Phó tổng giám đốc VAMC: Sẽ mua 2.000 tỷ đồng nợ xấu theo giá thị trường

Ông Đoàn Văn Thắng, Phó Tổng giám đốc Công ty Quản lý Tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) kỳ vọng, tới đây sẽ xuất hiện nhiều doanh nghiệp có chức năng mua bán nợ, giúp thị trường sôi động hơn. Riêng trong năm nay, VAMC xây dựng kế hoạch mua 2.000 tỷ đồng nợ theo giá thị trường.      
Ông Đoàn Văn Thắng, Phó tổng giám đốc VAMC Ông Đoàn Văn Thắng, Phó tổng giám đốc VAMC

Theo số liệu mới nhất được NHNN công bố, nợ xấu đang giảm đáng kể. Cụ thể, đến cuối tháng 6/2016, tỷ lệ nợ xấu của toàn hệ thống là 2,58%, giảm so với mức 2,78% vào tháng 5/2016. Theo số liệu do các TCTD và VAMC báo cáo, tổng các khoản nợ xấu được xử lý trong 6 tháng đầu năm 2016 đạt 59,71 nghìn tỷ đồng (giảm 14,55% so với cùng kỳ năm trước). Trong đó, bán nợ cho VAMC (8,88 nghìn tỷ đồng), khách hàng trả nợ (30,98 nghìn tỷ đồng), sử dụng dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu (7,24 nghìn tỷ đồng).

Ông Đoàn Văn Thắng cho hay, lũy kế từ khi thành lập đến nay, VAMC đã mua được 251.000 tỷ đồng nợ xấu. Riêng 6 tháng đầu năm 2016, tỷ lệ nợ xấu của toàn hệ thống là 2,58%, giảm so với mức 2,78% vào cuối tháng 5/2016. Hiện VAMC vẫn đang nỗ lực giải quyết nợ xấu và lũy kế đến nay thu hồi được khoảng 34 nghìn tỷ đồng, tương ứng khoảng 15% khối lượng nợ mua vào. Tốc độ thu hồi nợ luôn tăng qua từng năm. Nếu như năm 2014, VAMC chỉ thu được 5 nghìn tỷ đồng, thì đến năm 2015 đã thu được 12 nghìn tỷ đồng và cập nhật đến thời điểm này của năm 2016 thì đã thu được 11 nghìn tỷ đồng. Theo kế hoạch của VAMC năm 2015 và 2016, VAMC sẽ xử lý được 30 nghìn tỷ đồng nợ xấu.

“Trên thực tiễn, tốc độ thu hồi nợ thường tăng mạnh những tháng cuối năm. Do đó, khả năng 2015-2016 VAMC sẽ thu hồi được 30 nghìn tỷ đồng nợ xấu”, ông Thắng nói.

Khẳng định việc thu hồi nợ là khả quan so với kế hoạch đặt ra ban đầu song lãnh đạo của VAMC cũng thừa nhận việc mua bán nợ xấu hiện còn khó khăn và vướng nhất là từ hành lang pháp lý cho thị trường mua bán nợ. Bởi vì ví dụ như việc bán nợ xấu của các doanh nghiệp nhà nước thì theo các quy định hiện hành, VAMC chỉ được phép bán nợ xấu cho các đơn vị có chức năng mua bán nợ xấu. Điều này hạn chế khá nhiều, hoạt động bán nợ xấu ra thị trường của VAMC.

Hiện tại, thị trường mua nợ nợ xấu của Việt Nam chỉ có rất ít đơn vị tham gia, bao gồm VAMC, DATC  và 28 AMC của các TCTD – vốn có nguồn lực rất mỏng. Nói cách khác, lực lượng mua nợ trên thị trường chủ yếu là VAMC và DATC. Do đó, ông Thắng kỳ vọng, việc Chính phủ vừa ban hành Nghị định 69 sẽ giúp hoạt động mua bán nợ thời gian tới sôi động hơn, nhờ nhiều doanh nghiệp có chức năng mua bán nợ xuất hiện. “Còn với tình hình thị trường như hiện nay, chúng tôi mua nợ nhưng bán rất khó”, ông Thắng thừa nhận.

Được biết, năm nay, VAMC xây dựng kế hoạch mua nợ theo giá thị trường 2.000 tỷ đồng và hiện đang lên kế hoạch làm việc với từng TCTD đăng ký bán nợ cho VAMC theo giá thị trường.


baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục