Viet Capital Bank vượt “bão” Covid-19 thứ 4 ra sao để đẩy mạnh tăng trưởng hoạt động trong thời kỳ “bình thường mới”?
Làn sóng Covid-19 lần thứ 4 bùng phát mạnh mẽ đã khiến toàn bộ hoạt động kinh tế - xã hội bị ảnh hưởng nghiêm trọng và ngành ngân hàng cũng không nằm ngoài vòng xoáy của “cơn bão” này. Với Viet Capital Bank, những năm qua, chúng tôi đã củng cố nền tảng vững chắc bằng cách xây dựng vững vàng các trụ cột, từ con người, vận hành kinh doanh tới quản trị doanh nghiệp, tất cả đều hướng đến sự bền vững lâu dài.
Bên cạnh đó, trong giai đoạn dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát, Viet Capital Bank cũng linh hoạt, chủ động thích ứng, bắt nhịp nhanh những đổi mới của thị trường, nỗ lực tối ưu hóa chi phí hoạt động, tăng trưởng tín dụng hợp lý, đặc biệt đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ cũng như đồng hành cùng khách hàng ứng phó tác động của Covid.
Cùng với các hoạt động hướng đến khách hàng, việc đảm bảo tốt nhất về điều kiện làm việc và sức khỏe của nhân viên trong mùa dịch cũng được Ngân hàng hết sức chú trọng.
Trong quý IV2021, quán triệt chỉ đạo chung của Ngân hàng Nhà nước, Viet Capital Bank đã ưu tiên nguồn lực để tiếp tục cơ cấu lại nợ, miễn giảm phí, giảm lãi suất cho vay các nhóm ngành kinh tế ưu tiên…, đồng thời đẩy mạnh trích lập dự phòng toàn bộ danh mục tín dụng của khách hàng được cơ cấu nợ.
Theo đó, Viet Capital Bank đã hỗ trợ kịp thời cho 10.000 khách hàng cá nhân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng dịch với tổng dư nợ 8.000 tỷ đồng.
Kết thúc năm tài chính 2021, tổng thu nhập của Ngân hàng đạt gần 1.700 tỷ đồng, tăng 20% so với năm 2020. Trong đó, thu nhập từ lãi thuần đạt hơn 1.400 tỷ đồng, tăng 30% chủ yếu từ việc giảm chi phí vốn; lãi thuần từ hoạt động dịch vụ tăng 28% nhờ đẩy mạnh hoạt động phát hành thẻ, dịch vụ bảo hiểm và thanh toán. Lợi nhuận đạt 311 tỷ đồng, vượt 7% so với kế hoạch đề ra chủ yếu đến từ tăng trưởng quy mô tài sản và tín dụng, thu nhập từ xử lý nợ và quản lý chặt chẽ chi phí hoạt động.
Tính đến 31/12/2021, tổng tài sản của Ngân hàng đạt gần 76.600 tỷ đồng, tăng 25% so với năm 2020 và vượt kế hoạch đặt ra. Tổng huy động vốn đạt hơn 70.000 tỷ đồng và dư nợ tín dụng đạt hơn 46.000 tỷ đồng, tăng lần lượt 20% và 16%. Nợ xấu tính đến hết năm 2021 là 2,5%, giảm đáng kể so với mức 2,93% vào cuối quý III/2021 và nằm trong mức cho phép của Ngân hàng Nhà nước.
Đặc biệt, hoạt động ngân hàng số ghi nhận sự phát triển vượt bậc, số lượng và giá trị giao dịch qua kênh ngân hàng điện tử năm 2021 của Viet Capital Bank tăng 3 lần so với năm 2020. Tổng số lượng khách hàng mới tăng trưởng 60%.
Với kết quả đó, Viet Capital Bank có tham vọng gì trong năm 2022?
Năm 2022, trên cơ sở đánh giá sự hồi phục của nền kinh tế và tiềm lực của mình, Viet Capital Bank tiếp tục bám sát định hướng “tăng trưởng - bền vững - chất lượng” với các mục tiêu: (1) Tăng tốc để bù đắp những thời điểm bị ảnh hưởng bởi Covid; (2) đẩy nhanh tốc độ dịch chuyển sang phân khúc khách hàng nhỏ lẻ, doanh nghiệp vừa và nhỏ, (3) tiếp tục đẩy mạnh lộ trình số hóa với mục tiêu ngân hàng số sẽ là kênh trọng yếu, dần thay thế kênh truyền thống.
Theo đó, Viet Capital Bank đặt mục tiêu tổng tài sản đạt 97.000 tỷ đồng, tăng 27% so với năm 2021; tổng huy động và dư nợ cấp tín dụng đạt lần lượt 71.200 tỷ đồng và 53.400 tỷ đồng, tăng trưởng tương ứng 28% và 15%; lợi nhuận trước thuế đạt 450 tỷ đồng, tăng trưởng 44%.
Nợ xấu ngành ngân hàng được dự báo sẽ gia tăng từ năm 2022, khi các khoản nợ tái cơ cấu sẽ kết thúc vào tháng 6. Viet Capital Bank có giải pháp nào để kiểm soát nợ xấu trong năm nay?
Hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp dần hồi phục kể từ quý IV/2021, sức hấp thụ vốn của nền kinh tế cải thiện đã đẩy tín dụng của ngành tăng trưởng ngay quý I/2022, song điều đó không có nghĩa là sức khỏe của doanh nghiệp hoàn toàn hồi phục như trước dịch.
Hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp dần hồi phục kể từ quý IV/2021, sức hấp thụ vốn của nền kinh tế cải thiện đã đẩy tín dụng của ngành tăng trưởng ngay quý I/2022, song điều đó không có nghĩa là sức khỏe của doanh nghiệp hoàn toàn hồi phục như trước dịch.
Dẫu vậy, sự hỗ trợ không thể kéo dài mãi, Ngân hàng Nhà nước phải đặt ra một mốc thời gian và đây được xem là mục tiêu, là thách thức để doanh nghiệp phấn đấu hoàn tất các khoản nợ được tái cơ cấu trước tháng 6/2022.
Trong hơn 2 năm bị ảnh hưởng dịch Covid-19, Viet Capital Bank không chỉ áp dụng một biện pháp cơ cấu nợ theo các thông tư của Ngân hàng Nhà nước, mà thực hiện đồng thời nhiều biện pháp khác để cùng đồng hành với khách hàng, trong đó có hỗ trợ lãi suất và tiếp tục cấp tín dụng trên cơ sở dòng tiền mới của khách hàng.
Điều này đảm bảo việc cơ cấu nợ và hỗ trợ theo chính sách của Ngân hàng Nhà nước đi đúng vào phân khúc khách hàng thực sự còn khả năng kinh doanh và có khả năng phục hồi sau dịch.
Đối với các khách hàng được cơ cấu nợ và đến hạn trong năm 2022, Viet Capital Bank chủ động đánh giá từng khách hàng và thiết kế giải pháp phù hợp với tình hình tài chính, khả năng phục hồi hoạt động sản xuất - kinh doanh nói chung và khả năng trả nợ nói riêng như tái cấp vốn, cấp tín dụng tăng thêm hoặc cấp mới đối với các khách hàng có khả năng phục hồi để khách hàng chủ động khôi phục hoạt động kinh doanh, nâng cao năng lực trả nợ.
Với chính sách đúng đắn trong việc hỗ trợ phục hồi nền kinh tế của Chính phủ, chúng tôi cho rằng, đa phần khách hàng được cơ cấu nợ sẽ hồi phục hoạt động kinh doanh từ quý I/2022, từ đó đảm bảo được khả năng trả nợ cho ngân hàng. Về phần mình, Viet Capital Bank sẽ tiếp tục duy trì các chương trình ưu đãi để cùng đồng hành với khách hàng trong quá trình phát triển.
Nền kinh tế tăng trưởng, cầu vốn của khách hàng cũng đi lên. Ông nhận định như thế nào về xu hướng lãi suất cũng như tăng trưởng tín dụng từ nay đến hết năm 2022?
Hoạt động giao thương trở lại bình thường, kinh tế tăng trưởng sẽ kéo tín dụng tăng theo bởi tín dụng ngân hàng vốn được xem là “huyết mạch của nền kinh tế”. Mục tiêu tăng trưởng tín dụng ngành ngân hàng đặt ra cho năm 2022 ở mức 14% và được đánh giá là khả thi, nhất là khi mặt bằng lãi suất cho vay đang ổn định ở mức thấp như hiện nay.
Mặt bằng lãi vay ổn định và khả năng chưa tăng trong thời gian tới sẽ là điều kiện tích cực để tăng trưởng cho vay. Tuy nhiên, trước áp lực lạm phát và từ các kênh đầu tư khác gia tăng, lãi suất tiết kiệm có xu hướng nhích dần lên, từ đó tác động đến chi phí đầu vào của khách hàng, cho dù lãi vay được cho là khó có thể tăng mạnh trong thời gian tới.