Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2020 hôm 3/11 đã diễn ra nhưng những tranh cãi về kết quả cuối cùng vẫn chưa ngã ngũ. Trong khi ông Joe Biden được các hãng truyền thông gọi là “Tổng thống đắc cử”, phía ông Trump vẫn không chấp nhận thua cuộc và nộp đơn kiện tại các bang chiến địa nhằm đảo ngược tình thế.
Trong trường hợp cuộc chiến pháp lý nói trên thất bại, ông Pence, cựu Thống đốc Indiana, sẽ rời Nhà Trắng vào đầu năm tới. Là một người có tham vọng hướng tới ghế tổng thống từ năm 16 tuổi, ông Pence, 61 tuổi, khi đó sẽ phải cân nhắc kế hoạch kế tiếp. Một trong những lựa chọn của ông là trở về làm công việc cũ - một người dẫn chương trình phát thanh có quan điểm bảo thủ - để duy trì tiếng nói ở đảng Cộng hòa.
“Tôi nghĩ ông ấy sẽ muốn tiếp tục liên quan tới đảng Cộng hòa và ông ấy có thể làm công việc phát thanh”, Michael D’Antonio - đồng tác giả một cuốn sách viết về ông Pence, nhận định.
Trong những năm 1990, ông Pence từng là người dẫn chương trình có quan điểm bảo thủ và ông đã tận dụng điều này làm nền tảng cho sự nghiệp chính trị sau đó. Ông phục vụ 6 nhiệm kỳ trong Hạ viện Mỹ rồi đắc cử Thống đốc Indiana vào năm 2012, trước khi tham gia liên danh tranh cử với ông Trump vào năm 2016 và trở thành Phó tổng thống Mỹ từ đó tới nay.
Sau cuộc bầu cử, ông Pence đã bày tỏ sự ủng hộ với cuộc chiến pháp lý của ông Trump và nhấn mạnh mọi chuyện vẫn chưa kết thúc, đồng thời kêu gọi nỗ lực không ngừng chiến đấu cho tới khi “mọi lá phiếu hợp lệ được kiểm đếm”.
Tuy nhiên, sau đó, ông Pence trở nên im lặng khi báo chí bắt đầu tiếp cận ông và hỏi hàng loạt câu hỏi liên quan tới cuộc chiến pháp lý. Có thông tin rằng ông Pence và gia đình được cho lên kế hoạch đi du lịch vào thời điểm này - động thái mà giới quan sát cho rằng ông Pence có thể muốn tách mình để không liên quan quá sâu vào những tranh cãi nói trên.
Ông Pence là nhân vật ôn hòa, được yêy thích trong chính quyền Trump (Ảnh: AFP) |
Các chuyên gia nhận định cách tiếp cận trên được xem là đặc điểm nổi bật của nhiệm kỳ phó tổng thống của ông Pence khi ông vừa tỏ ra trung thành với ông Trump, nhưng vẫn cố gắng tách mình ra khỏi những khoảnh khắc có thể gây tổn hại về mặt chính trị. Ví dụ, ông Pence là người đứng đầu lực lượng chống Covid-19 của Nhà Trắng nhưng ông Trump lại nhà nhân vật hứng nhiều chỉ trích nhất khi tình hình dịch bệnh ở Mỹ diễn biến phức tạp, theo Guardian.
Kết quả của cuộc bầu cử hôm 3/11 được xem không ảnh hưởng tới hy vọng ra tranh cử năm 2024 của ông Pence. Trong trường hợp thua cuộc, ông Pence cũng là phó tổng thống nhận được nhiều phiếu nhất trong lịch sử bầu cử Mỹ với trên 70 triệu phiếu phổ thông. Trừ khi ông Trump muốn ra tranh cử tiếp vào năm 2024, giới quan sát cho rằng ông Pence hoàn toàn có thể cân nhắc tới cuộc đua vào Nhà Trắng.
Ông D’Antonio cho rằng ông Pence có thể vẫn giữ nguyên niềm tin của ông về mặt tôn giáo và chính trị nhưng có thể khắc họa bản thân là phiên bản nhẹ nhàng và điềm tĩnh hơn của ông Trump và điều này có thể giúp ông mở ra cơ hội để có thể trở thành "ông chủ" Nhà Trắng.