đà giảm.

Kết thúc phiên 18/12, giá vàng giao ngay trên sàn New York giảm 12,4 USD/ounce (-1,01%), xuống 1.218,7 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 2/2014 tăng 4,9 USD (+0,4%), lên 1.235,0 USD/ounce. Tuy nhiên, ngay khi bước vào phiên châu Á sáng nay, giá vàng giao tháng 2/2014 đã giảm mạnh gần 12 USD, xuống sát 1.223 USD/ounce.

Giá dầu trái chiều: Trong khi giá dầu thô trên thị trường Mỹ hồi phục trở lại, thì giá dầu Brent tiếp tục giảm mạnh. Giá dầu tăng bất chấp đồng USD tăng giá là do nhà đầu tư dự đoán, việc FED chỉ cắt giảm nhẹ gói QE3 và duy trì chính sách tiền tệ lỏng lẻo, cùng với các chính sách tiền tệ và kích thích kinh tế của các ngân hàng Trung ương lớn khác như châu Âu, Nhật Bản, có nghĩa các quốc gia vẫn lựa chọn tăng trưởng kinh tế. Do đó, giá dầu được hỗ trợ khi kinh tế được kích thích tăng trưởng.

Kết thúc phiên 18/12, giá dầu thô tại thị trường New York tăng 0,84 USD (+0,86%), lên 98,06 USD/thùng. Giá dầu Brent giảm 1,98 USD (-1,81%), xuống 107,43 USD/thùng.

 

T.Lê tổng hợp
T.Lê tổng hợp

Tin cùng chuyên mục