Phó tổng giám đốc Quản lý Quỹ Rồng Việt: Nhà đầu tư cá nhân nhìn vào nội tại từng doanh nghiệp để lựa chọn cơ hội

(ĐTCK) “Cẩn trọng trong lựa chọn các cơ hội đầu tư, thay vì nhìn định giá chung thì nhìn từng nhóm ngành, nhìn từng cổ phiếu có câu chuyện có tiềm năng tăng trưởng và doanh thu”, bà Đặng Thị Lan Hương, Phó tổng giám đốc Công ty quản lý Quỹ Rồng Việt tư vấn.

Nhà đầu tư cá nhân nên chuẩn bị gì để tận dụng cơ hội trong giai đoạn Trump 2.0 là câu hỏi bức thiết mà bà Đặng Thị Lan Hương, Phó tổng giám đốc Công ty quản lý Quỹ Rồng Việt đưa ra tư vấn thiết thực trong chương trình Market Talk do Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt tổ chức với chủ đề “Kinh tế toàn cầu dưới thời Trump 2.0 và triển vọng tăng trưởng cho VN-Index”.

Bà Đặng Thị Lan Hương, Phó tổng giám đốc Công ty quản lý Quỹ Rồng Việt

Theo bà Hương, hiện các thị trường mới nổi không còn hấp dẫn bằng các thị trường phát triển do tỷ giá tăng và chênh lệch lãi suất, nên dòng vốn có xu hướng dịch chuyển về Mỹ và Nhật Bản từ đầu năm 2024, đặc biệt mạnh mẽ hơn sau khi bước vào giai đoạn "Trump 2.0". Điều này được giải thích là các công ty dẫn đầu xu thế đều tập trung ở Mỹ.

Việc dòng tiền dịch chuyển về Mỹ giúp các chỉ số chứng khoán Mỹ đều tăng mạnh, thậm chí còn có một số ý kiến cho rằng các chỉ số này tăng ảo. Tuy nhiên, khi nhìn định giá các công ty hàng đầu ở Mỹ thì có thể thấy mức giá đều ở mức hợp lý nhờ tăng trưởng lợi nhuận, và xu hướng này tiếp tục trong năm 2025.

Theo bà Hương, với xu thế tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp của Mỹ vẫn tiếp tục, cộng thêm xu hướng cắt giảm lãi suất, dù tần suất và mức độ chậm hơn kỳ vọng của đa số nhà đầu tư, thì các nền kinh tế khác vẫn có sự hưởng lợi nhất định, trong đó có Việt Nam. Bởi sự phục hồi của nền kinh tế lớn sẽ tác động đến các nền kinh tế khác thông qua chuỗi cung ứng toàn cầu.

Bà Hương cho biết, các nhà đầu tư Việt Nam không nhiều lựa chọn như nhà đầu tư quốc tế, mà chủ yếu dựa vào điểm tựa đầu tư là nội tại các doanh nghiệp. Tuy nhiên, điểm sáng là xu hướng phục hồi doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp niêm yết đã diễn ra trong 2024 và tiếp tục trong năm 2025.

Các nhóm ngành có sự tăng trưởng lợi nhuận tập trung vào dịch vụ tài chính, còn nhóm ngành sản xuất phục hồi rõ ràng hơn quý III và quý IV năm nay, đặc biệt nhóm ngành công nghệ.

Vàng đang là một kênh đầu tư cạnh tranh

Trong bối cảnh các nước khác cũng đang cạnh tranh thu hút nguồn vốn đầu tư quốc tế, bà Hương kỳ vọng, giải ngân đầu tư công của Chính phủ và chính sách quyết liệt trong đảm bảo môi trường đầu tư, kinh doanh của Chính phủ sẽ thu hút vốn nước ngoài nếu có làn sóng dịch chuyển dòng vốn khỏi Trung Quốc dưới tác động chính sách thuế của Mỹ.

"Những nhóm ngành hưởng lợi từ sự dịch chuyển vốn đó là ngành truyền thống lâu đời như dệt may, gỗ. Hợp lý hơn là nhóm ngành liên quan công nghệ, truyền thông, AI, chất bán dẫn", bà Hương nhận định.

Cũng theo bà Hương, các doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi ứng toàn cầu được hưởng lợi trực tiếp từ sự dịch chuyển vốn đầu tư, nhưng sự dịch chuyển các chuỗi cung ứng không thể xảy ra trong thời gian ngắn được. Ngành nhộn nhịp lên trong giao thương của Việt Nam với thế giới là bất động sản khu công nghiệp và logistic.

Bà Hương cho rằng, giai đoạn tới, nhà đầu tư cá nhân cần cẩn trọng trong lựa chọn các cơ hội đầu tư, thay vì nhìn định giá chung thì nhìn từng nhóm ngành, nhìn từng cổ phiếu có câu chuyện có tiềm năng tăng trưởng và doanh thu.

Trong ngắn hạn có nhiều yếu tố làm cho thị trường chứng khoán không hấp dẫn như thanh khoản giảm, tỷ giá tăng, bán ròng của khối ngoại, nhưng khi tất cả đều nhìn về hướng tiêu cực thì có khi không còn đáng sợ nữa, nhà đầu tư sẽ bình tĩnh để nhìn lại.

“Vì vậy, thời gian tới sẽ là cơ hội tích lũy cổ phiếu vào những thời điểm thị trường giảm. Không có lý do rõ ràng hay là những tin tức từ chính sách của chính quyền ông Trump làm thị trường lo sợ”, bà Hương gợi ý.

Thu Hương

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục